Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG TÁM

Ông không nản chí dù gặp thất vọng

Ông không nản chí dù gặp thất vọng

1. Tại sao bầu không khí tang thương bao trùm cả thành Si-lô?

Sa-mu-ên đau lòng trước những gì xảy ra ở Si-lô. Bầu không khí tang thương bao trùm cả thành. Đâu đâu cũng nghe tiếng than khóc của phụ nữ và trẻ em khi hay tin cha, chồng, con và anh em của họ sẽ mãi không trở về. Kinh Thánh cho biết rằng 30.000 quân lính vừa tử trận khi quân Y-sơ-ra-ên đại bại dưới tay quân Phi-li-tin. Trước đó không lâu, 4.000 người đã thiệt mạng trong một trận đánh khác.—1 Sa 4:1, 2, 10.

2, 3. Hàng loạt thảm kịch nào đã khiến Si-lô bị sỉ nhục và mất sự vinh hiển?

2 Đây chỉ là một trong hàng loạt thảm kịch giáng xuống dân Y-sơ-ra-ên. Hai con trai gian ác của thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li là Hóp-ni và Phi-nê-a đã đem hòm giao ước thánh đi khỏi Si-lô. Hòm quý giá này biểu trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va, và thường được đặt trong nơi chí thánh của đền tạm (đền thờ có hình giống như lều). Dân sự đã mang hòm giao ước ra chiến trận vì dại dột cho rằng hòm sẽ như bùa giúp họ chiến thắng. Nhưng quân Phi-li-tin đã cướp hòm giao ước, rồi giết Hóp-ni và Phi-nê-a.—1 Sa 4:3-11.

3 Trong nhiều thế kỷ, hòm giao ước đã mang lại sự vinh hiển cho đền tạm ở Si-lô. Thế mà bây giờ hòm ấy không còn nữa. Vừa nghe tin thì Hê-li, lúc đó 98 tuổi, ngã ngửa khỏi ghế và chết. Khi con dâu ông hay tin chồng mất thì đột ngột sinh con, rồi qua đời. Lúc hấp hối, nàng nói: “Sự vinh-hiển đã lìa khỏi Y-sơ-ra-ên”. Thật vậy, Si-lô sẽ không bao giờ được như trước nữa!—1 Sa 4:12-22.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong chương này?

4 Sa-mu-ên sẽ đương đầu với những nỗi thất vọng nặng nề ấy ra sao? Ông có giữ vững đức tin khi phải giúp một dân đã mất ân huệ và sự che chở của Đức Giê-hô-va không? Ngày nay, đôi khi chúng ta phải đối mặt với những nghịch cảnh và nỗi thất vọng khiến đức tin bị thử thách. Vậy hãy xem chúng ta có thể học được gì từ Sa-mu-ên.

Ông “làm điều công chính”

5, 6. Liên quan đến khoảng thời gian 20 năm, Kinh Thánh tập trung vào điều gì? Sa-mu-ên bận rộn thế nào trong thời gian ấy?

5 Giờ đây, Kinh Thánh chuyển sang tập trung vào hòm giao ước. Dân Phi-li-tin đã chuốc họa vào thân khi cướp hòm giao ước thánh, và do đó họ buộc phải trả lại chiếc hòm ấy. Khi Kinh Thánh đề cập đến Sa-mu-ên trở lại, thì 20 năm đã trôi qua (1 Sa 7:2). Ông bận rộn thế nào trong những năm ấy? Ngay sau đây chúng ta sẽ có câu trả lời.

Làm sao Sa-mu-ên có thể giúp dân sự đương đầu với nỗi mất mát lớn và thất vọng?

6 Chúng ta biết rằng trước khoảng thời gian 20 năm ấy, “lời của Sa-mu-ên được rao-truyền cho cả Y-sơ-ra-ên” (1 Sa 4:1). Rồi Kinh Thánh tường thuật rằng sau khoảng thời gian ấy, mỗi năm Sa-mu-ên thường đến ba thành của Y-sơ-ra-ên để xét xử những vụ tranh chấp và giải quyết những vấn đề trong dân sự. Sau đó, ông trở về quê nhà Ra-ma (1 Sa 7:15-17). Rõ ràng, Sa-mu-ên luôn bận rộn, và ông cũng có nhiều việc để làm trong suốt 20 năm ấy.

Dù Kinh Thánh không nhắc đến Sa-mu-ên trong một khoảng thời gian dài 20 năm, nhưng chúng ta có thể chắc chắn là ông luôn bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va

7, 8. (a) Sau hai thập kỷ khuyên bảo dân sự, Sa-mu-ên truyền thông điệp nào cho họ? (b) Dân sự phản ứng ra sao trước lời đảm bảo của Sa-mu-ên?

7 Hành vi vô luân và bại hoại của các con trai Hê-li ảnh hưởng xấu đến đức tin của dân sự. Hậu quả là nhiều người đã thờ thần tượng. Sau hai thập kỷ không ngừng khuyên bảo dân sự, Sa-mu-ên truyền thông điệp này cho họ: “Nếu các ngươi thật hết lòng trở lại cùng Đức Giê-hô-va, thì khá cất khỏi giữa các ngươi những thần lạ và tượng Át-tạt-tê, hết lòng theo Đức Giê-hô-va, chỉ phục-sự một mình Ngài mà thôi. Ngài ắt sẽ giải-cứu các ngươi khỏi tay dân Phi-li-tin”.—1 Sa 7:3.

8 “Tay dân Phi-li-tin” ngày càng đè nặng trên dân sự. Vì quân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn bại trận nên dân Phi-li-tin thẳng tay đàn áp dân Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Sa-mu-ên đảm bảo với dân sự rằng tình thế sẽ thay đổi nếu họ trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Dân sự có làm theo không? Có. Họ dẹp những tượng thần và “phục-sự một mình Đức Giê-hô-va mà thôi”. Điều này làm Sa-mu-ên rất vui mừng. Ông nhóm dân sự lại tại Mích-ba, một thành trong vùng đồi núi phía bắc Giê-ru-sa-lem. Dân sự nhóm lại, kiêng ăn và ăn năn về tội thờ thần tượng.—Đọc 1 Sa-mu-ên 7:4-6.

Khi dân sự của Đức Giê-hô-va ăn năn và nhóm lại, quân Phi-li-tin thấy đây là thời cơ để đàn áp họ

9. Quân Phi-li-tin thấy thời cơ nào? Dân Đức Chúa Trời phản ứng ra sao trước mối đe dọa?

9 Khi hay tin dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại, quân Phi-li-tin thấy đây là thời cơ để tấn công những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng điều quân đến Mích-ba. Nghe tin ấy, dân sự sợ hãi trước mối đe dọa và xin Sa-mu-ên cầu nguyện cho họ. Sa-mu-ên đã làm thế và dâng vật tế lễ cho Đức Chúa Trời. Lúc đang tiến hành thì quân Phi-li-tin kéo đến Mích-ba để gây chiến. Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Sa-mu-ên. Ngài nổi cơn thịnh nộ, “khiến sấm-sét nổ vang trên dân Phi-li-tin”.—1 Sa 7:7-10.

10, 11. (a) Tại sao tiếng sấm mà Đức Giê-hô-va khiến nổ trên quân Phi-li-tin không như bình thường? (b) Trận đánh tại Mích-ba dẫn đến kết cục nào?

10 Quân Phi-li-tin có giống như những đứa trẻ sợ hãi núp sau lưng mẹ khi nghe tiếng sấm nổ không? Chắc chắn không, vì chúng là những lính chiến dày dạn kinh nghiệm. Do đó, tiếng sấm này hẳn không giống như tiếng chúng từng biết. Phải chăng tiếng “nổ vang” ấy lớn hơn mức bình thường? Nó phát ra từ bầu trời trong xanh, hay vang dội từ sườn đồi? Dù gì đi nữa, tiếng sấm đã khiến quân Phi-li-tin hoảng loạn và khiếp sợ. Trong phút chốc, từ những kẻ chiếm thế thượng phong, chúng đã bị áp đảo. Dân Y-sơ-ra-ên tràn ra từ Mích-ba, đánh bại và đuổi theo chúng hàng kilômét đến tận phía tây nam thành Giê-ru-sa-lem.—1 Sa 7:11.

11 Trận đánh này là một bước ngoặt đối với dân Đức Chúa Trời. Trong suốt thời gian Sa-mu-ên còn làm quan xét, quân Phi-li-tin không kéo quân xâm chiếm Y-sơ-ra-ên nữa. Dân Y-sơ-ra-ên chiếm lại từng thành đã mất.—1 Sa 7:13, 14.

12. Khi nói Sa-mu-ên “làm điều công chính” thì điều đó có nghĩa gì? Những đức tính nào giúp ông tiếp tục làm thế?

12 Nhiều thế kỷ sau, sứ đồ Phao-lô kể tên Sa-mu-ên trong số những quan xét và nhà tiên tri trung thành đã “làm điều công chính” (Hê 11:32, 33). Thật vậy, Sa-mu-ên làm điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời và khuyến khích người khác cũng như vậy. Ông có thể tiếp tục làm thế là nhờ kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va, kiên trì thi hành trách nhiệm dù gặp nhiều nỗi thất vọng. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn với ngài. Chẳng hạn, sau chiến thắng tại Mích-ba, Sa-mu-ên cho dựng lên một hòn đá để ghi nhớ sự kiện Đức Giê-hô-va giải cứu dân ngài.—1 Sa 7:12.

13. (a) Chúng ta cần những đức tính nào nếu muốn noi gương Sa-mu-ên? (b) Bạn nghĩ khi nào là thời điểm tốt để rèn luyện những đức tính như Sa-mu-ên?

13 Bạn có muốn “làm điều công chính” không? Nếu có, bạn hãy học theo tính kiên nhẫn, khiêm nhường và lòng biết ơn của Sa-mu-ên. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6). Tất cả chúng ta đều cần những đức tính ấy. Điều tốt là Sa-mu-ên đã rèn luyện và thể hiện những đức tính như thế ngay khi còn trẻ. Nhờ đó, ông đã có thể đương đầu với những nỗi thất vọng lớn hơn sau này.

“Các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông”

14, 15. (a) Sa-mu-ên gặp phải nỗi thất vọng nào khi về già? (b) Sa-mu-ên có phải là người cha đáng chê trách như Hê-li không? Hãy giải thích.

14 Lần kế tiếp Kinh Thánh đề cập đến Sa-mu-ên là khi ông “đã già”. Ông đã giao cho hai con trai là Giô-ên và A-bi-gia nhiệm vụ giúp ông xét xử. Đáng buồn thay, niềm tin của ông đặt sai chỗ. Sa-mu-ên là người trung thực và công chính, còn hai con trai ông thì lợi dụng chức quyền để tư lợi, bóp méo công lý và nhận hối lộ.—1 Sa 8:1-3.

15 Một ngày nọ, những trưởng lão đến phàn nàn với nhà tiên tri cao tuổi này: “Các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông” (1 Sa 8:4, 5). Sa-mu-ên có biết điều đó không? Kinh Thánh không nói. Nhưng khác với Hê-li, chắc chắn Sa-mu-ên không phải là người cha đáng chê trách. Đức Giê-hô-va đã quở trách cũng như trừng phạt Hê-li vì ông không sửa trị các con, và ông coi trọng chúng hơn ngài (1 Sa 2:27-29). Nhưng ngài không thấy những thiếu sót này nơi Sa-mu-ên.

Làm sao Sa-mu-ên có thể giúp dân sự đương đầu với nỗi mất mát lớn và thất vọng?

16. Những bậc cha mẹ có con bất trị cảm thấy thế nào? Nhờ gương của Sa-mu-ên, làm sao họ có thể được an ủi và biết cách đối phó với vấn đề?

16 Kinh Thánh không nói về sự xấu hổ, lo âu hoặc thất vọng của Sa-mu-ên khi biết hành vi gian ác của các con. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ ngày nay hiểu được những cảm giác đó. Trong thời kỳ tối tăm hiện tại, nhìn đâu cũng thấy con cái chống lại quyền hành và phép tắc của cha mẹ. (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:1-5). Nhờ gương của Sa-mu-ên, những bậc cha mẹ đang phải chống chọi với nỗi đau ấy có thể được an ủi phần nào và biết cách đối phó với vấn đề. Dù các con Sa-mu-ên bất trung với Đức Chúa Trời nhưng ông vẫn giữ lòng trung thành. Hãy nhớ rằng, ngay cả khi lời khuyên hay biện pháp kỷ luật mất tác dụng với người con bất trị thì cha mẹ vẫn có thể dạy con qua gương mẫu. Như Sa-mu-ên, bậc cha mẹ luôn có thể làm hài lòng Cha trên trời là Đức Giê-hô-va.

“Hãy lập trên chúng tôi một vua”

17. Những trưởng lão của Y-sơ-ra-ên đòi hỏi Sa-mu-ên làm gì, và ông cảm thấy ra sao?

17 Sự tham lam và ích kỷ của các con Sa-mu-ên đã dẫn đến hậu quả khôn lường. Những trưởng lão của Y-sơ-ra-ên đến nói với Sa-mu-ên: “Hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán-xét chúng tôi, y như các dân-tộc khác đã có rồi”. Đòi hỏi đó có làm Sa-mu-ên cảm thấy mình bị bác bỏ không? Suy cho cùng, ông đã thay mặt Đức Chúa Trời đoán xét dân sự trong nhiều thập kỷ. Vậy mà giờ đây, họ muốn một vị vua đoán xét họ, chứ không phải một nhà tiên tri như ông. Những nước xung quanh đều có vua, và dân Y-sơ-ra-ên cũng muốn như vậy! Sa-mu-ên cảm thấy ra sao? Điều này “chẳng đẹp ý” ông.—1 Sa 8:5, 6.

18. Làm sao lời Đức Giê-hô-va vừa an ủi Sa-mu-ên vừa cho thấy dân Y-sơ-ra-ên phạm tội nghiêm trọng?

18 Hãy lưu ý cách Đức Giê-hô-va đáp lời khi Sa-mu-ên cầu nguyện về vấn đề này. Ngài phán: “Hãy nghe theo mọi lời dân-sự nói cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ-chối ngươi đâu, bèn là từ-chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai-trị chúng nó nữa”. Sa-mu-ên hẳn được an ủi biết bao! Tuy nhiên, đòi hỏi trên của dân sự là sự xúc phạm nghiêm trọng đối với Đức Chúa Trời Toàn Năng! Đức Giê-hô-va bảo nhà tiên tri cảnh báo dân sự về hậu quả họ phải chịu khi đòi có một người làm vua cai trị họ. Khi Sa-mu-ên nói với dân sự, họ vẫn khăng khăng: “Không, phải có một vua trên chúng tôi”. Vì luôn vâng lời Đức Giê-hô-va nên Sa-mu-ên đi đến xức dầu cho vị vua mà ngài chọn.—1 Sa 8:7-19.

19, 20. (a) Qua những cách nào Sa-mu-ên cho thấy ông vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va để xức dầu cho Sau-lơ làm vua? (b) Sa-mu-ên tiếp tục giúp dân Đức Chúa Trời ra sao?

19 Sa-mu-ên có vâng lời cách miễn cưỡng hay chiếu lệ không? Ông có để cảm giác thất vọng và cay đắng ăn sâu trong lòng không? Có lẽ nhiều người sẽ như thế nếu ở trong tình huống tương tự, nhưng Sa-mu-ên thì không. Ông xức dầu cho Sau-lơ và nhìn nhận đó là người được Đức Giê-hô-va chọn. Ông hôn Sau-lơ, một dấu hiệu cho thấy ông chào đón và phục tùng vị vua mới. Sa-mu-ên cũng nói với dân sự: “Các ngươi có thấy người mà Đức Giê-hô-va đã chọn chăng? Trong cả dân-sự không có ai giống như người”.—1 Sa 10:1, 24.

20 Sa-mu-ên không nhìn vào khuyết điểm, nhưng nhìn vào ưu điểm của người được Đức Giê-hô-va chọn. Hơn nữa, đối với ông, lòng trung thành với Đức Chúa Trời quan trọng hơn sự chấp nhận của những người hay thay đổi (1 Sa 12:1-4). Ông chú tâm vào công việc được giao, đó là cảnh báo dân sự về những điều có thể làm tổn hại mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời, và khuyến khích họ giữ lòng trung thành với ngài. Lời khuyên của Sa-mu-ên đã động đến lòng dân sự, và họ xin ông thay mặt họ cầu nguyện Đức Chúa Trời. Ông tử tế trả lời: “Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu-nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay”.—1 Sa 12:21-24.

Gương của Sa-mu-ên nhắc nhở rằng chúng ta không nên để sự đố kỵ hay cay đắng ăn sâu trong lòng

21. Nếu từng thất vọng khi thấy người khác nhận được một vị trí hoặc đặc ân, làm sao gương của Sa-mu-ên có thể giúp ích cho bạn?

21 Bạn có bao giờ thất vọng khi thấy người khác nhận được một vị trí hay đặc ân nào đó không? Gương của Sa-mu-ên nhắc nhở rằng chúng ta không nên để sự đố kỵ hay cay đắng ăn sâu trong lòng. (Đọc Châm-ngôn 14:30). Đức Chúa Trời có vô số công việc ý nghĩa để giao cho mỗi tôi tớ trung thành của ngài.

“Ngươi buồn-rầu về việc Sau-lơ cho đến chừng nào?”

22. Tại sao Sa-mu-ên đã đúng khi nhìn thấy ưu điểm mà Sau-lơ có lúc đầu?

22 Sa-mu-ên đã đúng khi nhìn thấy ưu điểm của Sau-lơ; đây quả là một người nổi trội. Sau-lơ cao lớn, đẹp trai, can đảm, tháo vát và lúc đầu ông khiêm tốn, không tự phụ (1 Sa 10:22, 23, 27). Bên cạnh những sự ban cho ấy, ông có một điều quý giá, đó là tự do ý chí, tức khả năng lựa chọn lối sống và tự quyết định (Phục 30:19). Sau-lơ có dùng sự ban cho này cách đúng đắn không?

23. Sau-lơ đã đánh mất đức tính nào trước tiên, và ông càng trở nên kiêu ngạo ra sao?

23 Đáng buồn thay, khi một người nắm quyền lực trong tay thì khiêm tốn thường là đức tính mà người đó đánh mất trước tiên. Không lâu sau, Sau-lơ trở nên kiêu ngạo. Ông chọn không vâng theo những mệnh lệnh mà Đức Giê-hô-va truyền qua nhà tiên tri Sa-mu-ên. Lần nọ, Sau-lơ mất kiên nhẫn và tự ý dâng vật tế lễ mà Sa-mu-ên định dâng. Sa-mu-ên đã quở trách Sau-lơ, và báo trước rằng nhà Sau-lơ sẽ bị tước vương quyền. Thay vì chấp nhận lời quở trách, Sau-lơ càng sa vào con đường bất trung với Đức Giê-hô-va.—1 Sa 13:8, 9, 13, 14.

24. (a) Khi đi đánh dân A-ma-léc, Sau-lơ cãi lệnh Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Sau-lơ phản ứng ra sao khi bị quở trách? Đức Giê-hô-va đưa ra phán quyết nào?

24 Qua Sa-mu-ên, Đức Giê-hô-va lệnh cho Sau-lơ đi đánh dân A-ma-léc. Lệnh của Đức Giê-hô-va bao gồm cả việc giết vua gian ác A-ga. Tuy nhiên, Sau-lơ tha cho A-ga và chừa lại những vật tốt nhất mà lẽ ra ông phải tiêu hủy. Khi bị Sa-mu-ên quở trách, phản ứng của Sau-lơ cho thấy ông đã thay đổi đáng kể. Thay vì khiêm tốn chấp nhận lời quở trách, Sau-lơ lại biện hộ, bào chữa cho hành động của mình, né tránh trách nhiệm và cố đổ lỗi cho dân sự. Khi Sau-lơ cố bào chữa bằng cách nói rằng một số chiến lợi phẩm ông mang về là để dâng cho Đức Giê-hô-va, Sa-mu-ên đáp lại bằng lời nổi tiếng sau: “Sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ”. Sa-mu-ên đã can đảm quở trách và cho vua biết phán quyết của Đức Giê-hô-va: Quyền cai trị sẽ bị tước khỏi Sau-lơ và trao cho người xứng đáng hơn. *1 Sa 15:1-33.

25, 26. (a) Tại sao Sa-mu-ên than khóc về Sau-lơ? Đức Giê-hô-va đã nhẹ nhàng chỉnh lại nhà tiên tri như thế nào? (b) Sa-mu-ên rút ra bài học nào khi đến nhà Y-sai?

25 Sa-mu-ên vô cùng thất vọng về những lỗi lầm của Sau-lơ. Suốt đêm, ông kêu cầu Đức Giê-hô-va, thậm chí than khóc về Sau-lơ. Sa-mu-ên đã kỳ vọng ở Sau-lơ vì thấy ông có quá nhiều tiềm năng, quá nhiều tính tốt, nhưng những kỳ vọng đó giờ đây đã tan thành mây khói. Người mà Sa-mu-ên từng biết nay đã thay đổi—mất những đức tính tốt nhất và nghịch cùng Đức Giê-hô-va. Sa-mu-ên không muốn gặp Sau-lơ nữa. Thế nhưng, sau đó Đức Giê-hô-va đã nhẹ nhàng chỉnh lại quan điểm của Sa-mu-ên. Ngài nói: “Ngươi buồn-rầu về việc Sau-lơ cho đến chừng nào? Ta đã từ-bỏ nó, hầu cho nó không còn làm vua trên Y-sơ-ra-ên nữa. Hãy đổ dầu đầy sừng của ngươi và đi. Ta sẽ sai ngươi đến Y-sai, người Bết-lê-hem; vì trong vòng các con trai người, ta đã chọn một người làm vua”.—1 Sa 15:34, 35; 16:1.

26 Ý định của Đức Giê-hô-va không phụ thuộc vào lòng trung thành hay lay chuyển của loài người bất toàn. Nếu một người bất trung, Đức Giê-hô-va sẽ dùng người khác để thực hiện ý muốn của ngài. Vì thế, Sa-mu-ên không còn buồn phiền về Sau-lơ nữa. Theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, Sa-mu-ên đến nhà Y-sai tại thành Bết-lê-hem. Tại đây, ông gặp các con trai cao lớn và khôi ngô của Y-sai. Dù vậy, ngay từ đầu, Đức Giê-hô-va nhắc nhở Sa-mu-ên chớ xem bề ngoài của họ. (Đọc 1 Sa-mu-ên 16:7). Cuối cùng, Sa-mu-ên gặp con trai út của Y-sai là Đa-vít, và đây chính là người Đức Giê-hô-va đã chọn!

Sa-mu-ên hiểu được là không có nỗi thất vọng nào mà Đức Giê-hô-va không thể xoa dịu, giải quyết và thậm chí chuyển thành ân phước

27. (a) Điều gì giúp đức tin của Sa-mu-ên ngày càng mạnh mẽ? (b) Bạn cảm thấy thế nào về gương của Sa-mu-ên?

27 Trong những năm cuối đời, Sa-mu-ên càng thấy rõ việc Đức Giê-hô-va chọn Đa-vít thay cho Sau-lơ là đúng. Sau-lơ đã tồi tệ đến mức muốn giết Đa-vít vì ghen tị, và trở thành kẻ bội đạo. Còn Đa-vít thì thể hiện những phẩm chất đáng quý là can đảm, trung kiên, đức tin và trung thành. Lúc gần qua đời, đức tin của Sa-mu-ên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông thấy rằng không có nỗi thất vọng nào mà Đức Giê-hô-va không thể xoa dịu, giải quyết và thậm chí chuyển thành ân phước. Cuối cùng, Sa-mu-ên mất, và cuộc đời kéo dài gần một thế kỷ của ông trở thành gương mẫu nổi bật cho đời sau. Không lạ gì khi cả dân Y-sơ-ra-ên khóc thương người trung thành này. Thời nay, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nên tự hỏi: “Mình có noi theo đức tin của Sa-mu-ên không?”.

^ đ. 24 Chính Sa-mu-ên đã xử tử A-ga. Vua gian ác đó và cả gia đình hắn đều không đáng được khoan dung. Nhiều thế kỷ sau, trong số những con cháu của A-ga có “Ha-man, người A-gát”, là kẻ đã rắp tâm tận diệt cả dân tộc của Đức Chúa Trời.—Ê-xơ-tê 8:3; xem Chương 15 và 16 của ấn phẩm này.