Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Kinh Thánh có thể giúp mình thế nào?​—Phần 2: Để thích thú với việc đọc Kinh Thánh

Kinh Thánh có thể giúp mình thế nào?​—Phần 2: Để thích thú với việc đọc Kinh Thánh

 Một bạn trẻ tên Will nói: “Nếu không biết cách đọc Kinh Thánh thì có lẽ mình sẽ thấy chán”.

 Bạn muốn khám phá những bí quyết để thích thú với việc đọc Kinh Thánh không? Bài này sẽ giúp ích cho bạn.

 Làm cho Kinh Thánh sống động

 Hãy hòa mình vào những trang Kinh Thánh. Bạn có thể làm như sau:

  1.   Chọn một lời tường thuật mà bạn muốn đào sâu. Bạn có thể chọn một sự kiện trong Kinh Thánh, một đoạn từ Phúc âm hoặc một lời tường thuật từ phần đọc Kinh Thánh sống động trên jw.org/vi.

  2.   Đọc lời tường thuật. Bạn có thể đọc một mình hoặc đọc lớn tiếng với bạn bè hay người thân trong gia đình. Có thể một người đọc phần dẫn chuyện, trong khi những người khác đọc thoại của các nhân vật.

  3.   Hãy thử áp dụng những gợi ý sau đây:

    •   Vẽ hình để minh họa lời tường thuật hoặc phác thảo một loạt hình miêu tả một chuỗi sự kiện. Dùng các chú thích để cho biết điều đang diễn ra trong mỗi cảnh.

    •   Vẽ sơ đồ. Chẳng hạn, khi đọc về một nhân vật trung thành, hãy liên kết những phẩm chất và hành động của nhân vật đó với những ân phước mà người ấy nhận được.

    •   Biến câu chuyện thành một bài phóng sự. Hãy kể lại sự kiện từ những góc nhìn khác nhau đồng thời “phỏng vấn” các nhân vật chính và nhân chứng.

    •   Khi một nhân vật trong lời tường thuật quyết định thiếu khôn ngoan, hãy hình dung kết quả nếu người ấy làm ngược lại. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến việc Phi-e-rơ chối bỏ Chúa Giê-su (Mác 14:66-72). Lẽ ra ông có thể phản ứng tốt hơn như thế nào?

    •   Nếu thích sáng tạo, bạn hãy viết một vở kịch dựa trên một lời tường thuật của Kinh Thánh, trong đó có những bài học được rút ra từ lời tường thuật ấy.​—Rô-ma 15:4.

      Bạn có thể làm cho Kinh Thánh sống động.

 Hãy đào sâu!

 Nếu phân tích các chi tiết, bạn có thể khám phá ra các báu vật ẩn giấu trong một lời tường thuật. Thực tế, đôi khi chỉ một hoặc hai từ trong lời tường thuật cũng có ý nghĩa.

 Chẳng hạn, hãy so sánh Ma-thi-ơ 28:7 với Mác 16:7.

  •    Tại sao Mác cho biết một chi tiết là Chúa Giê-su sẽ sớm gặp các môn đồ “và Phi-e-rơ”?

  •  Gợi ý: Mác không phải là người chứng kiến những sự kiện này. Hẳn ông biết thông tin ấy từ Phi-e-rơ.

  •  Báu vật ẩn giấu: Tại sao Phi-e-rơ hẳn đã cảm thấy được an ủi khi biết Chúa Giê-su muốn gặp lại ông? (Mác 14:66-72). Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài là người bạn chân chính của Phi-e-rơ? Bạn có thể bắt chước Chúa Giê-su và trở thành người bạn chân chính như thế nào?

 Khi làm cho Kinh Thánh sống động và phân tích các chi tiết thì việc đọc Kinh Thánh trở nên thích thú hơn nhiều.