Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

DEA/G. Dagli Orti/De Agostini via Getty Images

Huldrych Zwingli đi tìm chân lý Kinh Thánh

Huldrych Zwingli đi tìm chân lý Kinh Thánh

 Ngày nay, hầu hết những người sùng đạo có lòng thành đều có thể kiểm chứng xem niềm tin của mình có dựa trên những điều Kinh Thánh dạy hay không. Nhưng điều này không thể thực hiện được vào đầu thế kỷ 16. Tại sao? Vì hầu hết người ta không thể tiếp cận được với Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ. Do đó, rất ít thành viên của nhà thờ có thể so sánh điều mà Giáo hội dạy với điều Kinh Thánh thật sự nói. Các thành viên của hàng giáo phẩm cũng chỉ giúp rất ít hoặc không giúp người ta hiểu Kinh Thánh. Sách Lịch sử giáo hội Đấng Ki-tô (History of the Christian Church) nói: “Giáo hội ở Thụy Sĩ rất bại hoại… Giới lãnh đạo tôn giáo thì thiếu hiểu biết, mê tín và vô luân”.

 Trong thời gian đó, ông Huldrych Zwingli bắt đầu tìm kiếm chân lý Kinh Thánh. Ông đã tìm thấy điều gì? Ông chia sẻ với người khác điều mình học bằng cách nào? Chúng ta học được gì từ cuộc đời và niềm tin của ông?

Ông Zwingli bắt đầu hành trình tìm kiếm của mình

 Khi ngoài 20 tuổi, ông Zwingli quyết tâm trở thành linh mục Công giáo. Giống như các ứng viên khác cho chức linh mục vào thời điểm đó, ông Zwingli phải học triết học, truyền thống của nhà thờ và những bài viết của các “Giáo Phụ”, nhưng không học Kinh Thánh.

 Ông Zwingli bắt đầu hành trình tìm kiếm chân lý Kinh Thánh như thế nào? Khi còn học đại học tại Basel, Thụy Sĩ, ông đã tham dự các buổi thuyết trình của ông Thomas Wyttenbach, là người lên án hệ thống ân xá của Giáo hội. a Theo một người viết tiểu sử, ông Zwingli “học được từ [ông Wyttenbach] rằng cái chết của Đấng Ki-tô đã được dâng một lần vì tội lỗi của chúng ta” (1 Phi-e-rơ 3:18). Khi hiểu rằng giá chuộc của Chúa Giê-su là cơ sở duy nhất để được tha tội, ông Zwingli bác bỏ sự dạy dỗ là giới lãnh đạo giáo hội có thể tha tội nếu được trả tiền (Công vụ 8:20). Dù vậy, ông Zwingli vẫn tiếp tục học và trở thành linh mục Công giáo ở tuổi 22.

 Sau đó, ông Zwingli tự học tiếng Hy Lạp để hiểu nguyên ngữ của phần Kinh Thánh thường được gọi là Tân ước. Ông cũng xem xét các tài liệu của ông Erasmus và học được rằng Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Đức Chúa Trời với loài người, đúng như Kinh Thánh dạy (1 Ti-mô-thê 2:5). Vì thế, ông Zwingli bắt đầu nghi ngờ giáo lý mà Công giáo dạy rằng một người cần phải qua các thánh thì mới có thể đến được với Đức Chúa Trời.

 Khi khoảng 30 tuổi, ông Zwingli dốc sức tìm kiếm chân lý. Nhưng trong thời gian đó, ông cũng làm cha tuyên úy trong quân đội cho hàng loạt các cuộc chiến khắp châu Âu nhằm giành quyền kiểm soát Ý. Trong trận giao tranh ở Marignano vào năm 1515, ông chứng kiến hàng ngàn người Công giáo giết nhau. Vài năm sau đó, ông Zwingli chép lại phần lớn phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp và thậm chí học thuộc lòng. Đến năm 1519, ông Zwingli sống tại thành phố Zurich, trung tâm quyền lực chính trị ở Thụy Sĩ. Tại đó, ông đi đến kết luận rằng Giáo hội nên loại bỏ bất cứ giáo lý nào không dựa trên Kinh Thánh. Nhưng làm thế nào ông có thể giúp người khác cùng đi đến kết luận như thế?

“Trước đây chưa từng có người nào thuyết giảng như vậy”

 Ông Zwingli tin rằng người ta sẽ bác bỏ những giáo lý giả dối khi nghe chân lý Kinh Thánh. Sau khi trở thành linh mục của nhà thờ Grossmünster nổi tiếng ở Zurich, ông bắt đầu rao giảng bằng cách nói đến một kế hoạch táo bạo: Đó là ông không còn đọc tập kinh giảng b bằng tiếng La-tinh nữa, như hàng giáo phẩm đã làm trong nhiều thế kỷ. Thay vào đó, ông rao giảng trực tiếp Phúc âm từ Kinh Thánh, từng chương một và từ đầu đến cuối. Ông không đề cập đến những ý tưởng của Giáo Phụ khi giải thích Kinh Thánh nhưng để Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh. Ông làm điều này bằng cách dùng các đoạn Kinh Thánh dễ hiểu để giải thích những đoạn khó hiểu hơn.​—2 Ti-mô-thê 3:16.

Sergio Azenha/Alamy Stock Photo

Nhà thờ Grossmünster ở Zurich

 Khi giảng dạy, ông Zwingli nhấn mạnh giá trị thiết thực của Kinh Thánh. Ông dạy những tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh và rao giảng rằng không nên thờ mẹ của Chúa Giê-su là Ma-ri, cầu nguyện với các thánh, buôn bán ân xá; ông cũng vạch trần sự vô luân của hàng giáo phẩm. Người ta phản ứng thế nào? Sau bài giảng đầu tiên của ông, một số người nói: “Trước đây chưa từng có người nào thuyết giảng như vậy”. Một sử gia đã viết như sau về những người Công giáo đến nghe ông Zwingli giảng: “Những người ngưng đi nhà thờ vì ghê tởm lối sống tai tiếng và vì sự ngu ngốc của các linh mục thì giờ đây đi lễ trở lại”.

 Vào năm 1522, hàng giáo phẩm đã cố lôi kéo các chính trị gia của thành phố Zurich để cấm những thực hành đi ngược lại với giáo lý nhà thờ. Rốt cuộc, ông Zwingli bị buộc tội là dị giáo. Vì không muốn thỏa hiệp niềm tin của mình, ông đã từ chức linh mục Công giáo.

Ông Zwingli đã làm gì?

 Dù ông Zwingli không còn là linh mục nữa nhưng ông vẫn tích cực hoạt động với tư cách là một nhà thuyết giảng và tiếp tục cố gắng thuyết phục người khác có cùng niềm tin với ông. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời giảng dạy của ông, và nhờ điều này mà ông có tầm ảnh hưởng trong giới chính trị gia tại Zurich. Ông đã tận dụng sự ảnh hưởng đó để đẩy mạnh việc cải cách giáo hội tại Zurich. Chẳng hạn, vào năm 1523, ông thuyết phục tòa án Zurich cấm bất cứ giáo lý nào không dựa trên Kinh Thánh. Năm 1524, ông thuyết phục họ cấm việc thờ thần tượng. Các quan tư pháp, với sự ủng hộ của những người thuyết giảng địa phương và dân chúng, đã phá hủy nhiều bàn thờ, hình tượng và thánh tích. Sách ZwingliNhà tiên tri mang vũ khí của Đức Chúa Trời (Zwingli—God’s Armed Prophet) cho biết: “Ngoài việc người Viking cướp phá những nơi thờ phượng, Giáo hội phương Tây chưa bao giờ thấy sự tàn phá có chủ đích như vậy”. Đến năm 1525, ông cũng tác động đến các bậc cầm quyền để tịch thu các tòa nhà của giáo hội nhằm dùng làm bệnh viện cũng như cho phép tu sĩ và nữ tu kết hôn. Ông cũng đề xuất thay thế Lễ Mi-sa bằng một lễ đơn giản theo khuôn mẫu của Kinh Thánh (1 Cô-rinh-tô 11:23-25). Các sử gia nói rằng những nỗ lực của ông Zwingli đã giúp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại Zurich hợp tác với nhau và đặt nền tảng cho Phong trào Cải cách giáo hội và sự ra đời của tôn giáo mới là Tin Lành.

Bản Kinh Thánh Zurich được in vào năm 1536, trưng bày tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, Warwick, New York

 Công việc ý nghĩa nhất của ông Zwingli là dịch Kinh Thánh. Trong thập niên 1520, ông dẫn đầu một nhóm học giả để cùng dịch Kinh Thánh dựa trên nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, cũng như bản Septuagint tiếng Hy Lạp và bản Vulgate tiếng La-tinh. Phương pháp dịch của họ rất đơn giản. Họ đọc từng câu trong nguyên ngữ cũng như từ những bản dịch được tôn trọng. Rồi họ thảo luận ý nghĩa của từng câu và ghi ra kết luận của họ. Công việc của họ là giải thích và dịch Lời Đức Chúa Trời, và kết quả là bản Kinh Thánh Zurich được in vào năm 1531.

 Ông Zwingli có lẽ là người có lòng thành nhưng ông không tôn trọng niềm tin của người khác và là người hung hăng. Chẳng hạn, vào năm 1525, ông đã tham gia phiên tòa xét xử những người theo nhóm Anabaptist, là những người không đồng ý với niềm tin của ông rằng trẻ sơ sinh nên được báp-têm. Sau này, khi các tòa án tuyên án tử hình đối với những ai tiếp tục bác bỏ việc trẻ sơ sinh báp-têm, ông không phản đối bản án hà khắc đó. Ông cũng thúc giục giới lãnh đạo chính trị dùng quân đội để ép người khác chấp nhận sự cải cách. Tuy nhiên, một số vùng ở Thụy Sĩ có nhiều người theo đạo Công giáo và sùng đạo thì chống lại những cải cách của ông. Điều này dẫn đến một cuộc nội chiến. Ông Zwingli ra chiến trường cùng với những người lính từ Zurich, và tại đây ông bị giết lúc 47 tuổi.

Di sản của ông Zwingli

 Chắc chắn ông Huldrych Zwingli đã thực hiện một số điều thay đổi lịch sử, nhưng ông không nổi tiếng như nhà cải cách Tân Giáo Martin Luther và John Calvin. Ông Zwingli đã ly khai khỏi Công giáo La Mã một cách triệt để hơn ông Luther, và nỗ lực của ông Zwingli giúp người ta dễ chấp nhận hơn những tư tưởng của ông Calvin. Vì thế, ông Zwingli được gọi là Người Thứ Ba của Phong trào Cải cách.

 Ông Zwingli đã để lại một di sản vừa tích cực vừa tiêu cực. Để quan điểm của mình được nhiều người biết đến, ông can dự sâu sắc vào chính trị và chiến tranh. Khi làm thế, ông đã không noi gương Chúa Giê-su Ki-tô, đấng từ chối tham gia chính trị và dạy các môn đồ yêu kẻ thù thay vì giết họ.—Ma-thi-ơ 5:43, 44; Giăng 6:14, 15.

 Tuy nhiên, ông Zwingli được biết đến là một người học hỏi Kinh Thánh siêng năng và quyết tâm chia sẻ những điều mình học được. Ông đã khám phá ra nhiều sự thật trong Kinh Thánh và giúp người khác cũng làm thế.

a Ân xá là các sắc lệnh do giới lãnh đạo giáo hội ban hành, được cho là để giảm bớt hoặc thậm chí bãi bỏ hình phạt là con người phải chịu đau khổ trong nơi luyện tội sau khi chết.

b Tập kinh giảng là sách có những câu Kinh Thánh được chọn sẵn và đọc quanh năm.