Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Sức khỏe và sự kiên cường

Sức khỏe và sự kiên cường

BỆNH MÃN TÍNH HOẶC KHUYẾT TẬT CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG LỚN ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA MỘT NGƯỜI. Anh Ulf từng là một người rất năng động và khỏe mạnh. Nhưng sau khi bị liệt, anh cho biết: “Tôi bị trầm cảm nặng và mất hết sức lực cũng như sự can đảm... Tôi cảm thấy suy sụp”.

Kinh nghiệm của anh Ulf nhắc chúng ta nhớ rằng không ai có thể hoàn toàn kiểm soát sức khỏe của mình. Dù chúng ta áp dụng một số cách hợp lý để giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng nói sao nếu sức khỏe của chúng ta vẫn sa sút? Điều đó có cướp đi hoàn toàn hạnh phúc của chúng ta không? Chắc chắn không. Nhưng trước khi xem xét điều này, hãy xem một số nguyên tắc giúp có sức khỏe tốt.

“BIẾT ĐIỀU ĐỘ TRONG MỌI SỰ” (1 Ti-mô-thê 3:2, 11). Thói quen ăn uống quá độ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chưa kể đến việc hao tốn tiền bạc. Kinh Thánh nói: “Đừng thuộc hạng người uống rượu quá độ, cũng như hạng người ăn thịt ngốn ngấu; bởi kẻ say sưa và kẻ tham ăn ắt sẽ đói nghèo”.—Châm ngôn 23:20, 21.

ĐỪNG LÀM Ô UẾ THÂN THỂ. “Hãy tẩy sạch mình khỏi mọi sự ô uế về thể xác lẫn tinh thần” (2 Cô-rinh-tô 7:1). Một người sẽ làm ô uế thân thể mình khi nhai hoặc hút thuốc lá hay lạm dụng rượu bia, ma túy. Chẳng hạn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết hút thuốc lá “dẫn đến nhiều loại bệnh, khuyết tật và gây hại cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể”.

XEM CƠ THỂ VÀ SỰ SỐNG LÀ MÓN QUÀ QUÝ. “Nhờ [Đức Chúa Trời] mà chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại” (Công vụ 17:28). Khi biết điều này, chúng ta sẽ tránh liều lĩnh không cần thiết, dù là khi làm việc, lái xe hoặc chọn loại hình giải trí. Cảm giác mạnh trong chốc lát có thể khiến tàn tật suốt đời!

KIỂM SOÁT CẢM XÚC TIÊU CỰC. Thân thể và trí óc của chúng ta có liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, hãy tránh lo lắng thái quá, tức giận mất kiểm soát, đố kỵ và những cảm xúc tiêu cực khác. Thi thiên 37:8 nói: “Hãy thôi giận và dẹp cơn thịnh nộ”. Kinh Thánh cũng khuyên: “Chớ bao giờ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai”.—Ma-thi-ơ 6:34.

CỐ GẮNG NGHĨ ĐẾN ĐIỀU TÍCH CỰC. Châm ngôn 14:30 nói: “Lòng yên bình là sự sống cho cơ thể”. Kinh Thánh cũng cho biết: “Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay” (Châm ngôn 17:22). Quả là hợp lý về khoa học! Một bác sĩ ở Scotland tên là Derek Cox nói: “Nếu bạn vui vẻ thì rất có thể trong tương lai bạn sẽ ít bị mắc bệnh hơn những người không có tâm trạng vui vẻ”.

KIÊN CƯỜNG. Như anh Ulf, người được đề cập ở đầu bài, có lẽ chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc chịu đựng thử thách dai dẳng. Nhưng chúng ta vẫn có thể chọn cách để đương đầu. Một số người bị choáng ngợp vì nản lòng và điều này có thể khiến vấn đề tồi tệ hơn. Châm ngôn 24:10 nói: “Đến ngày khốn khổ mà con nản lòng thì sức lực con ắt sẽ ít ỏi”.

Tuy nhiên, một số người sau khi trải qua nỗi thất vọng thì cảm thấy mạnh mẽ hơn. Họ thích ứng với hoàn cảnh và tìm cách để đối phó. Anh Ulf ở trong trường hợp đó. Anh nói rằng sau khi cầu nguyện và suy ngẫm về thông điệp tích cực trong Kinh Thánh, anh “bắt đầu thấy cơ hội thay vì chướng ngại”. Như nhiều người gặp thử thách, anh Ulf đã học được bài học về lòng trắc ẩn và sự cảm thông, là điều thúc đẩy anh chia sẻ thông điệp an ủi trong Kinh Thánh với người khác.

Một trường hợp khác cũng phải chịu sự khốn khổ là anh Steve. Lúc 15 tuổi, anh gặp tai nạn và bị liệt từ cổ trở xuống. Đến năm 18 tuổi, anh đã dùng lại được hai tay. Sau đó anh lên đại học, nhưng rồi sa vào rượu bia, ma túy và sống gian dâm. Anh không có hy vọng cho đến khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, là điều giúp anh có cái nhìn mới về cuộc sống và bỏ được thói xấu. Anh cho biết: “Sự trống rỗng bao lâu nay trong tôi không còn nữa. Đời sống tôi giờ đây tràn đầy bình an, hạnh phúc và thỏa nguyện”.

Những lời của anh Steve và anh Ulf nhắc chúng ta nhớ đến Thi thiên 19:7, 8: “Luật pháp Đức Giê-hô-va là hoàn hảo, phục hồi sức sống... Các mệnh lệnh Đức Giê-hô-va đều công chính, khiến lòng phấn khởi. Điều răn Đức Giê-hô-va là thanh sạch, làm mắt sáng ngời”.