Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chương và câu​—Ai đã đặt vào Kinh Thánh?

Chương và câu​—Ai đã đặt vào Kinh Thánh?

Hãy tưởng tượng bạn là một tín đồ Đấng Ki-tô sống vào thế kỷ thứ nhất. Hội thánh của bạn vừa nhận được một lá thư từ sứ đồ Phao-lô. Khi nghe đọc thư, bạn thấy Phao-lô thường trích dẫn từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (2 Ti-mô-thê 3:15). Bạn tự nhủ: “Mình rất muốn thấy đoạn Kinh Thánh mà ông ấy trích dẫn”. Nhưng điều đó không hề dễ dàng. Tại sao vậy?

KHÔNG CÓ CHƯƠNG HOẶC CÂU

Hãy xem những bản Kinh Thánh chép tay vào thời của Phao-lô trông như thế nào. Trong hình bên dưới là một phần của sách Ê-sai từ các cuộn Biển Chết. Bạn nhìn thấy gì? Những khối văn bản dày đặc! Không dấu câu. Và không có số chương và câu như ngày nay.

Những người viết Kinh Thánh không phân chia thông điệp thành các chương và câu. Họ viết ra toàn bộ thông điệp từ Đức Chúa Trời để độc giả cũng hiểu được toàn bộ thông điệp đó, chứ không chỉ một phần nhỏ. Khi nhận được bức thư quan trọng từ một người thân yêu, chẳng phải bạn cũng muốn thế sao? Bạn đọc toàn bộ lá thư chứ không chỉ một đoạn nhỏ hay một phần của lá thư đó.

Tuy nhiên, việc thiếu các chương và câu cũng gây ra vấn đề. Phao-lô chỉ có thể giới thiệu những câu trích dẫn của ông bằng những từ, chẳng hạn “như có những lời đã được viết” hoặc “đúng như Ê-sai đã báo trước” (Rô-ma 3:10; 9:29). Nếu không quen thuộc với toàn bộ Kinh Thánh, thì rất khó để tìm những câu trích dẫn đó.

Hơn nữa, Kinh Thánh không phải là một thông điệp ngắn gọn từ Đức Chúa Trời. Đến cuối thế kỷ thứ nhất, Kinh Thánh đã là một bộ gồm 66 sách! Đó là lý do tại sao hầu hết độc giả ngày nay rất vui khi Kinh Thánh có số chương và câu. Qua đó, họ có thể tìm được những thông tin cụ thể, ví dụ như nhiều câu trích dẫn trong các lá thư của Phao-lô.

Có lẽ bạn thắc mắc: “Vậy ai đã đặt các số chương và câu đó vào Kinh Thánh?”.

AI ĐÃ THÊM CHƯƠNG?

Tu sĩ người Anh là Stephen Langton, sau này trở thành tổng giám mục của Canterbury, được công nhận là người đã chia Kinh Thánh thành các chương. Ông làm điều này ngay từ đầu thế kỷ 13, khi còn dạy ở trường Đại học Paris tại Pháp.

Trước thời của Langton, các học giả đã thử nghiệm nhiều cách khác nhau để chia Kinh Thánh thành các phần và chương nhỏ hơn, dường như chủ yếu là để tham khảo. Bạn hãy tưởng tượng, việc tìm ra một đoạn sẽ dễ dàng hơn thế nào cho họ nếu chỉ cần tìm trong một chương thay vì tìm toàn bộ sách, chẳng hạn như sách Ê-sai có 66 chương.

Nhưng mọi việc đó lại gây ra vấn đề. Các học giả đưa ra nhiều hệ thống khác biệt và không hòa hợp nhau. Trong một bản, sách Phúc âm của Mác được chia thành gần 50 chương, không phải 16 chương như hiện nay. Ở Paris vào thời của Langton, các sinh viên đến từ nhiều nước và họ mang theo Kinh Thánh từ quê hương mình. Nhưng cả thầy cô lẫn sinh viên đều không thể giải thích rõ là mình đang nói đến chỗ nào trong Kinh Thánh. Tại sao? Đơn giản là vì cách phân chia các chương trong bản Kinh Thánh của họ không giống nhau.

Vì vậy, Langton đã đưa ra một cách phân chia mới. Một sách về lịch sử Kinh Thánh (The Book—A History of the Bible) cho biết hệ thống các chương của ông “gây hứng thú cho độc giả và những người sao chép sách”, và nó “nhanh chóng phổ biến khắp châu Âu”. Phần lớn Kinh Thánh ngày nay dùng cách đánh số chương của ông Langton.

AI ĐÃ THÊM CÂU?

Khoảng 300 năm sau, vào giữa thế kỷ 16, học giả và nhà in ấn nổi tiếng người Pháp là Robert Estienne đã giúp mọi thứ càng dễ dàng hơn. Mục tiêu của ông là phổ biến việc học Kinh Thánh. Ông nhận thấy nếu số chương lẫn số câu nhất quán với nhau trong mọi bản Kinh Thánh thì sẽ rất có lợi.

Estienne không phải là người nghĩ ra ý tưởng chia văn bản Kinh Thánh thành các câu. Những người khác đã làm điều này rồi. Chẳng hạn, hàng thế kỷ trước, các nhà sao chép sách người Do Thái đã chia toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, còn gọi là Cựu ước, thành các câu nhưng không chia thành chương. Tuy nhiên, cũng giống như việc chia thành chương, lúc đó vẫn chưa có một hệ thống nhất quán.

Estienne đã chia phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, thường được gọi là Tân ước, thành một hệ thống các câu được đánh số mới, và kết hợp với các câu đã có trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Năm 1553, ông xuất bản cuốn Kinh Thánh trọn bộ đầu tiên (trong tiếng Pháp), trong đó các chương và câu được đánh số gần như giống hoàn toàn với hầu hết các bản Kinh Thánh ngày nay. Một số người phê phán việc này và nói rằng các câu làm cho Kinh Thánh bị tách ra, trông giống như một chuỗi những lời riêng lẻ và rời rạc. Nhưng hệ thống của ông Estienne nhanh chóng được các nhà in ấn khác tiếp nhận.

LỢI ÍCH CHO HỌC VIÊN KINH THÁNH

Việc đánh số các chương và câu dường như là một ý tưởng rất đơn giản. Mỗi câu trong Kinh Thánh có một “địa chỉ” đặc biệt, giống như mã bưu điện. Đúng là Đức Chúa Trời không hướng dẫn việc chia thành chương và câu, và đôi khi Kinh Thánh được tách ra thành chương và câu ở những chỗ hơi kỳ lạ. Nhưng chương và câu giúp chúng ta dễ xác định vị trí của những lời trích dẫn hơn và dễ đánh dấu hoặc chia sẻ các câu Kinh Thánh có ý nghĩa đặc biệt với mình. Điều này cũng giống như việc chúng ta đánh dấu những câu hoặc cụm từ trong một tài liệu hoặc một cuốn sách mà mình đặc biệt muốn ghi nhớ.

Dù các chương và câu rất tiện lợi, nhưng hãy luôn ghi nhớ tầm quan trọng của việc nắm được bức tranh tổng quát, đó là hiểu toàn bộ thông điệp của Đức Chúa Trời. Hãy tập thói quen đọc cả văn cảnh thay vì chỉ đọc từng câu riêng lẻ. Khi làm thế, bạn sẽ quen thuộc hơn với Kinh Thánh, là ‘lời giúp bạn có sự khôn ngoan để được cứu rỗi’.—2 Ti-mô-thê 3:15.