Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Thái độ có quan trọng không?

Thái độ có quan trọng không?

Theo bạn, yếu tố nào sau đây ảnh hưởng nhiều nhất đến hạnh phúc của chúng ta?

  • hoàn cảnh

  • gen di truyền

  • thái độ

Một số người sẽ chọn “hoàn cảnh” và có lẽ nghĩ rằng: “Mình sẽ hạnh phúc...

  • “chỉ khi nào có nhiều tiền hơn”

  • “chỉ khi nào gia đình êm ấm”

  • “chỉ khi nào sức khỏe tốt hơn”

Nhưng trên thực tế, thường thì chính thái độ sẽ quyết định hạnh phúc của bạn, chứ không phải hoàn cảnh hay gen di truyền. Đây là điều đáng mừng. Tại sao? Vì bạn không thể kiểm soát hoàn cảnh hay gen di truyền được, nhưng có thể kiểm soát thái độ của mình.

“PHƯƠNG THUỐC HAY”

Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Lòng vui-mừng vốn một phương thuốc hay; còn trí nao-sờn làm xương-cốt khô-héo” (Châm-ngôn 17:22). Nói cách khác, thái độ của bạn rất quan trọng! Nó có thể giúp bạn đạt được mục tiêu hay khiến bạn bỏ cuộc. Và khi một biến cố đau lòng xảy ra, thái độ cũng giúp bộc lộ những tính cách tốt hay xấu trong lòng bạn.

Có lẽ một số người hoài nghi trước ý nghĩ trên. Họ có thể lý luận:

  • “Tại sao mình phải giấu đi nỗi khổ sở của mình, còn bên ngoài lại làm bộ vui vẻ?”.

  • “Dù suy nghĩ tích cực đến mấy, hoàn cảnh mình cũng chẳng thay đổi”.

  • “Thà mình là người thực tế, còn hơn là người mơ mộng”.

Những ý kiến trên có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, nếu có cái nhìn lạc quan, chúng ta sẽ nhận nhiều lợi ích. Để minh họa cho điều này, hãy xem những ví dụ sau đây.

Tại công ty, anh Thuận và anh Tín được giao hai dự án khác nhau. Sau khi kiểm tra công việc, cấp trên cho biết vài lỗi lớn trong mỗi dự án.

  • Anh Thuận: “Mình đã bỏ ra quá nhiều thì giờ và công sức cho dự án này, vậy mà cũng không đâu vào đâu! Chắc mình sẽ chẳng bao giờ thành công trong công việc này. Dù cố đến mấy, mình cũng không thể nào đạt được yêu cầu. Cố gắng nữa làm chi cho mệt?”.

  • Anh Tín: “Sếp khen mình hoàn thành tốt công việc được giao, nhưng cũng nhắc nhở vài lỗi quan trọng. Mình rút được kinh nghiệm để lần sau cố gắng làm tốt hơn”.

BẠN NGHĨ SAO?

  • Sáu tháng trôi qua, ai sẽ là nhân viên có năng lực hơn, anh Thuận hay anh Tín?

  • Nếu là chủ, bạn sẽ tuyển dụng ai và ai sẽ được ở lại làm việc tiếp?

  • Khi bị nản lòng, bạn sẽ phản ứng giống ai?

Chị Thúy và chị Vy thỉnh thoảng cảm thấy rất cô đơn. Mỗi người có mỗi cách để đương đầu với hoàn cảnh.

  • Chị Thúy chủ yếu tập trung vào bản thân. Chỉ khi có người làm cái gì đó cho chị trước thì chị mới đáp lại. Chị lý luận: “Sao mình lại phí thì giờ cho những người chẳng làm gì cho mình cả?”.

  • Chị Vy đối xử tử tế với mọi người và làm nhiều điều cho người khác dù họ có biết ơn hay không. Chị sống theo Luật Vàng: Đối xử với người khác giống như chị muốn người khác đối xử với mình (Lu-ca 6:31). Đối với chị Vy, làm điều tốt mang lại sự thỏa nguyện dù người khác phản ứng thế nào.

BẠN NGHĨ SAO?

  • Giữa hai người này, bạn muốn làm bạn với ai hơn?

  • Ai sẽ hài lòng với các mối quan hệ của mình hơn?

  • Nếu bạn cảm thấy cô đơn, bạn sẽ phản ứng giống ai hơn, chị Thúy hay chị Vy?

Có lẽ bạn biết người nào đó giống anh Tín và chị Vy. Thậm chí có lẽ bạn cảm thấy mình giống họ. Nếu thế, chắc chắn bạn nhận ra rằng thái độ của bạn có thể làm thay đổi cả cuộc đời. Mặt khác, nói sao nếu bạn giống anh Thuận và chị Thúy hơn? Hãy xem ba cách Kinh Thánh có thể giúp bạn có cái nhìn tích cực trước những khó khăn trong cuộc sống.

1 TRÁNH BI QUAN

KINH THÁNH NÓI: “Nếu con ngã lòng trong ngày gặp nghịch cảnh, sức lực con quả thật quá yếu”.—Châm-ngôn 24:10, Đặng Ngọc Báu.

ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ? Sự bi quan sẽ làm cạn kiệt sức lực mà bạn cần để đối phó với vấn đề và cải thiện tình hình.

KINH NGHIỆM: Chị Juliza trải qua thời thơ ấu đầy bất hạnh. Nhà nghèo, cha nghiện rượu và gia đình chuyển đi nhiều nơi. Lúc đầu, chị Juliza vô cùng bi quan trước cuộc đời lênh đênh của mình. Nhưng có sự thay đổi. Điều gì đã giúp chị? Chị Juliza cho biết: “Ngay cả trước khi cha mẹ vượt qua giai đoạn chông gai ấy, Kinh Thánh đã giúp tôi có cái nhìn thăng bằng hơn. Đến tận bây giờ, những ý tưởng trong Kinh Thánh cũng giúp tôi không suy nghĩ theo chiều hướng bi quan. Khi thấy có người bộc lộ những tính cách mà tôi không thích, tôi cố gắng hiểu ra nguyên do họ cư xử như thế”.

Như chị Juliza đã nhận ra, Kinh Thánh là cuốn sách có những nguyên tắc hữu ích. Lời khuyên trong sách đó có thể giúp bạn đối phó với hoàn cảnh bất lợi. Chẳng hạn, câu Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:23 nói: “Anh em nên tiếp tục đổi mới tinh thần chi phối tâm trí mình”.

Theo câu Kinh Thánh này, quan điểm của bạn không phải là không thể thay đổi. Bạn có thể “đổi mới” cách suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy là một tiến trình không ngừng. Chính vì vậy mà câu này nói là chúng ta nên “tiếp tục đổi mới”.

2 TẬP TRUNG VÀO ĐIỀU TÍCH CỰC

KINH THÁNH NÓI: “Người khốn khổ thấy mỗi ngày đều là hoạn nạn, nhưng tấm lòng vui mừng dự tiệc luôn luôn”.—Châm-ngôn 15:15, Bản Dịch Mới.

ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ? Nếu nhìn thấy mọi thứ đều tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy “khốn khổ” và mỗi ngày đều là “hoạn nạn” hay ảm đạm. Nhưng nếu tập trung vào những điều tích cực, bạn sẽ có “tấm lòng vui mừng”, ngay cả cảm thấy ngập tràn hạnh phúc. Bạn có quyền lựa chọn.

KINH NGHIỆM: Sau nhiều lần phẫu thuật để loại bỏ khối u não, sức khỏe anh Yanko yếu hẳn đi, giọng nói và cử động của anh cũng bị ảnh hưởng. Vì cảm thấy bệnh tật khiến mình không thể vươn đến những mục tiêu nên anh vô cùng nản lòng trong nhiều năm liền. Nhưng rồi anh đã thay đổi. Bằng cách nào? Anh cho biết: “Thay vì tập trung vào những giới hạn của mình, tôi cố gắng lắp đầy tâm trí bằng những điều tích cực”.

Một cách mà anh Yanko làm thế là đọc Kinh Thánh. Anh nói: “Điều này giúp tôi suy nghĩ tích cực. Dù không hoàn toàn gạt qua một bên các mục tiêu dài hạn, nhưng tôi tập trung vào những mục tiêu nhỏ hơn mà hiện tại mình có thể đạt được. Khi ý nghĩ tiêu cực len lỏi vào đầu, tôi liền nghĩ đến nhiều niềm hạnh phúc mà mình đang có”.

Như anh Yanko, bạn có thể đương đầu với những tư tưởng bi quan và thay thế bằng những tư tưởng lạc quan. Nếu đang rơi vào hoàn cảnh bất lợi, có lẽ sức khỏe kém như anh Yanko, hãy tự hỏi: “Tình trạng của mình có thật sự là vô phương cứu chữa không? Mình có rơi vào đường cùng, hay đây chỉ là một rào cản có thể vượt qua?”. Hãy học cách loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí qua việc tập trung vào những điều tốt đẹp.

3 LÀM ĐIỀU TỐT CHO NGƯỜI KHÁC

KINH THÁNH NÓI: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công vụ 20:35.

ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ? Việc ban cho một cách quên mình sẽ mang lại sự thỏa nguyện sâu xa đối với người ban cho. Tại sao? Vì chúng ta được tạo ra để làm nhiều điều hơn là chỉ chăm lo cho nhu cầu của bản thân (Phi-líp 2:3, 4; 1 Giăng 4:11). Nhờ cảm nghiệm niềm vui của việc ban cho, chúng ta có thể đương đầu với hoàn cảnh khó khăn trong đời.

KINH NGHIỆM: Anh Josué bị một khuyết tật nặng nơi cột sống, đó là chứng nứt đốt sống. Anh thường lên cơn đau nhói. Dù vậy, anh thấy cuộc sống mình rất hữu ích khi được giúp đỡ người khác. Anh cho biết: “Thay vì nói ‘tôi không làm được’, tôi thích nghĩ đến những bước thực tế để giúp đỡ người khác trong công việc hằng ngày. Tôi tìm cách làm việc tốt cho người khác, và điều này khiến tôi vô cùng hạnh phúc”.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Tìm cơ hội để thể hiện tinh thần hy sinh quên mình. Chẳng hạn, bạn có thể chuẩn bị bữa ăn cho người hàng xóm bị bệnh không? Bạn có biết người lớn tuổi nào cần phụ giúp làm những việc lặt vặt trong nhà không?

Hãy “chăm sóc” cho thái độ của mình giống như cách bạn chăm sóc một khu vườn. Hãy nhổ bỏ những cây cỏ độc hại của thái độ tiêu cực và bi quan. Hãy gieo hạt giống lạc quan, và tưới nước cho cuộc đời bằng những hành động giúp sinh ra cảm xúc tích cực. Bạn sẽ gặt lấy bông trái tâm hồn khiến cuộc đời tràn đầy ý nghĩa. Và điều này sẽ chứng minh một sự thật: Thái độ của bạn rất quan trọng!

Vì sức khỏe, một số người tránh vài loại thực phẩm nào đó. Tương tự, bạn có thể tránh thái độ tiêu cực