Đi đến nội dung

Họ tình nguyện đến​—Bun-ga-ri

Họ tình nguyện đến​—Bun-ga-ri

 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Bun-ga-ri đang bận rộn dạy người khác chân lý về Đức Chúa Trời và Lời ngài là Kinh Thánh. Từ năm 2000 đến nay, đã có hàng trăm Nhân Chứng ở nhiều nước chuyển đến Bun-ga-ri để trợ giúp. Có những thử thách nào khi chuyển đến nước khác để rao giảng? Tại sao nỗ lực này là đáng công? Hãy lắng nghe cảm nghĩ của các anh chị đã chuyển đến Bun-ga-ri.

Đặt mục tiêu

 Anh Darren, sống ở Anh Quốc, cho biết: “Chúng tôi luôn có mục tiêu là chuyển đến nước khác để phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Sau khi tôi và Dawn kết hôn, chúng tôi dọn đến Luân Đôn để giúp rao giảng trong cánh đồng tiếng Nga. Có vài lần chúng tôi lên kế hoạch cụ thể để chuyển đến nước khác nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không thể đi được. Chúng tôi gần như từ bỏ ý định đó, nhưng rồi một người bạn giúp chúng tôi nhận ra là hoàn cảnh của mình đã thay đổi và giờ chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu”. Anh Darren và chị Dawn bắt đầu tìm một nước có nhu cầu về công việc rao giảng mà họ có thể dọn đến. Năm 2011, họ chuyển đến Bun-ga-ri.

Anh Darren và chị Dawn

 Gương vui mừng của những anh chị phụng sự ở nước ngoài đã khích lệ một số anh chị khác mà lúc đầu chưa có mục tiêu đó. Chị Giada, sống ở Ý cùng chồng là anh Luca, cho biết: “Tôi từng gặp những anh chị sốt sắng đang vui mừng phụng sự ở Nam Mỹ và châu Phi. Tôi rất ấn tượng trước niềm vui và những kinh nghiệm họ kể. Điều này giúp tôi điều chỉnh những mục tiêu thiêng liêng của mình”.

Anh Luca và chị Giada

 Anh Tomasz và chị Veronika cùng hai con là Klara và Mathias đã chuyển từ Cộng hòa Séc đến Bun-ga-ri vào năm 2015. Điều gì đã thúc đẩy họ quyết định chuyển đi? Anh Tomasz cho biết: “Chúng tôi cẩn thận xem xét gương của những người đã chuyển đến phụng sự ở nước ngoài và suy ngẫm một số kinh nghiệm của họ, trong đó có cả người thân của chúng tôi nữa. Gia đình tôi rất ấn tượng trước niềm vui của họ và cùng nhau thảo luận về điều đó”. Cả gia đình này hiện đang vui mừng rao giảng trong khu vực mới của họ là thành phố Montana ở nước Bun-ga-ri.

Em Klara, anh Tomasz, chị Veronika và em Mathias

 Chị Linda là một Nhân Chứng khác đã chuyển đến Bun-ga-ri. Chị nói: “Nhiều năm trước tôi từng đến thăm nước Ecuador và gặp một số anh chị đã chuyển đến đó để rao giảng. Điều này khiến tôi nghĩ rằng có lẽ một ngày nào đó chính tôi cũng có thể phụng sự ở nơi có nhu cầu”. Anh Petteri và chị Nadja, một cặp vợ chồng ở Phần Lan, cũng suy ngẫm về gương của các anh chị khác. Cặp vợ chồng này cho biết: “Một số người công bố có kinh nghiệm trong hội thánh của chúng tôi đã chuyển đến nước khác để chia sẻ Kinh Thánh cho người ta. Những anh chị này luôn rất hào hứng khi kể về quãng thời gian họ phụng sự ở nước ngoài. Họ nói đó là những năm tháng hạnh phúc nhất đời mình”.

Chị Linda

Chị Nadja và anh Petteri

Lên kế hoạch

 Việc lên kế hoạch kỹ càng là điều cần thiết cho những ai muốn phụng sự ở nước ngoài (Lu-ca 14:28-30). Chị Nele, sống ở Bỉ, nhớ lại: “Khi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc phụng sự ở nước ngoài, tôi đã cầu nguyện và tra cứu những bài trong ấn phẩm liên quan đến đề tài này. Tôi xem xét các bài đó rồi cố gắng tìm ra những điểm mà mình cần trau dồi”.

Chị Nele (bên phải)

 Anh Kristian và chị Irmina, đến từ Ba Lan, đã sống ở Bun-ga-ri hơn chín năm. Họ cho biết việc tham gia nhóm tiếng Bun-ga-ri ở Ba Lan trước khi chuyển đi đã giúp ích cho họ rất nhiều. Các anh chị trong nhóm đã khích lệ và giúp họ học ngôn ngữ. Anh Kristian và chị Irmina nói: “Thật tuyệt vời khi mình có tinh thần sẵn sàng và được nhìn thấy cách Đức Giê-hô-va chăm sóc cho nhu cầu của mình. Khi sẵn lòng nói với Đức Giê-hô-va: ‘Có con đây! Xin sai con!’ thì chúng ta có thể làm được những điều mà mình nghĩ là không thể”.—Ê-sai 6:8.

Anh Kristian và chị Irmina

 Để chuẩn bị và tiết kiệm tiền, anh Reto và chị Cornelia, một cặp vợ chồng đến từ Thụy Sĩ, đã quyết định đơn giản hóa đời sống. Anh chị cho biết: “Một năm trước khi chuyển đi, chúng tôi đã đến Bun-ga-ri một tuần để biết rõ hơn về đời sống ở nước này. Tại đó, chúng tôi nói chuyện với một cặp vợ chồng giáo sĩ có kinh nghiệm và họ cho chúng tôi những lời khuyên thực tế”. Anh Reto và chị Cornelia làm theo các gợi ý đó và cho đến nay họ đã phụng sự ở Bun-ga-ri được hơn 20 năm.

Chị Cornelia và anh Reto cùng hai con trai là Luca và Yannik

Đương đầu với thử thách

 Những ai chuyển ra nước ngoài phụng sự phải thích nghi với hoàn cảnh mới và có lẽ là cả những thử thách (Công vụ 16:9, 10; 1 Cô-rinh-tô 9:19-23). Trở ngại lớn nhất đối với nhiều người là việc học một ngôn ngữ mới. Anh Luca được đề cập ở trên cho biết: “Chúng tôi rất thích góp lời bình luận tại các buổi nhóm họp. Nhưng trong một thời gian, vợ chồng tôi thấy khó chuẩn bị ngay cả một lời bình luận đơn giản bằng tiếng Bun-ga-ri! Cảm giác như thể chúng tôi là trẻ con tập nói. Thật ra, mấy em nhỏ ở nước đó còn bình luận hay hơn chúng tôi nhiều”.

 Anh Ravil, đến từ Đức, nói: “Học ngôn ngữ này rất vất vả. Nhưng tôi tiếp tục suy nghĩ rằng: ‘Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy có óc khôi hài mỗi khi nói sai’. Tôi không xem những khó khăn này là vấn đề mà là một phần trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va”.

Anh Ravil và chị Lilly

 Chị Linda được đề cập ở trên nói: “Tôi không có khiếu học ngoại ngữ. Tiếng Bun-ga-ri không dễ học chút nào nên nhiều lần tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi cảm thấy lẻ loi khi không thể nói chuyện được với người khác và không hiểu những gì họ nói. Để giữ cho mình mạnh mẽ về thiêng liêng, tôi phải học mọi thứ trong tiếng Thụy Điển. Cuối cùng, nhờ được các anh chị thân thương giúp đỡ, tôi đã có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ”.

 Một thử thách khác là vượt qua nỗi nhớ nhà. Những anh chị chuyển đi phải rời xa người thân và bạn bè. Chị Eva cùng chồng là anh Yannis đã chuyển đến Bun-ga-ri cho biết: “Lúc đầu, tôi cảm thấy cô đơn. Để đương đầu với cảm xúc đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc với gia đình và bạn bè ở quê nhà cũng như kết bạn mới ở đây”.

Anh Yannis và chị Eva

 Cũng có những thử thách khác. Anh Robert và chị Liana, chuyển đến từ Thụy Sĩ, cho biết: “Ngôn ngữ cùng với văn hóa là thử thách lớn cho chúng tôi, và chúng tôi cũng không quen với mùa đông cực kỳ lạnh nơi đây”. Tuy nhiên, việc giữ tinh thần tích cực và tính khôi hài đã giúp hai anh chị này trung thành phụng sự ở Bun-ga-ri trong 14 năm qua.

Anh Robert và chị Liana

Ân phước

 Chị Lilly nhiệt tình khuyến khích việc rao giảng ở nơi có nhu cầu. Chị nói: “Tôi được biết Đức Giê-hô-va theo cách mà có lẽ ở quê nhà thì tôi sẽ không thể nào biết được. Tôi bận rộn hơn trong việc giúp đỡ người khác, điều này giúp tôi lớn mạnh về thiêng liêng và mang lại cho tôi niềm vui cùng sự thỏa nguyện”. Chồng chị là anh Ravil cũng đồng tình. Anh nói: “Đây là cuộc sống tuyệt vời, cơ hội có một không hai để biết những anh chị sốt sắng đến từ những nước khác nhau, những người có nhiều kinh nghiệm về việc dạy chân lý trong Kinh Thánh. Tôi đã học được rất nhiều điều từ những anh chị ấy”.

 Tinh thần sẵn sàng của nhiều anh chị đã góp phần giúp cho “tin mừng này về Nước Trời... được rao truyền khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14). Nhờ có tinh thần tình nguyện, những anh chị chuyển đến Bun-ga-ri đã thấy cách Đức Giê-hô-va ban cho điều mà lòng họ ước mong và giúp kế hoạch của họ thảy đều được thành công.—Thi thiên 20:1-4.