Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÍ QUYẾT GIÚP GIA ÐÌNH HẠNH PHÚC

Khi con bạn bị khuyết tật

Khi con bạn bị khuyết tật

ANH CARLO *: “Angelo, con trai chúng tôi bị hội chứng Down. Bệnh của cháu làm chúng tôi kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần. Hãy tưởng tượng công sức chăm sóc một đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng trong trường hợp này, công sức ấy phải bỏ ra gấp trăm lần. Ðôi khi điều đó ảnh hưởng đến hôn nhân của chúng tôi”.

CHỊ MIA: “Phải bền bỉ và hết sức kiên nhẫn để dạy Angelo những điều đơn giản nhất. Khi quá mệt mỏi, tôi thường bực bội và mất kiên nhẫn với chồng mình là anh Carlo. Thỉnh thoảng chúng tôi bất đồng ý kiến, rồi thành ra cãi nhau”.

Bạn còn nhớ ngày con mình chào đời không? Chắc chắn bạn đã háo hức ôm đứa bé vào lòng. Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ như anh Carlo và chị Mia, kèm theo niềm vui là nỗi lo âu khi bác sĩ thông báo con mình bị bệnh hoặc bị khuyết tật.

Bạn có con bị khuyết tật không? Bạn tự hỏi liệu mình có thể đối phó với hoàn cảnh này không? Nếu có, đừng nản chí. Nhiều bậc cha mẹ có hoàn cảnh giống bạn và đã thành công. Hãy xem ba vấn đề thông thường có thể gặp và sự khôn ngoan trong Kinh Thánh sẽ giúp bạn thế nào.

VẤN ÐỀ 1: BẠN THẤY KHÓ CHẤP NHẬN SỰ THẬT LÀ CON MÌNH BỊ KHUYẾT TẬT.

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy suy sụp tinh thần khi biết con mình bị bệnh. Một người mẹ ở Mexico tên Juliana cho biết: “Khi bác sĩ nói rằng con trai tôi là  Santiago, bị bại não, tôi không thể tin vào tai mình, cảm giác rằng thế giới này sụp đổ xung quanh”. Có lẽ những người khác có cùng cảm nghĩ với người mẹ ở nước Ý tên Villana. Chị nói: “Tôi quyết định có con dù điều ấy nguy hiểm đối với phụ nữ ở tuổi tôi. Giờ đây, mỗi lần thấy con trai tôi đối đầu với những vấn đề do hội chứng Down gây ra, tôi cảm thấy mình có tội”.

Nếu bị dằn vặt bởi cảm xúc tuyệt vọng hoặc có tội, bạn hãy nhớ rằng đó là phản ứng thông thường. Bệnh tật không nằm trong ý định ban đầu của Ðức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:27, 28). Ngài đã không tạo ra các bậc cha mẹ với khả năng dễ dàng chấp nhận những điều trái tự nhiên. Chắc chắn bạn sẽ buồn vì sức khỏe con mình. Cần có thời gian để chấp nhận và thích ứng với hoàn cảnh mới.

Nói sao nếu bạn tự trách về khuyết tật của con? Hãy nhớ rằng không ai hiểu thấu đáo về ảnh hưởng của tính di truyền, môi trường và các yếu tố khác đối với sức khỏe của đứa bé. Mặt khác, bạn có thể có khuynh hướng đổ lỗi cho người hôn phối. Ðừng làm thế. Sẽ tốt hơn nếu bạn hợp tác với người hôn phối và chú tâm vào việc chăm sóc con.—Truyền-đạo 4:9, 10.

GỢI Ý: Hãy tìm hiểu về bệnh trạng của con. Kinh Thánh nói: “Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây-cất nên, và được vững-vàng bởi sự thông-sáng”.—Châm-ngôn 24:3.

Bạn có thể học được nhiều điều từ chuyên gia y tế và sách báo đáng tin cậy. Có thể ví quá trình tìm hiểu bệnh tật của con như việc thông thạo một ngôn ngữ mới. Thoạt tiên, điều này sẽ khó nhưng bạn có thể học được.

Anh Carlo và chị Mia, được đề cập ở đầu bài, đã tìm thông tin từ bác sĩ của mình và một tổ chức chuyên về bệnh của con. Họ nói: “Nhờ vậy, chúng tôi không những hiểu các vấn đề mình sẽ gặp mà còn thấy các khía cạnh ‘lạc quan’ của hội chứng Down. Chúng tôi thấy con mình có thể có đời sống bình thường trong nhiều lĩnh vực. Ðiều này an ủi chúng tôi rất nhiều”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Tập trung vào điều con bạn có thể làm. Lên kế hoạch về các hoạt động để cả nhà cùng tham gia. Khi con đạt một “thành tích” dù nhỏ, hãy khen ngay và vui với con.

VẤN ÐỀ 2: BẠN CẢM THẤY KIỆT SỨC VÀ CÔ ÐỘC.

Việc chăm sóc con bị bệnh có thể khiến bạn cảm thấy mất hết sức lực. Chị Jenney, một người mẹ ở New Zealand, nói: “Trong vài năm sau khi con trai tôi bị chẩn đoán mắc bệnh nứt đốt sống, mỗi lúc tôi cố làm thêm việc nhà thì cảm thấy kiệt sức và rưng rưng nước mắt”.

Có lẽ một thách đố khác là bạn cảm thấy cô độc. Anh Ben có con trai bị bệnh loạn dưỡng cơ và chứng Asperger. Anh cho biết: “Phần lớn mọi người sẽ không bao giờ hiểu được đời sống của chúng tôi”. Có lẽ bạn mong mỏi được trò chuyện với người nào đó, nhưng đa số bạn bè đều có con cái khỏe mạnh nên bạn thấy ngại tâm sự với họ.

GỢI Ý: Hãy nhờ người khác giúp và nhận sự trợ giúp khi có người đề nghị. Chị Juliana, được đề cập ở trên, thừa nhận: “Ðôi khi vợ chồng tôi rất ngượng khi nhờ ai giúp”. Tuy nhiên, chị cho biết thêm: “Chúng tôi nhận ra mình cần người khác giúp đỡ. Khi được giúp, chúng tôi cảm thấy bớt đơn độc”. Nếu bạn thân hay thành viên trong gia đình đề nghị ngồi chung với con bạn vào một dịp nào đó hoặc trong buổi họp của hội thánh, hãy nhận lời với lòng biết ơn. Kinh Thánh nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.

Hãy chăm sóc sức khỏe của mình. Như xe cứu thương phải thường xuyên được đổ xăng để tiếp tục chở bệnh nhân đến bệnh viện, bạn phải phục hồi sức lực với chế độ ăn uống, thể dục và nghỉ ngơi hợp lý hầu tiếp tục chăm sóc nhu cầu của con. Anh Javier, có con trai bị khuyết tật ở chân, cho biết: “Vì cháu không thể đi nên tôi thấy mình phải ăn uống dinh dưỡng. Tôi là người giúp cháu di chuyển, nên đôi chân của tôi chính là đôi chân của cháu!”.

Làm sao bạn có thể tìm được thời gian chăm sóc sức khỏe của mình? Một số bậc cha mẹ thay phiên nhau chăm sóc con. Nhờ thế, một người có thể nghỉ ngơi hoặc lo nhu cầu của mình. Bạn cần bỏ bớt các việc kém quan trọng, và việc duy trì sự cân bằng này là một thách đố. Nhưng theo chị Mayuri, người mẹ ở Ấn Ðộ: “Dần dần bạn cũng đi vào nề nếp”.

 Hãy nói chuyện với người bạn đáng tin cậy. Ngay cả những người không có con bị bệnh cũng có thể lắng nghe với lòng thông cảm. Hơn nữa, bạn có thể cầu nguyện với Giê-hô-va Ðức Chúa Trời. Liệu lời cầu nguyện có thật sự giúp ích không? Chị Yazmin, có hai con bị chứng xơ hóa, thừa nhận: “Có những lúc áp lực nhiều đến mức tôi cảm thấy nghẹt thở”. Tuy nhiên, chị cho biết thêm: “Tôi cầu nguyện Ðức Giê-hô-va để được nhẹ nhõm và thêm sức. Nhờ vậy, tôi thấy mình có thể chịu đựng được”.Thi-thiên 145:18.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Xem xét lại chế độ ăn uống, tập thể dục và thời gian ngủ. Tìm ra cách bạn có thể bỏ bớt những việc kém quan trọng hầu chăm sóc sức khỏe của mình. Ðiều chỉnh thời gian biểu khi cần.

VẤN ÐỀ 3: BẠN QUAN TÂM ÐẾN ÐỨA CON BỊ BỆNH HƠN CÁC THÀNH VIÊN KHÁC.

Bệnh của đứa trẻ có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của gia đình, nơi gia đình đi, và thời gian cha mẹ dành cho mỗi đứa con. Thế là những đứa con khác có lẽ cảm thấy bị bỏ bê. Hơn nữa, vì cha mẹ quá bận rộn trong việc chăm sóc con nên hôn nhân có thể bị ảnh hưởng. Anh Lionel, người cha ở Liberia, cho biết: “Ðôi khi vợ tôi nói cô ấy cáng đáng phần lớn trách nhiệm này, còn tôi thì không quan tâm chút nào đến con. Tôi cảm thấy vợ không tôn trọng mình và thỉnh thoảng tôi phản ứng thiếu tử tế”.

GỢI Ý: Ðể trấn an tất cả các con là bạn quan tâm đến chúng, hãy lên kế hoạch tham gia các hoạt động chúng thích. Chị Jenney, được đề cập ở trên, cho biết: “Ðôi khi chúng tôi làm điều gì đó đặc biệt cho con trai cả, dù chỉ là dùng cơm trưa tại tiệm ăn mà cháu thích nhất”.

Quan tâm đến tất cả các con

Ðể bảo vệ hôn nhân, hãy trò chuyện và cầu nguyện chung với người hôn phối. Anh Aseem, người cha ở Ấn Ðộ có con bị chứng co giật, nói: “Dù vợ chồng tôi đôi khi cảm thấy kiệt sức và nản lòng, chúng tôi sắp xếp thời gian để ngồi lại với nhau, trò chuyện và cùng cầu nguyện. Mỗi buổi sáng, trước khi các con thức giấc, chúng tôi cùng nhau thảo luận một câu Kinh Thánh”. Các cặp vợ chồng khác thì nói chuyện riêng trước khi đi ngủ. Những cuộc trò chuyện thân tình và lời cầu nguyện chân thành sẽ củng cố hôn nhân của bạn trong giai đoạn căng thẳng tột độ (Châm-ngôn 15:22). Như một cặp vợ chồng đã nói: “Những giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chúng tôi là những tháng ngày khó khăn nhất”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Khen những đứa con khác đã giúp chăm lo cho con bị bệnh. Thường xuyên bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với chúng cũng như với người hôn phối.

GIỮ TINH THẦN LẠC QUAN

Kinh Thánh hứa không lâu nữa, Ðức Chúa Trời sẽ xóa bỏ mọi loại bệnh và khuyết tật đã ảnh hưởng đến người trẻ lẫn già (Khải huyền 21:3, 4). Lúc đó, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. *Ê-sai 33:24.

Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể thành công trong việc nuôi dưỡng con bị khuyết tật. Anh Carlo và chị Mia, được đề cập ở trên, cho biết: “Ðừng nản lòng khi dường như mọi chuyện không suôn sẻ. Hãy tập trung vào những điều tuyệt diệu của con, vì có nhiều điều như thế nơi con bạn”.

^ đ. 3 Các tên trong bài này đã được thay đổi.

^ đ. 29 Bạn có thể đọc thêm về lời hứa của Kinh Thánh liên quan đến sức khỏe hoàn hảo nơi chương 3 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

HÃY TỰ HỎI:

  • Mình làm gì để giữ sức khỏe thể chất, tinh thần và mối quan hệ mật thiết với Ðức Chúa Trời?
  • Lần gần đây nhất mình đã khen các con giúp đỡ là khi nào?