Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 XÂY ĐẮP TỔ ẤM | DẠY CON

Làm sao để nói “Không”?

Làm sao để nói “Không”?

THÁCH THỨC

Con cái không chịu chấp nhận câu trả lời “Không” của bạn. Mỗi khi bạn nói từ này, cách đáp lại ương bướng của con thử lòng kiên nhẫn của bạn. Dù bạn nói hoặc làm gì cũng không dỗ được con, và cuối cùng bạn thấy mình chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc phải xuống nước. Một lần nữa, bạn phải miễn cưỡng nói “Được” vì cảm thấy quá mệt mỏi khi tỏ ra cương quyết.

Bạn có thể học cách để không nhượng bộ. Trước tiên, hãy xem một số yếu tố về việc nói “Không”.

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Nói “Không” không phải là nhẫn tâm. Một số bậc cha mẹ không đồng ý với điều này, có lẽ họ nói rằng bạn nên lý luận, giải thích hay thậm chí thỏa thuận với con. Họ khuyên hãy tránh nói “Không” vì sợ điều đó sẽ khiến con oán giận bạn.

Đúng là câu trả lời “Không” có thể làm con bạn thất vọng lúc đầu. Nhưng điều ấy dạy con một bài học thiết yếu, đó là khi ra cuộc sống thực tại, có những giới hạn mà người ta phải tuân theo. Ngược lại, nếu nhượng bộ, bạn sẽ làm giảm uy của mình, đồng thời dạy con điều khiển bạn bằng cách mè nheo mỗi khi con muốn gì đó. Với thời gian, cách phản ứng của bạn có thể khiến con oán giận bạn. Suy cho cùng, con cái có thể tôn trọng những bậc cha mẹ dễ dàng để con điểu khiển không?

Câu trả lời “Không” chuẩn bị hành trang cho con bước vào đời. Câu trả lời “Không” dạy con lợi ích của việc biết giới hạn. Một đứa trẻ học được bài học quý giá này thì khi đến tuổi thanh thiếu niên thường không bị nhượng bộ trước áp lực dùng ma túy hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Câu trả lời “Không” cũng rèn luyện cho con khi đến tuổi trưởng thành. Tiến sĩ David Walsh viết: ‘Sự thật là chúng ta [những người trưởng thành] không luôn có được điều mình muốn. Nếu đáp ứng mọi yêu cầu của con, bạn sẽ không giúp con trở nên chín chắn’. *

 BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Chú tâm vào mục tiêu. Bạn muốn con trở thành người chín chắn, biết kiềm chế cảm xúc và có cuộc sống thành công khi trưởng thành. Nhưng bạn sẽ đi ngược lại mục tiêu này nếu đáp ứng mọi điều con muốn. Kinh Thánh nói người nào “nuông chiều kẻ đầy tớ từ thuở nhỏ, về sau nó sẽ thành đứa vô ơn” (Châm-ngôn 29:21, NW). Vì thế, việc nói “Không” là một cách sửa dạy hiệu quả. Cách dạy dỗ như thế sẽ giúp ích, chứ không có hại cho con.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 19:18.

Nói “Không” cách dứt khoát. Con bạn không bình đẳng với bạn. Vì vậy, không cần tranh luận về câu trả lời của bạn như thể bạn cần con chấp thuận. Dĩ nhiên, trong thời gian khôn lớn, con cần luyện tập “khả năng nhận thức” để “phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê-bơ-rơ 5:14). Do đó, không có gì sai khi lý luận với con. Nhưng đừng để mình vướng vào cuộc tranh cãi không dứt về việc tại sao bạn nói “Không”. Càng tranh cãi với con, câu trả lời “Không” của bạn sẽ càng giống như một đề nghị, thay vì một quyết định.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ê-phê-sô 6:1.

Kiên định. Con cái có thể thử lòng kiên quyết của bạn bằng cách khóc lóc ăn vạ hoặc nài nỉ. Nếu tình huống này xảy ra ở nhà, bạn có thể làm gì? Sách Loving Without Spoiling gợi ý: “Đừng để con nhằng nhẵng theo mình. Hãy nói với con rằng: ‘Nếu con muốn ăn vạ thì cứ làm, nhưng ba mẹ không muốn nghe. Con hãy về phòng, và có thể tiếp tục ăn vạ cho đến khi ngừng thì thôi’”. Lúc đầu, có lẽ bạn cảm thấy khó để tỏ ra kiên quyết và con bạn cũng thấy khó chấp nhận. Nhưng khi thấy bạn nói là làm, rất có thể con sẽ bớt mè nheo hơn.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Gia-cơ 5:12.

Đừng nói “Không” chỉ để chứng tỏ mình có uy với con

Phải lẽ. Đừng nói “Không” chỉ để chứng tỏ mình có uy với con. Thay vì thế, ‘hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của mình’ (Phi-líp 4:5). Đôi khi bạn có thể nói “Được”, miễn là không phải vì nhượng bộ khi thấy con mè nheo và yêu cầu của con là chính đáng.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:21.

^ đ. 10 Từ sách No: Why Kids—of All Ages—Need to Hear It and Ways Parents Can Say It.