Đi đến nội dung

Chúa Giê-su có chết trên thập tự giá không?

Chúa Giê-su có chết trên thập tự giá không?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Nhiều người xem thập tự giá là biểu tượng chung của khối đạo Ki-tô. Tuy nhiên, Kinh Thánh không miêu tả công cụ hành hình Chúa Giê-su, vì vậy không ai biết chính xác hình dạng công cụ đó ra sao. Dù vậy, Kinh Thánh cho biết rõ rằng Chúa Giê-su chết trên cây cột thẳng đứng, không phải thập tự giá.

 Kinh Thánh thường dùng từ Hy Lạp stau·rosʹ khi nói về công cụ hành hình Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 27:40; Giăng 19:17). Dù các bản dịch thường dịch từ này là “thập tự giá” nhưng nhiều học giả thừa nhận rằng thật ra nghĩa của từ này là “cây cột thẳng đứng” a. Theo một sách tham khảo (A Critical Lexicon and Concordance to the English and Greek New Testament), từ stau·rosʹ “không bao giờ có nghĩa là hai thanh gỗ bắt chéo nhau ở bất cứ góc độ nào”.

 Kinh Thánh cũng dùng một từ Hy Lạp đồng nghĩa với stau·rosʹxyʹlon (Công vụ 5:​30; 1 Phi-e-rơ 2:​24). Từ này có nghĩa là “gỗ”, “thanh gỗ”, “cây cột” hoặc “cây”. b Vì vậy, bản Kinh Thánh The Companion Bible kết luận: “Không có gì trong tiếng Hy Lạp của Tân Ước có ý ám chỉ hai thanh gỗ”.

Đức Chúa Trời có chấp nhận việc dùng thập tự giá trong việc thờ phượng không?

Một crux simplex​—từ La-tinh chỉ về cây cột để treo tội nhân

 Dù công cụ hành hình Chúa Giê-su có hình dạng thế nào đi nữa, các bằng chứng và những câu Kinh Thánh sau đây cho thấy chúng ta không nên dùng thập tự giá trong việc thờ phượng.

  1.   Đức Chúa Trời không chấp nhận việc thờ phượng có dùng hình ảnh hay biểu tượng. Đức Chúa Trời ban mệnh lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên không được dùng “hình-trạng của tà-thần nào” trong việc thờ phượng. Các môn đồ Đấng Ki-tô cũng vậy, họ được lệnh phải “tránh xa việc thờ thần tượng”.​—Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:​15-​19; 1 Cô-rinh-tô 10:14.

  2.   Các môn đồ Chúa Giê-su thời thế kỷ thứ nhất không dùng thập tự giá trong việc thờ phượng. c Sự dạy dỗ và gương mẫu của các sứ đồ đã tạo nên một khuôn mẫu mà tất cả môn đồ của Chúa Giê-su phải làm theo.​—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:​15.

  3.   Việc dùng thập tự giá trong việc thờ phượng có nguồn gốc ngoại giáo. d Hàng trăm năm sau khi Chúa Giê-su chết, khi các giáo hội đã tách khỏi sự dạy dỗ của ngài, những người mới nhập đạo “vẫn được phép giữ các biểu tượng ngoại giáo”, trong đó có thập tự giá (The Expanded Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words). Tuy nhiên, Kinh Thánh không dung túng việc tiếp nhận các biểu tượng ngoại giáo để giúp người ta dễ cải đạo.​—2 Cô-rinh-tô 6:​17.

a Xem New Bible Dictionary, ấn bản lần thứ ba, do D. R. W. Wood biên tập, trang 245; Theological Dictionary of the New Testament, tập VII, trang 572; The International Standard Bible Encyclopedia, bản hiệu đính, tập 1, trang 825; và The Imperial Bible-Dictionary, tập II, trang 84.

b Xem The Expanded Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words, trang 1165; A Greek-English Lexicon, của Liddell và Scott, ấn bản lần thứ chín, trang 1191-​1192; và Theological Dictionary of the New Testament, tập V, trang 37.

c Xem Tân bách khoa từ điển Anh Quốc, 2003, đề mục “Thập tự giá”; The Cross​—Its History and Symbolism, trang 40; và The Companion Bible, Oxford University Press, phụ lục 162, trang 186.

d Xem Bách khoa Từ điển Tôn giáo, tập 4, trang 165; Bách khoa tự điển Hoa Kỳ, tập 8, trang 246; và Symbols Around Us, trang 205-​207.