Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Thi thiên 37:4—“Hãy vui thỏa trong CHÚA”

Thi thiên 37:4—“Hãy vui thỏa trong CHÚA”

 “Hãy hoan hỉ nơi Đức Giê-hô-va, ngài sẽ ban cho điều lòng anh em ao ước”.​—Thi thiên 37:4, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Hãy vui thỏa trong CHÚA, thì ngài sẽ ban cho điều ngươi ao ước”.—Thi thiên 37:4, Bản Phổ thông.

Ý nghĩa của Thi thiên 37:4

 Người viết Thi thiên khuyến giục những người thờ phượng Đức Chúa Trời vui mừng vì có tình bạn mật thiết với ngài. Tất cả những ai có tình bạn đó có thể tin chắc là Giê-hô-va a Đức Chúa Trời sẽ thực hiện những ước muốn chính đáng của họ.

 “Hãy hoan hỉ nơi Đức Giê-hô-va”. Câu này cũng có thể được dịch là “tìm niềm vui lớn nhất của mình nơi Đức Giê-hô-va”, “vui thích trong việc phụng sự CHÚA” hoặc “vui mừng vì những điều CHÚA đã hứa với ngươi”. Nói đơn giản, chúng ta nên tìm niềm vui lớn nhất trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời thật (Thi thiên 37:4). Tại sao có thể nói như vậy?

 Những ai thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ nhìn sự việc theo quan điểm của ngài, như được tiết lộ trong Kinh Thánh. Họ không những biết Đức Chúa Trời mà còn biết việc vâng lời ngài là điều khôn ngoan. Nhờ thế, họ có một lương tâm tốt và tránh được nhiều cạm bẫy trong đời sống (Châm ngôn 3:5, 6). Chẳng hạn, họ sẽ không để sự tức giận hoặc ghen tị lấy đi sự bình an tâm trí khi thấy những người tham lam hay gian dối có vẻ thành công (Thi thiên 37:1, 7-9). Dân Đức Chúa Trời vui mừng khi biết rằng ngài sẽ sớm chấm dứt mọi sự bất công và ban thưởng cho những người trung thành vì đã giữ hạnh kiểm tốt (Thi thiên 37:34). Họ cũng có niềm vui lớn khi biết Cha trên trời chấp nhận mình.​—Thi thiên 5:12; Châm ngôn 27:11.

 “Ngài sẽ ban cho điều lòng anh em ao ước”. Những lời này cũng có thể được dịch là “ngài sẽ đáp lại lời cầu nguyện của anh em” hay “ngài sẽ ban những gì anh em mong muốn nhất”. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ không đáp lại mọi điều chúng ta cầu xin. Giống như cha mẹ yêu thương, ngài biết điều gì là tốt nhất cho con mình. Hơn nữa, lời thỉnh cầu cùng với lối sống của chúng ta cần phải phù hợp với tiêu chuẩn và ý muốn của ngài (Châm ngôn 28:9; Gia-cơ 4:3; 1 Giăng 5:14). Khi đó, chúng ta có thể đến gần “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” và tin chắc rằng ngài sẽ nghe chúng ta.​—Thi thiên 65:2; Ma-thi-ơ 21:22.

Văn cảnh của Thi thiên 37:4

 Bài Thi thiên 37 do vua của nước Y-sơ-ra-ên xưa là Đa-vít sáng tác. Ông viết bài này theo cách mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự của bảng chữ cái. b

 Đa-vít đã phải chịu đựng rất nhiều sự bất công. Ông bị vua Sau-lơ cũng như những người khác truy sát (2 Sa-mu-ên 22:1). Dù thế, Đa-vít vẫn luôn hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời mình. Ông biết rằng cuối cùng Đức Giê-hô-va sẽ ra tay trừng trị kẻ ác (Thi thiên 37:10, 11). Ngay cả khi họ có vẻ thịnh vượng như “cỏ non xanh tươi” mọc sum suê, thì cuối cùng cũng sẽ bị tiêu vong.​—Thi thiên 37:2, 20, 35, 36.

 Bài Thi thiên 37 cho thấy kết cuộc tương phản giữa những người làm theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và những người xem thường các tiêu chuẩn đó (Thi thiên 37:16, 17, 21, 22, 27, 28). Vì thế, bài Thi thiên này giúp chúng ta có sự khôn ngoan và trở thành người được Đức Chúa Trời chấp nhận.

 Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Thi thiên.

a Tên riêng của Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch là Giê-hô-va trong tiếng Việt. Để biết lý do nhiều bản dịch Kinh Thánh dùng tước vị Chúa thay vì tên riêng của ngài, xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.

b Theo cách thức này, một câu thơ hoặc khổ thơ đầu sẽ bắt đầu bằng chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hê-bơ-rơ. Khổ kế tiếp sẽ là chữ cái tiếp theo và cứ lần lượt như vậy. Cấu trúc này có thể giúp người đọc dễ nhớ bài Thi thiên.