Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Tại sao mình nên xin lỗi?

Tại sao mình nên xin lỗi?

 Bạn sẽ làm gì trong những tình huống sau?

  1.   Bạn bị thầy cô la vì nghịch ngợm trong lớp.

     Bạn có nên xin lỗi thầy cô không—ngay cả khi bạn nghĩ rằng họ hơi quá đáng?

  2.   Một bạn khác nghe là bạn đã nói một điều xúc phạm về cô ấy.

     Bạn có nên xin lỗi bạn ấy không—ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình chỉ có sao nói vậy?

  3.   Bạn nổi nóng với ba và trả treo với ông ấy.

     Bạn có nên xin lỗi ba không—ngay cả khi bạn nghĩ rằng chính ba đã chọc điên mình?

 Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên là có. Nhưng tại sao phải nói lời xin lỗi ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn không hoàn toàn sai?

 Tại sao xin lỗi?

  •   Xin lỗi cho thấy sự trưởng thành. Khi chịu trách nhiệm về những gì mình nói hoặc làm, bạn cho thấy mình đang xây dựng những đức tính cần thiết để vào đời.

     “Tính khiêm nhường và kiên nhẫn có thể giúp chúng ta nói lời xin lỗi và rồi lắng nghe những gì người kia muốn nói”.—Rachel.

  •   Xin lỗi giúp làm hòa. Người nói lời xin lỗi cho thấy họ quan tâm đến việc làm hòa hơn là chứng tỏ mình đúng và người kia sai.

     “Ngay cả khi bạn nghĩ mình không có lỗi thì cũng nên ưu tiên cho việc làm hòa. Nói xin lỗi chẳng mất mát gì mà còn giữ được tình bạn”.—Miriam.

  •   Xin lỗi giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Khi bạn nói hoặc làm điều gì đó khiến người khác tổn thương, cảm giác hối hận sẽ đè nặng trong lòng. Nhưng khi nói lời xin lỗi, bạn sẽ trút bỏ được gánh nặng ấy. a

     “Có những lúc mình nói hỗn với ba mẹ. Mình cảm thấy buồn, mà sao khó mở miệng nói xin lỗi. Nhưng khi nói xin lỗi rồi, mình luôn cảm thấy thoải mái hơn, vì không khí trong gia đình được bình an trở lại”.—Nia.

    Cảm giác hối hận giống như một gánh nặng. Một khi đã xin lỗi, bạn không còn phải mang gánh nặng đó nữa

 Có cần nỗ lực để nói lời xin lỗi không? Có! Dena, một bạn nữ đã phải xin lỗi nhiều lần vì nói hỗn với mẹ, thừa nhận: “Không dễ để nói lời xin lỗi. Có gì đó như nghẹn lại trong cổ họng và mình không thể mở miệng!”.

 Nói lời xin lỗi—Như thế nào?

  •   Nếu được, hãy gặp mặt xin lỗi. Khi gặp mặt xin lỗi thì người kia có thể thấy được là bạn thật lòng hối hận. Trái lại, xin lỗi bằng tin nhắn có vẻ không chân thành lắm. Ngay cả khi bạn gửi kèm hình mặt buồn thì chúng cũng không thể truyền tải được hết cảm xúc và sự chân thành.

     Mẹo: Nếu không thể gặp mặt xin lỗi thì hãy xem thử bạn có thể gọi điện hoặc viết thiệp hay không. Dù bạn chọn cách nào đi nữa thì cũng hãy nhớ nói sao cho khéo.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Lòng người công chính suy ngẫm trước khi đáp”.—Châm ngôn 15:28.

  •   Hãy nhanh chóng xin lỗi. Vấn đề càng để lâu thì có thể càng nghiêm trọng hơn và mọi chuyện giữa bạn với người bị tổn thương sẽ càng trở nên ngại ngùng.

     Mẹo: Hãy đặt mục tiêu—chẳng hạn như “hôm nay mình sẽ xin lỗi”. Hãy chọn thời điểm tốt nhất để xin lỗi rồi quyết tâm thực hiện.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy nhanh chóng dàn xếp vấn đề”.—Ma-thi-ơ 5:25.

  •   Hãy xin lỗi một cách chân thành. Nói “Nếu bạn cảm thấy như vậy thì mình xin lỗi” không phải là xin lỗi! Một bạn nữ tên Janelle nói: “Người bị bạn làm tổn thương thường sẽ tôn trọng bạn hơn nếu thấy bạn chịu trách nhiệm về những gì bạn làm”.

     Mẹo: Đừng ra điều kiện khi xin lỗi. Chẳng hạn, đừng nói: “Mình sẽ xin lỗi nếu bạn xin lỗi”.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy theo đuổi những điều đem lại sự hòa thuận”.—Rô-ma 14:19.

a Nếu làm mất hoặc làm hư đồ của người khác, tốt nhất là bạn nên xin lỗi và đồng thời cũng đền bù cho họ.