Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Giê-rê-mi 11:11—“Ta sẽ giáng tai họa trên chúng”

Giê-rê-mi 11:11—“Ta sẽ giáng tai họa trên chúng”

“Thế nên Đức Giê-hô-va phán như vầy: ‘Này, ta sắp giáng trên chúng một thảm họa không sao tránh khỏi. Chúng sẽ kêu cầu ta giúp đỡ nhưng ta sẽ không nghe’”.—Giê-rê-mi 11:11, Bản dịch Thế Giới Mới.

“CHÚA phán như vầy: ‘Này, Ta sẽ giáng tai họa trên chúng, chúng không thể tránh khỏi. Chúng sẽ kêu cầu Ta, nhưng Ta sẽ không nghe’”.—Giê-rê-mi 11:11, Bản Dịch Mới.

Ý nghĩa của Giê-rê-mi 11:11

 Đức Chúa Trời đang nói câu này với dân Do Thái sống vào thời của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Vào thời đó, dân chúng đã lờ đi những điều luật công chính của Đức Giê-hô-va a và sự sửa dạy yêu thương của ngài được ban qua các nhà tiên tri. Vì thế, ngài sẽ không bảo vệ họ khỏi những hậu quả đau thương mà đường lối xấu của họ gây ra.—Châm ngôn 1:24-32.

 “Thế nên Đức Giê-hô-va phán như vầy”. Từ “thế nên” liên kết các câu trước với những câu tiếp theo. Nơi Giê-rê-mi 11:1-10, Đức Giê-hô-va cho dân chúng biết rằng họ đã vi phạm giao ước, hay thỏa thuận ràng buộc, mà tổ phụ của họ đã lập với ngài (Xuất Ai Cập 24:7). Thay vì thờ phượng Đấng Tạo Hóa thì người Do Thái lại quay sang thờ tượng thần. Sự bội đạo này đã dẫn đến việc họ làm nhiều điều gian ác, thậm chí là dâng con tế thần!—Giê-rê-mi 7:31.

 “Này, ta sắp giáng trên chúng một thảm họa”. Thường thì, khi Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời làm điều gì đó, điều này có nghĩa là ngài cho phép điều ấy xảy ra. Điều này đúng như thế nào trong phần Kinh Thánh trên? Qua việc quay sang thờ các thần giả và lờ đi tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, họ đã tự chuốc lấy biết bao đau khổ. Họ cũng không còn được Đức Chúa Trời bảo vệ. Hậu quả là vua Ba-by-lôn, một kẻ thù hùng mạnh, đã chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt dân cư trong thành đi lưu đày. Các thần giả mà dân chúng tin cậy đã không thể giải cứu họ.—Giê-rê-mi 11:12; 25:8, 9.

 “Chúng sẽ kêu cầu ta giúp đỡ nhưng ta sẽ không nghe”. Đức Giê-hô-va không nghe lời cầu nguyện của những người mà ‘tay vấy đầy máu’ hoặc của những người tin cậy các thần giả để được giải cứu (Ê-sai 1:15; 42:17). Tuy nhiên, ngài nghe lời cầu nguyện của những người thật lòng ăn năn về đường lối sai trái và khiêm nhường trở về với ngài.—Ê-sai 1:16-19; 55:6, 7.

Văn cảnh của Giê-rê-mi 11:11

 Vào năm 647 trước công nguyên (TCN), Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Giê-rê-mi làm nhà tiên tri của ngài. Trong 40 năm, Giê-rê-mi cảnh báo dân Giu-đa về sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời. Nhưng họ không chịu nghe. Trong thời gian đó, nhà tiên tri này đã viết những lời nơi Giê-rê-mi 11:11. Cuối cùng, vào năm 607 TCN, những lời cảnh báo mang tính tiên tri ấy đã ứng nghiệm khi Ba-by-lôn hủy diệt Giê-ru-sa-lem.—Giê-rê-mi 6:6-8; 39:1, 2, 8, 9.

 Sách Giê-rê-mi cũng chứa đựng một thông điệp mang hy vọng. Đức Giê-hô-va phán: “Mãn 70 năm ở Ba-by-lôn, ta sẽ… thực hiện lời hứa bằng cách đem các con về quê hương” (Giê-rê-mi 29:10). Đức Giê-hô-va đã “thực hiện lời hứa” đó vào năm 537 TCN, sau khi Mê-đi và Ba Tư chinh phục Ba-by-lôn. Đức Giê-hô-va cho phép dân ngài, là những người sống rải rác trên khắp đế quốc Ba-by-lôn, trở về quê hương và khôi phục sự thờ phượng thanh sạch.—2 Sử ký 36:22, 23; Giê-rê-mi 29:14.

 Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Giê-rê-mi.

a Tên riêng của Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch là Giê-hô-va trong tiếng Việt. Để biết lý do nhiều bản dịch Kinh Thánh dùng tước vị “Chúa” thay vì danh riêng của ngài, xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.