Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao để cải thiện kỹ năng trò chuyện?

Làm sao để cải thiện kỹ năng trò chuyện?

 Lợi ích khi trò chuyện trực tiếp

 Một số người cảm thấy việc trò chuyện trực tiếp thì rất khó và căng thẳng, nhắn tin thì dễ hơn nhiều.

 “Nói chuyện trực tiếp với người khác thì áp lực hơn vì mình không thể chỉnh sửa hay xóa những gì mình nói”.—Anna.

 “Nhắn tin thì giống như một chương trình được thu sẵn, còn nói chuyện trực tiếp thì giống như truyền hình trực tiếp. Khi nói chuyện, lúc nào mình cũng nghĩ: ‘Đừng nói lung tung!’”.—Jean.

 Tuy nhiên, sớm hay muộn, bạn sẽ cần những kỹ năng trò chuyện. Chẳng hạn, bạn sẽ cần những kỹ năng này khi muốn kết bạn, nhận hoặc giữ một công việc, hoặc bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn khi bạn sẵn sàng.

 Tin vui là trò chuyện trực tiếp không đáng sợ như bạn nghĩ. Bạn có thể học cách để cải thiện kỹ năng này, ngay cả khi bạn là người nhút nhát.

 “Đôi khi nói gì đó sai và cảm thấy xấu hổ là điều không thể tránh khỏi. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy có óc khôi hài”.—Neal.

 Làm sao để bắt đầu một cuộc trò chuyện?

  •   Đặt câu hỏi. Hãy nghĩ về một đề tài mà người khác có thể quan tâm và dùng nó để bắt đầu một cuộc trò chuyện. Chẳng hạn:

     “Hè vừa rồi bạn có đi đâu chơi không?”

     “Trang web này hay lắm nè. Bạn có bao giờ coi chưa?”

     “Bạn nghe cái này chưa,...?”

     Để cụ thể hơn, hãy nghĩ về điểm chung giữa bạn và người ấy. Chẳng hạn, hai bạn có học cùng trường hoặc làm cùng một công việc không? Hãy dùng điểm chung để đặt những câu hỏi.

     “Nghĩ đến những câu hỏi mà bạn cảm thấy thích thú và rất muốn nghe câu trả lời của người khác”.—Maritza.

     Lưu ý: Đừng trở thành người thẩm vấn khi đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Ngoài ra, đừng đặt những câu hỏi quá riêng tư. Những câu hỏi như “Nỗi sợ lớn nhất của bạn là gì?” hoặc “Tại sao lúc nào cũng mặc màu xanh vậy?” có thể khiến người khác cảm thấy không thoải mái. Câu hỏi thứ hai thậm chí nghe có vẻ như đang chỉ trích!

     Bạn cũng có thể tránh trở thành người thẩm vấn bằng cách chia sẻ quan điểm của bạn về câu hỏi ấy trước hoặc sau khi người đó trả lời. Hay nói cách khác, hãy tạo ra một cuộc trò chuyện thay vì cuộc phỏng vấn.

    Những câu hỏi của bạn có khiến bạn giống như người thẩm vấn không?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Ý định trong tâm trí người ta như nước ở giếng sâu, nhưng người thông sáng biết cách múc lên”.—Châm ngôn 20:5, Đặng Ngọc Báu.

  •   Biết lắng nghe. Để có một cuộc trò chuyện thành công thì điều quan trọng là bạn biết cách lắng nghe hơn là bạn có khiếu ăn nói.

     “Mình đặt mục tiêu là biết thêm một điều mới về người mình đang nói chuyện. Sau đó, mình cố gắng nhớ điều người ấy chia sẻ để có thể nghĩ ra một câu hỏi liên quan cho cuộc trò chuyện lần tới”.—Tamara.

     Lưu ý: Đừng lo là mình sẽ nói gì tiếp theo. Nếu cẩn thận lắng nghe, bạn có thể nói gì đó dựa trên điều mà người kia vừa nói.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Mau nghe, chậm nói”.—Gia-cơ 1:19.

  •    Chân thành quan tâm. Bạn sẽ có một cuộc trò chuyện thoải mái hơn nếu bạn quan tâm đến người mà mình đang nói chuyện.

     “Khi người khác cảm thấy bạn chân thành quan tâm đến những điều họ nói thì cuộc trò chuyện sẽ trở nên dễ chịu, ngay cả khi có những lúc ngại ngại”.—Marie.

     Lưu ý: Đừng đi sâu vào chuyện riêng tư. Một lời khen như “Áo này đẹp quá! Bao nhiêu vậy?” có lẽ hơi mất lịch sự!

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:4.

 Làm thế nào để kết thúc cuộc trò chuyện? Một bạn trẻ tên Jordan gợi ý: “Hãy cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện bằng một điều tích cực. Nói những điều như ‘Rất vui được nói chuyện với bạn!’ hoặc ‘Chúc bạn có một ngày vui nhé!’ có thể mở đường để có cuộc trò chuyện vui vẻ lần tới”.