Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | GIỚI TRẺ

Khi cha hoặc mẹ qua đời

Khi cha hoặc mẹ qua đời

VẤN ĐỀ

Khi Dami sáu tuổi, cha bạn ấy qua đời vì chứng phình mạch máu não. Cha của Derrick mất vì bệnh tim lúc bạn ấy lên chín. Jeannie được bảy tuổi thì mẹ mất sau một năm dài chiến đấu với bệnh ung thư buồng trứng. *

Cả ba bạn trẻ này đều sớm đối diện với cảnh mất người thân yêu. Bạn có ở trong hoàn cảnh như thế không? Nếu có, bài này sẽ giúp bạn đối phó với sự mất mát đó. * Nhưng trước tiên, hãy xem một vài sự thật về nỗi đau.

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Có nhiều cách thể hiện sự đau buồn. Điều này có nghĩa là cách bạn thể hiện sự đau buồn có thể khác với người khác. Một cuốn sách nói về việc thanh thiếu niên đối diện với cảnh mất người thân (Helping Teens Cope With Death) cho biết “không có một khuôn mẫu hoặc bộ luật nào để đương đầu với việc mất người thân”. Điều quan trọng là đừng kìm nén cảm xúc quá nhiều. Tại sao? Vì...

Kìm nén nỗi đau có thể gây hại. Jeannie, được đề cập đầu bài, cho biết: “Mình nghĩ mình phải mạnh mẽ vì em gái nên đã giấu đi cảm xúc. Đến nay, mình vẫn có khuynh hướng kìm nén nỗi đau, nhưng điều đó không tốt chút nào”.

Các chuyên gia đồng ý với điều đó. Một cuốn sách nói về việc thanh thiếu niên đau buồn (The Grieving Teen) cho biết: “Cảm xúc bị kìm nén sẽ không kìm nén mãi. Nó sẽ trở lại vào lúc bạn không ngờ, dưới dạng cảm xúc bùng nổ hoặc căn bệnh nào đó”. Kìm nén nỗi đau cũng có thể khiến người ta lạm dụng rượu hoặc ma túy, vì họ muốn quên đi tất cả.

Đau buồn có thể kéo theo những cảm xúc rối bời. Ví dụ, một số người có thể giận người quá cố vì đã “bỏ rơi” họ. Số khác thì trách Đức Chúa Trời vì cho rằng lẽ ra ngài phải ngăn cản cái chết đó. Nhiều người đau buồn thường cảm thấy có lỗi về điều họ đã nói hoặc làm với người quá cố, vì bây giờ không còn cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.

Đúng thế, đau buồn có thể là một quá trình phức tạp. Vậy làm sao bạn có thể được khuây khỏa phần nào và tiến lên phía trước?

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Tâm sự. Có lẽ bạn muốn tự cô lập mình trong giai đoạn đau buồn. Nhưng việc tâm sự với một người trong gia đình hoặc bạn thân có thể giúp bạn đối phó với cảm xúc và không bị choáng ngợp trước bi kịch này.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 18:24.

Viết nhật ký. Hãy viết về cha hoặc mẹ đã qua đời. Chẳng hạn, kỷ niệm đẹp nhất là gì? Hãy viết về những tính tốt của cha hoặc mẹ. Trong cuộc sống, bạn muốn noi theo tính nào?

Nếu bạn suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn không thể ngưng nghĩ về việc đã nói gay gắt với cha hoặc mẹ trước khi họ qua đời, hãy viết ra cảm xúc của bạn và lý do bạn cảm thấy như thế. Ví dụ: “Mình cảm thấy tội lỗi vì chỉ một ngày trước khi bố qua đời, mình đã cãi nhau với bố”.

Sau đó, hãy xem cảm giác tội lỗi ấy có hợp lý không. Cuốn The Grieving Teen cho biết: “Đừng đổ lỗi cho bản thân về việc không biết là mình sẽ không còn cơ hội để xin lỗi. Thực tế, ai cũng có lúc nói hoặc làm điều sai và sau đó phải xin lỗi”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Gióp 10:1.

Chăm sóc bản thân. Hãy nghỉ ngơi, tập thể dục đều đặn và ăn uống đủ chất. Nếu cảm thấy không muốn ăn, hãy chia bữa ăn chính thành các bữa nhẹ đủ dinh dưỡng, ít nhất đến khi bạn muốn ăn trở lại. Đừng giải khuây bằng đồ ăn vặt hoặc rượu, chúng chỉ làm cho tình hình tệ hơn.

Cầu nguyện. Kinh Thánh nói: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi” (Thi-thiên 55:22). Cầu nguyện không chỉ là liệu pháp tinh thần, nhưng là thật sự trò chuyện với Đức Chúa Trời, đấng “an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn”.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.

Một cách Đức Chúa Trời an ủi những người đau buồn là qua Lời ngài, tức Kinh Thánh. Sao không thử xem Kinh Thánh nói gì về tình trạng thật sự của người quá cố và hy vọng về sự sống lại? *Nguyên tắc Kinh Thánh: Thi-thiên 94:19.

^ đ. 4 Bạn cũng có thể xem về kinh nghiệm của Dami, Derrick và Jeannie trong bài kế tiếp.

^ đ. 5 Dù bài này nói về việc mất cha hoặc mẹ nhưng các nguyên tắc được đề cập cũng áp dụng cho việc mất anh chị em hoặc bạn bè.

^ đ. 19 Xin xem chương 16 của sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 1. Có thể tải về tại www.pr418.com/vi, vào mục ẤN PHẨM.