Đi đến nội dung

Báp-têm là gì?

Báp-têm là gì?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Báp-têm là hoàn toàn trầm người xuống nước. a Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp báp-têm (Công vụ 2:41). Trong đó có phép báp-têm của Chúa Giê-su; ngài đã trầm người xuống sông Giô-đanh (Ma-thi-ơ 3:13, 16). Nhiều năm sau, một người Ê-thi-ô-bi đã báp-têm ở “một chỗ có nước” gần con đường ông đang đi.—Công vụ 8:36-40.

 Chúa Giê-su dạy rằng các môn đồ ngài cần chịu phép báp-têm (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định lại sự dạy dỗ này.—1 Phi-e-rơ 3:21.

Trong bài này

 Báp-têm có nghĩa gì?

 Báp-têm là hành động công khai cho thấy người chịu phép báp-têm đã ăn năn tội lỗi và hứa nguyện vô điều kiện với Đức Chúa Trời rằng sẽ làm theo ý ngài. Điều này bao hàm việc luôn vâng lời Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su trong mọi khía cạnh của đời sống. Người chịu phép báp-têm bắt đầu đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

 Việc trầm người xuống nước biểu trưng một cách thích hợp cho sự thay đổi lớn trong đời sống. Như thế nào? Kinh Thánh ví phép báp-têm với việc chôn cất (Rô-ma 6:4; Cô-lô-se 2:12). Khi trầm người xuống nước, một người cho thấy mình đã chết về lối sống cũ. Khi ra khỏi nước, người ấy như thể bắt đầu đời sống mới với tư cách là một tín đồ đã dâng mình.

 Kinh Thánh nói gì về phép báp-têm cho trẻ sơ sinh hay phép rửa tội?

 Từ “rửa tội” không có trong Kinh Thánh. b Sách này cũng không dạy rằng nên báp-têm cho trẻ sơ sinh.

 Việc báp-têm cho trẻ sơ sinh không phù hợp với Kinh Thánh. Sách này dạy rằng một người muốn báp-têm phải hội đủ một số điều kiện. Chẳng hạn, người ấy cần hiểu ít nhất các dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh và sống phù hợp với những dạy dỗ đó. Người ấy đã ăn năn tội lỗi. Và qua lời cầu nguyện, người ấy dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời (Công vụ 2:38, 41; 8:12). Trẻ sơ sinh không có khả năng làm những việc đó.

 Báp-têm nhân danh Cha, Con và thần khí thánh có nghĩa gì?

 Chúa Giê-su chỉ dẫn các môn đồ ngài ‘đào tạo môn đồ, làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh, dạy họ giữ mọi điều mà ngài đã truyền cho họ’ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). “Nhân danh” nghĩa là người chịu phép báp-têm nhìn nhận uy quyền và địa vị của Cha và của Con, cũng như vai trò của thần khí thánh của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ nói với một người đàn ông bị què bẩm sinh: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô người Na-xa-rét, hãy bước đi!” (Công vụ 3:6). Ý nghĩa của câu này rất rõ ràng: Phi-e-rơ nhìn nhận uy quyền của Đấng Ki-tô và quy việc chữa lành bằng phép lạ này cho ngài.

  •   “Cha” nói đến Giê-hô-va c Đức Chúa Trời. Là Đấng Tạo Hóa, Đấng Ban Sự Sống và Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va có uy quyền tối thượng.—Sáng thế 17:1; Khải huyền 4:11.

  •   “Con” là Chúa Giê-su Ki-tô, đấng hy sinh mạng sống vì chúng ta (Rô-ma 6:23). Chúng ta không thể được cứu rỗi nếu không nhìn nhận và quý trọng vai trò thiết yếu của Chúa Giê-su trong ý định mà Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.—Giăng 14:6; 20:31; Công vụ 4:8-12.

  •   “Thần khí thánh” là quyền năng hay lực đang hoạt động của Đức Chúa Trời. d Đức Chúa Trời dùng thần khí thánh để sáng tạo, ban sự sống, truyền thông điệp cho các nhà tiên tri và người khác, cũng như cho họ quyền năng để thi hành ý muốn ngài (Sáng thế 1:2; Gióp 33:4; Rô-ma 15:18, 19). Đức Chúa Trời cũng dùng thần khí thánh để soi dẫn những người viết Kinh Thánh ghi lại ý tưởng của ngài.—2 Phi-e-rơ 1:21.

 Báp-têm lại có phải là tội không?

 Nhiều người quyết định thay đổi tôn giáo. Nhưng nói sao nếu họ đã báp-têm trong tôn giáo cũ? Nếu họ báp-têm lại thì có phải là tội không? Một số người trả lời là có, có lẽ họ dựa vào Ê-phê-sô 4:5. Câu này nói: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm”. Tuy nhiên, câu này không có nghĩa là một người không thể báp-têm lại. Tại sao?

 Văn cảnh. Văn cảnh của Ê-phê-sô 4:5 cho thấy sứ đồ Phao-lô đang nhấn mạnh việc các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính cần hợp nhất về niềm tin (Ê-phê-sô 4:1-3, 16). Sự hợp nhất ấy chỉ có được khi họ đi theo cùng một Chúa là Chúa Giê-su; có cùng một đức tin, hay niềm tin về điều Kinh Thánh dạy; và làm theo cùng những đòi hỏi của Kinh Thánh về việc báp-têm.

 Sứ đồ Phao-lô khuyến khích những người đã từng báp-têm chịu phép báp-têm lại. Lý do là vì họ đã báp-têm mà không có sự hiểu biết đầy đủ về đạo Đấng Ki-tô.—Công vụ 19:1-5.

 Cơ sở đúng để báp-têm. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, phép báp-têm phải dựa trên sự hiểu biết chính xác về chân lý trong Kinh Thánh (1 Ti-mô-thê 2:3, 4). Nếu một người báp-têm dựa trên những sự dạy dỗ trái với Kinh Thánh, thì phép báp-têm đó không được Đức Chúa Trời chấp nhận (Giăng 4:23, 24). Lúc đó, có lẽ người ấy có lòng thành nhưng đã không hành động “theo sự hiểu biết chính xác” (Rô-ma 10:2). Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, người ấy cần học chân lý trong Kinh Thánh, áp dụng điều mình học, dâng mình cho ngài và báp-têm lại. Khi đó, việc người ấy báp-têm lại không phải là tội. Thật ra, đó là điều đúng.

 Những phép báp-têm khác được nói đến trong Kinh Thánh

 Kinh Thánh nói đến những phép báp-têm có ý nghĩa khác với phép báp-têm trong nước của môn đồ Đấng Ki-tô. Hãy xem vài ví dụ.

 Phép báp-têm mà Giăng Báp-tít e thực hiện. Người Do Thái và người cải đạo Do Thái được Giăng làm báp-têm để biểu trưng cho việc họ ăn năn về những tội vi phạm Luật pháp Môi-se, là Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Phép báp-têm của Giăng giúp dân chúng sẵn sàng chấp nhận Đấng Mê-si, là Chúa Giê-su người Na-xa-rét.—Lu-ca 1:13-17; 3:2, 3; Công vụ 19:4.

 Phép báp-têm của Chúa Giê-su. Phép báp-têm của Chúa Giê-su do Giăng Báp-tít thực hiện là độc nhất. Chúa Giê-su là người hoàn hảo và chẳng hề phạm tội (1 Phi-e-rơ 2:21, 22). Vì thế, phép báp-têm của ngài không bao gồm việc ăn năn hoặc “cầu khẩn với Đức Chúa Trời để có lương tâm tốt” (1 Phi-e-rơ 3:21). Thay vì thế, phép báp-têm này cho thấy Chúa Giê-su trình diện để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Mê-si, hay Đấng Ki-tô, được báo trước. Điều này bao hàm việc ngài hy sinh mạng sống cho chúng ta.—Hê-bơ-rơ 10:7-10.

 Báp-têm bằng thần khí thánh. Cả Giăng Báp-tít lẫn Chúa Giê-su đều nói về phép báp-têm bằng thần khí thánh (Ma-thi-ơ 3:11; Lu-ca 3:16; Công vụ 1:1-5). Phép báp-têm đó không giống với phép báp-têm nhân danh thần khí thánh (Ma-thi-ơ 28:19). Tại sao có thể nói thế?

 Chỉ một con số nhất định các môn đồ của Chúa Giê-su được báp-têm bằng thần khí thánh. Họ được xức dầu bằng thần khí thánh vì họ được gọi để cùng phụng sự với Đấng Ki-tô trên trời với tư cách là vua và thầy tế lễ cai trị trái đất f (1 Phi-e-rơ 1:3, 4; Khải huyền 5:9, 10). Thần dân của họ sẽ là hàng triệu môn đồ của Chúa Giê-su có hy vọng sống vĩnh cửu trong địa đàng.—Ma-thi-ơ 5:5; Lu-ca 23:43.

 Báp-têm trong Đấng Ki-tô Giê-su và trong sự chết của ngài. Những người báp-têm bằng thần khí thánh cũng “chịu phép báp-têm trong Đấng Ki-tô Giê-su” (Rô-ma 6:3). Vì thế, phép báp-têm này áp dụng cho những môn đồ được xức dầu, là những người sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời. Qua việc báp-têm trong Chúa Giê-su, họ trở thành thành viên của hội thánh được xức dầu của ngài. Ngài là Đầu của hội thánh, còn họ là thân thể.—1 Cô-rinh-tô 12:12, 13, 27; Cô-lô-se 1:18.

 Các tín đồ được xức dầu cũng “báp-têm trong sự chết của [Chúa Giê-su]” (Rô-ma 6:3, 4). Noi theo Chúa Giê-su, họ sống một cuộc đời hy sinh và vâng lời Đức Chúa Trời. Họ cũng từ bỏ hy vọng sống đời đời trên đất. Họ hoàn tất phép báp-têm theo nghĩa tượng trưng này khi qua đời và được sống lại trên trời với tư cách là tạo vật thần linh.—Rô-ma 6:5; 1 Cô-rinh-tô 15:42-44.

 Báp-têm bằng lửa. Giăng Báp-tít nói với những người nghe ông: “Đấng ấy [Chúa Giê-su] sẽ làm phép báp-têm cho anh em bằng thần khí thánh và bằng lửa. Tay ngài cầm xẻng rê lúa, ngài sẽ làm sạch sân đạp lúa của mình và thâu lúa mì vào kho, còn trấu thì ngài sẽ đốt trong lửa không dập tắt được” (Ma-thi-ơ 3:11, 12). Hãy lưu ý có sự khác biệt giữa phép báp-têm bằng lửa và phép báp-têm bằng thần khí thánh. Giăng muốn nói gì qua minh họa này?

 Lúa mì tượng trưng cho những người lắng nghe và vâng lời Chúa Giê-su. Họ có triển vọng được báp-têm bằng thần khí thánh. Trấu tượng trưng cho những người không chịu nghe Chúa Giê-su. Kết cục của họ là phép báp-têm bằng lửa, tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn.—Ma-thi-ơ 3:7-12; Lu-ca 3:16, 17.

a Theo từ điển Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words, từ Hy Lạp được dịch là “báp-têm” nói đến “việc vào nước, trầm người xuống nước rồi ra khỏi nước”.

b Từ “rửa tội” nói đến nghi lễ do một số giáo hội thực hiện, trong đó trẻ sơ sinh có thể được đặt tên và rồi được “báp-têm” bằng cách rảy nước hoặc đổ nước lên đầu.

c Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời (Thi thiên 83:18). Xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.

d Xin xem bài “Thần khí thánh là gì?”.

e Xin xem bài “Giăng Báp-tít là ai?”.

f Xin xem bài “Ai được lên trời?”.

g Kinh Thánh cũng dùng từ “báp-têm” để miêu tả một số nghi thức tẩy uế, chẳng hạn như nhúng các vật dụng dưới nước (Mác 7:4; Hê-bơ-rơ 9:10; các chú thích). Dĩ nhiên, việc này khác hẳn với việc hoàn toàn trầm người dưới nước của Chúa Giê-su và các môn đồ ngài.