Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT

Ông vượt qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ

Ông vượt qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ

1-3. Phi-e-rơ đã chứng kiến điều gì vào một ngày đặc biệt? Ông gặp chuyện gì trong đêm đó?

Phi-e-rơ ra sức chèo thuyền và nhìn vào màn đêm. Có phải tia sáng yếu ớt đằng chân trời phía đông báo hiệu bình minh cuối cùng cũng đến? Các cơ bắp ở lưng và vai ông nóng bừng vì phải chèo thuyền suốt nhiều giờ đồng hồ. Những đợt gió mạnh thổi bay tóc ông và khuấy động cả biển Ga-li-lê. Hết đợt sóng này đến đợt sóng khác liên tục đập vào mũi thuyền, bắn nước tung tóe làm ông ướt đẫm. Phi-e-rơ lại tiếp tục chèo.

2 Phi-e-rơ và bạn ông đã để Chúa Giê-su ở lại một mình trên bờ. Hôm ấy, họ đã chứng kiến Chúa Giê-su dùng chỉ vài ổ bánh và mấy con cá để cung cấp thức ăn cho đoàn dân gồm hàng ngàn người đang đói. Đoàn dân đáp lại bằng cách ép Chúa Giê-su làm vua, nhưng ngài không muốn dính líu đến chính trị. Ngài cũng kiên quyết giúp môn đồ tránh có tham vọng đó. Sau khi lánh khỏi đoàn dân, Chúa Giê-su truyền cho các môn đồ lên thuyền đi qua bờ bên kia, còn ngài thì lên núi một mình để cầu nguyện.—Mác 6:35-45; đọc Giăng 6:14-17.

3 Khi các môn đồ ra khơi thì trăng đã lên cao, và giờ đây nó đang dần lặn xuống ở chân trời phía tây. Tuy nhiên, họ chỉ mới đi được vài cây số thì bão ập đến. Tiếng gió hú và sóng biển gào thét làm họ không nói chuyện với nhau được. Chắc hẳn Phi-e-rơ đang ngẫm nghĩ về điều gì đó.

Trong hai năm, Phi-e-rơ đã rút ra được nhiều bài học từ Chúa Giê-su nhưng ông vẫn còn phải học thêm nữa

4. Phi-e-rơ là gương xuất sắc cho chúng ta về phương diện nào?

4 Có rất nhiều điều khiến Phi-e-rơ phải suy nghĩ! Kể từ lần đầu ông gặp Chúa Giê-su người Na-xa-rét hơn hai năm trước, không biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra. Ông đã rút ra được nhiều bài học nhưng vẫn còn phải học thêm nữa. Tinh thần sẵn sàng học hỏi—phấn đấu vượt qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ—đã khiến ông trở thành gương xuất sắc cho chúng ta noi theo. Chúng ta hãy xem tại sao.

“Chúng em đã gặp Đấng Mê-si”!

5, 6. Phi-e-rơ có cuộc sống như thế nào?

5 Phi-e-rơ không bao giờ quên ngày ông gặp Chúa Giê-su. Em của ông, Anh-rê, là người đầu tiên đến báo cho ông tin vui: “Chúng em đã gặp Đấng Mê-si”. Những lời này đã thay đổi cuộc đời Phi-e-rơ mãi mãi.—Giăng 1:41.

6 Phi-e-rơ sống ở Ca-bê-na-um, thành phố ven bờ phía bắc của một hồ nước ngọt, gọi là biển Ga-li-lê. Ông và Anh-rê cùng đánh cá với Gia-cơ và Giăng, hai con trai của Xê-bê-đê. Ông sống với vợ, mẹ vợ và Anh-rê. Để nuôi sống cả gia đình ấy bằng nghề đánh cá, chắc chắn ông phải làm việc vất vả, dẻo dai và tháo vát. Chúng ta có thể hình dung trong nhiều đêm dài đánh bắt, ngư dân thả lưới giữa hai thuyền và kéo lên bất cứ loại cá nào có trong hồ. Còn ban ngày họ cũng phải làm việc mệt nhọc, phân loại cá đem bán, vá lưới và giặt lưới.

7. Phi-e-rơ nghe tin gì về Chúa Giê-su, và tại sao đó là tin phấn khởi?

7 Kinh Thánh cho biết Anh-rê là môn đồ của Giăng Báp-tít. Chắc chắn Phi-e-rơ đã chăm chú lắng nghe em mình kể về thông điệp của Giăng. Một ngày nọ, khi Anh-rê thấy Giăng chỉ Chúa Giê-su người Na-xa-rét và nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!”, ông liền trở thành môn đồ Chúa Giê-su và hăm hở báo cho Phi-e-rơ tin phấn khởi là Đấng Mê-si đã xuất hiện! (Giăng 1:35-41). Sau sự phản loạn trong vườn Ê-đen khoảng 4.000 năm trước đó, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã hứa rằng có một người đặc biệt sẽ đến và đem lại hy vọng thật sự cho nhân loại (Sáng 3:15). Anh-rê đã gặp Đấng Giải Cứu ấy, Đấng Mê-si! Phi-e-rơ cũng nhanh chóng chạy đến gặp ngài.

8. Tên Chúa Giê-su đặt cho Phi-e-rơ có nghĩa gì? Tại sao một số người vẫn thắc mắc về việc chọn tên đó?

8 Trước đó, Phi-e-rơ được biết đến với cái tên là Si-môn. Nhưng lúc này Chúa Giê-su nhìn ông và nói: “‘Anh là Si-môn, con của Giăng. Anh sẽ được gọi là Sê-pha’ (tức là Phi-e-rơ, theo tiếng Hy Lạp)” (Giăng 1:42). “Sê-pha” là danh từ chung, có nghĩa là “đá”. Rõ ràng lời Chúa Giê-su nói có tính chất tiên tri. Ngài thấy trước Phi-e-rơ sẽ trở nên như đá—một người vững vàng, kiên định, đáng tin cậy và ảnh hưởng tốt đến các môn đồ Chúa Giê-su. Phi-e-rơ có nghĩ mình là người như vậy không? Hình như không. Ngay cả một số độc giả Phúc âm thời nay cũng không thấy Phi-e-rơ có chút gì là kiên định, vững vàng như đá. Một số người nói rằng lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy tính cách của ông xem ra không vững vàng, hay thay đổi và dễ dao động.

9. Đức Giê-hô-va và Con ngài tìm kiếm điều gì? Bạn nghĩ tại sao chúng ta nên tin cậy quan điểm của hai đấng ấy?

9 Đúng là Phi-e-rơ có những khuyết điểm, và Chúa Giê-su biết điều đó. Nhưng giống như Cha ngài là Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su luôn tìm kiếm điểm tốt nơi con người. Ngài thấy Phi-e-rơ có nhiều tính tốt, và ngài tìm cách giúp ông phát huy những tính đó. Ngày nay, Đức Giê-hô-va và Con ngài cũng tìm điểm tốt nơi chúng ta, dù có lẽ chúng ta khó tin rằng mình có những ưu điểm. Thế nhưng, chúng ta cần tin cậy quan điểm của Đức Chúa Trời và Con ngài, đồng thời chứng tỏ mình sẵn sàng để được huấn luyện và uốn nắn như Phi-e-rơ.—Đọc 1 Giăng 3:19, 20.

“Đừng sợ”

10. Phi-e-rơ đã chứng kiến điều gì, nhưng lại quay về với điều gì?

10 Phi-e-rơ hẳn đã tham gia một phần trong hành trình rao giảng của Chúa Giê-su. Vì thế, có thể ông đã thấy Chúa Giê-su thực hiện phép lạ đầu tiên là biến nước thành rượu tại tiệc cưới ở Ca-na. Quan trọng hơn, ông đã nghe Chúa Giê-su nói thông điệp tuyệt vời và đầy hy vọng về Nước Đức Chúa Trời. Dù vậy, sau đó ông vẫn phải quay về với nghề đánh cá. Vài tháng sau, Phi-e-rơ gặp lại Chúa Giê-su, và lần này ngài mời ông dành trọn đời sống để đi theo ngài.

11, 12. (a) Phi-e-rơ đã trải qua một đêm làm việc thế nào? (b) Có lẽ Phi-e-rơ đã tự hỏi điều gì khi nghe Chúa Giê-su giảng?

11 Lúc đó, Phi-e-rơ vừa trải qua một đêm làm việc chán nản. Những ngư dân đã quăng lưới hết lần này đến lần khác, nhưng khi kéo lưới lên thì lại không được gì cả. Chắc chắn Phi-e-rơ đã dùng kinh nghiệm và kỹ năng trong nghề để giải quyết vấn đề. Ông thử quăng lưới ở nhiều nơi khác nhau để tìm cá. Có những lúc Phi-e-rơ, cũng như những ngư dân khác, đã ước có thể nhìn xuyên qua làn nước đục để tìm ra nơi có cá hoặc có cách nào đó lùa cá vào lưới. Dĩ nhiên, những ý nghĩ như thế chỉ làm ông thêm thất vọng. Đối với Phi-e-rơ, đánh cá không phải là thú tiêu khiển, nhưng là cái nghề để ông nuôi sống gia đình. Cuối cùng, ông lên bờ với hai bàn tay trắng. Khi ông đang bận rộn giặt lưới thì Chúa Giê-su đến.

Phi-e-rơ say sưa nghe Chúa Giê-su khai triển chủ đề chính của công việc rao giảng, đó là Nước Trời

12 Lúc ấy, một đám đông đang vây quanh Chúa Giê-su và háo hức lắng nghe từng lời ngài giảng. Vì bị kẹt giữa đám đông nên Chúa Giê-su lên thuyền của Phi-e-rơ và bảo ông chèo ra xa bờ một chút. Từ trên thuyền, Chúa Giê-su dạy dỗ dân chúng, và họ có thể nghe rõ giọng nói vang xa của ngài. Phi-e-rơ thích thú lắng nghe, và những người trên bờ cũng thế. Ông say sưa nghe Chúa Giê-su khai triển chủ đề chính của công việc rao giảng, đó là Nước Trời. Quả là một đặc ân khi được giúp ngài lan truyền thông điệp hy vọng này ra khắp xứ! Nhưng điều này có thực tế không? Phi-e-rơ lấy gì nuôi gia đình? Có lẽ Phi-e-rơ lại nghĩ về cả đêm dài không đánh bắt được gì.—Lu 5:1-3.

13, 14. Chúa Giê-su làm phép lạ nào cho Phi-e-rơ? Phi-e-rơ phản ứng ra sao?

13 Khi Chúa Giê-su giảng cho đoàn dân xong, ngài bảo Phi-e-rơ: “Các anh hãy chèo ra chỗ sâu và thả lưới ở đó”. Lòng Phi-e-rơ đầy nghi ngờ. Ông nói: “Thưa thầy, chúng tôi vất vả cả đêm mà chẳng bắt được gì, nhưng tôi sẽ thả lưới theo lời thầy”. Vừa mới giặt lưới xong, chắc chắn Phi-e-rơ không muốn quăng lưới một lần nữa, nhất là bây giờ không biết tìm cá nơi đâu! Dù vậy, ông vẫn nghe lời Chúa Giê-su, và có lẽ cũng ra dấu cho những bạn chài ở thuyền kia đi theo.—Lu 5:4, 5.

14 Khi bắt đầu kéo lưới lên, Phi-e-rơ thấy lưới nặng ngoài sức tưởng tượng. Vì không thể tin nổi nên ông càng kéo mạnh hơn, rồi chẳng mấy chốc ông thấy có rất nhiều cá vùng vẫy trong lưới! Ông hốt hoảng ra hiệu cho những bạn chài ở thuyền kia đến giúp. Sau khi đến, họ nhanh chóng nhận ra là một chiếc thuyền thì không thể nào chứa nổi lượng cá này. Họ chất đầy cá lên hai thuyền nhưng cá nhiều đến nỗi hai thuyền bắt đầu chìm. Phi-e-rơ vô cùng sửng sốt. Ông đã từng thấy quyền năng của Chúa Giê-su trước đó, nhưng lần này là trường hợp của riêng ông! Trước mặt ông là người thậm chí có thể khiến cá bơi vào lưới! Phi-e-rơ bắt đầu thấy sợ. Ông quỳ xuống và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa tôi vì tôi là người tội lỗi”. Làm sao ông chứng tỏ được là mình xứng đáng kết hợp với đấng có quyền năng đến từ Đức Chúa Trời như thế?—Đọc Lu-ca 5:6-9.

‘Lạy Chúa, tôi là người tội lỗi’

15. Làm thế nào Chúa Giê-su dạy Phi-e-rơ hiểu những nỗi sợ hãi và nghi ngờ của ông là không có cơ sở?

15 Chúa Giê-su tử tế nói: “Đừng sợ. Từ nay anh sẽ trở thành tay đánh lưới người” (Lu 5:10, 11). Thật vậy, Chúa Giê-su có công việc rất quan trọng để làm, một công việc rao giảng sẽ tác động đến tương lai của nhân loại. Thế nên, đây không phải lúc để Phi-e-rơ nghi ngờ hay sợ hãi. Mối nghi ngờ của ông về vấn đề thường ngày như đánh cá là không có cơ sở. Nỗi sợ về khuyết điểm và sự không xứng đáng của ông cũng là vô căn cứ. Phi-e-rơ đang phụng sự Đức Chúa Trời, đấng hay “tha-thứ dồi-dào” (Ê-sai 55:7). Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc nhu cầu về thể chất lẫn tâm linh cho Phi-e-rơ.—Mat 6:33.

16. Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng hưởng ứng lời mời của Chúa Giê-su như thế nào? Tại sao đó là quyết định khôn ngoan nhất của họ?

16 Phi-e-rơ cũng như Gia-cơ và Giăng liền hưởng ứng lời mời. Kinh Thánh nói: “Họ chèo thuyền trở lại bờ, bỏ tất cả và đi theo ngài” (Lu 5:11). Phi-e-rơ cho thấy ông tin nơi Chúa Giê-su và đấng đã sai ngài đến. Đó là quyết định khôn ngoan nhất của ông. Ngày nay, môn đồ của Chúa Giê-su cũng vượt qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ để phụng sự Đức Chúa Trời. Khi làm thế, họ thể hiện đức tin như Phi-e-rơ. Sự tin cậy như thế nơi Đức Giê-hô-va không bao giờ là sai lầm.—Thi 22:4, 5.

“Sao lại nghi ngờ?”

17. Sau hai năm kể từ lần gặp Chúa Giê-su, có thể Phi-e-rơ hồi tưởng về những điều gì?

17 Khoảng hai năm đã trôi qua kể từ lần gặp Chúa Giê-su, lúc này Phi-e-rơ đang chèo thuyền trên biển Ga-li-lê trong một đêm giông bão, như đã đề cập ở đầu chương. Dĩ nhiên, chúng ta không biết lúc đó ông hồi tưởng về điều gì. Có quá nhiều điều để nghĩ đến! Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh cho mẹ vợ của Phi-e-rơ. Ngài cũng nói Bài giảng trên núi. Hết lần này đến lần khác, qua sự dạy dỗ và những phép lạ, Chúa Giê-su cho thấy ngài là đấng được Đức Giê-hô-va chọn, Đấng Mê-si. Nhiều tháng qua, chắc hẳn Phi-e-rơ đã khắc phục phần nào các khuyết điểm như dễ sợ hãi và nghi ngờ. Chúa Giê-su thậm chí còn chọn Phi-e-rơ làm một trong 12 sứ đồ của ngài! Thế nhưng, chẳng bao lâu nữa Phi-e-rơ sẽ nhận ra là mình vẫn chưa khuất phục được nỗi sợ hãi và nghi ngờ.

18, 19. (a) Hãy miêu tả những gì Phi-e-rơ thấy trên biển Ga-li-lê. (b) Chúa Giê-su nhậm lời thỉnh cầu của Phi-e-rơ ra sao?

18 Vào canh tư đêm ấy, khoảng từ ba giờ sáng đến khi mặt trời mọc, bỗng nhiên Phi-e-rơ ngưng chèo thuyền và ngồi thẳng lên. Đằng kia có cái gì đang di chuyển trên sóng! Liệu đó có phải là những tia nước phản chiếu dưới ánh trăng không? Không, bóng dáng ấy trông rất vững chãi và thẳng đứng. Đó là một người đàn ông, và ông đang đi bộ trên mặt biển! Khi ông đến gần, hình như ông định vượt qua họ. Các môn đồ hoảng sợ và nghĩ rằng đó là ảo ảnh. Nhưng người đàn ông nói: “Hãy yên tâm! Là tôi đây, đừng sợ”. Đó chính là Chúa Giê-su!—Mat 14:25-27.

19 Phi-e-rơ xin: “Lạy Chúa, nếu quả là ngài, xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến với ngài” (Mat 14:28). Phản ứng đầu tiên của ông cho thấy sự can đảm. Ông vô cùng háo hức chứng kiến phép lạ có một không hai này. Thế nên ông muốn củng cố đức tin của mình nhiều hơn nữa. Ông xin được dự phần vào phép lạ đó. Chúa Giê-su tử tế gọi Phi-e-rơ đến gần ngài. Ông bước qua mạn thuyền và đặt chân xuống mặt nước gợn sóng. Hãy hình dung cảm giác của Phi-e-rơ khi ông thấy vững chắc nơi chân mình và đứng trên mặt nước. Chắc hẳn ông vô cùng kinh ngạc khi bước đến gần Chúa Giê-su. Tuy nhiên, không lâu sau một cảm giác khác lại trỗi lên trong ông.—Đọc Ma-thi-ơ 14:29.

“Khi nhìn thấy gió mạnh, ông sợ hãi”

20. (a) Phi-e-rơ mất tập trung như thế nào, và hậu quả là gì? (b) Chúa Giê-su nhấn mạnh bài học nào với Phi-e-rơ?

20 Phi-e-rơ cần phải tập trung vào Chúa Giê-su vì chính ngài đang dùng quyền năng của Đức Giê-hô-va để giúp ông đi trên những con sóng mạnh. Và Chúa Giê-su làm thế cũng vì ông đã tin nơi ngài. Nhưng Phi-e-rơ bị phân tâm. Kinh Thánh cho biết: “Khi nhìn thấy gió mạnh, ông sợ hãi”. Phi-e-rơ hướng mắt vào những con sóng bắn nước tung tóe, vỗ dồn dập vào thuyền, và thế là ông hốt hoảng. Có lẽ ông tưởng tượng là mình đang bị chìm và sẽ chết đuối dưới hồ. Khi nỗi sợ hãi tràn ngập trong lòng, đức tin của ông cũng bị nhấn chìm. Người đàn ông được đặt tên là “đá” vì có tiềm năng về lòng kiên định đã bắt đầu chìm xuống như một hòn đá do đức tin không vững vàng. Dù là người bơi giỏi, nhưng giờ đây Phi-e-rơ không dựa vào khả năng đó. Ông la lên: “Chúa ơi, cứu tôi với!”. Chúa Giê-su chụp lấy tay ông rồi kéo lên. Ngay khi còn đứng trên mặt nước, ngài nhấn mạnh bài học quan trọng này với Phi-e-rơ: “Anh thật ít đức tin, sao lại nghi ngờ?”.—Mat 14:30, 31.

21. Tại sao sự nghi ngờ là nguy hiểm? Làm sao chúng ta có thể chống lại nó?

21 “Nghi ngờ”—thật là một từ thích hợp! Sự nghi ngờ có sức hủy hoại mạnh mẽ. Nếu chúng ta cứ nghi ngờ, nó có thể ăn mòn đức tin và khiến chúng ta bị “chìm” về tâm linh. Chúng ta cần hết sức chống lại! Bằng cách nào? Đó là luôn tập trung vào mục tiêu đúng. Nếu cứ chú tâm vào điều khiến mình sợ hãi, nản lòng, và mất tập trung vào Đức Giê-hô-va cùng Con ngài, thì sự nghi ngờ trong lòng sẽ ngày càng lớn hơn. Nếu tập trung vào Đức Giê-hô-va cùng Con ngài, vào những điều hai đấng ấy đã, đang và sẽ làm cho những người yêu thương họ, chúng ta sẽ không để sự nghi ngờ hủy hoại đức tin.

22. Tại sao đức tin của Phi-e-rơ xứng đáng cho chúng ta noi theo?

22 Lúc Phi-e-rơ theo Chúa Giê-su lên thuyền, cơn bão lắng dịu và biển Ga-li-lê tĩnh lặng trở lại. Phi-e-rơ cùng các môn đồ khác thốt lên: “Thầy quả là Con Đức Chúa Trời” (Mat 14:33). Khi ban mai đến, chắc chắn Phi-e-rơ tràn đầy lòng biết ơn. Ông rút ra bài học là không để nỗi sợ hãi khiến ông nghi ngờ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nữa. Thật ra, ông còn phải thay đổi nhiều để trở thành một tín đồ có phẩm chất như “đá” mà Chúa Giê-su đã tiên tri. Nhưng ông quyết tâm tiếp tục cố gắng và tiến bộ. Bạn có quyết tâm như thế không? Bạn sẽ thấy đức tin của Phi-e-rơ xứng đáng cho chúng ta noi theo.