Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 1

Hiểu lợi ích của tính tự chủ

Hiểu lợi ích của tính tự chủ

TỰ CHỦ LÀ GÌ?

Tự chủ bao gồm những khả năng như:

  • Kiên nhẫn chờ đợi để nhận được thứ mình muốn

  • Kiềm chế sự bốc đồng

  • Hoàn thành công việc dù không thích

  • Nghĩ đến người khác hơn là bản thân

TẠI SAO NÊN DẠY CON TÍNH TỰ CHỦ?

Những em có tính tự chủ sẽ dễ kháng cự cám dỗ hơn, kể cả cám dỗ mang lại sự vui thích ngay lập tức. Trái lại, những em thiếu tự chủ sẽ dễ mắc phải các vấn đề như:

  • Hung hăng

  • Trầm cảm

  • Nghiện thuốc lá, rượu bia hoặc ma túy

  • Có thói quen ăn uống không tốt

Một cuộc nghiên cứu cho biết những em có tính tự chủ thì khi lớn lên ít gặp vấn đề về sức khỏe hoặc tài chính, và cũng ít có nguy cơ vi phạm luật pháp. Qua cuộc nghiên cứu đó, giáo sư Angela Duckworth của Đại học Pennsylvania kết luận: “Tính tự chủ không bao giờ thừa”.

CÁCH DẠY CON TÍNH TỰ CHỦ

Nói “không” là không.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Nói: ‘Có’ thì phải là có, nói: ‘Không’ thì phải là không”.—Ma-thi-ơ 5:37.

Để cha mẹ chiều mình, trẻ có thể khóc lóc, ăn vạ ngay cả giữa chốn đông người. Nếu cha mẹ nhượng bộ, trẻ sẽ nghĩ rằng khóc lóc, ăn vạ là chiêu thức hiệu quả để đổi “không” thành “có”.

Ngược lại, nếu cha mẹ nói “không” là không, trẻ sẽ hiểu được bài học thực tế: Không phải muốn gì là được nấy. Nhà tâm lý học David Walsh cho biết: “Trái với điều người ta thường nghĩ, những ai lĩnh hội được bài học ấy mới hạnh phúc. Còn nếu dạy con rằng con muốn gì đời cũng sẽ cung phụng thì thật ra là đang hại con”. *

Nói “không” với trẻ bây giờ thì sau này trẻ sẽ biết tự nói “không” với ma túy, quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc những hành vi tai hại khác.

Giúp con hiểu rằng việc làm nào cũng có kết quả của nó.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.​—Ga-la-ti 6:7.

Con cần hiểu là hành động tốt hay xấu đều có kết quả nào đó, và nếu thiếu tự chủ thì sẽ gặt kết quả không tốt. Chẳng hạn, nếu con thường cáu gắt khi không vừa ý thì mọi người sẽ xa lánh con. Nhưng nếu con giữ bình tĩnh khi bị chọc ghẹo hoặc kiên nhẫn chờ đợi thay vì cắt ngang người khác thì mọi người sẽ yêu quý con. Hãy giúp con hiểu rằng biết tự chủ sẽ đem lại kết quả tốt.

Giúp con biết việc gì quan trọng hơn.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.

Nhờ tính tự chủ và kỷ luật, con không những tránh làm điều xấu mà còn hoàn thành những việc cần thiết dù không mấy thích thú hay hào hứng. Con cần nhận ra việc gì là quan trọng hơn và làm những việc đó trước. Chẳng hạn, con cần làm bài tập trước rồi mới được chơi.

Làm gương cho con.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: ‘Hãy làm gương trong cách nói năng và hạnh kiểm’.—1 Ti-mô-thê 4:12.

Trẻ thường quan sát cách cha mẹ ứng xử khi gặp chuyện không vừa ý. Qua gương mẫu, hãy cho con thấy tính tự chủ sẽ đem lại kết quả tốt. Vậy khi con làm bạn bực bội, bạn sẽ phát cáu hay giữ bình tĩnh?

^ đ. 20 Trích từ sách No: Why Kids—of All Ages—Need to Hear It and Ways Parents Can Say It.