Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Ông học biểu lộ lòng thương xót

Ông học biểu lộ lòng thương xót

1. Hành trình nào đang chờ Giô-na phía trước, và ông cảm thấy thế nào về nơi mình sắp đến?

Giô-na có đủ thời gian để suy nghĩ. Chuyến hành trình dài khoảng 800km đang chờ ông phía trước. Theo đường bộ, ông phải đi khoảng một tháng hoặc có lẽ lâu hơn. Trước tiên, ông phải chọn giữa lộ trình ngắn hoặc lộ trình dài mà an toàn hơn, rồi ông lên đường. Hẳn ông đã băng qua nhiều thung lũng và núi đồi, đi dọc theo sa mạc Sy-ri mênh mông, lội qua những con sông như sông lớn Ơ-phơ-rát. Ông cũng phải tìm chỗ nghỉ đêm giữa dân ngoại bang trong những thị trấn ở vùng Sy-ri, Mê-sô-bô-ta-mi và A-si-ri. Ngày qua ngày, ông nghĩ về nơi mình sắp đến, thành mà ông kinh sợ. Theo mỗi bước chân ông, thành ấy càng lúc càng gần. Đó là thành Ni-ni-ve.

2. Làm thế nào Đức Giê-hô-va dạy Giô-na để ông không trốn tránh nhiệm vụ nữa?

2 Có một điều Giô-na biết chắc: Ông không thể quay lại và trốn tránh nhiệm vụ như trước đây. Trong chương trước, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dạy Giô-na bằng cách khiến bão nổi lên ngoài biển và dùng con cá khổng lồ để cứu ông cách kỳ diệu. Ba ngày sau, ông được mửa ra trên bờ biển bình an vô sự. Giờ đây, Giô-na rất kính sợ Đức Giê-hô-va và sẵn lòng vâng lời ngài hơn.—Giô-na chương 1, 2.

3. Đức Giê-hô-va biểu lộ đức tính nào với Giô-na, nhưng câu hỏi nào được nêu lên?

3 Khi lần thứ hai Đức Giê-hô-va lệnh cho Giô-na đến Ni-ni-ve, nhà tiên tri đã vâng lời và đi về phía đông. (Đọc Giô-na 3:1-3). Dù vậy, sau khi bị Đức Giê-hô-va sửa phạt, ông có hoàn toàn thay đổi thái độ của mình không? Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã biểu lộ lòng thương xót với ông, cứu ông khỏi biển cả, không trừng phạt tội cãi lời và cho ông thêm một cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ. Sau tất cả mọi chuyện, Giô-na có biết biểu lộ lòng thương xót với người khác không? Con người bất toàn thường thấy khó làm thế. Hãy xem chúng ta có thể học được gì từ trải nghiệm khó khăn của Giô-na.

Thông điệp phán xét và sự hưởng ứng bất ngờ

4, 5. Tại sao Đức Giê-hô-va gọi Ni-ni-ve là thành lớn, và điều đó cho chúng ta biết gì về ngài?

4 Giô-na không nhìn thành Ni-ni-ve theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh cho biết đối với Đức Chúa Trời, “Ni-ni-ve là một thành rất lớn” (Giô-na 3:3). Lời tường thuật của sách Giô-na cho biết Đức Giê-hô-va nhắc đến “thành lớn Ni-ni-ve” ba lần (Giô-na 1:2; 3:2; 4:11). Tại sao thành này lại lớn, hay quan trọng, đối với Đức Giê-hô-va?

5 Ni-ni-ve cổ xưa là một trong những thành đầu tiên mà Nim-rốt xây dựng sau Đại Hồng Thủy. Thành này là một đô thị rộng lớn, dường như bao gồm nhiều thành nhỏ, và phải mất ba ngày mới đi hết từ đầu đến cuối thành (Sáng 10:11; Giô-na 3:3). Ni-ni-ve gây ấn tượng vì có những đền đài tráng lệ, tường thành kiên cố và nhiều dinh thự. Nhưng những yếu tố này không quan trọng với Đức Giê-hô-va. Điều quan trọng với ngài là người dân ở đó. Vào thời ấy, thành Ni-ni-ve rất đông dân. Dù họ làm điều ác nhưng Đức Giê-hô-va vẫn quan tâm đến họ. Ngài quý mạng sống của con người và thấy mỗi người có thể ăn năn và học làm điều đúng.

Giô-na thấy Ni-ni-ve là một thành lớn có đầy những thực hành sai trái

6. (a) Tại sao Giô-na lo sợ khi vào thành Ni-ni-ve? (Cũng xem chú thích). (b) Qua công việc rao giảng của Giô-na, chúng ta biết gì về ông?

6 Rồi khi Giô-na vào thành Ni-ni-ve, có lẽ ông càng lo sợ khi thấy dân thành đông đúc, với hơn 120.000 người *. Ông đi bộ suốt một ngày, càng lúc càng vào sâu trong thành, có lẽ tìm một nơi thích hợp ở trung tâm để tuyên bố thông điệp. Làm thế nào ông có thể nói chuyện với dân thành này? Ông có biết tiếng A-si-ri không? Hay Đức Giê-hô-va đã làm phép lạ cho ông nói được thứ tiếng đó? Chúng ta không biết rõ. Có thể Giô-na đã tuyên bố thông điệp bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Hê-bơ-rơ, và nhờ một người dịch lại cho dân Ni-ni-ve. Dù sao đi nữa, thông điệp của ông tuy đơn giản nhưng hẳn sẽ làm người ta ghét ông. Thế nhưng, Giô-na mạnh dạn lặp lại nhiều lần: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô-na 3:4). Khi làm thế, ông đã thể hiện sự can đảm và đức tin mạnh mẽ. Thời nay, môn đồ Chúa Giê-su cũng cần có những phẩm chất này hơn bao giờ hết.

Thông điệp của Giô-na tuy đơn giản nhưng hẳn sẽ làm người ta ghét ông

7, 8. (a) Dân Ni-ni-ve phản ứng thế nào trước thông điệp của Giô-na? (b) Vua Ni-ni-ve làm gì để hưởng ứng lời tuyên bố của Giô-na?

7 Thông điệp của Giô-na khiến nhiều người dừng lại lắng nghe. Giô-na chuẩn bị tinh thần vì nghĩ họ sẽ giận dữ và hung bạo. Nhưng kỳ lạ thay, họ đã hưởng ứng thông điệp! Lời của ông nhanh chóng lan truyền khắp thành. Chẳng mấy chốc, cả thành bàn tán xôn xao về thông điệp hủy diệt. (Đọc Giô-na 3:5). Dù giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, già hay trẻ cũng đều ăn năn và cùng nhau kiêng ăn. Tin này nhanh chóng lan đến tai vua.

Giô-na cần can đảm và có đức tin mạnh mẽ để rao giảng cho thành Ni-ni-ve

8 Vua cũng hưởng ứng lời tuyên bố của Giô-na và ăn năn vì kính sợ Đức Chúa Trời. Ông rời ngai vàng, bỏ áo bào và quấn bao gai giống như dân chúng, thậm chí “ngồi trong tro”. Mới đầu, việc kiêng ăn chỉ là hành động tự phát của dân chúng, nhưng giờ đây cùng với những người “rất lớn”, tức quan chức trong triều, vua chính thức ban chiếu chỉ về điều này. Theo lệnh vua, hết thảy đều phải quấn bao gai, kể cả vật nuôi *. Vua khiêm nhường nhận biết dân mình đã làm điều xấu xa và hung bạo. Ông hy vọng rằng Đức Chúa Trời thật sẽ thương xót khi thấy họ ăn năn. Vua nói: “Đức Chúa Trời sẽ... xây khỏi cơn nóng-giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết”.—Giô-na 3:6-9.

9. Dù một số nhà phê bình nghi ngờ dân Ni-ni-ve nhưng làm sao chúng ta biết họ sai?

9 Một số nhà phê bình nghi ngờ việc dân Ni-ni-ve thay đổi nhanh chóng đến vậy. Tuy nhiên, những học giả Kinh Thánh ghi nhận rằng điều đó phù hợp với bản chất mê tín và tính khí thất thường của các dân thuộc nền văn hóa cổ như thế. Ngoài ra, chúng ta biết những nhà phê bình đó đã sai vì sau này chính Chúa Giê-su đã đề cập đến sự ăn năn của dân Ni-ni-ve. (Đọc Ma-thi-ơ 12:41). Ngài biết rõ điều này, vì ngài đã chứng kiến những sự kiện ấy khi còn ở trên trời (Giăng 8:57, 58). Sự thật là chúng ta không nên cho rằng người ta không thể nào ăn năn, dù họ có vẻ hung ác đến đâu đi nữa. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể đọc được những gì ẩn sâu trong lòng.

Lòng thương xót của Đức Chúa Trời tương phản với sự cứng nhắc của con người

10, 11. (a) Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước sự ăn năn của dân Ni-ni-ve? (b) Tại sao chúng ta biết chắc Đức Giê-hô-va không đoán xét sai?

10 Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước sự ăn năn của dân Ni-ni-ve? Về sau, Giô-na viết: “Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây-bỏ đường-lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn-năn sự họa mà ngài đã phán sẽ làm cho họ, và ngài không làm sự đó”.—Giô-na 3:10.

11 Có phải Đức Giê-hô-va nghĩ là ngài đã đoán xét sai về dân Ni-ni-ve không? Không. Kinh Thánh giải thích rằng công lý của Đức Giê-hô-va là hoàn hảo. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Đức Giê-hô-va không còn giận dân này. Ngài nhận thấy họ đã thay đổi nên không trừng phạt họ như đã định nữa. Đây chính là lúc Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót.  

12, 13. (a) Đức Giê-hô-va cho thấy ngài linh động, phải lẽ và thương xót như thế nào? (b) Tại sao lời tiên tri của Giô-na không sai?

12 Đức Giê-hô-va không phải là Đức Chúa Trời cứng nhắc, lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn như những nhà lãnh đạo tôn giáo thường miêu tả. Ngược lại, ngài linh động, phải lẽ và thương xót. Khi quyết định trừng phạt người ác thì trước hết ngài sai những tôi tớ trên đất cảnh báo họ. Ngài mong muốn thấy người ác ăn năn và thay đổi lối sống như dân Ni-ni-ve (Ê-xê 33:11). Đức Giê-hô-va phán với nhà tiên tri Giê-rê-mi: “Trong lúc nào ta sẽ nói về một dân một nước kia đặng nhổ đi, hủy đi, diệt đi; nếu nước mà ta nói đó xây-bỏ điều ác mình, thì ta sẽ đổi ý ta đã toan giáng tai-họa cho nó”.—Giê 18:7, 8.

Đức Chúa Trời mong muốn thấy người ác ăn năn và thay đổi lối sống như dân Ni-ni-ve

13 Lời tiên tri của Giô-na có sai không? Không. Lời tiên tri ấy đã thực hiện được mục tiêu là cảnh báo. Lời ấy cảnh báo dân Ni-ni-ve về đường lối xấu xa của họ, và sau đó họ đã thay đổi. Nhưng nếu dân Ni-ni-ve trở lại con đường gian ác, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt họ. Sau này, điều đó xảy ra đúng như vậy.—Sô 2:13-15.

14. Giô-na phản ứng thế nào khi Đức Giê-hô-va thương xót thành Ni-ni-ve?

14 Giô-na đã phản ứng thế nào khi Ni-ni-ve không bị hủy diệt vào đúng thời điểm ông mong đợi? Lời tường thuật cho biết: “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận-dữ” (Giô-na 4:1). Thậm chí Giô-na còn cầu nguyện trách móc Đấng Toàn Năng! Giô-na cho rằng lẽ ra ông nên ở lại quê nhà. Ông nói mình đã biết trước là Đức Giê-hô-va sẽ không giáng tai họa xuống Ni-ni-ve, và còn lấy cớ ấy để biện hộ cho việc lúc đầu chạy trốn qua Ta-rê-si. Rồi ông xin được chết, vì theo ông thà chết còn hơn sống.—Đọc Giô-na 4:2, 3.

15. (a) Điều gì khiến Giô-na buồn bực? (b) Đức Giê-hô-va đối xử thế nào với nhà tiên tri đau buồn của ngài?

15 Điều gì khiến Giô-na buồn bực đến thế? Chúng ta không biết ông nghĩ gì, chỉ biết là trước mặt mọi người, Giô-na đã tuyên bố rằng Ni-ni-ve sẽ bị hủy diệt. Họ đã tin ông, vậy mà bây giờ chẳng có tai họa nào xảy ra. Có phải ông sợ bị chế giễu, bị xem là tiên tri giả không? Dù gì đi nữa, Giô-na không vui về sự ăn năn của dân thành này hoặc về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Xem ra càng lúc ông càng chìm sâu trong nỗi cay đắng, thương cho thân mình và cảm thấy mất thể diện. Dù vậy, rõ ràng Đức Chúa Trời thương xót vẫn nhìn thấy điểm tốt của nhà tiên tri đau buồn này. Thay vì trừng phạt ông về tội bất kính, Đức Giê-hô-va chỉ nhẹ nhàng nêu câu hỏi để Giô-na suy nghĩ: “Ngươi giận có nên không?” (Giô-na 4:4). Giô-na có trả lời không? Kinh Thánh không cho chúng ta biết.

16. Một số người có quan điểm khác với Đức Chúa Trời về những điều gì? Chúng ta học được gì từ trường hợp của Giô-na?

16 Phản ứng của Giô-na khiến chúng ta dễ đánh giá hạnh kiểm của ông. Nhưng chúng ta cần nhớ là không có gì lạ khi con người bất toàn có quan điểm khác với Đức Chúa Trời. Một số người tin rằng Đức Giê-hô-va nên ngăn chặn một bi kịch xảy ra, hoặc mau chóng hành quyết kẻ ác, hoặc thậm chí kết liễu thế gian này từ trước. Trường hợp của Giô-na nhắc nhở chúng ta rằng khi không đồng ý với Đức Giê-hô-va thì quan điểm của chính mình, chứ không phải của ngài, cần được điều chỉnh.

Đức Giê-hô-va dạy Giô-na một bài học

17, 18. (a) Giô-na làm gì sau khi rời khỏi Ni-ni-ve? (b) Những phép lạ của Đức Giê-hô-va liên quan đến dây dưa tác động thế nào đến Giô-na?

17 Nhà tiên tri buồn nản rời khỏi Ni-ni-ve nhưng không trở về quê nhà mà đi về phía đông, nơi có vài ngọn núi có thể nhìn bao quát cả vùng. Ông cất một cái chòi nhỏ, ở đó quan sát và chờ đợi điều sẽ xảy ra cho Ni-ni-ve. Có lẽ ông vẫn nuôi hy vọng chứng kiến thành này bị hủy diệt. Làm thế nào Đức Giê-hô-va dạy cho người đàn ông cứng đầu này bài học về lòng thương xót?

18 Trong đêm, Đức Giê-hô-va làm cho một dây dưa mọc lên. Khi thức dậy, Giô-na thấy dây này xanh tốt, có những lá to che bóng râm hơn hẳn cái chòi tạm bợ của ông. Tinh thần ông trở nên phấn chấn. “Giô-na rất vui” về dây dưa ấy, có lẽ ông xem điều kỳ diệu đó như là ân phước và sự hài lòng của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, ngài không chỉ muốn giúp ông tránh khỏi sức nóng và nguôi đi cơn giận vô cớ mà còn muốn động đến lòng của ông. Vì vậy, Đức Chúa Trời làm thêm những phép lạ khác. Ngài dùng một con sâu cắn chết dây dưa đó. Rồi ngài khiến “gió cháy thổi từ phương đông” cho đến khi Giô-na “ngất đi” vì sức nóng. Giô-na lại xuống tinh thần và cầu xin Đức Chúa Trời cho ông được chết.—Giô-na 4:6-8.

19, 20. Đức Giê-hô-va lý luận thế nào với Giô-na về dây dưa?

19 Đức Giê-hô-va lại hỏi Giô-na là ông giận có đúng không, lần này là vì dây dưa chết. Thay vì hối lỗi, Giô-na bào chữa: “Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm”. Đây là lúc thích hợp để Đức Giê-hô-va giải thích rõ ràng bài học ngài muốn dạy ông.—Giô-na 4:9.

Đức Chúa Trời dùng một dây dưa để dạy Giô-na bài học về lòng thương xót

20 Đức Giê-hô-va lý luận với Giô-na. Ngài nói rằng chỉ một dây dưa mọc trong đêm, không phải do ông trồng hay làm cho lớn lên, mà ông còn thương tiếc. Rồi Đức Chúa Trời kết luận: “Còn ta, há không đoái-tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân-biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú-vật rất nhiều hay sao?”.—Giô-na 4:10, 11 *.

21. (a) Đức Giê-hô-va dạy Giô-na bài học sống động nào? (b) Làm thế nào câu chuyện về Giô-na giúp chúng ta có cái nhìn trung thực về bản thân?

21 Bạn có thấy sự sâu sắc của bài học sống động này không? Giô-na chưa làm gì để chăm sóc dây dưa đó. Mặt khác, Đức Giê-hô-va là đấng ban và duy trì sự sống cho dân Ni-ni-ve, như ngài đã làm với mọi tạo vật trên đất. Làm sao Giô-na có thể xem trọng một dây dưa hơn mạng sống của 120.000 người và vật nuôi của họ? Có phải là vì Giô-na đã suy nghĩ ích kỷ không? Suy cho cùng, ông tiếc cái cây chỉ vì nó có lợi cho bản thân. Chẳng phải ông giận thành Ni-ni-ve cũng vì ích kỷ, vì muốn giữ thể diện và chứng tỏ mình đúng sao? Câu chuyện về Giô-na có thể giúp chúng ta có cái nhìn trung thực về bản thân. Ai trong chúng ta có thể tránh khỏi khuynh hướng ích kỷ? Chúng ta biết ơn làm sao khi Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dạy chúng ta biết vị tha, trắc ẩn và thương xót hơn—giống như ngài!

22. (a) Bài học Đức Giê-hô-va dạy về lòng thương xót tác động thế nào đến Giô-na? (b) Tất cả chúng ta cần rút ra bài học nào?

22 Nhưng Giô-na có tiếp thu bài học này không? Cuốn sách mang tên ông kết thúc với câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ của Đức Giê-hô-va. Có lẽ một số nhà phê bình cho rằng Giô-na không bao giờ trả lời câu hỏi đó. Nhưng thật ra câu trả lời nằm trong chính cuốn sách mang tên ông. Chúng ta có bằng chứng cho thấy Giô-na đã viết sách này. Hãy thử nghĩ, sau khi trở về quê nhà bình yên, nhà tiên tri đã viết lại mọi chuyện. Chúng ta có thể hình dung cảnh một người đàn ông cao tuổi, khôn ngoan và khiêm nhường hơn, buồn bã lắc đầu khi ghi lại lỗi lầm của chính mình, về sự cãi lời và khăng khăng không chịu tỏ lòng thương xót. Rõ ràng, Giô-na đã tiếp thu bài học quan trọng từ sự hướng dẫn khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Ông đã biết thương xót. Còn chúng ta thì sao?—Đọc Ma-thi-ơ 5:7.

^ đ. 6 Theo ước tính thì vào thời Giô-na, thành Sa-ma-ri (thủ đô của nước Y-sơ-ra-ên mười chi phái) có khoảng 20.000 đến 30.000 dân—chưa tới một phần tư dân số Ni-ni-ve. Thời cực thịnh, có lẽ Ni-ni-ve là thành lớn nhất thế giới.

^ đ. 8 Chi tiết này có vẻ kỳ lạ nhưng nó đã có tiền lệ từ thời cổ xưa. Sử gia Hy Lạp là Herodotus cho biết khi thương tiếc một danh tướng qua đời, người Phe-rơ-sơ cổ cũng cho vật nuôi làm theo những phong tục như thế.

^ đ. 20 Khi Đức Chúa Trời nói rằng những người ấy không biết phân biệt tay hữu với tay tả, điều này có nghĩa là họ giống như những đứa trẻ non nớt không biết gì về tiêu chuẩn của ngài.