Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao để tập trung?

Làm sao để tập trung?

 Sao mình không thể tập trung?

 “Mình không đọc sách nhiều như hồi trước nữa. Thậm chí giờ mình còn không thích đọc những đoạn văn dài”.—Elaine.

 “Mình sẽ bấm tua qua một đoạn video nếu mình thấy nó cứ rề rà”.—Miranda.

 “Khi mình đang tập trung vào một việc quan trọng và điện thoại báo có tin nhắn thì trong đầu mình chỉ nghĩ ‘Ai nhắn cho mình đây?’”.—Jane.

 Công nghệ có làm cho người ta khó tập trung hơn không? Một số người nói là có. Một tác giả kiêm chuyên viên tư vấn quản lý tên là Nicholas Carr đã viết: “Chúng ta sử dụng Internet càng nhiều thì sẽ càng khiến cho bộ não khó tập trung hơn, bởi vì mình đang tập cho bộ não xử lý thông tin rất nhanh, rất hiệu quả, nhưng thiếu sự tập trung lâu dài”. a

 Hãy xem xét ba khía cạnh mà công nghệ có thể khiến bạn mất tập trung.

  •   Khi nói chuyện. Một bạn nữ tên là Maria quan sát thấy: “Ngay cả khi nói chuyện trực tiếp với nhau thì người ta cũng nhắn tin hoặc chơi game hoặc lướt mạng xã hội trên điện thoại chứ không hoàn toàn chú tâm nói chuyện với người đối diện”.

  •   Khi ở trong lớp. Sách Trẻ em thời kỹ thuật số (Digital Kids) cho biết: “Hầu hết các em đi học nói rằng các em dùng thiết bị điện tử trong giờ học để nhắn tin, lướt web hoặc xem thông tin giải trí và các em dùng những thiết bị này để làm những việc không liên quan gì đến việc học”.

  •   Khi học bài. Một bạn trẻ tên Chris, 22 tuổi, nói: “Mình thấy khó nhất là không liếc nhìn điện thoại mỗi khi nó báo rung”. Nếu bạn còn đi học thì một tiếng bạn dành ra để làm bài tập có thể kéo dài thành ba tiếng hoặc hơn nếu bạn bị thiết bị điện tử làm cho phân tâm.

 Chốt lại vấn đề: Bạn sẽ thấy khó tập trung nếu để cho công nghệ kiểm soát và làm bạn phân tâm.

Đầu óc thiếu tập trung thì giống như một chú ngựa hoang vì bạn không thể kiểm soát được nó

 Cách để tập trung hơn

  •   Khi nói chuyện. Kinh Thánh nói: “Hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình” (Phi-líp 2:4). Hãy tỏ lòng quan tâm bằng cách chăm chú lắng nghe. Hãy nhìn người kia và đừng để cho thiết bị điện tử làm bạn bị phân tâm.

     “Khi đang nói chuyện, hãy cưỡng lại khuynh hướng kiểm tra điện thoại. Hãy hoàn toàn tập trung để cho thấy là bạn tôn trọng người mà mình đang nói chuyện”.—Thomas.

     MẸO: Khi đang nói chuyện, nếu được hãy để điện thoại xa khỏi tầm mắt. Các nhà nghiên cứu nói rằng chỉ cần nhìn thấy điện thoại gần bên mình là thế nào cũng sẽ có gì đó gây phân tâm.

  •   Khi ở trong lớp. Kinh Thánh nói: “Hãy để ý đến cách anh em nghe” (Lu-ca 8:18). Ghi nhớ nguyên tắc đó, nếu nhà trường cho phép bạn truy cập Internet trong lớp thì đừng kiểm tra tin nhắn, chơi game hay chat trên mạng trong lúc mà bạn phải tập trung để học.

     “Khi ở trong lớp, hãy cố gắng chăm chú nghe giảng. Hãy chép bài. Nếu được, hãy ngồi ở những dãy bàn đầu để tránh bị phân tâm”.—Karen.

     MẸO: Hãy chép bài vào tập thay vì gõ trên máy tính. Các nghiên cứu cho thấy rằng làm vậy bạn sẽ ít bị phân tâm hơn và dễ nhớ những gì bạn học hơn.

  •   Khi học bài. Kinh Thánh nói: “Hãy tiếp thu sự khôn ngoan, hãy tiếp thu sự hiểu biết” (Châm ngôn 4:5). Điều đó đòi hỏi phải học kỹ hơn chứ không chỉ xem lướt qua tài liệu để thi đậu.

     “Khi học bài, mình cài máy tính bảng ở chế độ máy bay và chỉ tập trung vào bài đang học. Mình không xem những thông báo hiện ra trên thiết bị. Nếu có điều gì cần ghi nhớ thì mình sẽ viết ra giấy”.—Chris.

     MẸO: Hãy đảm bảo là nơi học tập giúp bạn tập trung. Hãy giữ nơi học tập gọn gàng và sạch sẽ.

a Theo sách The Shallows—What the Internet Is Doing to Our Brains.