Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao sống được với nỗi đau?

Làm sao sống được với nỗi đau?

Nhớ lại lúc cha mình qua đời, anh Mike giải thích: “Tôi cảm thấy mình phải kiềm chế cảm xúc”. Với anh, đè nén nỗi đau mới là đàn ông. Tuy nhiên, sau này anh nhận ra mình đã sai. Vì thế, khi bạn của anh mất ông nội, anh Mike biết phải làm gì. Anh nói: “Nếu là vài năm trước thì tôi đã vỗ vai anh ấy và nói: ‘Là đàn ông, phải cứng rắn lên!’. Còn bây giờ, tôi chạm nhẹ vào cánh tay anh ấy và nói: ‘Hãy thành thật với cảm xúc của mình, đừng cố đè nén nó. Điều đó sẽ giúp anh giải tỏa tâm trạng. Nếu anh muốn tôi đi thì tôi sẽ đi, còn nếu anh muốn tôi ở lại thì tôi ở lại. Nhưng đừng ngại thừa nhận cảm xúc của anh’”.

Chị MaryAnne cũng cảm thấy phải kiềm chế cảm xúc khi chồng qua đời. Chị kể: “Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ trước người khác nên tôi kìm nén cả những cảm xúc bình thường nhất. Nhưng cuối cùng tôi hiểu rằng cố làm chỗ dựa cho người khác thật ra không giúp ích cho tôi. Tôi xem lại hoàn cảnh của mình và tự nhủ: ‘Nếu muốn khóc thì cứ khóc. Đừng cố tỏ ra mạnh mẽ. Cứ trút hết cảm xúc ra’”.

Cả anh Mike và chị MaryAnne đều cho rằng không nên đè nén nỗi đau. Tại sao quan điểm này là đúng? Vì đau buồn là cần thiết để giải tỏa cảm xúc. Rồi khi cảm xúc được giải tỏa thì lòng sẽ nhẹ nhõm hơn. Biểu lộ cảm xúc là điều tự nhiên và sẽ giúp chúng ta cân bằng cảm xúc. Nhưng chúng ta cần có sự hiểu biết và thông tin chính xác để biểu lộ đúng cách.

Dĩ nhiên, cách biểu lộ nỗi đau của mỗi người mỗi khác. Điều này tùy thuộc vào những yếu tố như người thân qua đời đột ngột hoặc sau một thời gian dài bị bệnh. Tuy nhiên, một điều gần như chắc chắn là: Đè nén cảm xúc có thể gây hại về cả thể chất lẫn tinh thần. Giải tỏa nỗi đau sẽ tốt hơn nhiều. Bằng cách nào? Kinh Thánh chứa đựng một số lời khuyên thực tế.

Làm thế nào để giải tỏa nỗi đau?

Nói ra có thể giúp ích. Sau khi mất cả mười người con và gặp một số tai họa khác, tộc trưởng thời xưa là Gióp đã nói: “Tôi kinh tởm mạng sống mình. Tôi sẽ trút hết những lời than thở. Tôi sẽ nói trong đau đớn đắng cay!” (Gióp 1:2, 18, 19; 10:1). Ông Gióp không thể kiềm chế nỗi lòng thêm nữa. Ông cần “trút hết” ra, ông phải “nói”. Tương tự thế, một nhà biên soạn kịch người Anh là Shakespeare viết trong vở Macbeth như sau: “Hãy để nỗi đau thốt nên lời, nếu không nó sẽ âm thầm làm tan vỡ trái tim”.

Nỗi đau sẽ vơi đi phần nào khi bạn bày tỏ cảm xúc với một “người bạn chân thật”, là người lắng nghe với lòng kiên nhẫn và thấu cảm (Châm ngôn 17:17). Nhờ diễn đạt nỗi đau và cảm xúc thành lời, bạn sẽ dễ hiểu vấn đề và dễ đương đầu hơn. Ngoài ra, nếu người lắng nghe cũng từng vượt qua nỗi đau mất người thân, thì bạn có thể nhận được những lời đề nghị thực tế về cách đối phó. Khi mất con, một người mẹ giãi bày với một phụ nữ từng trải qua nỗi đau tương tự. Chị cho biết điều này đã giúp ích ra sao: “Tôi được thêm nghị lực khi biết một người đồng cảnh ngộ đã vượt qua nỗi đau, vẫn sống tiếp và lấy lại được thăng bằng trong cuộc đời”.

Các trường hợp trong Kinh Thánh cho thấy việc viết ra cảm xúc có thể giúp bạn giải tỏa nỗi đau

Nếu bạn thấy khó nói lên cảm xúc thì sao? Sau cái chết của vua Sau-lơ và bạn mình là Giô-na-than, vua Đa-vít đã sáng tác bài bi ca để dốc đổ nỗi đau buồn. Bài bi ca này về sau được ghi lại trong Kinh Thánh, nơi quyển thứ hai của sách Sa-mu-ên (2 Sa-mu-ên 1:17-27; 2 Sử ký 35:25). Tương tự thế, một số người thấy dễ viết ra cảm xúc hơn là nói thành lời. Một góa phụ cho biết chị trải lòng qua những trang giấy và vài ngày sau đọc lại, nhờ đó chị cảm thấy dễ chịu hơn.

Việc giãi bày cảm xúc bằng cách nói hay viết ra đều có thể giúp bạn nguôi ngoai nỗi đau. Nó cũng giúp bạn giải tỏa những hiểu lầm. Một người mẹ mất con giải thích: “Vợ chồng tôi nghe nói có một số cặp đã ly dị sau khi mất con và chúng tôi không muốn điều đó xảy ra với mình. Vì thế, bất cứ lúc nào cảm thấy tức giận và muốn đổ lỗi cho nhau thì chúng tôi cùng trò chuyện để tháo gỡ vấn đề. Điều này thật sự giúp vợ chồng tôi gần gũi nhau hơn”. Vậy, việc bộc lộ cảm xúc có thể giúp bạn hiểu rằng cho dù hai người đều chịu mất mát như nhau, nhưng cách thể hiện nỗi đau và thời gian đau buồn của mỗi người mỗi khác.

Khóc là cách khác giúp vơi bớt nỗi đau. Kinh Thánh nói: “Có kỳ khóc lóc” (Truyền đạo 3:1, 4). Hẳn khi mất người thân là kỳ chúng ta khóc. Dường như khóc là cần thiết trong quá trình đau buồn.

Một phụ nữ trẻ cho biết khi mẹ chị mất, một người bạn thân đã giúp chị đương đầu với nỗi đau như thế nào. Chị kể: “Bạn tôi luôn ở bên giúp đỡ. Cô ấy khóc với tôi, nói chuyện với tôi. Tôi có thể thoải mái giãi bày cảm xúc, điều này rất quan trọng với tôi. Tôi không phải ngượng khi khóc”. (Xin xem Rô-ma 12:15). Tương tự thế, bạn không nên cảm thấy xấu hổ khi khóc. Kinh Thánh cho biết những người nam và nữ tin kính, kể cả Chúa Giê-su, đã khóc trước mặt người khác khi đau buồn mà không hề ngượng ngùng.—Sáng thế 50:3; 2 Sa-mu-ên 1:11, 12; Giăng 11:33, 35.

Trong mọi nền văn hóa, người đau buồn đều cần được an ủi

Trong một thời gian, có lẽ cảm xúc của bạn sẽ thất thường. Nước mắt bất chợt trào ra mà không biết trước. Một góa phụ trước đây thường cùng chồng đi siêu thị thấy mình dễ bật khóc khi làm việc này một mình, nhất là khi theo quán tính chị với lấy những món đồ mà chồng yêu thích. Vậy hãy kiên nhẫn với bản thân. Đừng nghĩ là phải cầm nước mắt. Hãy nhớ rằng khóc là phản ứng tự nhiên và cần thiết để giải tỏa nỗi đau.

Vượt qua cảm giác có lỗi

Như đã nói trong bài trước, một số người cảm thấy có lỗi sau khi người thân qua đời. Có thể vì thế mà một người sống vào thời Kinh Thánh tên Gia-cốp vô cùng đau đớn khi lầm tưởng con ông là Giô-sép đã bị thú dữ ăn thịt. Vì đã sai con đi xem các anh trai thế nào nên hẳn ông cảm thấy có lỗi và tự trách mình bằng những lời như: “Sao tôi lại sai Giô-sép đi một mình? Sao tôi lại sai con đến một vùng đầy thú dữ?”.—Sáng thế 37:33-35.

Có lẽ bạn nghĩ những thiếu sót của mình đã góp phần gây ra cái chết của người thân. Cảm giác có lỗi, dù lỗi có thật hay tưởng tượng, là phản ứng tự nhiên khi đau buồn. Ý thức điều này cũng giúp ích cho bạn. Bạn không nên giấu cảm xúc này trong lòng, mà nên giãi bày với người khác để giúp mình vượt qua.

Ngoài ra, bạn nên ý thức là dù yêu thương một người đến đâu thì đời sống của người ấy cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Bạn không thể ngăn cản “thời thế và chuyện bất trắc” xảy đến cho người thân (Truyền đạo 9:11). Hơn nữa, bạn không có động cơ xấu. Chẳng hạn, có phải bạn muốn người thân bị bệnh và qua đời nên không đưa họ đi khám sớm hơn? Tuyệt nhiên không! Vậy thì bạn có lỗi về cái chết của người ấy không? Không.

Một người mẹ đã học cách vượt qua cảm giác có lỗi sau khi con gái bị thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Chị giải thích: “Tôi cảm thấy có lỗi vì hôm ấy đã sai con đi lo công việc. Nhưng tôi dần nhận ra rằng cảm thấy như thế thật vô lý. Không có gì sai khi bảo con gái đi lo công việc cùng với cha cháu. Con bé chết chỉ vì một tai nạn khủng khiếp”.

Có thể bạn hối tiếc: “Có rất nhiều điều tôi ước là mình đã nói và làm”. Nhưng ai trong chúng ta có thể nói rằng mình là người cha, người mẹ hay người con hoàn hảo? Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng: “Hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần. Nếu ai không vấp ngã trong lời nói thì ấy là người hoàn hảo” (Gia-cơ 3:2; Rô-ma 5:12). Vậy, hãy chấp nhận sự thật là bạn không hoàn hảo. Nếu cứ tiếp tục nói “giá như thế này, giá như thế kia” thì cũng không thay đổi được gì mà còn kéo dài thời gian đau buồn.

Nếu bạn nghĩ mình thật sự có lỗi, chứ không phải do tưởng tượng, thì hãy nhớ điều quan trọng nhất để giúp vơi đi cảm giác có lỗi: sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh đảm bảo: “Nếu ngài để ý lầm lỗi thì Đức Giê-hô-va [Đức Chúa Trời] ôi, còn ai đứng nổi? Nơi ngài có ơn tha thứ thật sự” (Thi thiên 130:3, 4). Bạn không thể trở về quá khứ để thay đổi bất cứ điều gì, nhưng bạn có thể nài xin Đức Chúa Trời tha thứ lỗi lầm mình đã phạm. Sau đó thì sao? Nếu Đức Chúa Trời hứa là tha thứ cho bạn, lẽ nào bạn lại không tha thứ cho chính mình?—Châm ngôn 28:13; 1 Giăng 1:9.

Kiềm chế sự tức giận

Có lẽ bạn tức giận với bác sĩ, y tá, bạn bè hoặc ngay cả người quá cố. Hãy ý thức rằng điều này cũng là một phản ứng tự nhiên trước nỗi mất mát. Chính vì nỗi đau mình phải chịu mà bạn tức giận với một ai đó. Một nhà văn viết: “Nếu muốn tránh được những hậu quả tai hại của sự tức giận, bạn cần nhận ra là mình có cảm xúc đó thay vì thể hiện qua hành động”.

Việc bộc lộ cảm xúc tức giận có thể giúp ích. Nhưng bộc lộ thế nào là đúng cách? Chắc chắn cứ để cơn giận bộc phát không phải là cách tốt. Kinh Thánh cảnh báo rằng tức giận lâu ngày sẽ gây hại (Châm ngôn 14:29, 30). Bạn có thể giải tỏa cơn giận bằng cách tâm sự với một người bạn biết thông cảm. Một số người kiềm chế cơn giận bằng cách tập thể dục.—Cũng xem Ê-phê-sô 4:25, 26.

Chân thành giãi bày cảm xúc tuy là cần thiết nhưng cũng phải suy xét. Giãi bày cảm xúc không có nghĩa là trút hết cảm xúc lên người khác. Không nên đổ lỗi về sự tức giận và hụt hẫng của mình. Vậy hãy suy xét khi giãi bày cảm xúc, đừng nói một cách cay nghiệt (Châm ngôn 18:21). Giờ đây, chúng ta sẽ nói đến một sự trợ giúp vượt trội để đương đầu với nỗi đau.

Sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời

Kinh Thánh đảm bảo rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời “kề bên người có tấm lòng tan vỡ, giải cứu người có tâm can giày vò” (Thi thiên 34:18). Thật vậy, hơn bất cứ điều gì, mối quan hệ với Đức Chúa Trời có thể giúp bạn đương đầu với nỗi đau mất người thân. Như thế nào? Mọi đề nghị thực tế được đưa ra trong sách này đều dựa trên hoặc phù hợp với Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời. Áp dụng những đề nghị ấy có thể giúp bạn đương đầu với nỗi mất mát.

Hơn nữa, đừng xem nhẹ sức mạnh của lời cầu nguyện. Kinh Thánh khuyên: “Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, ngài sẽ nâng đỡ [chúng ta]” (Thi thiên 55:22). Nếu việc tâm sự với một người bạn biết thông cảm đã giúp ích, thì việc dốc đổ nỗi lòng với “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” còn giúp ích nhiều hơn!—2 Cô-rinh-tô 1:3.

Cầu nguyện không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu. “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” hứa ban thần khí cho những ai xin ngài (Thi thiên 65:2; Lu-ca 11:13). Rồi thần khí, tức lực hoạt động của Đức Chúa Trời, sẽ giúp bạn có “sức lực hơn mức bình thường” để bước đi từng ngày (2 Cô-rinh-tô 4:7). Hãy nhớ điều này: Đức Chúa Trời có thể giúp những người thờ phượng ngài chịu đựng bất cứ vấn đề nào họ gặp phải.

Một phụ nữ nhớ lại làm thế nào sức mạnh của lời cầu nguyện đã giúp vợ chồng chị đương đầu với nỗi đau mất con. Chị giải thích: “Nếu ở nhà vào ban đêm mà nỗi đau buồn dâng trào thì chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện lớn tiếng. Lần đầu tiên làm việc gì đó mà không có con bé, chẳng hạn lần đầu tiên đi nhóm họp và hội nghị, chúng tôi đều cầu nguyện để được thêm sức. Sáng nào thức dậy mà cảm thấy không thể chịu nổi thực tế là con đã qua đời, chúng tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Vì thấy rất khó bước vào căn nhà trống vắng nên mỗi lần như thế, tôi đều cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình giữ được bình tĩnh”. Người phụ nữ tin kính đó đã đúng khi tin chắc rằng lời cầu nguyện thật sự giúp ích. Nếu kiên trì cầu nguyện, bạn cũng có thể cảm nghiệm được “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí” của bạn.—Phi-líp 4:6, 7; Rô-ma 12:12.

Sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời thật sự mang lại kết quả. Ông Phao-lô đã nói trong Kinh Thánh: “Ngài an ủi chúng ta trong mọi thử thách, hầu cho... chúng ta có thể an ủi người khác trong bất cứ loại thử thách nào”. Đành rằng sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời không xóa đi nỗi đau nhưng có thể giúp chúng ta chịu đựng dễ dàng hơn. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không còn khóc nữa hoặc quên người thân yêu, mà có nghĩa là bạn có thể vượt qua. Sau khi vượt qua, bạn có thể giúp người khác đối phó với nỗi mất mát tương tự vì bạn biết thấu hiểu và thông cảm hơn.—2 Cô-rinh-tô 1:4.