Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ tình nguyện đến—Micronesia

Họ tình nguyện đến—Micronesia

Chị Katherine lớn lên ở Hoa Kỳ, làm báp-têm lúc 16 tuổi và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị sốt sắng trong thánh chức, nhưng ít người hưởng ứng thông điệp Nước Trời trong khu vực chị rao giảng. Katherine cho biết: “Tôi đọc kinh nghiệm về những người cầu xin Đức Chúa Trời cho người đến giúp họ biết về ngài. Tôi thường mong ước mình có thể tìm được một người như thế, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra”.

Sau khi rao giảng nhiều năm ở khu vực ấy, chị Katherine bắt đầu nghĩ đến việc chuyển đến vùng mà người ta dễ hưởng ứng thông điệp Nước Trời hơn. Tuy nhiên, chị cũng thắc mắc, không biết mình có thể làm được điều này không. Chỉ một lần trong đời chị phải xa gia đình, có hai tuần thôi mà mỗi ngày chị đều nhớ nhà. Nhưng nỗi khao khát được cảm nghiệm niềm vui trong việc giúp những người tìm kiếm Đức Giê-hô-va đã lấn át điều này. Sau khi xem xét vài địa điểm mà chị có thể chuyển đến, chị viết thư cho chi nhánh ở Guam và nhận được thông tin cần thiết. Tháng 7 năm 2007, lúc 26 tuổi, Katherine chuyển đến Saipan, một hòn đảo ở Thái Bình Dương, cách nhà khoảng 10.000km. Việc thay đổi ấy đã mang lại kết quả nào?

HAI LỜI CẦU NGUYỆN ĐƯỢC NHẬM

Không lâu sau khi đến hội thánh mới, Katherine gặp một phụ nữ ngoài 40 tuổi tên Doris, đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Sau khi học ba chương đầu của sách Kinh Thánh dạy, Katherine bắt đầu lo ngại. Chị kể lại: “Cô Doris học rất tốt, và tôi không muốn làm cho tệ hơn. Tôi chưa bao giờ điều khiển một học hỏi Kinh Thánh đều đặn và cảm thấy cô Doris cần một chị có kinh nghiệm giúp, có lẽ trạc tuổi cô”. Katherine cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình tìm được một chị phù hợp để có thể bàn giao học hỏi. Sau đó chị sẽ quyết định cho cô Doris biết về việc thay đổi người giúp học Kinh Thánh.

Katherine nhớ lại: “Trước khi tôi nêu việc đó, cô Doris muốn nói chuyện với tôi về một vấn đề. Sau khi lắng nghe, tôi kể cho cô ấy biết cách Đức Giê-hô-va đã giúp tôi đương đầu với tình huống tương tự trong đời. Cô Doris cảm ơn tôi”. Rồi cô ấy nói: “Đức Giê-hô-va đã dùng con để giúp cô. Ngày đầu tiên con đến nhà cô, cô đang đọc Kinh Thánh trong nhiều giờ. Cô đang khóc, cầu xin Đức Chúa Trời cho người nào đó đến giúp cô hiểu Kinh Thánh. Rồi con gõ cửa. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện của cô!”. Katherine rưng rưng nước mắt khi kể lại câu chuyện đầy cảm động ấy. Chị cho biết: “Những lời của cô Doris cho thấy lời cầu nguyện của tôi đã được nhậm. Đức Giê-hô-va cho thấy tôi có thể tiếp tục học với cô”.

Cô Doris làm báp-têm năm 2010 và hiện nay cô ấy điều khiển một số học hỏi Kinh Thánh. Katherine cảm nhận: “Tôi thật biết ơn là ước muốn từ lâu của tôi được giúp người có lòng chân thật trở thành tôi tớ Đức Giê-hô-va đã thành hiện thực!”. Hiện nay, chị Katherine vui mừng phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt trên đảo Kosrae ở Thái Bình Dương.

BA THỬ THÁCH—LÀM SAO ĐƯƠNG ĐẦU

Có hơn một trăm anh chị từ nước ngoài (từ độ tuổi 19 đến 79) đã phụng sự nơi có nhu cầu lớn hơn tại Micronesia. Chị Erica, chuyển đến Guam năm 2006 lúc 19 tuổi, bày tỏ cảm nghĩ thay cho các anh chị sốt sắng này: “Làm tiên phong trong khu vực mà người ta đang khao khát sự thật rất là vui. Tôi vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va đã giúp tôi tham gia công việc này. Đây là lối sống tốt nhất!”. Hiện nay, chị Erica có niềm vui khi phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt ở Ebeye thuộc quần đảo Marshall. Dĩ nhiên việc phụng sự ở nước ngoài cũng đưa ra nhiều thách đố. Chúng ta hãy xem ba thách đố và xem các anh chị chuyển đến Micronesia đã đương đầu thế nào.

(Hình phải) Chị Erica

Lối sống. Sau khi đến đảo Palau vào năm 2007, anh Simon 22 tuổi, nhanh chóng nhận ra anh chỉ có thể kiếm được khoản tiền nhỏ so với lúc ở quê nhà là nước Anh. Anh nói: “Tôi phải biết không mua những gì mình muốn. Hiện nay, tôi thận trọng trong việc nên mua loại thực phẩm nào và tìm chỗ bán rẻ nhất. Khi vật dụng bị hư, tôi tìm phụ tùng cũ và cố gắng tìm người có thể giúp tôi sửa”. Việc phải sống đơn giản đã ảnh hưởng thế nào đến anh? Anh Simon nói: “Nó giúp tôi học được điều gì thật sự cần thiết trong đời sống và làm sao có thể sống đơn giản hơn. Tôi thấy rõ bàn tay chăm sóc của Đức Giê-hô-va đã nhiều lần giúp tôi. Trong bảy năm phụng sự tại đây, tôi luôn có thức ăn và chỗ ở”. Thật thế, Đức Giê-hô-va nâng đỡ những ai có đời sống giản dị vì họ muốn tìm kiếm Nước Trời trước hết.—Mat 6:32, 33.

Nhớ nhà. Chị Erica nói: “Tôi rất gắn bó với gia đình và lo ngại rằng việc nhớ nhà sẽ ảnh hưởng không tốt tới thánh chức”. Chị đã làm gì để trang bị cho mình? Chị cho biết: “Trước khi đi, tôi đọc các bài Tháp Canh nói về việc nhớ nhà. Điều này giúp tôi chuẩn bị tinh thần trước thách đố ấy. Trong một bài, người mẹ đảm bảo với con gái về sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va khi nói: ‘Đức Giê-hô-va có thể chăm sóc con tốt hơn mẹ’. Lời trấn an này thật sự làm tôi lên tinh thần”. Chị Hannah chồng là anh Patrick, phụng sự ở Majuro thuộc quần đảo Marshall. Chị Hannah đương đầu với nỗi nhớ nhà bằng cách tập trung vào các anh chị trong hội thánh. Chị nói: “Tôi luôn cảm tạ Đức Giê-hô-va đã ban cho đoàn thể anh em quốc tế vì họ cũng là gia đình của tôi. Nếu không có sự hỗ trợ đầy yêu thương của anh em, tôi không thể nào phụng sự nơi có nhu cầu lớn hơn”.

(Hình trái) Anh Simon

Kết bạn. Anh Simon nhận xét: “Khi đến một nước khác, hầu như mọi thứ đều mới lạ. Thỉnh thoảng tôi muốn nói đùa và được người khác hiểu”. Chị Erica nói: “Lúc đầu tôi cảm thấy đơn độc, nhưng điều này giúp tôi xem xét động cơ của mình khi chuyển đến đây. Tôi đến đây không phải vì lợi ích riêng, nhưng để làm nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va. Với thời gian, tôi vun đắp các mối quan hệ bạn bè mật thiết, đây là điều quý giá”. Anh Simon siêng năng học tiếng Palauan, điều này giúp anh “mở rộng lòng mình” với anh chị em địa phương (2 Cô 6:13). Các anh em đồng đạo quý mến anh vì anh đã cố gắng học tiếng địa phương. Thật vậy, khi các anh chị mới đến cùng làm việc với anh chị địa phương, đôi bên sẽ có phần thưởng là tình bạn mật thiết trong hội thánh. Những người tình nguyện phụng sự nơi có nhu cầu lớn hơn còn nhận những phần thưởng nào khác?

“GẶT NHIỀU”

Sứ đồ Phao-lô nói: “Ai gieo nhiều sẽ gặt nhiều” (2 Cô 9:6). Nguyên tắc trong câu này chắc chắn cũng áp dụng cho những người mở rộng thánh chức. Ở Micronesia, họ đã “gặt nhiều” kết quả nào?

Anh Patrick và chị Hannah

Ở Micronesia, vẫn còn nhiều cơ hội để bắt đầu các cuộc học hỏi Kinh Thánh và chứng kiến tận mắt cách một người tiến bộ khi học và áp dụng sự thật trong Lời Đức Chúa Trời. Anh Patrick và chị Hannah cũng rao giảng trên đảo Angaur, một đảo nhỏ có 320 cư dân. Sau khi rao giảng hai tháng ở đây, họ gặp một người mẹ đơn thân. Bà ấy liền đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh, sẵn sàng tiếp nhận sự thật và có những thay đổi lớn trong đời. Chị Hannah cho biết: “Sau mỗi buổi học, chúng tôi đạp xe đi về, nhìn nhau và thốt lên ‘Cảm ơn Đức Giê-hô-va!’”. Chị cho biết thêm: “Tôi biết Đức Giê-hô-va sẽ kéo người phụ nữ này đến gần ngài theo cách này hoặc cách khác, nhưng vì phụng sự nơi có nhu cầu lớn hơn, nên chúng tôi có thể tìm và giúp người phụ nữ giống như chiên này biết đến Đức Giê-hô-va. Đây là một trải nghiệm thỏa nguyện nhất trong đời chúng tôi!”. Như chị Erica nói: “Khi giúp một người biết đến Đức Giê-hô-va, bạn sẽ có được niềm vui không sao kể hết!”.

CÒN BẠN THÌ SAO?

Nhiều nước có nhu cầu cần thêm người công bố về Nước Trời. Bạn có thể trong số các anh chị sẽ chuyển đến nơi cần giúp đỡ không? Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va cho bạn có thêm ước muốn mở rộng thánh chức. Trình bày vấn đề này với các trưởng lão trong hội thánh, giám thị vòng quanh, hoặc các anh chị đã có đặc ân phụng sự ở nơi cần giúp đỡ. Khi đã có kế hoạch, hãy viết thư cho chi nhánh chăm sóc khu vực bạn muốn đến, và xin cho biết thêm thông tin *. Có lẽ bạn cũng có thể tham gia với hàng ngàn anh chị—trẻ lẫn già, độc thân hoặc đã kết hôn—những người tình nguyện đến và nếm thử niềm vui của việc “gặt nhiều”.

^ đ. 17 Xem bài “Anh chị có thể ‘qua xứ Ma-xê-đoan’ không?” trong Thánh Chức Nước Trời, tháng 8 năm 2011.