Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Cô hành động khôn ngoan, can đảm và quên mình

Cô hành động khôn ngoan, can đảm và quên mình

1-3. (a) Ê-xơ-tê cảm thấy thế nào khi đến gần ngai của chồng? (b) Vua phản ứng ra sao khi Ê-xơ-tê đến gặp ông?

Ê-xơ-tê bước chầm chậm đến ngai vua, tim cô đập thình thịch. Hãy hình dung sự im ắng bao trùm cả triều đình Phe-rơ-sơ tại Su-sơ, đến nỗi Ê-xơ-tê có thể nghe thấy tiếng bước chân nhẹ nhàng của cô lẫn tiếng sột soạt của bộ trang phục hoàng gia mà cô đang mặc. Cô phải cố gắng để không bị phân tâm bởi vẻ nguy nga của triều đình, những cột trụ đẹp đẽ, những tấm trần chạm khắc tinh xảo được làm bằng gỗ tuyết tùng nhập từ xứ Li-ban xa xôi. Cô tập trung sự chú ý vào người đàn ông đang ngồi trên ngai, người có quyền định đoạt sinh mạng của cô.

2 Khi Ê-xơ-tê bước vào, vua chăm chú nhìn cô, giơ vương trượng hướng về phía cô. Cử chỉ đơn giản đó cho thấy Ê-xơ-tê được vua tha mạng. Vua miễn cho cô tội xuất hiện trước mặt ông mà chưa được triệu đến. Khi đến ngai vua, Ê-xơ-tê đưa tay chạm vào đầu vương trượng với lòng biết ơn.—Ê-xơ-tê 5:1, 2.

Ê-xơ-tê khiêm nhường biết ơn lòng khoan dung của vua

3 Mọi thứ trên người vua A-suê-ru cho thấy ông rất giàu có và quyền lực. Vương bào của những vua Phe-rơ-sơ thời đó có giá trị tương đương hàng trăm triệu đô la. Tuy nhiên, Ê-xơ-tê có thể thấy ánh mắt âu yếm của chồng. Vua thật sự yêu cô theo cách của ông. Vua nói: ‘Hỡi hoàng-hậu Ê-xơ-tê, nàng muốn chi? Cầu-xin điều gì? Dầu xin đến phân nửa nước, cũng sẽ ban cho nàng’.—Ê-xơ-tê 5:3.

4. Thử thách nào đang ở trước mắt Ê-xơ-tê?

4 Ê-xơ-tê đã thể hiện đức tin và lòng can đảm vượt trội. Cô đến gặp vua để bảo vệ dân tộc mình khỏi âm mưu tuyệt diệt. Tới lúc này thì Ê-xơ-tê đã thành công, nhưng thử thách lớn hơn đang ở trước mắt cô. Cô phải thuyết phục vị vua kiêu ngạo rằng viên cố vấn mà ông tín nhiệm nhất chính là một kẻ độc ác, hắn lừa ông để diệt cả dân tộc cô. Cô sẽ thuyết phục vua thế nào? Chúng ta có thể học được gì về đức tin của cô?

Cô khôn ngoan chọn “lúc lên tiếng”

5, 6. (a) Ê-xơ-tê áp dụng nguyên tắc nơi Truyền-đạo 3:1, 7 ra sao? (b) Làm thế nào Ê-xơ-tê thể hiện sự khôn ngoan khi nói với chồng?

5 Ê-xơ-tê có nên cho vua biết sự tình trước mặt mọi người không? Làm thế có thể khiến vua bẽ mặt cũng như cho viên cố vấn Ha-man có thời gian cãi lại lời tố cáo của cô. Vậy Ê-xơ-tê làm gì? Nhiều thế kỷ trước đó, vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn được Đức Chúa Trời hướng dẫn để viết: “Việc gì cũng có lúc... Có lúc câm nín, lúc lên tiếng” (Truyền 3:1, 7, Bản Diễn Ý). Chúng ta có thể hình dung cha nuôi của Ê-xơ-tê, người đàn ông trung thành Mạc-đô-chê, đã dạy cô những nguyên tắc như thế từ khi cô còn bé. Rõ ràng Ê-xơ-tê hiểu được tầm quan trọng của việc thận trọng chọn “lúc lên tiếng”.

6 Ê-xơ-tê tâu: ‘Nếu nhiệm ý vua, xin vua và Ha-man ngày nay hãy đến dự tiệc-yến mà thiếp đã dọn cho vua’ (Ê-xơ-tê 5:4). Vua chấp thuận và triệu Ha-man đến. Bạn có thấy cách nói của Ê-xơ-tê khôn ngoan thế nào không? Cô giữ thể diện cho chồng và tạo hoàn cảnh thích hợp hơn để bày tỏ nỗi lo lắng của mình.—Đọc Châm-ngôn 10:19.

7, 8. Bữa tiệc thứ nhất của Ê-xơ-tê diễn ra thế nào? Nhưng tại sao cô chưa nói mọi chuyện với vua?

7 Chắc chắn Ê-xơ-tê chuẩn bị bữa tiệc rất chu đáo, lo sao cho từng chi tiết đúng với sở thích của chồng. Bữa tiệc có rượu ngon làm tâm trạng thêm phấn khởi (Thi 104:15). A-suê-ru thấy vui và hỏi Ê-xơ-tê lần nữa là cô muốn xin gì. Đây có phải là lúc lên tiếng không?

8 Ê-xơ-tê không nghĩ vậy. Thay vì thế, cô mời vua và Ha-man đến dự bữa tiệc thứ hai vào hôm sau (Ê-xơ-tê 5:7, 8). Tại sao cô trì hoãn? Hãy nhớ là cả dân tộc của Ê-xơ-tê sắp bị tuyệt diệt vì chiếu chỉ của vua. Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc, cô phải chắc là mình chọn đúng thời điểm. Thế nên cô chờ đợi, tạo cơ hội khác để chồng thấy cô rất tôn trọng ông.

9. Giá trị của sự kiên nhẫn là gì? Chúng ta có thể noi gương kiên nhẫn của Ê-xơ-tê bằng cách nào?

9 Sự kiên nhẫn là một đức tính hiếm có và đáng quý. Dù lo buồn và nóng lòng muốn nói ra mọi chuyện nhưng Ê-xơ-tê kiên nhẫn chờ đến đúng thời điểm. Chúng ta có thể học nhiều điều qua gương của Ê-xơ-tê, vì chắc hẳn tất cả chúng ta đều muốn những điều sai trái phải được sửa chữa. Nếu cố gắng thuyết phục một người có uy quyền giải quyết vấn đề, chúng ta nên bắt chước Ê-xơ-tê và kiên nhẫn. Kinh Thánh nói: “Cứ kiên nhẫn, thủ lãnh sẽ xiêu lòng, lời mềm mỏng làm nát tan xương cốt” (Châm 25:15, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nếu kiên nhẫn chờ đến đúng thời điểm và nói năng mềm mỏng như Ê-xơ-tê thì ngay cả sự chống đối cứng rắn như xương cũng có thể bị nát tan. Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-xơ-tê có ban phước cho cô vì đã kiên nhẫn và khôn ngoan không?

Sự kiên nhẫn mở đường cho công lý

10, 11. Tại sao tâm trạng của Ha-man thay đổi sau khi rời bữa tiệc thứ nhất? Vợ và bạn bè xúi hắn làm gì?

10 Sự kiên nhẫn của Ê-xơ-tê dẫn đến một chuỗi sự kiện đáng chú ý. Ha-man rời bữa tiệc thứ nhất với tâm trạng “vui-vẻ và lòng hớn-hở” trước ân sủng của vua và hoàng hậu. Dù vậy, khi đi qua cổng cung điện, Ha-man nhìn thấy Mạc-đô-chê, một người Do Thái không chịu cúi đầu trước hắn. Như đã nói trong chương trước, Mạc-đô-chê làm thế không phải vì thiếu tôn trọng Ha-man, nhưng vì điều đó ảnh hưởng đến lương tâm và mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Nhưng Ha-man “bèn đầy-dẫy lòng giận-dữ”.—Ê-xơ-tê 5:9.

11 Khi Ha-man kể cho vợ và bạn bè nghe sự khinh thường này, họ xúi hắn dựng cây mộc hình cao 22m, rồi xin vua cho treo Mạc-đô-chê lên. Ha-man thích ý kiến của họ nên sai người làm ngay.—Ê-xơ-tê 5:12-14.

12. Tại sao vua cho đọc lớn tiếng sách sử của quốc gia? Nhờ vậy ông biết được gì?

12 Trong lúc đó, vua trải qua một đêm khác thường. Kinh Thánh cho biết “vua không ngủ được”, thế nên ông cho đọc lớn tiếng sách sử của quốc gia. Trong phần đọc có nhắc đến âm mưu ám sát A-suê-ru. Ông nhớ lại biến cố này, những kẻ muốn ám sát ông đã bị bắt và hành quyết. Nhưng Mạc-đô-chê, người đã vạch trần âm mưu ấy thì sao? Sực tỉnh, vua hỏi rằng Mạc-đô-chê được trọng thưởng ra sao. Câu trả lời là gì? Ông chẳng được gì hết.—Đọc Ê-xơ-tê 6:1-3.

13, 14. (a) Tại sao mọi chuyện bắt đầu tồi tệ với Ha-man? (b) Vợ và bạn bè của Ha-man nói gì với hắn?

13 Vua bực bội và hỏi có ai trong các quan có thể giúp ông khắc phục sai sót này. Trớ trêu thay, Ha-man lại có mặt ở cung vua, xem ra hắn đến sớm vì nóng lòng muốn xin vua cho hành hình Mạc-đô-chê. Nhưng trước khi hắn thỉnh cầu, vua hỏi hắn đâu là cách tốt nhất để tôn vinh người được nhận ân sủng của vua. Ha-man tưởng vua muốn nói đến hắn. Thế nên hắn nghĩ ra cách tôn vinh rất cầu kỳ: Vua cho người đó mặc vương bào, và cho một vị đại thần dẫn người đó cưỡi ngựa của vua dạo khắp Su-sơ, tung hô trước dân chúng. Hãy tưởng tượng nét mặt của Ha-man khi hắn nhận ra người được tôn vinh là Mạc-đô-chê! Và ai là người vua chỉ định để ca ngợi Mạc-đô-chê? Chính là Ha-man!—Ê-xơ-tê 6:4-10.

14 Ha-man miễn cưỡng làm nhiệm vụ mà hắn ghét cay ghét đắng, rồi vội trở về nhà trong tâm trạng buồn bã. Vợ và bạn bè hắn nói sự kiện ấy chỉ dẫn đến kết cục bi thảm, chắc chắn hắn sẽ đại bại trước Mạc-đô-chê người Do Thái.—Ê-xơ-tê 6:12, 13.

15. (a) Sự kiên nhẫn của Ê-xơ-tê mang lại những lợi ích nào? (b) Tại sao “chờ-đợi” là khôn ngoan?

15 Vì Ê-xơ-tê kiên nhẫn chờ thêm một ngày nữa để trình lời thỉnh cầu với vua nên trong lúc đó Ha-man đã tự gây nhục nhã cho hắn. Và phải chăng Đức Chúa Trời đã khiến vua không ngủ được? (Châm 21:1). Không gì ngạc nhiên khi Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta “chờ-đợi”! (Đọc Mi-chê 7:7). Khi chờ đợi Đức Chúa Trời hành động, chúng ta có thể thấy cách ngài giải quyết những vấn đề tốt hơn nhiều so với bất cứ cách nào chúng ta nghĩ ra.

Cô can đảm lên tiếng

16, 17. (a) Khi nào là lúc Ê-xơ-tê lên tiếng? (b) Ê-xơ-tê khác xa Vả-thi như thế nào?

16 Ê-xơ-tê không dám để vua chờ lâu hơn nữa nên trong bữa tiệc thứ hai, cô phải nói hết mọi chuyện. Nhưng làm sao bây giờ? Không ngờ là vua cho cô cơ hội và lại hỏi cô muốn xin gì (Ê-xơ-tê 7:2). Đây là lúc Ê-xơ-tê lên tiếng.

17 Chúng ta có thể hình dung Ê-xơ-tê cầu nguyện thầm với Đức Chúa Trời trước khi nói những lời này: ‘Ôi vua! Nếu thiếp được ơn trước mặt vua, và nếu vua vừa ý, xin vua hãy nhậm lời cầu-khẩn thiếp mà ban mạng-sống cho thiếp, và theo sự nài-xin thiếp mà ban cho thiếp dân-tộc thiếp’ (Ê-xơ-tê 7:3). Hãy lưu ý, trước tiên cô đoan chắc với vua là cô tôn trọng phán quyết của vua. Ê-xơ-tê khác xa vợ trước của vua là Vả-thi! Vả-thi đã cố ý làm bẽ mặt chồng (Ê-xơ-tê 1:10-12). Hơn nữa, Ê-xơ-tê không chỉ trích vua đã dại dột tín nhiệm Ha-man, cô chỉ nài xin vua bảo toàn mạng sống mình.

18. Ê-xơ-tê trình bày vấn đề với vua ra sao?

18 Lời thỉnh cầu ấy chắc chắn động đến lòng vua và khiến ông kinh ngạc. Ai dám hại hoàng hậu của ông? Ê-xơ-tê nói tiếp: “Vì thiếp cùng dân của thiếp đã bị bán cho người ta tru di, giết chết, thủ tiêu. Quả như chúng thần đây có bị bán làm nô lệ tôi đòi, thiếp sẽ cam lòng câm miệng. Nhưng kẻ thù sẽ không thể đền bù sự tai hại gây ra cho hoàng thượng” (Ê-xơ-tê 7:4, Nguyễn Thế Thuấn). Hãy lưu ý rằng Ê-xơ-tê thẳng thắn trình bày vấn đề. Dù vậy, cô cũng cho biết nếu chỉ bị đe dọa làm nô lệ thì cô đã nín lặng, nhưng vì vua sẽ bị thiệt hại nên cô phải nói ra âm mưu tuyệt diệt này.

19. Qua gương của Ê-xơ-tê, chúng ta học được gì về nghệ thuật thuyết phục người khác?

19 Gương của Ê-xơ-tê dạy chúng ta nhiều điều về nghệ thuật thuyết phục người khác. Nếu phải nói ra một vấn đề nghiêm trọng với người thân yêu hay ngay cả với người có quyền thì chúng ta cần kiên nhẫn, tôn trọng và thành thật để có thể thuyết phục họ.—Châm 16:21, 23.

20, 21. (a) Ê-xơ-tê vạch trần Ha-man như thế nào? Sau đó vua phản ứng ra sao? (b) Ha-man hành động thế nào khi bị vạch trần là kẻ mưu mô hèn nhát?

20 A-suê-ru gằn giọng: “Kẻ dám toan lòng làm như vậy là ai, và nó ở đâu?”. Hãy tưởng tượng cảnh Ê-xơ-tê chỉ tay và nói: “Kẻ cừu-thù, ấy là Ha-man độc-ác kia”. Lời buộc tội đó khiến cho bầu không khí trở nên căng thẳng. Ha-man khiếp sợ. Hãy hình dung mặt vua biến sắc khi nhận ra viên cố vấn được tín nhiệm đã lừa ông ký một sắc lệnh khiến người vợ yêu quý của ông bị giết! Vua hậm hực bỏ ra vườn thượng uyển để lấy lại bình tĩnh.—Ê-xơ-tê 7:5-7.

Ê-xơ-tê can đảm vạch trần tội ác của Ha-man

21 Ha-man, bị vạch trần là kẻ mưu mô hèn nhát, phục dưới chân hoàng hậu. Khi vua trở vào, thấy Ha-man ở trên ghế của Ê-xơ-tê và nài xin cô thì ông giận dữ buộc tội Ha-man định cưỡng hiếp hoàng hậu ngay tại cung vua. Đó là hồi chuông báo tử cho Ha-man. Hắn bị che mặt lại và giải đi. Rồi một vị quan cho vua biết Ha-man đã dựng cây mộc hình cao để treo Mạc-đô-chê. Ngay lập tức, A-suê-ru ra lệnh treo Ha-man lên đó.—Ê-xơ-tê 7:8-10.  

22. Làm thế nào gương của Ê-xơ-tê có thể dạy chúng ta không bao giờ tuyệt vọng, hoài nghi hoặc mất đức tin?

22 Trong thế giới bất công ngày nay, chúng ta dễ cho rằng công lý sẽ không thể nào được thực thi. Bạn có bao giờ cảm thấy như thế không? Ê-xơ-tê không bao giờ tuyệt vọng, hoài nghi hoặc mất đức tin. Khi thời cơ đến, cô can đảm lên tiếng vì lẽ phải và tin Đức Giê-hô-va sẽ làm phần của ngài. Chúng ta cũng nên như vậy! Từ thời Ê-xơ-tê đến nay, Đức Giê-hô-va không thay đổi. Ngài vẫn bắt kẻ gian ác và xảo quyệt rơi vào bẫy hắn giăng ra, như ngài đã làm với Ha-man.—Đọc Thi-thiên 7:11-16.

Cô quên mình vì Đức Giê-hô-va và dân ngài

23. (a) Vua thưởng gì cho Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê? (b) Lời Gia-cốp trong cơn hấp hối tiên tri về Bên-gia-min được ứng nghiệm như thế nào? (Xem khung “ Một lời tiên tri được ứng nghiệm”).

23 Cuối cùng, vua biết Mạc-đô-chê không chỉ là người trung thành cứu ông khỏi bị mưu sát, mà còn là cha nuôi của Ê-xơ-tê. A-suê-ru phong cho Mạc-đô-chê chức tể tướng của Ha-man. Ê-xơ-tê được vua ban cho nhà của Ha-man, kể cả gia tài kếch sù của hắn. Rồi cô giao nó cho Mạc-đô-chê cai quản.—Ê-xơ-tê 8:1, 2.

24, 25. (a) Tại sao Ê-xơ-tê chưa thể thảnh thơi dù âm mưu của Ha-man đã bị vạch trần? (b) Ê-xơ-tê lại quên mình một lần nữa như thế nào?

24 Giờ đây, Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê đã được an toàn, nhưng cô có thể thảnh thơi chưa? Nếu là người ích kỷ thì cô sẽ làm thế. Lúc ấy, chiếu chỉ của Ha-man nhằm tuyệt diệt dân Do Thái đang được truyền đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của đế quốc. Ha-man đã bắt thăm (hay Phu-rơ, rõ ràng là một hình thức ma thuật) nhằm xác định thời điểm thuận lợi để thực hiện ý đồ hiểm độc này (Ê-xơ-tê 9:24-26). Dù còn vài tháng nữa nhưng ngày đó sẽ đến rất nhanh. Có thể nào ngăn chặn thảm họa đó không?

25 Ê-xơ-tê lại quên mình một lần nữa khi xuất hiện trước mặt vua mà chưa được triệu đến. Lần này, cô khóc cho dân tộc mình, nài xin chồng thu hồi sắc lệnh tàn nhẫn ấy. Nhưng những luật đã được thông qua nhân danh vua Phe-rơ-sơ thì không thể nào rút lại (Đa 6:12, 15). Do đó, vua cho Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê có quyền ban hành luật mới. Chiếu chỉ thứ hai được truyền đi, cho phép dân Do Thái có quyền tự vệ. Các kị mã phi nhanh đến khắp nơi trên đế quốc, đem tin tốt lành này cho dân Do Thái. Hy vọng lóe lên trong lòng nhiều người (Ê-xơ-tê 8:3-16). Chúng ta có thể hình dung dân Do Thái trên khắp đế quốc rộng lớn đó trang bị vũ khí, chuẩn bị chiến đấu, điều mà họ không thể làm nếu không có luật mới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là liệu “Đức Giê-hô-va vạn binh” có ở với dân ngài không?—1 Sa 17:45.

Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê truyền chiếu chỉ cho dân Do Thái trên toàn đế quốc Phe-rơ-sơ

26, 27. (a) Đức Giê-hô-va mang lại cho dân ngài chiến thắng vẻ vang và trọn vẹn như thế nào? (b) Sự kiện các con trai của Ha-man bị diệt trừ làm ứng nghiệm lời tiên tri nào?

26 Ngày đó cuối cùng cũng đến, dân Đức Chúa Trời đã sẵn sàng. Thậm chí nhiều viên quan người Phe-rơ-sơ cũng đứng về phía họ, khi tin Mạc-đô-chê người Do Thái trở thành tể tướng lan ra khắp nơi. Đức Giê-hô-va mang lại chiến thắng vẻ vang cho dân ngài. Rõ ràng, để bảo vệ dân ngài khỏi bị trả thù, ngài đã đánh bại hết kẻ thù của họ *.—Ê-xơ-tê 9:1-6.

27 Ngoài ra, Mạc-đô-chê không thể nào yên ổn cai quản nhà Ha-man khi mười người con của kẻ gian ác ấy còn sống. Vì thế, chúng cũng bị diệt trừ (Ê-xơ-tê 9:7-10). Qua đó, một lời tiên tri của Kinh Thánh được ứng nghiệm. Đức Chúa Trời đã báo trước rằng dân A-ma-léc sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn vì họ đã chứng tỏ là kẻ thù của dân ngài (Phục 25:17-19). Chắc hẳn các con của Ha-man nằm trong số những người còn sót lại của dân tộc bị kết án ấy.

28, 29. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va muốn Ê-xơ-tê và dân tộc của cô tham gia chiến tranh? (b) Tại sao gương mẫu của Ê-xơ-tê giúp ích cho chúng ta?

28 Cô gái trẻ Ê-xơ-tê phải mang trên vai nhiều trọng trách, chẳng hạn như ban hành sắc lệnh liên quan đến chiến tranh và giết chóc. Điều này không hề dễ dàng. Nhưng ý muốn của Đức Giê-hô-va là dân ngài phải được che chở khỏi sự diệt vong. Dân Do Thái phải sản sinh Đấng Mê-si được Đức Chúa Trời hứa trước, là nguồn hy vọng duy nhất cho toàn thể nhân loại! (Sáng 22:18). Tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay vui mừng biết rằng khi Đấng Mê-si, Chúa Giê-su, xuống thế thì từ lúc đó ngài đã không cho phép môn đồ tham gia chiến tranh.—Mat 26:52.

29 Dù vậy, môn đồ Chúa Giê-su tham gia cuộc chiến thiêng liêng. Sa-tan nóng lòng muốn hủy hoại đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 10:3, 4). Gương mẫu của Ê-xơ-tê giúp ích cho chúng ta biết bao! Giống như cô, mong sao chúng ta thể hiện đức tin bằng cách vận dụng sự khôn ngoan và kiên nhẫn để thuyết phục người ta, can đảm và sẵn sàng quên mình để bênh vực dân Đức Chúa Trời.

^ đ. 26 Vua cho dân Do Thái thêm một ngày nữa để chiến đấu với kẻ thù (Ê-xơ-tê 9:12-14). Thậm chí ngày nay, người Do Thái vẫn kỷ niệm chiến thắng này hằng năm vào tháng A-đa, tương đương cuối tháng hai và đầu tháng ba. Lễ hội này được gọi là Phu-rim, đặt theo tên của những thăm mà Ha-man dùng nhằm tiến hành kế hoạch tận diệt dân Do Thái.