Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hai dịch giả khôi phục danh Đức Chúa Trời trong Tân ước

Hai dịch giả khôi phục danh Đức Chúa Trời trong Tân ước

 Một trong những lời cầu nguyện đầu tiên mà nhiều người học được là Kinh Lạy Cha, là lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su dạy các môn đồ. Lời cầu nguyện này được ghi trong phần Kinh Thánh thường được gọi là Tân ước, và mở đầu bằng những lời sau: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh [cả sáng]” (Ma-thi-ơ 6:9). Nhưng danh Đức Chúa Trời, được phiên âm trong tiếng Việt là “Giê-hô-va” hoặc “Gia-vê”, lại hiếm thấy trong phần Tân ước của các bản Kinh Thánh. Dù vậy, những bản này có tên của các thần giả như Dớt, Héc-mê và Ác-tê-mi. Vậy việc không đề cập danh của Đức Chúa Trời, cũng là Tác Giả của Kinh Thánh, có hợp lý không?Công vụ 14:12; 19:35; 2 Ti-mô-thê 3:16.

Tân ước có tên của các thần giả, vậy chẳng phải cũng cần có danh Đức Chúa Trời sao?

 Hai dịch giả Kinh Thánh tiếng Anh là ông Lancelot Shadwell và ông Frederick Parker cho rằng nên khôi phục danh Đức Chúa Trời trong Tân ước. Tại sao lại dùng từ “khôi phục”? Vì họ kết luận rằng ban đầu danh Đức Chúa Trời có trong Tân ước nhưng sau này bị lấy ra. Tại sao họ kết luận như thế?

 Ông Shadwell và ông Parker biết rằng trong những bản chép tay còn tồn tại của phần thường được gọi là Cựu ước, là phần ban đầu chủ yếu được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, thì danh riêng của Đức Chúa Trời xuất hiện hàng ngàn lần. Vì thế, họ thắc mắc tại sao các bản chép tay còn tồn tại của phần Tân ước lại không có dạng đầy đủ của danh Đức Chúa Trời. a Ngoài ra, ông Shadwell nhận thấy rằng khi các bản chép tay phần Tân ước dùng các câu nói quen thuộc từ phần Cựu ước như “thiên sứ Đức Giê-hô-va”, rõ ràng những người sao chép phần Tân ước tiếng Hy Lạp đã thay thế danh Đức Chúa Trời bằng tước hiệu như Kyʹri·os, nghĩa là “Chúa”.—2 Các vua 1:3, 15; Công vụ 12:23.

Danh Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ

 Ngay cả trước khi ông Shadwell và ông Parker phát hành các bản Kinh Thánh tiếng Anh của mình, những dịch giả khác đã khôi phục danh Đức Chúa Trời trong các bản Tân ước tiếng Anh của họ nhưng chỉ làm thế ở vài chỗ. b Trước năm 1863, khi ông Parker phát hành bản A Literal Translation of the New Testament, dường như không dịch giả tiếng Anh nào khôi phục danh Đức Chúa Trời ở nhiều chỗ trong phần Tân ước mà họ phát hành. Lancelot Shadwell và Frederick Parker là ai?

Lancelot Shadwell

 Lancelot Shadwell (1808-1861) từng là một luật sư và là con của Sir Lancelot Shadwell, phó thủ tướng Anh Quốc. Ông là thành viên của Anh giáo. Dù tin vào Chúa Ba Ngôi nhưng ông tôn kính danh Đức Chúa Trời và miêu tả danh ấy là “danh vinh hiển của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”. Trong bản dịch của mình là bản The Gospels of Matthew, and of Mark, ông dùng danh “Giê-hô-va” 28 lần trong các câu Kinh Thánh và 465 lần trong những phần ghi chú.

 Có lẽ ông Shadwell biết về danh Đức Chúa Trời khi thấy danh ấy trong phần Cựu ước của văn bản tiếng Hê-bơ-rơ. Ông nói rằng những người thay thế danh Đức Chúa Trời bằng tước hiệu Kyʹri·os trong phần Cựu ước của bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp “không phải là những dịch giả trung thực”.

Bản The Gospel according to Matthew trong tiếng Anh có ghi chú, của L. Shadwell (1859), do Bodleian Libraries cung cấp. Được CC BY-NC-SA 2.0 UK cấp phép. Chữ trong hình được chúng tôi làm nổi bật.

Ma-thi-ơ 1:20 trong bản dịch của Shadwell

 Trong bản dịch của mình, ông Shadwell dùng danh “Giê-hô-va” lần đầu tiên nơi Ma-thi-ơ 1:20. Phần ghi chú của câu Kinh Thánh này nói: “Từ [Kyʹri·os] trong câu này và nhiều chỗ khác trong Tân ước nói đến ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, danh riêng của Đức Chúa Trời: và điều quan trọng là phải khôi phục danh Đức Chúa Trời trong bản dịch tiếng Anh”. Ông cũng nói: “Điều đó là cần thiết để tôn kính Đức Chúa Trời. Ngài đã tuyên bố danh ngài là GIÊ-HÔ-VA: và chúng ta không thể không đề cập đến danh ấy khi nói về ngài”. Rồi ông nói: “Trong bản E.V. [bản Established, Authorized hay King James Version], danh GIÊ-HÔ-VA hiếm khi xuất hiện… Chúng ta không thấy danh riêng của Đức Chúa Trời trong đó, mà chỉ thấy tước hiệu Chúa”. Ông Shadwell cho rằng: “Tước hiệu Chúa… là không hề phù hợp” để thay thế cho danh Đức Chúa Trời, và ông nói thêm rằng ngay cả ông cũng được gọi là “Chúa” khi ở điền trang, tức là ở nhà.

“[Đức Chúa Trời] đã tuyên bố danh ngài là GIÊ-HÔ-VA: và chúng ta không thể không đề cập đến danh ấy khi nói về ngài”.—Ông Lancelot Shadwell

 Ông Shadwell phát hành bản dịch sách Ma-thi-ơ vào năm 1859 và ấn bản gồm cả sách Ma-thi-ơ và Mác vào năm 1861. Nhưng rồi sự nghiệp của ông khép lại. Ông qua đời vào ngày 11-1-1861, khi mới 52 tuổi. Dù vậy, những nỗ lực của ông không hề vô ích.

Frederick Parker

 Bản dịch sách Ma-thi-ơ của ông Shadwell đã thu hút sự chú ý của một doanh nhân giàu có ở Luân Đôn là ông Frederick Parker (1804-1888), người đã bắt tay vào dịch Tân ước khi khoảng 20 tuổi. Khác với Shadwell, ông Parker bác bỏ giáo lý Chúa Ba Ngôi. Ông viết: “[Nguyện] toàn thể Giáo hội của Con yêu dấu [của Đức Chúa Trời]… hết lòng đi theo chân lý… và thờ phượng Đấng Toàn Năng duy nhất là Đức Giê-hô-va”. Ông Parker cũng cảm thấy việc các bản chép tay phần Tân ước dùng tước hiệu Kyʹri·os cho cả Chúa Cha và Chúa Con khiến người ta khó phân biệt được hai đấng ấy. Vì thế, ông thấy thú vị khi ông Shadwell dùng danh “Giê-hô-va” cho từ Kyʹri·os ở một số câu Kinh Thánh.

 Làm thế nào ông Parker có thể hiểu được những điều ấy? Ông đã nghiên cứu tiếng Hy Lạp cũng như viết một số sách và tờ chuyên đề về ngữ pháp tiếng Hy Lạp. Ông cũng trở thành thành viên của một học viện (Anglo-Biblical Institute), nơi đẩy mạnh việc nghiên cứu các bản chép tay Kinh Thánh để có những bản Kinh Thánh tiếng Anh chất lượng hơn. Vào năm 1842, ông Parker bắt đầu phát hành bản dịch Tân ước đầu tiên của mình theo nhiều phần và ấn bản. c

Một bản dịch Tân ước của Parker (Heinfetter)

Nỗ lực của ông Parker trong việc khôi phục danh Đức Chúa Trời

 Trong vài năm, ông Parker đã viết những bài về các đề tài như: “Chỗ nào từ Kyʹri·os nói đến Chúa Con và chỗ nào từ này nói đến Chúa Cha?”, “Tại sao từ Kyʹri·os thường được dùng dưới dạng ngữ pháp của danh riêng, chứ không phải tước hiệu?”.

 Khi thấy bản dịch sách Ma-thi-ơ năm 1859 của ông Shadwell cùng với những ghi chú cho từ Kyʹri·os, ông Parker tin chắc rằng trong một số chỗ, từ Kyʹri·os “cần phải dịch là Đức Giê-hô-va”. Vì thế, ông đã hiệu đính toàn bộ bản dịch Tân ước của mình để khôi phục danh “Giê-hô-va” ở những chỗ mà ông nghĩ cần phải làm thế dựa trên văn cảnh hoặc ngữ pháp tiếng Hy Lạp. Nhờ vậy, vào năm 1863, ông đã phát hành bản dịch A Literal Translation of the New Testament, trong đó danh Đức Chúa Trời xuất hiện 187 lần ở các câu Kinh Thánh. Dường như đây là bản Kinh Thánh tiếng Anh đầu tiên dùng danh Đức Chúa Trời xuyên suốt phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. d

Trang tựa của bản dịch Tân ước năm 1864 của Parker

 Năm 1864, ông Parker cũng ra mắt bản A Collation of an English Version of the New Testament... With the Authorized English Version, là bản gộp hai bản dịch Tân ước thành một quyển. Ông làm thế để cho độc giả thấy bản của ông khác với bản dịch kia ở những chỗ nào. e

 Để cho thấy việc cần phải khôi phục danh Đức Chúa Trời, ông Parker đã chỉ ra một số câu Kinh Thánh trong bản Authorized Version, trong đó có Rô-ma 10:13: “Ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”. Ông đặt câu hỏi: “Liệu có [ai] biết được những câu này trong bản Authorized English Version nói đến Đức Giê-hô-va, chứ không phải Chúa Con là Chúa Giê-su Ki-tô”?

Rô-ma 10:13 trong bản King James Version (trên) và trong bản năm 1864 của Parker

 Ông Parker đã bỏ ra hàng ngàn bảng Anh, một khoản tiền rất lớn thời bấy giờ, để phát hành và quảng bá các tờ chuyên đề, bài báo và những tài liệu khác. Thật vậy, chỉ trong một năm, ông tiêu 800 bảng, tương đương với hơn 100.000 bảng Anh thời nay (132.000 USD). Ông cũng gửi tặng nhiều ấn phẩm của mình cho người quen và các chức sắc có địa vị để họ xem.

 Các ấn phẩm và các bản dịch Tân ước của ông Parker, chỉ rất ít được in ấn, đã bị một số học giả chê bai. Khi làm thế, họ không quý trọng nỗ lực chân thành của ông, cũng như của ông Shadwell và những người khác, nhằm khôi phục danh riêng của Đức Chúa Trời trong bản Tân ước tiếng Anh.

 Có thể bạn cũng muốn xem video kéo dài mười phút: Tham quan bảo tàng Warwick: “Kinh Thánh và danh Đức Chúa Trời”.

a “Gia”, dạng viết tắt của “Giê-hô-va”, xuất hiện nơi Khải huyền 19:1, 3, 4, 6 trong từ “Ha-lê-lu-gia”, nghĩa là “Hãy ngợi khen Gia!”.

b Ông Shadwell không dịch toàn bộ Tân ước. Các dịch giả khác bao gồm Philip Doddridge, Edward Harwood, William Newcome, Edgar Taylor và Gilbert Wakefield.

c Để phân biệt rạch ròi giữa công việc kinh doanh với việc nghiên cứu Kinh Thánh, ông Parker dùng bút danh là Herman Heinfetter trong các tài liệu tôn giáo và các bản dịch Kinh Thánh của ông. Bút danh này xuất hiện vài lần trong các phụ lục của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới.

d Vào năm 1864, ông Parker ra mắt bản An English Version of the New Testament, có dùng danh Đức Chúa Trời 186 lần.

e Trước các bản dịch của ông Parker, có nhiều bản dịch tiếng Hê-bơ-rơ của phần Tân ước có danh Đức Chúa Trời. Ngoài ra, vào năm 1795, ông Johann Jakob Stolz phát hành bản dịch tiếng Đức dùng danh Đức Chúa Trời hơn 90 lần từ sách Ma-thi-ơ đến sách Giu-đe.