Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 3

Biết kiên cường

Biết kiên cường

KIÊN CƯỜNG LÀ GÌ?

Người kiên cường có thể đứng dậy sau khi thất bại và gặp chuyện buồn. Tính kiên cường được tôi luyện qua kinh nghiệm thực tế. Giống như một đứa trẻ phải té ngã vài lần thì mới biết đi, con bạn phải gặp trắc trở đôi lần trong cuộc sống thì mới tự bước đi trên đôi chân của mình.

TẠI SAO NÊN DẠY CON KIÊN CƯỜNG?

Khi gặp thất bại, khó khăn hay bị phê bình, một số trẻ chán nản hoặc thậm chí bỏ cuộc. Tuy nhiên, chúng cần hiểu những điều sau:

  • Trong cuộc sống, thất bại là điều không thể tránh khỏi.—Gia-cơ 3:2.

  • Ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, bất trắc.—Truyền đạo 9:11.

  • Muốn trở nên khôn ngoan thì cần được khuyên bảo.—Châm ngôn 9:9.

Tính kiên cường sẽ giúp trẻ tự tin đương đầu với khó khăn trong đời sống.

CÁCH DẠY CON KIÊN CƯỜNG

Khi con thất bại.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Người công chính có ngã bảy lần cũng đứng dậy”.—Châm ngôn 24:16.

Hãy giúp con nhận thức đúng về vấn đề. Điều này cần thiết vì khi những chuyện không vui xảy ra, chẳng hạn như khi bị điểm kém, con thường muốn bỏ cuộc và cho rằng: “Con làm việc gì cũng dở”.

Để rèn cho con tính kiên cường, hãy cùng con vạch ra kế hoạch cải thiện mỗi khi con làm chưa tốt việc gì đó. Nhờ thế, con sẽ biết cách làm chủ tình hình thay vì khuất phục.

Tránh giải quyết vấn đề thay cho con mà hãy giúp con tự tìm giải pháp. Bạn có thể hỏi con: “Con nghĩ mình có thể làm gì để hiểu bài hơn?”.

Khi khó khăn ập đến.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: ‘Mình chẳng biết ngày mai đời mình sẽ ra sao’.—Gia-cơ 4:14.

Sông có khúc, người có lúc. Một người hôm nay giàu sang nhưng ngày mai có thể trắng tay, hôm nay khỏe mạnh nhưng ngày mai có thể ngã bệnh. Kinh Thánh cho biết: “Không phải lúc nào người chạy nhanh cũng thắng cuộc, người hùng mạnh cũng thắng trận... vì thời thế và chuyện bất trắc xảy đến cho tất cả”.—Truyền đạo 9:11.

Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm che chở con khỏi những mối nguy hiểm. Nhưng trên thực tế, bạn không thể bảo vệ con khỏi mọi khó khăn.

Trong độ tuổi của con, khó khăn không phải là mất việc hoặc làm ăn thua lỗ, nhưng có thể là những vấn đề như tình bạn rạn nứt hoặc người thân qua đời. Vậy, hãy rèn cho con biết cách đương đầu với những vấn đề như thế. *

Khi con bị phê bình.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy nghe lời khuyên... hầu mai sau trở nên khôn ngoan”.—Châm ngôn 19:20.

Khi có ai phê bình con bạn thì không có nghĩa là người đó chê bai hay bắt nạt con, mà là người đó muốn điều chỉnh thái độ hoặc hành vi không đúng của con.

Nếu dạy con biết nghe lời khuyên, cả bạn lẫn con sẽ tránh được nhiều vấn đề. Một người cha tên là John chia sẻ: “Nếu lúc nào cha mẹ cũng bao che để con không phải gánh chịu hậu quả của sai lầm thì con sẽ không bao giờ rút ra bài học. Con sẽ gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác, và suốt đời cha mẹ cứ phải ‘chạy theo dập lửa’ mãi. Làm thế, cả cha mẹ lẫn con đều khổ sở”.

Bạn có thể giúp con lắng nghe lời phê bình bằng cách nào? Khi thầy cô hoặc người khác phê bình con, đừng vội cho rằng điều đó không công bằng. Trái lại, hãy hỏi con:

  • “Theo con, tại sao con được khuyên bảo như thế?”

  • “Con có thể làm tốt hơn bằng cách nào?”

  • “Lần tới khi được khuyên bảo, con sẽ làm gì?”

Hãy nhớ rằng sự phê bình có lợi cho con bạn, không chỉ bây giờ mà cả mai sau.

^ đ. 21 Xin xem bài “Giúp con đương đầu với nỗi đau mất người thân” trong Tháp Canh ngày 1-7-2008.