Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao đương đầu với bi kịch?

Làm sao đương đầu với bi kịch?

 Bất cứ người nào cũng có thể gặp bi kịch. Kinh Thánh nói: “Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận... vì thời-thế và cơ-hội [“chuyện bất trắc”, NW] xảy đến cho mọi người” (Truyền-đạo 9:11). Giới trẻ cũng không tránh được bi kịch. Làm thế nào họ có thể đương đầu với bi kịch? Hãy xem hai trường hợp.

 REBEKAH

 Cha mẹ ly dị khi tôi 14 tuổi.

 Tôi dối lòng rằng chuyện ba mẹ tôi ly dị không xảy ra. Ba chỉ cần thêm chút thời gian để ở một mình. Ba yêu mẹ tôi lắm, tại sao ba lại rời xa mẹ? Tại sao ba rời xa tôi?

 Rất khó để tôi chia sẻ những điều này với bất cứ ai. Tôi không muốn nghĩ đến. Tôi tức giận dù đôi khi không nhận ra. Tôi bắt đầu mắc chứng lo âu và khó ngủ.

 Khi tôi 19 tuổi, mẹ tôi mất vì bệnh ung thư. Bà là người bạn thân nhất của tôi.

 Nếu việc ba mẹ ly dị khiến tôi hoang mang, thì cái chết của mẹ khiến tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi vẫn chưa nguôi ngoai. Tôi càng mất ngủ hơn và vẫn còn lo lắng.

 Cùng thời điểm này, tôi tìm được nhiều điều mang lại lợi ích cho mình. Chẳng hạn, Châm-ngôn 18:1 cảnh báo chúng ta đừng nên tự cô lập mình nên tôi đã cố gắng làm theo lời khuyên này.

 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi cố gắng đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực đã giúp tôi đương đầu với khoảng thời gian ba mẹ ly dị. Đặc biệt tôi nhớ đến một chương trong Tập 2 có nhiều lời khuyên hữu ích về việc làm thế nào để sống hạnh phúc trong một gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

 Một trong những câu Kinh Thánh giúp tôi đương đầu với nỗi lo lắng là Ma-thi-ơ 6:25-34. Trong câu 27, Chúa Giê-su hỏi: “Có ai trong anh em lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không?”.

 Ai trong chúng ta cũng gặp chuyện bất trắc, nhưng qua gương của mẹ, tôi nhận ra rằng cách chúng ta đương đầu với những thử thách ấy là điều quan trọng. Mẹ đã trải qua nhiều gian nan, ly dị và mắc bệnh nan y. Dù vậy mẹ vẫn giữ thái độ tích cực và đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời cho đến cuối cùng. Tôi không bao giờ quên những điều mẹ đã dạy tôi về Đức Giê-hô-va.

 Hãy thử nghĩ: Làm thế nào việc đọc Kinh Thánh những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh giúp bạn đương đầu với bi kịch?​—Thi-thiên 94:19.

 CORDELL

 Năm 17 tuổi, tôi chứng kiến cảnh ba trút hơi thở cuối cùng. Việc ba qua đời là nỗi mất mát lớn nhất trong đời tôi. Tôi vô cùng tuyệt vọng.

 Tôi cảm giác ba chưa thật sự chết, người bị phủ tấm khăn lên không phải là ba tôi. Tôi tự nhủ ngày mai ba sẽ thức dậy. Tôi cảm thấy trống rỗng và mất phương hướng.

 Gia đình tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va, và hội thánh đã hỗ trợ rất nhiều khi ba tôi qua đời. Họ nấu cho chúng tôi ăn, đề nghị ở lại với chúng tôi và gắn bó với chúng tôi, không chỉ một chút nhưng lâu dài. Đối với tôi, sự hỗ trợ của họ là bằng chứng cho thấy Nhân Chứng Giê-hô-va là những tín đồ chân chính.​—Giăng 13:35.

 Một câu Kinh Thánh đã thật sự khích lệ tôi là 2 Cô-rinh-tô 4:17, 18. Câu này nói: “Hoạn nạn chúng ta chịu là tạm thời và nhẹ, nhưng giúp chúng ta có sự vinh hiển ngày càng lớn lao, tồn tại mãi; trong thời gian đó, chúng ta chú tâm vào những điều không thấy được, chứ không phải những điều thấy được. Bởi những gì thấy được là tạm thời, còn những gì không thấy được thì tồn tại mãi”.

 Tôi rất ấn tượng khi đọc câu cuối cùng. Nỗi đau khổ của ba tôi chỉ là tạm thời, nhưng lời hứa của Đức Chúa Trời trong tương lai thì tồn tại mãi. Cái chết của ba đã cho tôi cơ hội để suy ngẫm cách mình tận dụng đời sống và điều chỉnh mục tiêu.

 Hãy thử nghĩ: Làm thế nào bi kịch của bản thân giúp bạn suy nghĩ lại những mục tiêu trong đời?​—1 Giăng 2:17.