Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao đối phó với vấn đề sức khỏe? (Phần 2)

Làm sao đối phó với vấn đề sức khỏe? (Phần 2)

 Các vấn đề về sức khỏe xảy ra dưới nhiều dạng.

  •   Một số người có triệu chứng được thấy rõ bên ngoài, còn số khác thì chịu ở bên trong.

  •   Một số bệnh là tạm thời, còn số khác thì lâu dài và phải đương đầu mỗi ngày.

  •   Một số căn bệnh có thể được chữa trị hoặc ít ra thuyên giảm phần nào, còn bệnh khác thì ngày càng nặng hơn, thậm chí lâm nguy đến tính mạng.

 Một số người trẻ đương đầu với các thử thách về sức khỏe như đã nêu trên. Trong bài này, bạn sẽ biết được bốn người đã trải qua thách đố như thế. Nếu bị một vấn đề về sức khỏe nào đó, bạn có thể được an ủi qua lời của họ.

 GUÉNAELLE

 Điều khó nhất đối với tôi là phải chấp nhận giới hạn của mình. Tôi muốn làm rất nhiều điều, nhưng mỗi ngày tôi phải thích ứng với tình trạng của mình.

 Tôi bị chứng rối loạn dây thần kinh và cơ, không cho phép não tôi truyền thông tin chính xác đến cơ thể. Một số bộ phận của cơ thể, từ đầu đến chân, đôi khi run lên hoặc bị tê liệt. Tôi gặp khó khăn khi làm các việc nhỏ nhặt như di chuyển, nói, đọc, viết và hiểu người khác. Khi bị rất nặng, các trưởng lão trong hội thánh cầu nguyện với tôi. Nhờ thế, tôi cảm thấy dễ chịu hơn ngay.

 Dù gặp bất cứ thử thách nào, tôi cảm thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời luôn ở bên cạnh để thêm sức cho tôi. Tôi không muốn bệnh tình cản trở tôi phụng sự ngài cách trọn vẹn. Tôi ưu tiên việc giúp người khác biết về lời hứa trong Kinh Thánh là chẳng bao lâu nữa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ biến trái đất thành địa đàng, nơi sẽ không còn sự đau đớn nữa.​—Khải huyền 21:1-4.

  Hãy thử nghĩ: Như Guénaelle, bạn có thể làm gì để thể hiện lòng trắc ẩn với người khác?​—1 Cô-rinh-tô 10:24.

 ZACHARY

 Khi được 16 tuổi, tôi được chẩn đoán là bị một dạng ung thư não phát triển nhanh. Bác sĩ bảo, tôi chỉ sống được tám tháng nữa thôi. Kể từ lúc đó, tôi vật lộn với sự sống của mình.

 Vì vị trí của các khối u nên hiện nay tôi bị liệt nửa người bên phải. Vì không thể đi lại được nên tôi luôn cần có người ở nhà để giúp tôi di chuyển.

 Bệnh ngày càng nặng khiến tôi không nói được cách rõ ràng. Tôi từng là người năng động, thích lướt ván nước, chơi bóng rổ và bóng chuyền. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi đã sốt sắng trong các hoạt động tâm linh. Tôi nghĩ đa phần người ta không hiểu là mất khả năng làm những điều mình rất yêu thích là thế nào.

 Tôi thấy những lời nơi Ê-sai 57:15 đã khích lệ tôi, vì câu này đảm bảo rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời luôn ở gần những ai có ‘lòng đau-đớn’ và ngài chăm sóc tôi. Ê-sai 35:6 cũng nói đến lời hứa của Đức Giê-hô-va là tôi sẽ được đi trở lại và phụng sự ngài với sức khỏe hoàn hảo.

 Dù có lúc rất khó đương đầu với bệnh tình, nhưng tôi chắc chắn Đức Giê-hô-va luôn hỗ trợ mình. Qua lời cầu nguyện, tôi luôn có người để tâm sự khi cảm thấy nản lòng hoặc lo sợ về cái chết. Không gì có thể ngăn cách tôi khỏi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.​—Rô-ma 8:39.

 Em Zachary đã qua đời ở tuổi 18, hai tháng sau khi được phỏng vấn. Đức tin của em nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại trong địa đàng luôn vững mạnh cho đến phút cuối cùng .

  Hãy thử nghĩ: Như Zachary, làm thế nào lời cầu nguyện có thể giúp bạn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

 ANAÏS

 Khi chỉ được vài ngày tuổi, chứng xuất huyết não khiến tôi bị tàn tật, ảnh hưởng cả cơ thể, đặc biệt là hai chân.

 Ngày nay, tôi có thể đi một khoảng ngắn bằng khung tập đi, nhưng tôi thường cần xe lăn để đi tới đi lui. Cơn co giật cũng khiến tôi khó làm được việc đòi hỏi sự cẩn thận, như viết chẳng hạn.

 Ngoài tình trạng căng thẳng ấy, tôi cũng gặp khó khăn trong việc điều trị. Từ lâu, tôi đã tập vật lý trị liệu mỗi tuần vài lần. Tôi phẫu thuật lần đầu khi được năm tuổi, và sau đó thêm ba lần nữa. Hai lần cuối vô cùng khó khăn vì phải xa nhà ba tháng trong khi đợi hồi sức.

 Gia đình đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Chúng tôi cười cùng nhau, điều này thật sự giúp ích khi tôi xuống tinh thần. Mẹ và các chị giúp tôi xinh xắn vì tôi không thể làm được một mình. Tôi tiếc là mình không thể mang giầy cao gót. Nhưng khi còn bé, có lần tôi xỏ giầy vào tay và bò, chúng tôi đã lăn ra cười!

 Tôi cố gắng không tập trung vào bệnh tình của mình. Tôi học ngôn ngữ. Tôi đi bơi, điều giúp tôi bù đắp cho việc mình không thể lướt sóng hoặc lướt ván tuyết. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi thích đi rao giảng để chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Dường như người ta tỏ ra rất chú ý khi tôi nói chuyện với họ.

 Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy rằng tình trạng của tôi chỉ là tạm thời. Kể từ đó, tôi vun đắp đức tin nơi Đức Giê-hô-va và lời hứa của ngài là sẽ chấm dứt mọi đau khổ, kể cả đau khổ của tôi. Điều này giúp tôi có sức mạnh để không bỏ cuộc.​—Khải huyền 21:3, 4.

  Hãy thử nghĩ: Như Anaïs, bạn có thể làm gì để không tập trung vào vấn đề sức khỏe của mình?

 JULIANA

 Tôi bị rối loạn hệ miễn dịch, bệnh này ảnh hưởng đến tim, phổi và máu. Nó đã ảnh hưởng đến thận.

 Lúc mười tuổi, tôi mắc bệnh lu-pút (lao da), khiến tôi đau đớn, mệt mỏi, tâm trạng thất thường. Đôi khi, tôi cảm thấy mình không có giá trị.

 Khi tôi 13 tuổi, một Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà chúng tôi. Chị ấy đọc câu Ê-sai 41:10, trong đó, Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi... Ta sẽ... lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi”. Đó là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngày nay, khoảng tám năm trôi qua, tôi hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va và quyết tâm không để bệnh tình ảnh hưởng đến đời sống mình. Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va ban cho tôi “sức lực hơn mức bình thường” để tôi có thể giữ thái độ tích cực.​—2 Cô-rinh-tô 4:7.

  Hãy thử nghĩ: Làm thế nào câu Ê-sai 41:10 có thể giúp bạn giữ thái độ tích cực, như Juliana?