Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 2

Biết khiêm tốn

Biết khiêm tốn

KHIÊM TỐN LÀ GÌ?

Người khiêm tốn không coi thường người xung quanh, không kiêu ngạo và cũng không mong được đối xử đặc biệt hơn người khác. Ngược lại, người ấy sẽ thật lòng quan tâm đến người xung quanh và sẵn sàng học hỏi từ họ.

Một số người lầm tưởng rằng tính khiêm tốn là một điểm yếu, nhưng thật ra đó lại là điểm mạnh giúp chúng ta nhận biết sai lầm và giới hạn của mình.

TẠI SAO NÊN DẠY CON BIẾT KHIÊM TỐN?

  • Tính khiêm tốn giúp trẻ hòa đồng. Một sách nói về chứng ái kỷ (còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá) cho biết: “Nhìn chung, người khiêm tốn dễ kết bạn... dễ hòa đồng với người khác và hòa nhập với thế giới bên ngoài”.—The Narcissism Epidemic.

  • Tính khiêm tốn có ích cho tương lai của trẻ. Tập khiêm tốn giúp ích cho trẻ ngay từ bây giờ và cả sau này, chẳng hạn như khi đi xin việc. Nhà tâm lý học Leonard Sax cho biết: “Những người trẻ quá tự tin, không ý thức điểm yếu của mình thì sẽ không tạo được ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn xin việc. Ngược lại, những người chăm chú lắng nghe yêu cầu của nhà tuyển dụng thì có cơ hội trúng tuyển cao”. *

CÁCH DẠY CON BIẾT KHIÊM TỐN

Giúp con có quan điểm thăng bằng về bản thân.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Nếu ai nghĩ mình quan trọng trong khi mình chẳng là gì thì người ấy đang lừa dối bản thân”.—Ga-la-ti 6:3.

  • Tránh dùng những lời khuyến khích thiếu thực tế. Những câu như: “Mơ lớn để làm việc lớn”, “Có chí thì làm gì cũng được” nghe có vẻ tạo động lực cho trẻ, nhưng thường lại không thực tế. Trẻ có khả năng thành công cao hơn nếu đặt mục tiêu hợp lý và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.

  • Khen một việc cụ thể. Nếu chỉ nói chung chung: “Con giỏi quá” thì không tập cho con biết khiêm tốn. Hãy khen cụ thể việc mà con làm giỏi.

  • Hạn chế thời gian con dùng mạng xã hội. Trên mạng xã hội, nhiều người thích thể hiện bản thân, khoe tài năng và sự thành công của mình. Đó không phải là khiêm tốn.

  • Dạy con nhanh chóng xin lỗi. Khi con mắc lỗi, hãy giúp con hiểu sai phạm của mình và nhận lỗi.

Rèn cho con có lòng biết ơn.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy tỏ lòng biết ơn”.​—Cô-lô-se 3:15.

  • Biết ơn về thiên nhiên. Trẻ cần trân trọng những gì mình đang nhận từ thiên nhiên và ý thức rằng nếu thiếu những thứ ấy thì muôn loài không thể tồn tại được. Chúng ta cần không khí để thở, nước để uống và lương thực để ăn. Hãy dùng những ví dụ đó hầu khơi dậy lòng quý trọng, biết ơn và thán phục về các điều kỳ diệu trong thiên nhiên.

  • Biết ơn người khác. Giúp con hiểu rằng mỗi người đều hơn mình ở một điểm nào đó. Con có thể học hỏi từ người khác, thế nên thay vì ghen tị, con hãy biết ơn họ.

  • Thể hiện lòng biết ơn. Dạy con nói lời cám ơn và nhắc con làm thế từ đáy lòng, chứ không phải một cách máy móc. Lòng biết ơn là viên gạch thiết yếu để xây đắp tính khiêm tốn.

Tập cho con giúp đỡ người khác.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình, đồng thời hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:3, 4.

  • Cho con làm việc nhà. Nếu cha mẹ không cho con động tay động chân đến việc nhà, dần dần con sẽ nghĩ: “Mình là người quan trọng, đâu phải làm những việc như thế!”. Con cần làm xong việc nhà trước rồi mới được chơi. Giải thích rằng khi con làm việc nhà thì người khác sẽ được lợi ích và yêu mến con.

  • Dạy con rằng giúp người khác là việc tốt. Qua việc giúp đỡ người khác, con sẽ chín chắn hơn. Vì thế, hãy giúp con nhận ra nhu cầu của người khác và hỏi con có thể làm gì cho người ấy. Khen và hỗ trợ con khi con giúp đỡ người xung quanh.

^ đ. 8 Trích từ sách The Collapse of Parenting.