Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Nếu cha mẹ mình bị bệnh thì sao?

Nếu cha mẹ mình bị bệnh thì sao?

 Phần lớn các bạn trẻ không phải lo nghĩ về việc chăm sóc người lớn tuổi. Suy cho cùng, có thể nhiều năm sau thì cha mẹ của họ mới gặp vấn đề sức khỏe.

 Nhưng nói sao nếu cha hoặc mẹ bạn bị bệnh trong khi bạn vẫn chưa đủ lớn? Hãy xem xét trường hợp của hai bạn trẻ đã đương đầu với thử thách này.

 Câu chuyện của Emmaline

 Mẹ của mình mắc hội chứng Ehlers-Danlos (EDS), một bệnh kinh niên đau đớn, ảnh hưởng đến các khớp, da và các mạch máu.

 Đó là căn bệnh chưa có thuốc chữa, và trong mười năm qua, tình trạng của mẹ ngày càng nặng hơn. Thật ra, đôi lúc lượng huyết cầu của mẹ xuống thấp đến mức nguy hiểm cho tính mạng, rồi có khi mẹ đau đớn đến nỗi chẳng còn thiết sống nữa.

 Gia đình mình và mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, và hội thánh thật sự là nguồn an ủi cho cả nhà! Chẳng hạn, gần đây một bạn gái trạc tuổi mình đã tặng cho gia đình mình một tấm thiệp có ghi là bạn ấy rất thương chúng mình, bạn ấy còn trấn an rằng cả nhà luôn có sự hỗ trợ của bạn ấy. Thật tốt khi có một người bạn như thế!

 Kinh Thánh là nguồn trợ giúp to lớn cho mình. Chẳng hạn, một câu Kinh Thánh yêu thích của mình là Thi-thiên 34:18: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương”. Một câu khác là Hê-bơ-rơ 13:6 cũng nói: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ không sợ”.

 Đối với mình, câu thứ hai đặc biệt có ý nghĩa. Nỗi sợ lớn nhất của mình là mất mẹ. Mình thương mẹ nhiều lắm, và chỉ cần mỗi ngày còn có mẹ bên cạnh là mình đã biết ơn rồi. Câu Kinh Thánh đó giúp mình nhận ra rằng mình có thể đối mặt với tương lai với lòng tin chắc, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.

 Nhưng mình có một nỗi sợ khác. Vì EDS là bệnh di truyền nên bà ngoại mình bị bệnh, rồi đến phiên mẹ và giờ là tới mình. Nhưng Hê-bơ-rơ 13:6 bảo đảm rằng Đức Giê-hô-va sẽ là “đấng giúp đỡ” mình trong trường hợp này.

 Trong lúc này, mình cố gắng trân trọng những gì mình có ở hiện tại, thay vì sống trong quá khứ hay lo lắng về tương lai. Nếu so sánh những giới hạn của mẹ hiện giờ với những điều mẹ từng làm trước đây, mình sẽ bị xuống tinh thần. Kinh Thánh nói rằng những thử thách mà chúng ta phải đối mặt chỉ là “tạm thời và nhẹ” khi so với hy vọng sống mãi mãi và không có bệnh tật.​—2 Cô-rinh-tô 4:17; Khải huyền 21:1-4.

 Hãy thử nghĩ: Điều gì giúp Emmaline giữ thái độ tích cực? Làm thế nào bạn có thể giữ thái độ tích cực khi đối mặt với khó khăn?

 Câu chuyện của Emily

 Khi mình đang ở trung học thì ba mình bắt đầu bị trầm cảm. Điều đó tựa như người cha trước đây của mình đã biến mất và thay vào đó là một người khác hẳn. Kể từ lúc ấy, ba luôn phải chống chọi với những cơn buồn bã, sợ hãi vô cớ và lo lắng thái quá. Tình trạng này đã kéo dài 15 năm nay. Ba đã phải khổ sở biết mấy khi chìm ngập trong phiền muộn như thế, dù ba biết rằng những cảm xúc đó hoàn toàn vô lý!

 Gia đình mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, và hội thánh của mình đã hỗ trợ cả nhà rất nhiều. Các anh em đồng đạo vô cùng tử tế và thấu hiểu, chưa hề có ai làm ba cảm thấy là ba không hữu ích gì trong hội thánh. Khi chứng kiến cảnh ba phải đương đầu với thử thách này, mình càng thấy thương ba hơn bao giờ hết.

 Mình nhớ người cha trước đây, một người không chìm ngập trong lo lắng, không đau khổ, một người hạnh phúc. Mình thấy buồn khi ngày nào ba cũng phải chiến đấu với một kẻ thù giấu mặt ở bên trong.

 Dù vậy, ba đã nỗ lực không ngừng để giữ cái nhìn tích cực. Trong một đợt trầm cảm nặng gần đây, ba đã cố gắng đọc Kinh Thánh mỗi ngày, cho dù mỗi lần chỉ vài câu. Điều đó giúp ba mạnh mẽ hơn nhiều. Một nề nếp tưởng như đơn giản nhưng mang lại lợi ích lớn lao. Giai đoạn đen tối đó là lúc mình cảm thấy tự hào về ba nhất.

 Mình rất thích câu Kinh Thánh nơi Nê-hê-mi 8:10, ở đó nói: “Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực của các ngươi”. Thật vậy, niềm vui mà mình cảm nhận được khi ở giữa anh em đồng đạo, góp phần và tham gia trọn vẹn vào các hoạt động của hội thánh đã khỏa lấp những khoảng trống trong lòng mình. Điều đó như tia nắng ấm áp sưởi ấm mình cả ngày. Gương mẫu của ba dạy mình rằng cho dù phải đối phó với điều gì đi chăng nữa, Đức Giê-hô-va sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ mình.

 Hãy thử nghĩ: Emily đã hỗ trợ ba như thế nào trong thời gian ba bị bệnh? Bạn có thể giúp một người bị trầm cảm bằng cách nào?