Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA

Thế nào là một người bạn tốt?

Thế nào là một người bạn tốt?

Ngày 25-12-2010, một phụ nữ 42 tuổi ở Anh Quốc đăng trên một trang mạng xã hội nổi tiếng lời ghi chú cho biết cô đang có ý định tự tử. Thông điệp của cô như một lời khẩn cầu sự quan tâm. Dù người phụ nữ này có hơn một ngàn “bạn” trực tuyến, nhưng chẳng ai đoái hoài tới cô. Hôm sau, cảnh sát tìm thấy thi thể của cô. Cô đã qua đời do uống thuốc quá liều.

Ngày nay, công nghệ hiện đại mở ra cho chúng ta cơ hội kết bạn với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, “bạn” trên mạng xã hội. Những gì cần làm chỉ là thêm tên của họ vào danh sách liên lạc trên máy tính của mình. Và khi nào muốn chấm dứt “tình bạn” với một người thì chỉ cần xóa tên người ấy khỏi danh sách. Tuy nhiên, bi kịch được nói ở trên phản ánh một sự thật đáng lo ngại—tình bạn đích thực vẫn đang lẩn trốn nhiều người. Thật vậy, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy dù chúng ta giao tiếp nhiều hơn nhưng ngày càng ít những người bạn đích thực.

Như hầu hết mọi người, hẳn bạn đồng ý rằng có bạn tốt rất quan trọng. Có lẽ bạn cũng nhận ra là tình bạn bao hàm nhiều hơn những cái nhấp chuột trên màn hình máy tính hoặc điện thoại di động thông minh (smartphone). Bạn muốn có một người bạn như thế nào? Làm thế nào bạn có thể là một người bạn tốt? Làm sao để tạo dựng một tình bạn vững bền?

Hãy xem bốn nguyên tắc chỉ dẫn sau và làm sao những lời khuyên thực tế trong Kinh Thánh có thể giúp bạn trở thành người mà người khác muốn kết bạn.

 1. Thể hiện lòng quan tâm chân thành

Tình bạn đích thực bao hàm tinh thần trách nhiệm. Nói cách khác, một người bạn tốt cảm thấy có trách nhiệm và thật lòng quan tâm đến bạn. Dĩ nhiên, điều này phải đến từ hai phía, cả hai đều cần nỗ lực và sẵn sàng hy sinh. Nhưng phần thưởng rất đáng công. Hãy tự hỏi: “Mình có sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân, thời gian và vật chất để giúp đỡ bạn mình không?”. Hãy nhớ rằng để có một người bạn tốt, trước hết chính bạn phải là một người bạn tốt.

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ NGƯỜI VỀ TÌNH BẠN

Irene: “Giống như việc chăm sóc một khu vườn xinh đẹp, việc vun đắp một tình bạn đòi hỏi nhiều thời gian và sự chăm chút. Hãy bắt đầu bằng việc có ước muốn trở thành một người bạn tốt. Hãy bày tỏ lòng tử tế và quan tâm đến người khác. Cũng hãy sẵn sàng hy sinh thời gian khi có người cần đến bạn”.

Luis Alfonso: “Xã hội hiện đại cổ xúy tinh thần ích kỷ thay vì lòng quan tâm bất vị kỷ đến người khác. Nên thật ấm lòng nếu có ai đó quan tâm chân thành đến bạn mà không mong đợi được đáp đền”.

QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH

“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ. Hãy cho, người ta sẽ cho anh em” (Lu-ca 6:31, 38). Qua câu này, Chúa Giê-su đề cao tinh thần bất vị kỷ và lòng rộng rãi. Lòng rộng rãi giúp gìn giữ những tình bạn tốt. Nếu bạn quên mình vì người khác không với mục đích được trả ơn, tự nhiên người khác sẽ được thu hút đến gần bạn.

2. Biết trò chuyện

Tình bạn đích thực không thể thiếu sự trò chuyện thường xuyên. Vì vậy, hãy cùng nhau chia sẻ những mối quan tâm. Hãy lắng nghe và tôn trọng quan điểm, cũng như tìm cơ hội để khen và khích lệ bạn mình. Đôi khi có thể người ấy cần bạn cho lời khuyên hay thậm chí giúp sửa đổi, và điều này không phải lúc nào cũng dễ. Tuy nhiên, người bạn chân chính sẽ can đảm chỉ ra lỗi lầm của bạn mình và cho lời khuyên tế nhị.

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ NGƯỜI VỀ TÌNH BẠN

Juan: “Một người bạn đích thực phải là người thoải mái bày tỏ quan điểm nhưng không tự ái khi bạn không đồng ý”.

Eunice: “Đối với mình, điều quý giá nhất là bạn bè sẵn sàng dành thời gian ở bên và lắng nghe mình, nhất là khi mình gặp vấn đề”.

Silvina: “Những người bạn chân chính sẽ nói cho bạn sự thật—dù biết có thể khiến bạn đau lòng—vì họ thật lòng muốn điều tốt nhất cho bạn”.

QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH

“Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận” (Gia-cơ 1:19). Người bạn tốt là người biết lắng nghe. Nếu chỉ thao thao bất tuyệt, chúng ta cho thấy mình xem trọng quan điểm của mình hơn của người bạn. Vì vậy, hãy chăm chú lắng nghe khi người bạn muốn chia sẻ những mối lo âu và suy nghĩ thầm kín. Đừng tự ái nếu người ấy nói một sự thật nào đó khiến bạn mất lòng. Châm-ngôn 27:6 nói: “Bạn-hữu làm cho thương-tích, ấy bởi lòng thành-tín”.

 3. Mong đợi thực tế

Càng thân với một người, chúng ta càng dễ thấy khuyết điểm của người ấy. Bạn bè không phải là những người hoàn hảo và chúng ta cũng vậy. Do đó, đừng bao giờ kỳ vọng hay đòi hỏi bạn mình phải hoàn hảo. Thay vì vậy, hãy trân trọng những đức tính đáng quý và bỏ qua thiếu sót của bạn bè.

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ NGƯỜI VỀ TÌNH BẠN

Samuel: “Chúng ta thường kỳ vọng nhiều nơi người khác mà không nhìn lại chính mình. Nếu ý thức mình cũng có những thiếu sót và cần được tha thứ, chúng ta sẽ dễ tha thứ cho người khác hơn”.

Daniel: “Hãy chấp nhận sự thật là bạn bè sẽ có lúc mắc sai lầm. Khi vấn đề nảy sinh, hãy cố gắng hòa giải càng sớm càng tốt và tha thứ”.

QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH

Bạn có sẵn lòng tha thứ không?Cô-lô-se 3:13, 14

“Hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần. Nếu ai không vi phạm trong lời nói thì ấy là người hoàn hảo, có thể kìm hãm cả thân thể mình” (Gia-cơ 3:2). Ý thức sự thật đơn giản này có thể giúp chúng ta thông cảm cho bạn của mình. Khi ấy, chúng ta sẽ bỏ qua những lỗi lầm và thiếu sót có lẽ khiến mình khó chịu. Kinh Thánh khuyên: “Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác... Nhưng bên cạnh những điều ấy, hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”.Cô-lô-se 3:13, 14.

 4. Mở rộng lòng mình

Đành rằng phải biết chọn bạn mà chơi, nhưng điều này không có nghĩa chúng ta giới hạn lựa chọn của mình, chỉ chơi với những người ở cùng độ tuổi hay có hoàn cảnh xuất thân giống nhau. Việc mở rộng mối giao tiếp với người từ mọi lứa tuổi, gốc gác, văn hóa và quốc tịch sẽ làm đời sống chúng ta phong phú hơn.

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ NGƯỜI VỀ TÌNH BẠN

Unai: “Nếu chỉ kết bạn với những người cùng tuổi và có cùng sở thích thì chẳng khác gì suốt ngày bạn chỉ mặc một màu yêu thích. Dù bạn thích màu đó đến đâu đi chăng nữa, không sớm thì muộn bạn cũng cảm thấy chán”.

Funke: “Việc mở rộng mối quan hệ giúp mình chín chắn hơn. Mình tập được cách hòa đồng với người từ mọi lứa tuổi và gốc gác. Kết quả là mình trở nên cởi mở và linh động hơn, nhờ thế được bạn bè yêu quý”.

Bạn có mở rộng lòng với mọi loại người không?2 Cô-rinh-tô 6:13

QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH

“Tôi nói với anh em như nói với con cái mình, hãy đối xử với chúng tôi như chúng tôi đối xử với anh em, hãy mở rộng lòng mình” (2 Cô-rinh-tô 6:13). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta mở rộng lòng với mọi loại người. Quan điểm cởi mở và không thiên vị như thế sẽ làm đời sống bạn thêm phần thú vị, đồng thời bạn sẽ được người khác quý mến.