Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN

Làm sao để quản lý chi tiêu?

Làm sao để quản lý chi tiêu?

THÁCH THỨC

Khi xem các chứng từ ngân hàng và hóa đơn, bạn nhận thấy tiền của mình đang như cát chảy qua kẽ tay. Bạn mới kết hôn một thời gian và chi tiêu bị vượt khỏi tầm kiểm soát. Có phải là lỗi của người hôn phối không? Đừng vội kết luận như thế! Hãy hợp tác với nhau, và xem xét một số lý do có thể khiến vợ chồng bạn rơi vào tình thế này. *

TẠI SAO?

Hoàn cảnh thay đổi. Nếu trước khi kết hôn, bạn sống với gia đình thì sau khi kết hôn, có lẽ bạn phải tập làm quen với việc thanh toán hóa đơn và các chi phí chung. Bên cạnh đó, bạn và người hôn phối có cách chi tiêu khác nhau. Chẳng hạn, một người có khuynh hướng xài tiền thoáng, còn người kia thì tiết kiệm. Cả hai cần có thời gian để điều chỉnh và thống nhất trong cách chi tiêu.

Giống như cỏ dại, những khoản nợ nếu bị lờ đi sẽ ngày càng lớn dần

Sự chần chừ. Anh Jim, hiện là một doanh nhân thành đạt, thừa nhận rằng khi mới lập gia đình, anh đã phải trả giá cho thói quen trì hoãn của mình. Anh nói: “Vì chần chừ thanh toán các hóa đơn, nên cuối cùng vợ chồng tôi phải đóng hàng ngàn đô la tiền phạt. Chúng tôi hoàn toàn cháy túi!”.

Cạm bẫy “tiền vô hình”. Thật dễ để vung tay quá trán khi bạn không thấy tiền ra khỏi túi của mình. Điều này có thể xảy ra nếu bạn chi tiêu chủ yếu bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ngân hàng điện tử hay mua hàng qua Internet. Việc dễ dàng được cấp thẻ tín dụng có thể khiến các cặp mới cưới rơi vào bẫy tiêu tiền quá tay.

Dù lý do là gì, vấn đề tiền bạc có thể làm rạn nứt hôn nhân. Sách viết về việc cứu vãn hôn nhân (Fighting for Your Marriage) cho biết: “Phần lớn các cặp vợ chồng đều nói rằng tiền bạc là yếu tố hàng đầu gây ra những vấn đề trong hôn nhân, dù họ có nhiều tiền đi chăng nữa. Tiền bạc thường là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi”.

 BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Quyết tâm hợp tác. Thay vì đổ lỗi cho nhau, hãy hợp tác để cùng tìm ra cách chi tiêu hợp lý. Trước khi bàn bạc, hãy quyết tâm không để vấn đề này làm sứt mẻ mối quan hệ vợ chồng.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:32.

Lập kế hoạch chi tiêu. Hãy viết ra những khoản cần chi trong một tháng, dù là nhỏ. Điều này sẽ giúp bạn biết cần tiêu vào khoản gì và nhận ra những khoản không cần thiết.

Lên danh sách những khoản cần chi, bao gồm thức ăn, quần áo, thuê nhà, xe cộ, v.v. Đối với mỗi khoản, hãy ước lượng và ghi rõ số tiền định tiêu trong một thời gian nhất định, có thể là một tháng.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Lu-ca 14:28.

“Kẻ nào mượn là tôi-tớ của kẻ cho mượn”.—Châm-ngôn 22:7

Phân chia rõ các khoản chi tiêu mỗi tháng (thức ăn, thuê nhà, xăng và các khoản khác). Một số người làm điều này bằng cách để từng khoản tiền vào các phong bì *. Nếu hết tiền trong một phong bì, họ sẽ không tiêu khoản đó nữa hoặc lấy từ phong bì khác.

Thay đổi quan điểm về của cải. Hạnh phúc không tùy thuộc vào việc sở hữu những thiết bị mới nhất. Chúa Giê-su phán: “Dù một người giàu có, của cải cũng không mang lại sự sống cho người ấy” (Lu-ca 12:15). Thói quen chi tiêu thường cho thấy bạn có tin những lời này của Chúa Giê-su hay không.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Ti-mô-thê 6:8.

Điều chỉnh. Anh Aaron, người kết hôn được hai năm, nói: “Những khoản chi như truyền hình cáp và đi ăn bên ngoài có vẻ chẳng đáng là bao, nhưng về lâu về dài chúng có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính. Để chi tiêu trong khả năng của mình, chúng tôi cần học cách nói ‘không’ với một số thứ”.

^ đ. 4 Dù bài này chủ yếu dành cho các cặp mới kết hôn, nhưng những nguyên tắc được thảo luận trong bài áp dụng cho tất cả các cặp vợ chồng.

^ đ. 14 Nếu thanh toán bằng điện tử hoặc thẻ tín dụng, hãy ghi vào mỗi phong bì số tiền sẽ chi trong tháng thay cho tiền mặt.