Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Nên khen con như thế nào?

Nên khen con như thế nào?

VẤN ĐỀ

Một số người cho rằng việc khen con không bao giờ là đủ. Người khác thì nói việc không ngớt lời khen con sẽ làm con hư và khiến chúng cảm thấy mình đáng được hưởng mọi thứ, như thể thế giới này nợ chúng điều gì đó.

Ngoài việc khen con nhiều bao nhiêu, bạn cũng nên xem xét cách khen con. Cách nào sẽ động viên con? Cách nào có lẽ khiến con không còn hứng thú? Làm sao lời khen của bạn có thể mang lại kết quả tốt nhất?

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Không phải lời khen nào cũng giống nhau. Hãy xem những điều sau đây:

Khen quá nhiều có thể gây hại. Vì cố gắng để con có thêm lòng tự trọng, một số ông bố bà mẹ đã không ngớt tuôn ra những lời khen mà con không đáng được khen chút nào. Nhưng tiến sĩ David Walsh đã cảnh báo rằng những đứa trẻ ấy “đủ thông minh để cảm nhận lời khen ấy quá cường điệu và cho rằng bạn không thành thật. Chúng biết rõ chúng không xứng đáng [nhận lời khen] và có lẽ kết luận rằng chúng không thể tin cậy bạn”. *

Lời khen dựa trên khả năng thì tốt hơn. Giả sử con gái của bạn có năng khiếu vẽ, dĩ nhiên bạn muốn khen con, điều này sẽ động viên để con phát huy thêm tài năng. Nhưng điều đó có thể gây hại. Lời khen chỉ chú trọng vào năng khiếu có thể khiến con nghĩ rằng chỉ nên theo đuổi những kỹ năng nào có được cách dễ dàng, thậm chí con gái có thể né tránh những thách đố mới vì sợ mình sẽ thất bại. Con gái sẽ lý luận: “Nếu việc gì đòi hỏi nỗ lực thì việc đó hẳn nằm ngoài khả năng của mình, vậy sao phải cố gắng làm chi?”.

Lời khen dựa trên nỗ lực là tốt nhất. Việc cha mẹ khen con đã kiên trì và bỏ ra nhiều công sức sẽ có ích hơn là chỉ khen con có tài năng. Như thế chúng sẽ nhận ra một sự thật thiết yếu, đó là cần phải kiên nhẫn và nỗ lực thì mới đạt được kỹ năng nào đó. Sách Letting Go With Love and Confidence viết rằng khi biết được điều này, “chúng dồn hết tâm huyết để đạt được kết quả như mong muốn. Dù có thất bại, chúng không xem mình là kẻ thua cuộc nhưng là người học hỏi”.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Khen vì con đã nỗ lực, chứ không chỉ vì có tài năng. Thay vì nói: “Con sinh ra để làm nghệ sĩ”, thì hãy nói: “Ba/mẹ thấy con đã nỗ lực nhiều để vẽ bức tranh này”. Cách khen như thế có thể hữu hiệu hơn. Cả hai câu đều là lời khen, nhưng lời khen thứ nhất ngụ ý rằng điều duy nhất mà con bạn giỏi là những năng khiếu bẩm sinh.

Khi khen con vì đã nỗ lực, bạn đang dạy con biết rằng càng luyện tập nhiều thì càng thành thạo. Có lẽ con bạn sẽ tự tin hơn để đón nhận những thách thức mới.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 14:23.

Giúp con đương đầu với thất bại. Ngay cả người tài giỏi đến đâu cũng có lúc mắc lỗi, có lẽ nhiều lần (Châm-ngôn 24:16). Nhưng mỗi khi vấp ngã, họ đứng dậy, rút tỉa kinh nghiệm và tiến về phía trước. Làm sao bạn có thể giúp con mình vun trồng thái độ tích cực ấy?

Một lần nữa, hãy tập trung vào nỗ lực của con. Hãy xem một thí dụ: Giả sử bạn thường nói với con gái: “Con giỏi toán bẩm sinh”, nhưng con gái lại thi rớt môn toán. Có lẽ con bạn sẽ kết luận rằng mình đã mất hết năng khiếu, thế thì còn cố gắng phát huy làm chi?

Nhưng khi chú trọng vào nỗ lực, bạn sẽ giúp con phát huy tính kiên trì. Bạn giúp con gái hiểu những trở ngại gặp phải là bình thường chứ không phải thảm họa. Do đó thay vì bỏ cuộc, con có thể thử phương cách khác hoặc sẽ cố gắng nhiều hơn.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Gia-cơ 3:2.

Lời khuyên mang tính xây dựng. Khi phê bình con một cách đúng đắn, bạn sẽ giúp ích cho con mà không làm con nản chí. Đồng thời, nếu bạn thường xuyên khen con cách hợp tình hợp lý thì rất có thể con bạn sẽ dễ lắng nghe lời khuyên hơn để tiến bộ. Sau đó, khi con đạt được thành quả thì cả bạn lẫn con đều sẽ rất vui mừng.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 13:4.

^ đ. 8 Trích từ sách No: Why Kids—of All Ages—Need to Hear It and Ways Parents Can Say It.