Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Tại sao mình luôn nói lỡ lời?

Tại sao mình luôn nói lỡ lời?

 “Có lúc mình kiềm chế được miệng lưỡi, nhưng cũng có lúc mình buột miệng nói mà không suy nghĩ!”​—Dũng.

 “Khi căng thẳng mình thường nói lời thiếu suy nghĩ, nhưng khi thoải mái mình cũng buột miệng nói lời không nên. Nhìn chung thì lúc nào mình cũng nói lỡ lời”.​—Mai.

 Kinh Thánh nói: “Cái lưỡi là... một ngọn lửa” và “có thể làm bốc cháy cả cánh rừng lớn!” (Gia-cơ 3:​5, 6). Bạn có thường nói những lời khiến mình gặp rắc rối không? Nếu có, bài này sẽ hữu ích cho bạn.

 Tại sao mình nói lỡ lời?

 Không hoàn hảo. Kinh Thánh cho biết: “Hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần. Nếu ai không vấp ngã trong lời nói thì ấy là người hoàn hảo” (Gia-cơ 3:2). Sự bất toàn không chỉ khiến chúng ta dễ vấp ngã khi bước đi mà còn dễ lỡ lời khi nói.

 “Vì mình có trí óc và miệng lưỡi không hoàn hảo nên sẽ thiếu thực tế nếu cho rằng mình có thể kiềm chế nó một cách hoàn hảo”.​—Ánh.

 Nói quá nhiều. Kinh Thánh cho biết: “Hễ nói lắm lời ắt không tránh khỏi vi phạm” (Châm ngôn 10:19). Người nói nhiều mà nghe ít thì dễ lỡ lời và làm tổn thương người khác.

 “Trong một nhóm thì người thông minh nhất không phải là người luôn nói. Dù Chúa Giê-su là người thông minh nhất từng sống trên đất nhưng đôi khi ngài im lặng”.​—Duyên.

 Lời châm chọc. Kinh Thánh cho biết: “Lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm” (Châm ngôn 12:18). Một trong những lời nói thiếu suy nghĩ là lời châm chọc, tức nói những điều hạ thấp người khác. Người châm chọc có thể nói: “Tôi chỉ đùa thôi!”. Tuy nhiên, khi người khác cảm thấy bị bẽ mặt thì không phải là điều đáng để cười. Kinh Thánh khuyên chúng ta từ bỏ những lời “lăng mạ cùng mọi điều gây tổn thương”.​—Ê-phê-sô 4:31.

 “Vì là người vui tính nên mình thích đùa giỡn, nhưng nó dễ dẫn đến việc châm chọc và thường khiến mình gặp rắc rối”.​—Oanh.

Khi đã nói ra điều gì thì không thể rút lại, giống như khi đã bóp kem đánh răng ra khỏi tuýp thì không thể bỏ lại vào

 Thuần hóa cái lưỡi

 Học cách kiềm chế miệng lưỡi có thể là điều không dễ, nhưng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp bạn. Chẳng hạn, hãy xem xét những nguyên tắc dưới đây.

 “Hãy thầm nhủ với lòng và chớ nói ra”.​—Thi thiên 4:4.

 Đôi khi lời đáp tốt nhất là không đáp lời nào. Một bạn nữ tên Laura chia sẻ: “Vì lúc nóng giận thì cảm xúc hoàn toàn khác nên sau khi bình tĩnh lại, mình thường cảm thấy vui vì đã không nói gì vào lúc đó”. Dù chỉ ngừng lại vài giây thôi cũng giúp bạn tránh nói lỡ lời.

  “Lòng người công chính suy nghĩ trước khi nói”.​—Châm ngôn 15:28, chú thích.

 Bạn có thể tránh được nhiều điều hối tiếc nếu suy nghĩ trước khi nói bằng cách tự hỏi những câu sau:

  •   Điều mình sắp nói có đúng không? Nói điều đó có nhân từ không? Có cần thiết phải nói điều đó không?​—Rô-ma 14:19.

  •   Mình sẽ cảm thấy thế nào nếu người khác nói điều đó với mình?​—Ma-thi-ơ 7:12.

  •   Nói điều đó có cho thấy mình tôn trọng quan điểm của người khác không?​—Rô-ma 12:10.

  •   Đây có phải là lúc thích hợp để nói điều đó không?​—Truyền đạo 3:7.

 “Hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”.​—Phi-líp 2:3.

 Lời khuyên này giúp bạn tập nghĩ tốt về người khác, chính điều đó giúp bạn kiềm chế và “uốn lưỡi” trước khi nói. Ngay cả khi bạn đã buột miệng nói lời gây tổn thương thì sự khiêm nhường sẽ thúc đẩy bạn xin lỗi và làm thế càng sớm càng tốt (Ma-thi-ơ 5:23, 24). Sau đó, hãy quyết tâm thuần hóa lưỡi mình tốt hơn.