Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 XÂY ÐẮP TỔ ẤM | GIỚI TRẺ

Làm sao kháng cự áp lực bạn bè?

Làm sao kháng cự áp lực bạn bè?

THÁCH THỨC

“Khi học cấp hai, bạn bè không thích chơi với tôi, và điều đó khiến tôi rất buồn. Thế nên khi lên cấp ba, tôi thay đổi ngoại diện cũng như thái độ—không phải là cách tốt hơn. Tôi muốn có bạn đến nỗi chiều theo áp lực bạn bè, chỉ để họ thích tôi”.—Jennifer *, 16 tuổi.

Bạn có gặp áp lực bạn bè không? Nếu có, bài này sẽ giúp bạn đối phó.

Khi nhượng bộ áp lực bạn bè, bạn trở thành con rô-bốt vì để người khác điều khiển mình. Tại sao để họ có quyền đến thế?—Rô-ma 6:16.

BẠN NÊN BIẾT ÐIỀU GÌ?

Áp lực bạn bè có thể khiến người tốt làm điều xấu.

“Kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt”.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

“Chúng ta biết đường lối nào đó là sai nhưng khi đối mặt với tình huống, chúng ta chiều theo cảm xúc và chỉ muốn làm người khác hài lòng!”.—Diệu.

Chúng ta cũng góp phần tự tạo áp lực.

“Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu cũng ở trong tôi”.—Rô-ma 7:21.

“Áp lực mà tôi gặp thường là do tôi; thật ra chính tôi thích những chuyện mà bạn bè trao đổi và làm ra vẻ rất thú vị”.—Dung.

Việc bạn không để người khác quyết định thay là điều đáng tự hào.

“Hãy gìn giữ một lương tâm tốt”.—1 Phi-e-rơ 3:16.

“Có lúc tôi khó đương đầu với áp lực bạn bè, nhưng giờ đây tôi không sợ khác biệt và giữ lập trường của mình. Ði ngủ với lương tâm trong sạch là điều không gì sánh bằng”.—Carla.

 BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Khi đương đầu với áp lực bạn bè để làm điều sai, hãy thử những điều sau:

Nghĩ đến hậu quả. Hãy tự hỏi: “Nói sao nếu mình nhượng bộ trước áp lực? Mình sẽ nghĩ gì về bản thân? Khi bị phát hiện, cha mẹ sẽ nghĩ sao về mình?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ga-la-ti 6:7.

“Cha mẹ đặt câu hỏi như: ‘Nếu nhượng bộ thì điều gì sẽ xảy ra với con?’. Họ giúp tôi thấy áp lực bạn bè có thể khiến tôi đi sai đường như thế nào”.—Olivia.

Củng cố niềm tin. Hãy tự hỏi: “Tại sao tôi tin là đường lối này gây hại cho tôi hoặc người khác?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 5:14.

“Khi còn nhỏ, tôi chỉ trả lời không hoặc nói ngắn gọn, nhưng bây giờ tôi có thể giải thích rõ tại sao tôi làm hoặc không làm điều nào đó. Tôi giữ vững niềm tin liên quan đến điều đúng, điều sai. Câu trả lời là của tôi, chứ không phải của ai khác”.—An.

Ý thức về bản thân. Hãy tự hỏi: “Mình muốn là loại người nào?”. Rồi nghĩ đến áp lực bạn đang gặp và hỏi: “Loại người ấy sẽ làm gì trong tình huống này?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 2 Cô-rinh-tô 13:5.

“Tôi hài lòng về chính mình, nên không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình như trước đây. Hơn nữa, phần lớn người ta thích con người thật của tôi”.—Ánh.

Hướng đến tương lai. Nếu còn đi học, vài năm hoặc ngay cả vài tháng sau này, chính những người mà bạn cố gây ấn tượng có lẽ không hiện diện trong đời sống bạn nữa.

“Nhìn lại ảnh của lớp, thậm chí tôi còn không nhớ tên một vài bạn. Nhưng khi học chung, thì tôi xem trọng ý kiến của họ hơn là niềm tin của mình. Thật khờ khạo làm sao!”.—Dawn, hiện nay 22 tuổi.

Chuẩn bị. Kinh Thánh nói: “Biết nên đối đáp với mỗi người như thế nào”.—Cô-lô-se 4:6.

“Cha mẹ giúp tôi và em gái nghĩ đến tình huống có thể xảy ra, rồi chúng tôi tập dượt để biết phải làm thế nào khi gặp tình huống ấy”.—Khánh.

^ đ. 4 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.