Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Khi con muốn tự tử

Khi con muốn tự tử

 Trong những năm gần đây, tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên đã gia tăng đến mức báo động ở một số nước. Tại sao lại như thế? Con bạn có đang có ý nghĩ đó không?

Trong bài này

 Con cái và vấn nạn tự tử—Tại sao cha mẹ nên quan tâm?

 Từ năm 2009 đến năm 2019, tại Hoa Kỳ, số học sinh trung học có triệu chứng trầm cảm đã tăng 40 phần trăm. Tỉ lệ tự tử cũng gia tăng trong khoảng thời gian đó. a

 “Thế hệ trẻ thời nay đang phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có… Những vấn đề này tác động khủng khiếp đến sức khỏe tâm thần của họ”.—Theo ông Vivek H. Murthy, người đứng đầu cơ quan y tế của Hoa Kỳ.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Tinh thần suy sụp làm sức hao mòn”.—Châm ngôn 17:22.

 Làm sao biết con bạn đang có ý nghĩ tự tử?

 Hãy xem xét các yếu tố sau:

  •   Sự việc. Con bạn có trải qua chuyện đau buồn như bị từ chối, chia tay, thất bại trong việc gì đó hoặc mất một người thân yêu? Nếu thế, sự việc đó có ảnh hưởng đến con nhiều hơn bạn nghĩ không?

  •   Hành vi. Con bạn có đang xa cách bạn bè hay gia đình hoặc là mất hứng thú với những hoạt động mà con từng yêu thích không? Con bạn có tặng hết những đồ vật mà con yêu quý không?

  •   Lời nói. Con bạn có nói về cái chết hoặc nói những câu như: “Thà con đừng sống nữa thì tốt hơn”? Con có nói là không muốn trở thành gánh nặng cho bạn không?

     Dĩ nhiên, một số câu nói chỉ là “thiếu suy nghĩ” (Gióp 6:3). Nhưng một số khác có thể hàm ý là con đang kêu cầu sự giúp đỡ. Vì vậy, đừng bỏ qua bất cứ điều gì mà con nói về việc không muốn sống nữa.

 Nếu con nói là nghĩ đến việc tự tử thì bạn có thể hỏi: “Con có nghĩ tới thời điểm hay cách thức mà con sẽ làm điều đó không?”. Câu trả lời của con sẽ cho bạn biết tình thế cấp bách đến mức nào.

 “Là cha mẹ, có thể chúng ta không muốn đặt câu hỏi cho con vì sợ nghe câu trả lời. Nhưng nếu những gì con nói ra là cảm xúc của con thì chẳng phải tốt hơn là cha mẹ nên biết sao?”.—Chị Sandra.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Ý định trong lòng người như nước ở giếng sâu; nhưng người thông sáng biết cách nào để múc nó lên”.—Châm ngôn 20:5, Đặng Ngọc Báu.

 Nếu con có ý nghĩ tự tử thì sao?

  •   Kiên nhẫn “múc” lòng con. Trước tiên, hãy khen con vì đã thành thật. Rồi bạn có thể nói: “Ba mẹ muốn hiểu những gì con đang phải trải qua. Hãy nói cho ba mẹ biết gần đây có chuyện gì xảy ra với con không?” hoặc “Con có thể cho ba mẹ biết cảm giác của con lúc này không?”.

     Hãy kiên nhẫn nghe con trả lời. Tránh khuynh hướng xem nhẹ cảm giác của con hay vội vàng đưa ra “giải pháp”.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận”.—Gia-cơ 1:19.

  •   Lập kế hoạch hành động. Giúp con xác định và viết ra những điều sau:

     Dấu hiệu cảnh báo. Những hoàn cảnh hay lối suy nghĩ nào thường thôi thúc con có ý nghĩ tự tử?

     Hoạt động hữu ích. Những hoạt động nào là hiệu quả nhất giúp con giảm căng thẳng và thay đổi suy nghĩ?

     Nguồn trợ giúp. Có nhóm người nào mà con bạn có thể tìm đến khi con cần sự giúp đỡ không? Nhóm này có thể bao gồm bạn, một người lớn đáng tin cậy khác, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, hoặc một tổ chức chuyên giúp đỡ những người có ý nghĩ tự tử.

    Lập kế hoạch hành động

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Kế hoạch người cần mẫn hẳn dẫn tới thành công”.—Châm ngôn 21:5.

  •   Luôn cảnh giác. Tiếp tục theo dõi tình hình, ngay cả khi con bạn có vẻ đã ổn hơn.

     “Khi con trai nói với tôi là cháu không còn ý định tự tử nữa, tôi tưởng vấn đề của cháu đã qua. Nhưng đó là sai lầm lớn. Có thể một người phải đối mặt với cơn khủng hoảng khác và lại có ý nghĩ tự tử, điều này có thể xảy ra khá đột ngột”.—Anh Daniel.

     Hãy giúp con ở tuổi thanh thiếu niên hiểu sự thật cơ bản về cảm xúc là chúng chỉ xuất hiện tạm thời. “Cảm xúc giống như thời tiết. Mưa là có thật và thật dại dột nếu chúng ta đứng dưới cơn mưa lớn và hành động như thể chẳng có mưa. Nhưng cũng thật dại dột nếu chúng ta cho rằng mặt trời sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại”, theo sách The Whole-Brain Child.

  •   Trấn an con. Hãy nói cho con biết là bạn yêu thương con và con luôn có sự hỗ trợ của bạn. Bạn có thể nói thêm: “Ba mẹ sẽ làm mọi điều có thể để giúp con vượt qua chuyện này”.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ”.—Châm ngôn 17:17.

a Đa số những người bị trầm cảm thì không tự tử. Tuy nhiên, phần lớn những người đã tự tử thì đang bị trầm cảm vào thời điểm đó.