Đi đến nội dung

Sự cứu rỗi là gì?

Sự cứu rỗi là gì?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Hai từ “cứu” và “cứu rỗi” đôi khi được những người viết Kinh Thánh dùng để truyền đạt ý tưởng về một người được giải cứu khỏi nguy hiểm hoặc sự hủy diệt (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13, 14; Công vụ 27:20). Nhưng thường thì hai từ này nói đến sự giải cứu khỏi tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21). Vì tội lỗi gây ra cái chết, những người được cứu khỏi tội lỗi có hy vọng sống mãi mãi.​—Giăng 3:16, 17. a

Đâu là con đường dẫn đến sự cứu rỗi?

 Để được cứu rỗi, bạn phải đặt đức tin nơi Chúa Giê-su và chứng tỏ điều đó qua việc vâng theo các mệnh lệnh của ngài.​—Công vụ 4:10, 12; Rô-ma 10:9, 10; Hê-bơ-rơ 5:9.

 Kinh Thánh cho thấy rằng đức tin phải có việc làm, tức sự vâng lời, để chứng minh đức tin đó là thật (Gia-cơ 2:24, 26). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đáng nhận được sự cứu rỗi. Đó là “món quà của Đức Chúa Trời” xuất phát từ “lòng nhân từ bao la”, hay “ân điển” của ngài.​—Ê-phê-sô 2:8, 9; Liên hiệp Thánh kinh hội.

Bạn có thể đánh mất sự cứu rỗi không?

 Có. Một người sắp chết đuối được cứu có thể té hoặc nhảy xuống nước trở lại. Tương tự, một người đã được cứu khỏi tội lỗi nhưng lại không tiếp tục thể hiện đức tin có thể đánh mất sự cứu rỗi. Vì lý do đó, Kinh Thánh khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã nhận được sự cứu rỗi “hãy tranh đấu vì niềm tin” (Giu-đe 3). Kinh Thánh cũng cảnh báo những ai đã được cứu: “Hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi với lòng kính sợ và run rẩy”.​—Phi-líp 2:12.

Ai là Đấng Cứu Rỗi​—Đức Chúa Trời hay Chúa Giê-su?

 Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là nguồn cứu rỗi chính và thường gọi ngài là “Đấng Cứu Rỗi” (1 Sa-mu-ên 10:19; Ê-sai 43:11; Tít 2:10; Giu-đe 25). Ngoài ra, Đức Chúa Trời đã dùng nhiều người để giải cứu nước Y-sơ-ra-ên thời xưa, và Kinh Thánh gọi họ là “đấng giải-cứu” hoặc “người giải-cứu” (Nê-hê-mi 9:27; Các Quan Xét 3:9, 15; 2 Các Vua 13:5). b Tương tự, vì Đức Chúa Trời cung cấp sự cứu rỗi khỏi tội lỗi qua việc hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, Kinh Thánh gọi Chúa Giê-su là “Đấng Cứu Rỗi”.​—Công vụ 5:31; Tít 1:4. c

Có phải mọi người đều sẽ được cứu không?

 Không, một số người sẽ không được cứu (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Khi có người hỏi Chúa Giê-su: “Có phải chỉ ít người được cứu?”, ngài trả lời: “Hãy gắng hết sức để vào cửa hẹp, vì tôi nói với anh em, nhiều người sẽ tìm cách vào nhưng không được”.​—Lu-ca 13:23, 24.

Những quan niệm sai về việc mọi người đều được cứu rỗi (cứu độ phổ quát)

 Quan niệm sai: 1 Cô-rinh-tô 15:22 dạy mọi người đều được cứu khi nói “trong Đấng Ki-tô mọi người sẽ nhận được sự sống”.

 Sự thật: Bối cảnh câu này đang nói về sự sống lại (1 Cô-rinh-tô 15:12, 13, 20, 21, 35). Vì vậy, cụm từ “trong Đấng Ki-tô mọi người sẽ nhận được sự sống” chỉ có nghĩa là tất cả những ai được sống lại là nhờ Chúa Giê-su Ki-tô.​—Giăng 11:25.

 Quan niệm sai: Tít 2:11 dạy mọi người đều được cứu khi nói Đức Chúa Trời “cứu mọi người”.​—Liên hiệp Thánh kinh hội.

 Sự thật: Từ Hy Lạp được dịch là “mọi” trong câu này cũng có nghĩa là “mọi loại”. d Vì vậy, cách hiểu đúng câu Tít 2:11 là Đức Chúa Trời mang lại sự cứu rỗi cho mọi loại người, gồm những người “từ mọi nước, chi phái, dân tộc và mọi tiếng”.​—Khải huyền 7:9, 10.

 Quan niệm sai: 2 Phi-e-rơ 3:9 dạy mọi người đều được cứu khi nói rằng Đức Chúa Trời “chẳng muốn ai bị diệt”.

 Sự thật: Đức Chúa Trời muốn mọi người được cứu, nhưng không ép họ chấp nhận sự cứu rỗi mà ngài cung cấp. Trong “ngày phán xét” của ngài sẽ có sự “hủy diệt những kẻ không tin kính”.​—2 Phi-e-rơ 3:7.

a Kinh Thánh gọi một người là “được cứu” ngay cả khi sự cứu rỗi thật sự của người đó khỏi tội lỗi và cái chết vẫn chưa xảy ra.​—Ê-phê-sô 2:5; Rô-ma 13:11.

b Trong các câu được viện dẫn, một số bản dịch dùng những từ như “cứu tinh”, “nhà giải phóng”, “anh hùng”, thay vì “đấng cứu rỗi”. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ, Kinh Thánh dùng cùng một từ cho những người đó và cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong vai trò Đấng Cứu Rỗi.​—Thi-thiên 7:10.

c Tên của Chúa Giê-su bắt nguồn từ tên tiếng Hê-bơ-rơ là Yehoh·shuʹaʽ, có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là Sự Cứu Rỗi”.

d Xem từ điển Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words. Cùng một từ Hy Lạp xuất hiện trong lời của Chúa Giê-su nơi câu Ma-thi-ơ 5:11. Theo nghĩa đen, từ Hy Lạp này có nghĩa người ta sẽ nói “mọi loại lời vu khống” chống lại các môn đồ Chúa Giê-su.