Đi đến nội dung

Nhân Chứng Giê-hô-va có ép người khác đổi đạo không?

Nhân Chứng Giê-hô-va có ép người khác đổi đạo không?

 Không. Trong tạp chí chính của Nhân Chứng Giê-hô-va là Tháp Canh, chúng tôi từng nói rõ: “Gây áp lực để khiến người ta thay đổi tôn giáo là điều sai lầm”. a Chúng tôi tránh việc ép buộc người khác vì những lý do sau đây:

  •   Chúa Giê-su không bao giờ ép người khác chấp nhận những gì ngài dạy. Ngài biết sẽ có tương đối ít người hưởng ứng thông điệp Nước Trời (Ma-thi-ơ 7:​13, 14). Khi một số môn đồ vấp phạm bởi điều ngài nói, Chúa Giê-su thà để họ rời bỏ ngài hơn là ép họ ở lại.​—Giăng 6:​60-​62, 66-​68.

  •   Chúa Giê-su dạy các môn đồ không thúc ép người khác thay đổi niềm tin. Thay vì bắt buộc người ta chấp nhận tin mừng Nước Trời ngược với ý của họ, các môn đồ của Chúa Giê-su được chỉ dẫn để tìm kiếm người nào sẵn lòng tiếp nhận.​—Ma-thi-ơ 10:​7, 11-​14.

  •   Việc thay đổi do cưỡng ép là điều vô nghĩa, vì Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận sự thờ phượng xuất phát từ trong lòng.​—Phục truyền luật lệ 6:​4, 5; Ma-thi-ơ 22:37, 38.

Có phải công việc của chúng tôi là khiến người khác đổi đạo không?

 Đúng là chúng tôi có chia sẻ thông điệp Kinh Thánh “cho đến tận cùng trái đất” qua việc rao giảng “trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia” theo mệnh lệnh trong Kinh Thánh (Công vụ 1:8; 10:42; 20:20). Như các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, đôi khi chúng tôi bị cáo buộc là khiến người khác cải đạo cách phi pháp (Công vụ 18:12, 13). Tuy nhiên, những cáo buộc đó là sai. Chúng tôi không áp đặt niềm tin của mình lên người khác. Thay vì thế, chúng tôi tin rằng người ta nên được tự do tìm hiểu để có thể lựa chọn sáng suốt dựa trên thông tin đầy đủ.

 Chúng tôi không xúi giục người ta thay đổi tín ngưỡng, cũng như không thực hiện hoạt động chính trị dưới vỏ bọc tôn giáo hoặc cung cấp vật chất hay lợi ích xã hội để lôi kéo thêm tín đồ. Điều này trái ngược với một số người tự xưng là tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhưng lại làm ô danh Chúa Giê-su qua những việc như thế. b

Một người có quyền đổi đạo không?

Nhà tiên tri Áp-ra-ham từ bỏ tôn giáo của dòng họ

 Có. Kinh Thánh cho thấy người ta có quyền đổi đạo khi ghi lại nhiều trường hợp về những người đã chọn không theo tín ngưỡng của dòng họ, mà dùng tự do ý chí để quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Áp-ra-ham, Ru-tơ, một số người ở thành A-thên và Phao-lô là một số gương điển hình (Giô-suê 24:2; Ru-tơ 1:14-16; Công vụ 17:22, 30-34; Ga-la-ti 1:14, 23). Hơn nữa, Kinh Thánh cũng nhìn nhận rằng một người có quyền bỏ sự thờ phượng mà Đức Chúa Trời chấp nhận, cho dù quyết định đó là thiếu khôn ngoan.​—1 Giăng 2:​19.

 Quyền thay đổi tín ngưỡng được Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ủng hộ và Liên Hiệp Quốc gọi bản tuyên ngôn đó là “nền tảng của luật quốc tế về quyền con người”. Văn kiện này tuyên bố rằng mọi người có “quyền tự do thay đổi tín ngưỡng hay niềm tin” cũng như “tìm kiếm, chấp nhận và truyền lại thông tin hay quan điểm”, trong đó bao gồm những tư tưởng về tôn giáo. c Dĩ nhiên, quyền lợi này cũng đi đôi với việc tôn trọng quyền của người khác được giữ đức tin và từ chối những quan điểm mà họ không tán thành.

Việc đổi đạo có làm mất danh dự gia đình không?

 Không nhất thiết như thế. Kinh Thánh khuyến khích hãy tôn trọng mọi loại người, bất kể họ thuộc tôn giáo nào (1 Phi-e-rơ 2:​17). Hơn nữa, Nhân Chứng Giê-hô-va vâng phục mệnh lệnh trong Kinh Thánh về việc hiếu kính cha mẹ, cho dù họ có niềm tin khác với mình.​—Ê-phê-sô 6:​2, 3.

 Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của Kinh Thánh. Một phụ nữ sinh trưởng ở Zambia nói: “Đối với cộng đồng tôi, thay đổi tôn giáo... bị xem là hành động bất trung, phản bội lại gia đình và cộng đồng”. Người phụ nữ này phải đương đầu với vấn đề đó khi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va ở tuổi vị thành niên và cô quyết định đổi đạo không lâu sau đó. Cô chia sẻ: “Cha mẹ luôn nói rằng họ bất bình và thất vọng về tôi. Điều đó khiến tôi rất khó xử vì sự chấp nhận của cha mẹ rất có ý nghĩa đối với tôi... Chọn trung thành với Đức Giê-hô-va thay vì các truyền thống tôn giáo không có nghĩa là tôi bất trung với gia đình”. d

a Xin xem Tháp Canh 1-1-2002, trang 12, đoạn 15.

b Chẳng hạn, khoảng năm 785 công nguyên (CN), vua Charlemagne ban một sắc lệnh khép tội chết đối với người nào ở Saxony từ chối làm phép báp-têm để trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Tương tự, Hiệp ước hòa bình Augsburg (Peace of Augsburg) do các phe phái xung đột ở Đế Quốc La Mã Thánh ký kết năm 1555 CN, quy định mỗi người cai trị lãnh thổ đều phải thuộc Công giáo La Mã hoặc theo đạo Luther (một phái của Tin Lành) và dân sự dưới quyền phải theo tín ngưỡng của người cai trị đó. Người nào từ chối nhập đạo của người cai trị thì bắt buộc phải đi nơi khác sinh sống.

c Những quyền tương tự cũng được nêu lên trong Hiến chương châu Phi về quyền con người (African Charter on Human and Peoples’ Rights), Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và nghĩa vụ con người (American Declaration of the Rights and Duties of Man), Hiến chương Ả Rập về nhân quyền năm 2004 (the 2004 Arab Charter on Human Rights), Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ASEAN (ASEAN Human Rights Declaration), Hiệp ước châu Âu về nhân quyền (European Convention on Human Rights) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights). Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia tuyên bố ban những quyền đó cũng thiếu nhất quán trong việc thực hiện các quyền ấy đối với công dân.

d Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời thật được tiết lộ trong Kinh Thánh.