Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | GIỚI TRẺ

Làm sao để kiềm chế cơn giận?

Làm sao để kiềm chế cơn giận?

THÁCH THỨC

“Tôi mắng nhiếc chị gái mình và đập cánh cửa mạnh đến nỗi cái móc phía sau cửa đâm thủng vào tường. Cái lỗ đó luôn nhắc tôi nhớ đến cách cư xử của mình như đứa con nít”.—Chị Diễm *.

“Tôi thét lên: ‘Cha ác quá!’, rồi đóng sầm cửa lại. Nhưng trước khi cửa đóng, tôi chợt nhìn thấy nỗi đau lòng hiện trên gương mặt cha, lúc đó tôi muốn thời gian quay lại và ước chi mình đừng thốt ra những lời như thế”.—Chị Lan.

Bạn có giống như chị Lan và chị Diễm không? Nếu có, bài này sẽ giúp bạn.

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Cơn giận bùng phát ảnh hưởng đến danh tiếng. Chị Briana, hiện 21 tuổi, cho biết: “Tôi từng nghĩ rằng người khác phải chấp nhận tính nóng nảy của mình. Nhưng rồi tôi bắt đầu nhận thấy người ta có vẻ dại dột khi không tự chủ được, bỗng nhiên chợt nhìn lại mình—thì ra người khác cũng nhìn thấy tôi như thế!”.

Kinh Thánh nói: “Người nóng-nảy làm điên làm dại”.—Châm-ngôn 14:17.

Người ta sẽ chạy khỏi một núi lửa đang phun trào. Tương tự, họ sẽ tránh bất cứ ai có cơn nóng giận bùng phát

Cơn giận có thể khiến người khác tránh xa. Daniel, 18 tuổi, cho biết: “Khi nóng giận, bạn sẽ đánh mất phẩm giá của mình và người xung quanh sẽ không tôn trọng bạn”. Elaine, 18 tuổi, cũng đồng tình như thế. Em thổ lộ: “Nóng giận chẳng hay ho chút nào vì chỉ làm người khác sợ bạn mà thôi”.

Kinh Thánh nói: “Chớ làm bạn với người hay giận; chớ giao tế cùng kẻ cường-bạo”.—Châm-ngôn 22:24.

Bạn có thể cải thiện. Em Sara, 15 tuổi, cho biết: “Không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát được cảm xúc trước một tình huống, nhưng bạn có thể kiểm soát được cách mình bộc lộ cảm xúc ấy. Không nhất thiết phải đùng đùng nổi giận”.

Kinh Thánh nói: “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ; và ai cai-trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm-lấy thành”.—Châm-ngôn 16:32.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Đặt mục tiêu. Thay vì nói rằng “Tôi là thế”, hãy cố gắng cải thiện trong khoảng thời gian cụ thể, có lẽ sáu tháng. Trong giai đoạn này, hãy ghi lại sự tiến bộ của bạn. Mỗi lần nóng giận, hãy viết ra (1) điều đã xảy ra, (2) cách bạn phản ứng, và (3) cách bạn lẽ ra phản ứng tốt hơn, và tại sao. Rồi đặt mục tiêu lần tới sẽ phản ứng tốt hơn khi bị chọc giận. Bí quyết: Hãy ghi lại sự thành công của bạn! Viết về việc bạn cảm thấy dễ chịu thế nào sau khi biểu lộ tính tự chủ.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:8.

Đợi trước khi phản ứng. Khi người nào hoặc điều gì đó khiến bạn nổi giận, đừng nói ra ngay điều đầu tiên thoáng qua trong đầu. Thay vì thế, hãy đợi. Hít thở thật sâu nếu cần. Em Erik, 15 tuổi, nói: “Khi hít thở, tôi có thêm thời gian để suy nghĩ trước khi làm hay nói điều gì đó mà sau này sẽ nuối tiếc”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 21:23.

Có quan điểm thoáng hơn. Thỉnh thoảng có lẽ bạn tỏ ra nóng giận vì chỉ nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề, khía cạnh mà ảnh hưởng đến chính bạn. Hãy cố gắng xem xét các mặt khác của vấn đề. Một thiếu nữ tên Jessica nói: “Ngay cả lúc người khác hết sức thô lỗ, thường thì việc biết nguyên nhân nào đó cũng có thể giúp tôi tỏ ra thông cảm phần nào”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 19:11.

Nếu cần, hãy tránh xa. Kinh Thánh nói: “Hãy tránh xa trước khi cuộc tranh cãi bùng nổ” (Châm-ngôn 17:14, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Câu Kinh Thánh này cho thấy đôi khi tốt nhất là chỉ tránh khỏi tình huống căng thẳng nào đó. Thay vì cứ nghĩ đến vấn đề ấy và cơn giận càng nhiều hơn, hãy tích cực. Một thiếu nữ tên Danielle bộc bạch: “Tôi nhận ra là việc tập thể dục có thể làm giảm sự căng thẳng và giúp tôi không nóng tính”.

Học cách bỏ qua. Kinh Thánh nói: “Nếu bực bội cũng đừng phạm tội... hãy thầm nhủ với lòng và chớ nói ra” (Thi-thiên 4:4, NW). Hãy lưu ý là không có gì sai khi cảm thấy bực bội. Câu hỏi đặt ra là: “Chuyện gì sẽ xảy ra?”. Một thanh niên tên Richard nói: “Nếu để người khác làm bạn giận, tức là họ có quyền trên bạn. Sao không cố gắng chín chắn và bỏ qua vấn đề?”. Nếu làm thế, bạn sẽ kiểm soát được cơn giận, chứ không để cơn giận kiểm soát mình.

^ đ. 4 Một số tên trong bài đã được thay đổi.