Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Lu-ca 2:14—“Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”

Lu-ca 2:14—“Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”

 “Tôn vinh Đức Chúa Trời trên cao, bình an dưới đất cho người được ơn”.—Lu-ca 2:14, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.—Lu-ca 2:14, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Ý nghĩa của Lu-ca 2:14

 Những lời ngợi khen này, được các thiên sứ thốt lên vào thời điểm Chúa Giê-su sinh ra, cho biết rằng những ai đặt đức tin nơi Chúa Giê-su có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận và hưởng sự bình an.

 “Tôn vinh Đức Chúa Trời trên cao”. Qua những lời này, các thiên sứ nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời xứng đáng nhận được mọi sự vinh hiển. Những lời ấy cũng hướng sự chú ý đến việc sự ra đời của Chúa Giê-su và thánh chức của ngài trên đất sẽ góp phần rất lớn vào việc tôn vinh Giê-hô-va a Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Chúa Giê-su luôn quy cho Đức Chúa Trời những gì ngài dạy, như khi ngài nói: “Những gì tôi dạy không phải của tôi mà của đấng phái tôi đến” (Giăng 7:16-18). Khi Chúa Giê-su làm phép lạ, những người chứng kiến thường “tôn vinh Đức Chúa Trời” (Lu-ca 5:18, 24-26; Giăng 5:19). Ngay cả cái chết của Chúa Giê-su cũng góp phần tôn vinh Đức Chúa Trời. Điều đó mở đường cho việc Đức Chúa Trời hoàn thành ý định vĩ đại của ngài là khiến trái đất có đầy những người công chính và yêu chuộng sự bình an.—Sáng thế 1:28.

 “Bình an dưới đất”. Sự bình an này bao hàm nhiều hơn là chỉ không có chiến tranh. Nó bao gồm sự bình an, hay sự bình an nội tâm, mà chỉ có được khi một người được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nhờ Chúa Giê-su, loài người có thể hưởng mối quan hệ hòa thuận này với Đức Chúa Trời (Gia-cơ 4:8). Là Vua của Nước Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su sẽ mang lại sự bình an trọn vẹn và lâu dài cho toàn thể trái đất.—Thi thiên 37:11; Lu-ca 1:32, 33.

 “Người được ơn”. Những lời này đề cập đến những người được Đức Chúa Trời ban ơn vì có đức tin chân thật nơi ngài và đấng mà ngài đã phái đến là Chúa Giê-su. Câu này không nói đến việc Đức Chúa Trời ban ơn cho toàn thể nhân loại bất kể những thái độ và hành động của họ, cũng không nói đến người thiện tâm. Một số bản dịch Kinh Thánh, chẳng hạn như Bản Truyền thống, dịch cụm từ này là “ân trạch cho loài người”. Tuy nhiên, những bản chép tay tiếng Hy Lạp đáng tin cậy và cổ xưa hơn ủng hộ cách dịch của Bản dịch Thế Giới Mới và nhiều bản dịch hiện đại khác trong việc truyền tải ý tưởng là bình an cho những người được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Xem “ Lu-ca 2:14 trong những bản dịch khác”.

Văn cảnh của Lu-ca 2:14

 Lu-ca chương 2 tường thuật về những năm đầu khi Chúa Giê-su ở trên đất với tư cách là người. Không lâu sau khi sinh ra, một thiên sứ đã hiện ra với những người chăn cừu “sống ngoài đồng, thức suốt đêm canh giữ bầy của mình” b (Lu-ca 2:4-8). Thiên sứ báo “tin mừng mang lại niềm vui lớn” khi nói với những người chăn cừu: “Hôm nay trong thành của Đa-vít có một đấng cứu rỗi được sinh ra cho các anh, ngài là Chúa Ki-tô” (Lu-ca 2:9-11). Những người chăn cừu được cho biết nơi họ có thể tìm thấy em bé mới được sinh ra, và rồi họ được chứng kiến muôn vàn các tạo vật thần linh ngợi khen Đức Chúa Trời. Khi đến Bết-lê-hem, những người chăn cừu tìm thấy Ma-ri và Giô-sép cùng với em bé Giê-su (Lu-ca 2:12-16). Sau khi kể lại những điều kinh ngạc đã thấy, những người chăn cừu trở về trông bầy đàn của mình, họ “tôn vinh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã thấy và nghe”.—Lu-ca 2:17-20.

 Lu-ca 2:14 trong những bản dịch khác

 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người được ơn”.—Lu-ca 2:14, Đặng Ngọc Báu.

 “Vinh danh Thánh Chúa trên trời, hòa bình dưới thế cho kẻ làm vui lòng Ngài”.—Lu-ca 2:14, Bản Phổ Thông.

 “Vinh danh Thượng Đế trên trời. Bình an dưới đất cho người Ngài thương”.—Lu-ca 2:14, Bản Dịch Mới.

 Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Lu-ca.

a Giê-hô-va là tên riêng của Đức Chúa Trời (Thi thiên 83:18). Xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.

b Việc những người chăn cừu ở ngoài đồng cả đêm cho thấy những sự kiện này đã không diễn ra vào mùa đông. Để biết thêm, xin đọc bài “Khi nào Chúa Giê-su được sinh ra?”.