Đi đến nội dung

Trái đất sẽ bị hủy diệt không?

Trái đất sẽ bị hủy diệt không?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Không. Trái đất sẽ không bao giờ bị hủy diệt, bị thiêu hủy hoặc bị thay thế. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời tạo ra trái đất để con người sống trên đó mãi mãi.

  •   “Người công chính sẽ hưởng trái đất và được sống trên đó mãi mãi”.​—Thi thiên 37:29.

  •   “[Đức Chúa Trời] đã lập trái đất trên các nền của nó; đến muôn đời bất tận, nó chẳng dời chỗ mình”.​—Thi thiên 104:5.

  •   “Trái đất đứng vững muôn đời”.​—Truyền đạo 1:4.

  •   “Đấng dựng nên trái đất, Đấng Sáng Tạo đã lập nó bền vững, tạo ra nó chẳng phải vô cớ, nhưng dựng nên để có người ở”.​—Ê-sai 45:18.

Con người sẽ hoàn toàn hủy hoại trái đất không?

 Đức Chúa Trời sẽ không để con người hoàn toàn hủy hoại trái đất qua việc gây ô nhiễm môi trường, chiến tranh hoặc qua bất cứ cách nào khác. Thay vì thế, ngài sẽ “hủy diệt những kẻ hủy hoại trái đất” (Khải huyền 11:18). Ngài làm điều đó như thế nào?

 Những chính phủ của loài người không thể bảo vệ trái đất. Đức Chúa Trời sẽ thay thế các chính phủ này bằng một chính phủ hoàn hảo là Nước Trời (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:9, 10). Nước Trời do Con của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su cai trị (Ê-sai 9:6, 7). Khi ở trên đất, Chúa Giê-su đã thể hiện quyền lực phi thường trên các lực thiên nhiên (Mác 4:35-41). Là Vua của Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ kiểm soát hoàn toàn trái đất và các yếu tố thiên nhiên. Ngài sẽ tái tạo, tức làm mới lại, tình trạng trên đất để nó trở nên giống như vườn Ê-đen.​—Ma-thi-ơ 19:28; Lu-ca 23:43.

Chẳng phải Kinh Thánh dạy rằng trái đất sẽ bị thiêu hủy sao?

 Không, Kinh Thánh không dạy thế. Quan niệm sai lầm đó có lẽ xuất phát từ việc hiểu sai câu 2 Phi-e-rơ 3:7. Câu này nói: “Trời đất hiện nay là để dành cho lửa”. Hãy xem hai điểm quan trọng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của câu này.

  1.   Kinh Thánh dùng các từ “trời”, “đất” và “lửa” với ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, Sáng thế 11:1 nói: “Khắp đất chỉ nói một thứ tiếng”. Trong câu này, từ “đất” nói đến xã hội loài người.

  2.   Văn cảnh của 2 Phi-e-rơ 3:7 cho thấy ý nghĩa của từ “trời”, “đất” và “lửa” trong câu đó. Câu 5 và 6 nêu lên sự tương đồng giữa biến cố được nói đến trong câu 7 với trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê. Lúc đó, thế gian bị hủy diệt, nhưng trái đất không biến mất. Thay vì thế, trận Đại Hồng Thủy đã cuốn trôi thế gian, tức là “đất”, hung bạo lúc đó (Sáng thế 6:11). Trận Đại Hồng Thủy cũng hủy diệt “trời”, tức những kẻ cai trị thế gian lúc bấy giờ. Vì thế, những kẻ gian ác bị hủy diệt, chứ không phải là trái đất. Nô-ê và gia đình sống sót qua sự hủy diệt đó và sống trên đất sau trận Đại Hồng Thủy.​—Sáng thế 8:15-18.

 Tương tự với nước trong trận Đại Hồng Thủy, sự hủy diệt, tức “lửa”, được nói đến trong 2 Phi-e-rơ 3:7 sẽ chấm dứt thế gian gian ác, chứ không phải là trái đất. Đức Chúa Trời hứa rằng sẽ có “trời mới và đất mới”, là nơi mà “sự công chính sẽ ngự trị” (2 Phi-e-rơ 3:13). “Đất mới”, hay xã hội loài người mới, sẽ ở dưới sự cai trị của “trời mới”, hay sự lãnh đạo mới, tức Nước Đức Chúa Trời. Dưới sự cai trị của Nước ấy, trái đất sẽ trở thành một địa đàng thanh bình.​—Khải huyền 21:1-4.