Đi đến nội dung

“Yêu kẻ thù” có nghĩa gì?

“Yêu kẻ thù” có nghĩa gì?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Trong Bài giảng trên núi của Chúa Giê-su, ngài nói: ‘Hãy yêu kẻ thù’ (Ma-thi-ơ 5:44; Lu-ca 6:27, 35). Lời của Chúa Giê-su có nghĩa là chúng ta nên thể hiện tình yêu thương với những người ghét mình hoặc đối xử với mình bất công.

 Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương với kẻ thù bằng cách tha thứ cho những người đối xử tệ với ngài (Lu-ca 23:33, 34). Điều ngài dạy về việc yêu kẻ thù phù hợp với điều được nói đến trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, thường gọi là Cựu ước.​—Xuất Ai Cập 23:4, 5; Châm ngôn 24:17; 25:21.

 “Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình”.​—Ma-thi-ơ 5:43, 44.

Trong bài này

 Tại sao yêu kẻ thù?

  •   Đức Chúa Trời nêu gương mẫu. Đức Chúa Trời “nhân từ với kẻ gian ác và vô ơn” (Lu-ca 6:35). Ngài “làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác”.​—Ma-thi-ơ 5:45.

  •   Tình yêu thương có thể thúc đẩy kẻ thù thay đổi. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta đối xử tử tế với kẻ thù, và nói rằng khi làm thế, chúng ta sẽ “chất than đỏ trên đầu người” (Châm ngôn 25:22). Hình ảnh ẩn dụ này muốn nói đến quá trình nung nóng quặng để lấy ra kim loại quý. Tương tự, nếu tử tế với người ghét mình, chúng ta có thể làm “mềm đi” cơn giận của họ và khiến họ bộc lộ phẩm chất tốt.

 Chúng ta yêu kẻ thù qua một số cách nào?

  •   “Làm điều tốt cho người ghét mình” (Lu-ca 6:27). Kinh Thánh nói: “Nếu kẻ thù đói, hãy cho ăn; nếu người ấy khát, hãy cho uống” (Rô-ma 12:20). Bạn có thể tìm được những cách khác để thể hiện tình yêu thương với kẻ thù qua việc áp dụng điều được gọi là Luật Vàng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ”.​—Lu-ca 6:31.

  •   “Chúc phước cho người nguyền rủa mình” (Lu-ca 6:28). Chúng ta chúc phước cho kẻ thù bằng cách nói năng tử tế và tôn trọng, ngay cả khi họ nói điều xúc phạm mình. Kinh Thánh nói: “Đừng lấy lời nhục mạ đáp trả lời nhục mạ. Thay vì thế, hãy đáp lại bằng lời chúc phước” (1 Phi-e-rơ 3:9). Lời khuyên này có thể giúp chúng ta phá vỡ vòng thù ghét.

  •   “Cầu nguyện cho ai sỉ nhục mình” (Lu-ca 6:28). Nếu bị một người sỉ nhục, đừng “lấy ác trả ác” (Rô-ma 12:17). Thay vì thế, hãy cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho người ấy (Lu-ca 23:34; Công vụ 7:59, 60). Thay vì tìm cách trả thù, hãy để Đức Chúa Trời xử lý theo tiêu chuẩn hoàn hảo của ngài về sự công bằng.​—Lê-vi 19:18; Rô-ma 12:19.

 “Hãy luôn yêu kẻ thù, làm điều tốt cho người ghét mình, chúc phước cho người nguyền rủa mình và cầu nguyện cho ai sỉ nhục mình”.​—Lu-ca 6:27, 28.

  •   “Kiên nhẫn và nhân từ” (1 Cô-rinh-tô 13:4). Trong lời miêu tả về tình yêu thương, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô là sứ đồ Phao-lô dùng cùng dạng từ Hy Lạp (a·gaʹpe) với Ma-thi-ơ 5:44 và Lu-ca 6:27, 35. Chúng ta thể hiện tình yêu thương ấy ngay cả với kẻ thù bằng cách kiên nhẫn và nhân từ, không ghen tị, ngạo mạn hoặc thô lỗ.

 “Tình yêu thương kiên nhẫn và nhân từ. Tình yêu thương không ghen tị, không khoe khoang, không lên mặt tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng, không dễ nổi giận, không ghi nhớ điều gây tổn thương. Tình yêu thương không vui mừng trước sự không công chính, nhưng vui mừng trước sự thật. Tình yêu thương nhẫn nhịn mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều. Tình yêu thương tồn tại mãi”.​—1 Cô-rinh-tô 13:4-8.

 Chúng ta có nên tham gia chiến tranh chống lại kẻ thù không?

 Không, vì Chúa Giê-su dạy các môn đồ không nên chiến đấu chống lại kẻ thù. Chẳng hạn, khi cảnh báo họ về cuộc tấn công sắp xảy ra với Giê-ru-sa-lem, ngài không bảo họ ở lại chiến đấu nhưng hãy chạy trốn (Lu-ca 21:20, 21). Chúa Giê-su cũng bảo sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy tra gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Ma-thi-ơ 26:52). Kinh Thánh và lịch sử thế tục cho thấy môn đồ Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất không tham gia chiến tranh chống lại kẻ thù. a​—2 Ti-mô-thê 2:24.

 Các quan niệm sai về việc yêu kẻ thù

 Quan niệm sai: Luật pháp Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải ghét kẻ thù.

 Sự thật: Luật pháp ấy không có mệnh lệnh nào như thế. Thay vì vậy, Luật pháp quy định người Y-sơ-ra-ên phải yêu người lân cận (Lê-vi 19:18). Cụm từ “người lân cận” đơn giản chỉ nói đến người đồng loại, nhưng một số người Do Thái đã thu hẹp ý nghĩa này để chỉ nói đến những người Do Thái đồng hương, và tin rằng những người không phải là người Do Thái là kẻ thù đáng bị ghét (Ma-thi-ơ 5:43, 44). Chúa Giê-su đã cho thấy quan điểm đó là sai bằng cách kể ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành.​—Lu-ca 10:29-37.

 Quan niệm sai: Yêu kẻ thù có nghĩa là tán thành hạnh kiểm sai trái của họ.

 Sự thật: Kinh Thánh cho thấy bạn có thể yêu một người mà không tán thành hạnh kiểm sai trái của họ. Chẳng hạn, Chúa Giê-su lên án bạo lực nhưng cầu nguyện cho những người xử tử ngài (Lu-ca 23:34). Và ngài ghét sự gian ác hay tội lỗi nhưng hy sinh mạng sống cho những người tội lỗi.​—Giăng 3:16; Rô-ma 6:23.

a Một sách nói về đạo Đấng Ki-tô (The Rise of Christianity) của ông Ernest William Barnes viết: “Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi tài liệu có sẵn cho thấy rằng đến tận thời của Marcus Aurelius [hoàng đế La Mã trị vì từ năm 161 đến năm 180 công nguyên], không một tín đồ đạo Đấng Ki-tô nào trở thành binh lính; và cũng không có người lính nào ở lại trong quân đội sau khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô”.