Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Làm sao để quản lý tiền bạc?

Làm sao để quản lý tiền bạc?

Chồng nói: “Tôi thấy bà xã tôi phí tiền vào những thứ mà tôi nghĩ là không cần thiết. Cô ấy hình như không biết tiết kiệm! Lỡ có chuyện bất ngờ xảy ra, chúng tôi không có đủ tiền xoay sở. Có bao nhiêu tiền trong túi là cô ấy tiêu hết”.

Vợ nói: “Có thể tôi là người không giỏi tiết kiệm, nhưng ông xã tôi không biết mọi thứ bây giờ đắt đỏ ra sao. Nào là thức ăn, đồ dùng và các chi phí khác trong nhà. Tôi là người ở nhà nhiều nhất nên biết gia đình cần gì. Vì thế, tôi phải mua dù sau đó chúng tôi lại cãi nhau”.

Chuyện tiền bạc là một trong những vấn đề mà các cặp vợ chồng khó bình tĩnh thảo luận với nhau nhất. Không ngạc nhiên gì khi tiền bạc đứng đầu danh sách những vấn đề thông thường nhất trong các cuộc tranh cãi giữa vợ chồng.

Khi không có cái nhìn thăng bằng về tiền, nhiều cặp vợ chồng có thể cãi nhau, bị căng thẳng và nguy hại về mặt cảm xúc, thậm chí về tâm linh (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Các bậc cha mẹ không thể giải quyết vấn đề tiền bạc thường cảm thấy bị áp lực phải làm thêm, vì thế không thể chu đáo chăm sóc về mặt tình cảm và tâm linh cho con cái và người hôn phối của mình. Hơn nữa, họ cũng không thể dạy con có quan điểm đúng đắn về tiền bạc.

Kinh Thánh công nhận “tiền-bạc che thân” (Truyền đạo 7:12). Nhưng chỉ khi bạn biết cách quản lý tiền và bình tĩnh bàn luận với người hôn phối về vấn đề này, tiền bạc mới là công cụ che chở hôn nhân và gia đình bạn *. Thật vậy, thay vì gây ra bất đồng, những cuộc bàn luận đúng cách về tiền nong có thể thắt chặt mối dây liên lạc giữa vợ chồng.

Vậy, tại sao tiền bạc lại gây ra nhiều vấn đề trong hôn nhân? Có những bước thực tiễn nào giúp vợ chồng bạn bàn luận về vấn đề này một cách xây dựng chứ không tranh cãi?

Những khó khăn trong việc quản lý tiền

Thường thì những bất đồng nảy sinh thật sự không phải vì tiền mà vì vấn đề tin cậy lẫn nhau hoặc lo lắng cho tương lai. Chẳng hạn, một người chồng đề nghị vợ phải báo cáo chi li từng đồng chị tiêu, có lẽ là vì thật ra ông không tin cậy nơi khả năng quản lý tài chánh của vợ. Hoặc một người vợ than phiền là chồng mình không biết tiết kiệm có lẽ lo sợ rằng nếu có chuyện bất trắc xảy ra thì gia đình sẽ gặp khó khăn về kinh tế.

Đối với bạn, điều gì quan trọng hơn—tiền bạc hay hôn nhân?

Ngoài ra, các cặp vợ chồng cũng gặp trở ngại vì một lý do khác: hoàn cảnh xuất thân. Anh Matthew đã kết hôn 8 năm cho biết: “Vợ tôi lớn lên trong một gia đình quản lý tiền bạc chặt chẽ. Cô ấy không lo lắng nhiều như tôi. Còn trong gia đình tôi, cha tôi là người say xỉn, nghiện thuốc và thường bị thất nghiệp. Gia đình tôi thường ở trong cảnh thiếu thốn nên tôi rất sợ bị mắc nợ. Cảm giác này khiến tôi thỉnh thoảng hơi vô lý với vợ mình về việc sử dụng tiền bạc”. Dù lý do là gì đi nữa, vợ chồng bạn có thể làm gì để tiền bạc không gây ra tranh cãi nhưng là công cụ giúp ích cho hôn nhân?

Bốn bí quyết thành công

Kinh Thánh không phải là sách cẩm nang về tiền bạc, nhưng cung cấp những lời khuyên khôn ngoan có thể giúp vợ chồng tránh tranh cãi về chuyện tiền bạc. Hãy cùng xem và thử áp dụng một số lời khuyên dưới đây:

1. Học cách bình tĩnh thảo luận về tiền bạc.

Kinh Thánh nói: “Khôn ngoan thuộc về người chịu nghe lời cố vấn” (Châm-ngôn 13:10, Bản Dịch Mới). Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình trước kia nên bạn không thích hỏi ý kiến người khác về chuyện tiền bạc, đặc biệt là người hôn phối. Tuy nhiên, điều khôn ngoan là bạn học cách để bàn bạc về vấn đề quan trọng này. Chẳng hạn, sao không nói cho người hôn phối biết bạn có thể đã bị ảnh hưởng phần nào từ quan điểm của cha mẹ bạn về tiền bạc? Ngoài ra, hãy cố gắng hiểu rằng hoàn cảnh gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến quan điểm của vợ hay chồng bạn.

Không cần phải đợi đến khi có chuyện thì mới bàn về tiền. Một người viết Kinh Thánh ghi: “Phải chăng hai người cùng đi với nhau, mà lại đã không cùng nhau giao hẹn?” (A-mốt 3:3, Nguyễn Thế Thuấn). Lời khuyên này áp dụng thế nào? Hãy quy định khoảng thời gian cụ thể mà vợ chồng bạn có thể thảo luận về chuyện tiền bạc. Làm thế, bạn sẽ giảm bớt được khả năng xảy ra tranh cãi vì hiểu lầm.

HÃY THỬ XEM: Quy định khoảng thời gian cụ thể để thường xuyên bàn về vấn đề tài chánh của gia đình. Có thể là ngày đầu tiên của mỗi tháng hoặc ngày cố định nào đó hằng tuần. Hãy bàn luận ngắn gọn, có lẽ chỉ cần 15 phút hoặc ngắn hơn. Chọn thời điểm mà hai vợ chồng đều cảm thấy thoải mái. Hãy quyết định không bàn về tiền vào những lúc không thích hợp, chẳng hạn vào bữa ăn hoặc khi nghỉ ngơi với con cái.

2. Có cùng quan điểm về thu nhập trong gia đình.

Kinh Thánh nói: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Nếu bạn là người duy nhất kiếm ra tiền, hãy tôn trọng người hôn phối bằng cách xem khoản thu nhập ấy không phải là của riêng mình nhưng là của gia đình.—1 Ti-mô-thê 5:8.

Nếu cả hai vợ chồng đều có thu nhập, bạn có thể tôn trọng lẫn nhau bằng cách cho người hôn phối biết về thu nhập của mình và những khoản chi tiêu lớn. Nếu giấu một trong hai điều này thì sẽ khiến vợ chồng bạn không còn tin cậy nhau và gây tổn hại cho hôn nhân. Không nhất thiết phải bàn bạc với người hôn phối khi tiêu một số tiền nhỏ. Nhưng khi phải sử dụng một số tiền lớn, bàn bạc với nhau chứng tỏ bạn tôn trọng quan điểm của vợ hay chồng mình.

HÃY THỬ XEM: Thống nhất về một số tiền cụ thể hai vợ chồng có thể sử dụng mà không cần hỏi ý kiến nhau. Luôn bàn bạc với người hôn phối nếu bạn muốn sử dụng số tiền lớn hơn.

3. Ghi ra các khoản chi tiêu.

Kinh Thánh nói: “Các ý-tưởng [“kế hoạch”, BDM] của người cần-mẫn dẫn đến sự dư-dật” (Châm-ngôn 21:5). Một cách để hoạch định cho tương lai và tránh phí phạm công sức của mình là lập ngân sách cho gia đình. Chị Nina, người đã kết hôn được 5 năm cho biết: “Khi viết ra các khoản thu nhập và số tiền chi tiêu, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì thấy được tình hình tài chánh thực tế của gia đình”.

Bạn không cần phải lập một ngân sách quá phức tạp. Anh Darren đã kết hôn 26 năm và có hai con trai cho biết: “Ban đầu chúng tôi bỏ tiền vào một số phong bì để chi tiêu trong tuần. Chẳng hạn, chúng tôi có phong bì tiền ăn, tiền giải trí và ngay cả tiền cắt tóc. Nếu hết tiền trong phong bì này, chúng tôi mượn ở phong bì khác, nhưng luôn trả lại tiền cho phong bì đó càng sớm càng tốt”. Nếu ít khi dùng tiền mặt mà thường trả tiền qua ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, bạn đặc biệt cần phải có ngân sách và ghi lại những khoản chi tiêu của mình.

HÃY THỬ XEM: Ghi ra tất cả các khoản chi tiêu cố định. Thống nhất sẽ để dành bao nhiêu trong số tiền thu nhập. Rồi lên danh sách những khoản chi tiêu không cố định như tiền chợ, điện và điện thoại. Sau đó, theo dõi số tiền bạn chi tiêu trong vài tháng. Nếu cần, hãy điều chỉnh để bạn không mắc nợ.

4. Thống nhất trách nhiệm của mỗi người.

Kinh Thánh nói: “Hai người hơn một, vì làm việc chung có lợi cho cả hai” (Truyền-đạo 4:9, 10, BDM). Đối với một số gia đình, người chồng là người thường lo về vấn đề tài chánh. Một số gia đình khác thì người vợ có khả năng làm tốt vai trò này (Châm 31:10-28). Cũng có nhiều gia đình quyết định cả hai vợ chồng sẽ cùng gánh vác trách nhiệm ấy. Anh Mario lập gia đình được 21 năm nói: “Vợ tôi phụ trách thanh toán hóa đơn và các khoản chi tiêu nhỏ. Còn tôi lo về tiền thuế, các hợp đồng và tiền thuê nhà. Chúng tôi luôn cho nhau biết về công việc của mình và hợp tác với nhau”. Dù bạn sử dụng phương pháp nào đi nữa, bí quyết vẫn là hai vợ chồng hợp tác với nhau.

HÃY THỬ XEM: Xem xét khả năng của mỗi người, rồi bàn bạc xem ai sẽ giữ trách nhiệm nào. Sau vài tháng, hãy xem lại kết quả và sẵn sàng điều chỉnh. Để có thể quý trọng công việc của người hôn phối (chẳng hạn thanh toán hóa đơn hoặc đi chợ), có lẽ đôi khi bạn nên thử đổi vai với nhau.

Mục đích của việc bàn luận về tiền bạc

Bàn luận về tiền bạc không nên là điều gây trở ngại cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Chị Leah kết hôn được 5 năm đồng ý với điều này khi nói: “Vợ chồng tôi học cách nói chuyện cởi mở và thẳng thắn về tiền bạc. Kết quả là giờ đây chúng tôi hợp tác với nhau và tình yêu thương vợ chồng ngày càng thắm thiết hơn”.

Khi bàn luận về cách sử dụng tiền bạc, vợ chồng chia sẻ hy vọng và ước muốn của mình, đồng thời khẳng định lại cam kết của họ trong hôn nhân. Khi bàn luận trước khi sử dụng một số tiền lớn, họ tỏ lòng tôn trọng quan điểm và cảm xúc của nhau. Khi cho người hôn phối tự do sử dụng một số tiền nhỏ, họ cho thấy mình tin cậy lẫn nhau. Đó là những yếu tố góp phần đem lại mối quan hệ yêu thương thật sự. Đừng để tiền bạc trở thành nguyên nhân gây ra tranh cãi vì mối quan hệ của vợ chồng bạn là điều quý giá hơn nhiều!

^ đ. 7 Kinh Thánh cho biết “chồng là đầu vợ”. Theo nguyên tắc này, người chồng có trách nhiệm chính về cách sử dụng tiền bạc trong gia đình, đồng thời đối xử với vợ một cách yêu thương và bất vị kỷ.—Ê-phê-sô 5:23, 25.

HÃY TỰ HỎI:

  • Lần gần đây nhất mà vợ chồng tôi bình tĩnh nói chuyện về tiền bạc là khi nào?

  • Tôi có thể nói và làm gì để tỏ lòng quý trọng sự giúp đỡ của người hôn phối về vấn đề tài chánh trong gia đình?