Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MỘT

“Tuy đã chết nhưng ông vẫn nói”

“Tuy đã chết nhưng ông vẫn nói”

1. Vật gì đã ngăn gia đình A-đam và Ê-va vào vườn Ê-đen? A-bên mong muốn gì hơn hết?

A-bên ngắm bầy chiên đang thong thả gặm cỏ bên sườn đồi. Rồi có lẽ ông ngước mắt nhìn xa hơn và thấy một đốm sáng mờ nhạt. Ông biết nơi đó có một lưỡi gươm rực lửa đang xoay không ngừng để ngăn con đường vào vườn Ê-đen. Cha mẹ ông từng sống trong vườn đó, nhưng giờ đây họ và các con không được vào nữa. Hãy hình dung làn gió nhẹ buổi xế chiều vờn trên tóc A-bên khi ông ngước mặt lên trời và nghĩ về Đấng Tạo Hóa của mình. Liệu mối rạn nứt giữa loài người với Đức Chúa Trời có được hàn gắn lại? A-bên không mong muốn gì hơn thế.

2-4. Ngày nay A-bên nói với chúng ta theo nghĩa nào?

2 Ngày nay A-bên đang nói với bạn. Bạn có nghe thấy không? Có lẽ bạn nghĩ làm sao điều này xảy ra được. Dù sao người con trai thứ hai này của A-đam đã mất từ lâu. Hài cốt của ông đã tiêu tan, hòa lẫn vào cát bụi gần 60 thế kỷ. Về người chết, Kinh Thánh cho biết: “Kẻ chết chẳng biết chi hết” (Truyền 9:5, 10). Hơn nữa, Kinh Thánh không ghi lại câu nói nào của A-bên. Thế thì làm sao ông có thể nói với chúng ta?

3 Sứ đồ Phao-lô được Đức Chúa Trời hướng dẫn để viết điều này về A-bên: “Tuy đã chết nhưng ông vẫn nói”. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:4). Ông nói qua cách nào? Qua đức tin. A-bên là người đầu tiên trau dồi phẩm chất tốt đẹp này. Ông đã thể hiện đức tin mạnh đến mức gương của ông vẫn sống động, một mẫu mực để ngày nay chúng ta có thể noi theo. Nếu học từ đức tin của A-bên và cố gắng noi theo thì chúng ta đang nghe ông nói với mình.

4 Dù Kinh Thánh cho biết rất ít về A-bên, nhưng chúng ta có thể học được gì về ông và đức tin của ông? Hãy cùng xem.

Lớn lên trong thời “thành lập thế gian”

5. Lời Chúa Giê-su liên kết A-bên với thời “thành lập thế gian” có nghĩa gì? (Cũng xem chú thích).

5 A-bên sinh ra vào thời kỳ đầu của lịch sử nhân loại. Sau này, Chúa Giê-su liên kết A-bên với thời “thành lập thế gian”. (Đọc Lu-ca 11:50, 51). Có lẽ Chúa Giê-su muốn nói đến thế gian gồm những người có hy vọng được chuộc khỏi tội lỗi. Dù là người thứ tư trong nhân loại, nhưng dường như A-bên là người đầu tiên Đức Chúa Trời thấy có thể cứu được *. Rõ ràng, A-bên không lớn lên trong môi trường tốt nhất.

6. Cha mẹ của A-bên là người thế nào?

6 Dù thế gian mới được hình thành nhưng không khí ảm đạm đã bao trùm lên gia đình nhân loại. Cha mẹ của A-bên là A-đam và Ê-va hẳn rất đẹp và tràn đầy sức sống. Thế nhưng, họ đã phạm tội nghiêm trọng, và họ biết rõ điều đó. Họ từng là những người hoàn hảo có triển vọng sống mãi mãi. Rồi họ phản nghịch Đức Chúa Trời và bị đuổi khỏi ngôi nhà địa đàng trong vườn Ê-đen. Vì đặt ham muốn của mình lên trên mọi điều khác, thậm chí trên nhu cầu của con cháu, họ đánh mất sự hoàn hảo và đời sống vĩnh cửu.—Sáng 2:15–3:24.

7, 8. Ê-va nói gì khi Ca-in sinh ra, và có lẽ bà đã nghĩ gì?

7 Bị đuổi khỏi vườn, A-đam và Ê-va thấy đời sống mình quá cực khổ. Tuy nhiên, khi sinh con đầu lòng, họ đặt tên là Ca-in, có nghĩa là “điều gì đó được hình thành”, và Ê-va thốt lên: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp-đỡ, tôi mới sanh được một người”. Có lẽ những lời này cho thấy bà nghĩ đến lời hứa của Đức Giê-hô-va trong vườn Ê-đen, báo trước về người nữ sẽ sinh ra một “dòng-dõi” và dòng dõi này sẽ hủy diệt kẻ ác, là kẻ đã khiến A-đam và Ê-va lầm lạc (Sáng 3:15; 4:1). Phải chăng Ê-va nghĩ bà là người nữ trong lời tiên tri ấy, còn Ca-in là “dòng-dõi” đã hứa?

8 Nếu thế, bà đã quá sai lầm. Hơn nữa, nếu bà và A-đam nhồi nhét những ý tưởng ấy vào tâm trí Ca-in khi ông lớn lên, họ chỉ khiến cho Ca-in kiêu ngạo. Một thời gian sau, Ê-va sinh đứa con thứ hai, nhưng chúng ta không thấy lời khoa trương như thế dành cho đứa con này. Họ đặt tên con là A-bên, có thể mang nghĩa là “khí được thở ra” hoặc “hư không” (Sáng 4:2). Có phải việc chọn tên này cho thấy họ ít kỳ vọng vào A-bên hơn là Ca-in? Có thể, nhưng chúng ta không biết chắc.

9. Những bậc cha mẹ ngày nay có thể rút ra bài học nào từ cha mẹ đầu tiên?

9 Những bậc cha mẹ ngày nay có thể rút ra nhiều điều từ hai người làm cha mẹ đầu tiên. Qua lời nói và hành động, liệu bạn sẽ khiến con mình có khuynh hướng ngày càng kiêu ngạo, tham vọng và ích kỷ không? Hay bạn sẽ dạy chúng yêu thương Đức Chúa Trời và cố gắng xây đắp tình bạn với ngài? Đáng buồn thay, cha mẹ đầu tiên đã không làm tròn trách nhiệm. Thế nhưng, vẫn còn hy vọng cho con cháu họ.

A-bên vun đắp đức tin như thế nào?

10, 11. Ca-in và A-bên làm việc gì? A-bên đã trau dồi phẩm chất nào?

10 Khi hai đứa trẻ lớn lên, có lẽ A-đam đã dạy họ làm những việc cần thiết để chu cấp cho gia đình. Ca-in làm nông, còn A-bên thì chăn chiên.

11 Tuy nhiên, A-bên đã làm một việc quan trọng hơn nhiều. Trong nhiều năm, ông đã trau dồi một phẩm chất tốt đẹp mà sau này Phao-lô có nhắc đến, đó là đức tin. Hãy nghĩ xem: Không có ai nêu gương cho A-bên noi theo. Vậy làm sao ông vun đắp đức tin nơi Đức Chúa Trời? Hãy xem ba nền tảng vững chắc hẳn đã giúp A-bên làm thế.

12, 13. Làm thế nào việc quan sát công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va có thể giúp đức tin của A-bên lớn mạnh?

12 Công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Đúng là Đức Giê-hô-va đã rủa sả đất, làm đất sinh gai góc và cỏ dại, gây trở ngại cho việc trồng trọt. Dù vậy, đất vẫn sinh ra thực phẩm dồi dào để nuôi sống gia đình A-bên. Hơn nữa, những thú vật, chim, cá không bị rủa sả, và núi non, ao hồ, sông ngòi, biển cả, bầu trời, áng mây, mặt trời, mặt trăng và ngôi sao cũng vậy. Nhìn đâu A-bên cũng thấy bằng chứng về tình yêu thương sâu đậm, sự khôn ngoan và tốt lành tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, đấng tạo ra muôn vật. (Đọc Rô-ma 1:20). Nhờ suy ngẫm những điều ấy với lòng biết ơn, đức tin của A-bên được củng cố.

Nhờ công trình sáng tạo, A-bên có cơ sở vững chắc để tin nơi Đấng Tạo Hóa yêu thương

13 Chắc chắn A-bên đã dành thời gian để suy ngẫm về những điều tâm linh. Hãy hình dung việc ông chăm sóc bầy chiên của mình. Đời sống người chăn chiên đòi hỏi phải đi bộ rất nhiều. Ông dẫn những con vật hiền lành lên các ngọn đồi, băng qua thung lũng, vượt sông để tìm đồng cỏ xanh tươi, ao nước trong lành và nơi nghỉ an toàn. Trong những tạo vật của Đức Chúa Trời, dường như chiên là loài yếu đuối nhất, như thể chúng được tạo ra để có người hướng dẫn và che chở. Phải chăng ông nhận thấy mình cũng cần sự hướng dẫn, che chở và chăm sóc từ một đấng khôn ngoan và quyền năng hơn con người? Chắc ông đã bày tỏ những suy nghĩ ấy qua lời cầu nguyện, và kết quả là đức tin của ông ngày càng lớn mạnh.

14, 15. Các lời báo trước của Đức Giê-hô-va cho A-bên có những điều nào để suy ngẫm?

14 Các lời báo trước của Đức Giê-hô-va. Hẳn A-đam và Ê-va đã kể cho hai con nghe những biến cố trong vườn Ê-đen khiến họ bị đuổi đi. Vì vậy, A-bên có nhiều điều để suy ngẫm.

15 Đức Giê-hô-va phán rằng đất sẽ bị rủa sả. Khi nhìn gai góc và cỏ dại, A-bên thấy rõ lời này đã ứng nghiệm. Đức Giê-hô-va cũng báo trước rằng Ê-va sẽ đau đớn lúc mang thai và sinh nở. A-bên cũng nhận ra lời ấy đúng khi các em của ông chào đời. Đức Giê-hô-va còn cho biết trước Ê-va sẽ cảm thấy lệ thuộc vào sự yêu thương, quan tâm của A-đam và bị chồng nắm quyền. A-bên đã thấy thực tại đau buồn này trong gia đình. Qua mỗi trường hợp, A-bên nhận ra lời phán của Đức Giê-hô-va hoàn toàn đáng tin cậy. Thế nên, ông có lý do xác đáng để đặt đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về một “dòng-dõi” sẽ sửa đổi những điều sai trái xảy ra trong vườn Ê-đen.—Sáng 3:15-19.

16, 17. Qua các chê-ru-bim của Đức Giê-hô-va, có lẽ A-bên đã học được gì?

16 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va. A-bên không thấy gương tốt nào trong gia đình nhân loại. Dù vậy, con người không phải là tạo vật thông minh duy nhất trên đất vào thời đó. Khi A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi vườn, Đức Giê-hô-va sắp xếp để họ và con cháu không thể vào địa đàng. Ngài đặt các chê-ru-bim, là những thiên sứ bậc cao, với lưỡi gươm rực lửa xoay không ngừng để giữ lối vào.—Đọc Sáng-thế Ký 3:24.

17 Hãy hình dung thuở còn là một cậu bé, A-bên đã cảm thấy thế nào khi nhìn thấy các chê-ru-bim. Hẳn họ trông rất mạnh mẽ trong hình dạng con người. Lưỡi gươm rực lửa xoay không ngừng cũng khiến ông vô cùng thán phục. Khi lớn lên, có bao giờ A-bên thấy các chê-ru-bim này chán nản rời bỏ vị trí của họ không? Không. Hết ngày rồi đến đêm, năm này sang năm nọ, thập niên này đến thập niên khác, các tạo vật thông minh mạnh mẽ ấy vẫn giữ nguyên vị trí. Nhờ vậy, A-bên biết rằng Đức Chúa Trời có những tôi tớ công chính và kiên định. Qua các chê-ru-bim ấy, A-bên có thể thấy thế nào là lòng trung thành và vâng phục đối với Đức Giê-hô-va, điều mà ông không thể thấy trong gia đình mình. Chắc chắn, gương mẫu của các thiên sứ đã củng cố đức tin ông.

Suốt đời mình, A-bên có thể thấy các chê-ru-bim là những tôi tớ trung thành và vâng lời của Đức Giê-hô-va

18. Ngày nay chúng ta có những cơ sở nào để vun đắp đức tin?

18 Khi suy ngẫm mọi điều Đức Giê-hô-va tiết lộ về ngài qua sự sáng tạo, các lời báo trước và gương mẫu của các thiên sứ hầu việc ngài, A-bên nhận thấy đức tin của ông ngày càng lớn mạnh. Vậy chẳng phải A-bên nói với chúng ta qua gương của ông hay sao? Đặc biệt, những bạn trẻ có thể tin chắc mình cũng có thể vun đắp đức tin thật nơi Đức Giê-hô-va, bất kể những thành viên khác trong gia đình làm gì đi nữa. Ngày nay, qua những kỳ công sáng tạo cũng như toàn bộ Kinh Thánh và gương đức tin của nhiều người, chúng ta có đủ cơ sở để vun đắp đức tin của mình.

Tại sao lễ vật của A-bên vượt trội?

19. Với thời gian, A-bên dần hiểu được sự thật sâu sắc nào?

19 Khi đức tin nơi Đức Giê-hô-va càng lớn mạnh, A-bên muốn tìm cách thể hiện đức tin ấy qua hành động. Dù vậy, một người phàm có thể dâng gì cho Đấng Tạo Hóa của vũ trụ? Rõ ràng Đức Chúa Trời không cần bất cứ món quà hay sự giúp đỡ nào từ loài người. Với thời gian, A-bên dần hiểu được sự thật sâu sắc này: Chỉ cần ông dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có, với động cơ đúng, Cha yêu thương ở trên trời sẽ hài lòng.

A-bên dâng lễ vật với đức tin; Ca-in thì không

20, 21. Ca-in và A-bên dâng lễ vật nào cho Đức Giê-hô-va, và ngài đáp lại ra sao?

20 A-bên chuẩn bị vài con chiên trong bầy để dâng cho Đức Chúa Trời. Ông lựa ra những con tốt nhất, tức những con đầu lòng, và chọn những phần ông nghĩ là tốt nhất. Trong khi đó, Ca-in cũng muốn nhận ân phước và ân huệ của Đức Chúa Trời nên chuẩn bị sản vật trong vụ mùa của mình để dâng cho ngài. Nhưng động cơ của ông không giống như A-bên. Sự khác biệt này được thấy rõ khi hai anh em dâng lễ vật.

21 Có lẽ cả hai con trai của A-đam đều dùng bàn thờ và lửa để dâng lễ vật. Có thể họ dâng lễ vật trong tầm mắt các chê-ru-bim, là đại diện duy nhất của Đức Giê-hô-va trên đất thời bấy giờ. Đức Giê-hô-va đã đáp lại! Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ-vật của người” (Sáng 4:4). Kinh Thánh không cho biết Đức Chúa Trời đoái xem hay hài lòng về A-bên và lễ vật của ông như thế nào.

22, 23. Tại sao Đức Giê-hô-va hài lòng về lễ vật của A-bên?

22 Tại sao Đức Chúa Trời hài lòng về A-bên? Có phải vì lễ vật của ông không? A-bên đã dâng một con vật sống, có hơi thở và đổ ra huyết quý giá của nó. Liệu A-bên có hiểu giá trị của lễ vật như thế không? Nhiều thế kỷ sau thời A-bên, Đức Chúa Trời dùng lễ vật là một con chiên lành lặn để làm hình bóng cho sự hy sinh của Con hoàn hảo của ngài, tức “Chiên con của Đức Chúa Trời”, là đấng sẽ đổ huyết vô tội của mình ra (Giăng 1:29; Xuất 12:5-7). Chắc hẳn những chi tiết đó vượt quá sự hiểu biết của A-bên.

23 Nhưng điều chúng ta biết chắc là: A-bên dâng thứ tốt nhất mà ông có. Đức Giê-hô-va không chỉ hài lòng về lễ vật mà còn về chính người đó. A-bên hành động vì tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và đức tin thật nơi ngài.

24. (a) Tại sao chúng ta nói rằng lễ vật của Ca-in không có gì sai? (b) Ca-in giống với nhiều người ngày nay như thế nào?

24 Ca-in thì khác. Đức Giê-hô-va “chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ-vật của người” (Sáng 4:5). Lễ vật của Ca-in không có gì sai, vì sau này Luật pháp Đức Chúa Trời cho phép dâng những sản vật làm lễ vật (Lê 6:14, 15). Nhưng về Ca-in, Kinh Thánh cho biết rằng “việc làm của người là gian ác”. (Đọc 1 Giăng 3:12). Như nhiều người ngày nay, rõ ràng Ca-in nghĩ rằng chỉ cần có bề ngoài sùng kính Đức Chúa Trời là đủ. Không lâu sau đó, hành động của ông cho thấy rõ ông thiếu đức tin thật và tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va.

25, 26. Đức Giê-hô-va cảnh báo Ca-in điều gì? Nhưng Ca-in làm gì?

25 Khi thấy mình không nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va, Ca-in có cố gắng học theo gương của A-bên không? Không. Lòng ông sôi sục sự căm thù em mình. Đức Giê-hô-va thấy rõ diễn biến trong lòng Ca-in và kiên nhẫn lý luận với ông. Ngài cảnh báo Ca-in rằng đường lối của ông sẽ dẫn đến tội trọng. Tuy nhiên, ngài cũng cho Ca-in hy vọng, chỉ cần ông thay đổi đường lối thì ông sẽ được “ngước mặt lên [“được chấp nhận”, Bản Dịch Mới]”.—Sáng 4:6, 7.

26 Ca-in đã lờ đi lời cảnh báo của Đức Chúa Trời. Ông rủ người em vốn tin cậy mình ra ngoài đồng. Tại đó, Ca-in xông tới giết em (Sáng 4:8). Thế nên, có thể nói A-bên là nạn nhân đầu tiên của sự ngược đãi vì niềm tin, người đầu tiên tử vì đạo. Ông đã chết nhưng câu chuyện về ông vẫn chưa kết thúc.

27. (a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc A-bên sẽ được sống lại? (b) Làm thế nào chúng ta có thể gặp A-bên vào một ngày nào đó?

27 Theo nghĩa bóng, máu của A-bên kêu thấu đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời để xin ngài báo thù, hay thực thi công lý. Và ngài đã làm thế bằng cách trừng phạt Ca-in độc ác về tội của hắn (Sáng 4:9-12). Quan trọng hơn, ngày nay A-bên đang nói với chúng ta qua đức tin của ông. Cuộc đời A-bên, có lẽ dài khoảng một thế kỷ, rất ngắn ngủi so với tuổi thọ của người thời đó nhưng ông đã làm cho những năm ấy đầy ý nghĩa. Ông chết nhưng biết mình được Cha trên trời là Đức Giê-hô-va yêu thương và chấp nhận (Hê 11:4). Vậy, chúng ta có thể tin chắc ông được gìn giữ trong trí nhớ vô hạn của Đức Giê-hô-va, chờ đợi sự sống lại trong địa đàng (Giăng 5:28, 29). Bạn sẽ gặp ông ở đó không? Có thể, nếu bạn quyết tâm lắng nghe A-bên và noi theo đức tin nổi bật của ông.

^ đ. 5 Trong nguyên ngữ, cụm từ “thành lập thế gian” bao hàm ý rải hạt giống, nói đến việc sinh sản, nên có liên quan đến người được sinh ra đầu tiên. Vậy, dù Ca-in là người được sinh ra đầu tiên, tại sao Chúa Giê-su liên kết A-bên với thời “thành lập thế gian”? Vì quyết định và hành động của Ca-in cho thấy ông cố tình chống lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thật hợp lý khi kết luận rằng Ca-in sẽ giống như cha mẹ ông, không được sống lại và không được chuộc tội.