Đi đến nội dung

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | Ê-LI-GIA

Ông bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

Ông bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

Ê-li-gia hay tin vua A-háp đã băng hà. Hãy hình dung nhà tiên tri cao tuổi này ngồi trầm ngâm vuốt râu, nhìn xa xăm, hồi tưởng về những thập niên đối đầu với vua độc ác ấy. Ê-li-gia đã chịu đựng biết bao thử thách! Ông bị hăm dọa, truy đuổi, thậm chí đối mặt với cái chết, tất cả đều do vua A-háp và hoàng hậu Giê-xa-bên. Vua không cản khi Giê-xa-bên ra lệnh giết hại nhiều nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Chỉ vì lòng tham, vua và hoàng hậu cũng lập mưu giết người ngay thẳng và vô tội là Na-bốt cùng các con trai ông. Thế nên, Ê-li-gia đã truyền cho A-háp lời phán xét của Đức Giê-hô-va dành cho vua và cả hoàng tộc. Giờ đây, lời ấy đã ứng nghiệm. Vua A-háp chết đúng như cách mà Đức Giê-hô-va báo trước.​—1 Các vua 18:4; 21:1-26; 22:37, 38; 2 Các vua 9:26.

Tuy nhiên, Ê-li-gia biết rằng ông phải tiếp tục bền chí chịu đựng. Giê-xa-bên còn sống và vẫn gây ảnh hưởng tai hại đến hoàng tộc và đất nước. Ông sẽ gặp những thử thách khác, và còn nhiều điều để huấn luyện bạn đồng hành cũng là người kế nhiệm mình. Giờ đây, hãy xem xét ba trong những nhiệm vụ cuối cùng của Ê-li-gia. Khi suy ngẫm làm thế nào đức tin đã giúp Ê-li-gia bền chí chịu đựng, chúng ta sẽ biết rõ hơn cách để củng cố đức tin của mình trong thời kỳ khó khăn này.

Phán xét vua A-cha-xia

Giờ đây con trai của A-háp và Giê-xa-bên là A-cha-xia làm vua nước Y-sơ-ra-ên. Nhưng ông không rút ra bài học từ sự dại dột của cha mẹ mà đi theo vết xe đổ của họ (1 Các vua 22:52). Như họ, ông theo đạo Ba-anh, là đạo khiến người ta làm những điều bại hoại như mại dâm ở đền thờ và thậm chí dâng con tế thần. Liệu có điều gì thay đổi được A-cha-xia để ông giúp dân chúng từ bỏ con đường vô cùng bất trung ấy?

Tai họa bất ngờ ập đến trên vua trẻ ngạo mạn đó. Ông ngã từ tấm lưới của phòng trên sân thượng và bị thương nặng. Dù tính mạng lâm nguy nhưng ông vẫn không tìm sự giúp đỡ từ Đức Giê-hô-va. Ông phái các sứ giả đến thành Éc-rôn của kẻ thù là dân Phi-li-tia để cầu hỏi thần Ba-anh-xê-bun xem mình sẽ hồi phục không. Đức Giê-hô-va không thể kiên nhẫn thêm. Ngài sai một thiên sứ đến bảo Ê-li-gia đi ngăn những sứ giả ấy. Nhà tiên tri bảo họ trở về truyền cho vua một thông điệp phán xét. A-cha-xia phạm tội trọng khi hành động như thể dân Y-sơ-ra-ên không có Đức Chúa Trời, nên ngài tuyên án rằng ông sẽ không bao giờ ra khỏi giường mà mình đang nằm.​—2 Các vua 1:2-4.

Vẫn chưa biết lỗi, vua lại hỏi: “Người đàn ông đã lên gặp các ngươi và nói những lời đó trông như thế nào?”. Khi các sứ giả miêu tả chiếc áo người ấy mặc, là kiểu áo giản dị của các nhà tiên tri, thì vua liền nói: “Đó là Ê-li-gia” (2 Các vua 1:7, 8). Hãy lưu ý, chỉ cần miêu tả chiếc áo giản dị của Ê-li-gia là người ta nhận ra ông ngay. Điều này cho thấy ông có đời sống bình dị, xoay quanh nhiệm vụ được giao. Thật khác xa A-cha-xia và cha mẹ ông ta, là những kẻ tham mê vật chất! Gương của Ê-li-gia nhắc chúng ta nên làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là sống giản dị, giữ mắt tập trung vào những điều thật sự quan trọng.​—Ma-thi-ơ 6:22-24.

Rắp tâm trả thù, vua sai một người dẫn đầu với 50 lính đi bắt Ê-li-gia. Khi họ thấy Ê-li-gia đang “ngồi trên đỉnh núi”, * người dẫn đầu ra lệnh với giọng sỗ sàng: “Đức vua phán rằng: ‘Hãy xuống đây!’”, rất có thể là đưa ông đi hành quyết. Dù biết Ê-li-gia là “người của Đức Chúa Trời”, những tên lính này dám dọa nạt ông. Thật sai lầm! Ê-li-gia đáp với người dẫn đầu: “Nếu tôi là người của Đức Chúa Trời, nguyện lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt ông và 50 lính của ông”. Đức Chúa Trời bèn ra tay! “Lửa từ trời liền giáng xuống, thiêu đốt người ấy và 50 lính đi cùng” (2 Các vua 1:9, 10). Kết cục bi thảm này là lời cảnh báo rằng Đức Giê-hô-va không bỏ qua cho những kẻ khinh thường và đối xử tệ với tôi tớ ngài.​—1 Sử ký 16:21, 22.

Vua lại sai một người dẫn đầu khác với 50 lính đi gặp Ê-li-gia. Người thứ hai này còn bất cần hơn người trước. Thứ nhất, ông không rút ra bài học từ cái chết của 51 người đầu tiên, dù tro của họ có lẽ vẫn còn trên sườn đồi. Thứ hai, ông không chỉ nhắc lại lệnh xấc xược của người trước mà còn nói: “Mau xuống đây!”. Thật dại dột! Ông và lính của mình đã mất mạng giống như đội đầu tiên. Nhưng vua là kẻ ngang bướng hơn cả. Vua thản nhiên sai đội quân thứ ba đi. Lần này thì người dẫn đầu khôn ngoan hơn. Ông khiêm nhường đến chỗ Ê-li-gia, xin tha mạng cho mình và những người đi theo. Là người của Đức Chúa Trời, chắc hẳn cách phản ứng của Ê-li-gia thể hiện lòng thương xót của ngài. Thiên sứ của ngài bảo Ê-li-gia đi xuống cùng họ. Ông vâng lời và đến gặp vua để lặp lại thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va. Đúng như thông điệp ấy, A-cha-xia chết sau khi cai trị chỉ được hai năm.​—2 Các vua 1:11-17.

Ê-li-gia thể hiện lòng thương xót của Đức Giê-hô-va khi đối xử với người dẫn đầu khiêm nhường

Làm sao Ê-li-gia có thể bền chí chịu đựng khi xung quanh là những kẻ ương ngạnh và phản nghịch? Ngày nay, câu hỏi này vẫn đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đã bao giờ bạn buồn phiền vì một người mình quan tâm không chịu nghe theo lẽ phải mà khăng khăng đi theo con đường sai trái? Làm thế nào chúng ta có thể bền chí chịu đựng trước điều đó? Việc những người lính thấy Ê-li-gia trên đỉnh núi giúp tìm lời giải đáp. Chúng ta không biết rõ tại sao Ê-li-gia ở đó nhưng có lẽ ông tìm nơi yên tĩnh để đến gần Đức Chúa Trời yêu dấu, vì ông vốn là người có thói quen cầu nguyện (Gia-cơ 5:16-18). Chúng ta cũng nên thường xuyên dành thời gian cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời, dùng danh ngài và giãi bày mối âu lo phiền muộn. Làm thế, chúng ta sẽ được thêm sức để chịu đựng khi chứng kiến người xung quanh hành động bất cần và gây hại cho chính họ.

Chuyển giao nhiệm vụ

Đã đến lúc Ê-li-gia chuyển giao nhiệm vụ. Hãy lưu ý điều ông làm. Khi rời thành Ghinh-ganh, Ê-li-gia bảo Ê-li-sê ở lại còn ông sẽ đi một mình đến Bê-tên, cách đó khoảng 11km. Nhưng Ê-li-sê quả quyết: “Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống và thật như ông đang sống, tôi sẽ không lìa khỏi ông”. Vậy, họ cùng đi xuống Bê-tên. Đến nơi, Ê-li-gia bảo Ê-li-sê ở lại để ông đi một mình đến Giê-ri-cô, cách đó khoảng 22km. Ê-li-sê một mực đáp như lần trước. Rồi ở Giê-ri-cô, cảnh ấy diễn ra lần thứ ba, và Ê-li-sê vẫn cương quyết không lìa thầy! Thế là hai người đi tiếp đến sông Giô-đanh, cách đó khoảng 8km.​—2 Các vua 2:1-6.

Ê-li-sê đã thể hiện một đức tính quan trọng, đó là tình yêu thương thành tín. Đây là tình yêu thương mà Ru-tơ đã dành cho Na-ô-mi, là loại yêu thương gắn bó với đối tượng, không chịu tách rời (Ru-tơ 1:15, 16). Ngày nay hơn bao giờ hết, tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời đều cần thể hiện tình yêu thương thành tín. Bạn có thấy rõ tầm quan trọng của đức tính này giống như Ê-li-sê không?

Chắc chắn, Ê-li-gia cảm động trước tình yêu thương thành tín mà bạn đồng hành dành cho mình. Chính vì đức tính đó mà Ê-li-sê có đặc ân được chứng kiến phép lạ cuối cùng của Ê-li-gia. Bên bờ Giô-đanh, là con sông có những khúc nước sâu chảy xiết, Ê-li-gia lấy áo choàng đập trên nước. Tức thì nước rẽ ra! Cũng có “50 người thuộc các con trai của những nhà tiên tri” nhìn thấy phép lạ này. Hẳn họ thuộc một nhóm người ngày càng đông, được huấn luyện để dẫn đầu sự thờ phượng thanh sạch trong xứ (2 Các vua 2:7, 8). Có lẽ Ê-li-gia giám sát chương trình huấn luyện đó. Vài năm trước, ông từng nghĩ mình là người trung thành duy nhất còn sót lại. Nhưng Đức Giê-hô-va đã ban thưởng cho sự bền chí của ông, và giờ đây ông được chứng kiến số người thờ phượng ngài gia tăng.​—1 Các vua 19:10.

Vừa băng qua sông Giô-đanh, Ê-li-gia nói với Ê-li-sê: “Trước khi tôi được đưa đi, hãy cho tôi biết điều anh muốn tôi làm cho anh”. Ê-li-gia biết đã đến lúc phải đi, và ông không ghen tị với đặc ân và vinh dự đang chờ đón Ê-li-sê mà muốn làm hết sức để giúp người bạn trẻ của mình. Ê-li-sê chỉ xin một điều: “Xin cho tôi nhận hai phần thần khí của ông” (2 Các vua 2:9, chú thích). Ê-li-sê không có ý xin nhiều gấp đôi lượng thần khí thánh mà Ê-li-gia đã nhận. Ông đang xin phần thừa kế giống như con trưởng nam. Theo luật pháp, trưởng nam được chia phần lớn nhất, tức hai phần trong gia sản, để đảm đương vai trò mới là chủ gia đình (Phục truyền luật lệ 21:17). Là người kế nhiệm Ê-li-gia, dường như Ê-li-sê ý thức ông cần tinh thần can đảm như thầy mình để chu toàn nhiệm vụ.

Tuy nhiên, Ê-li-gia khiêm nhường thừa nhận chỉ có Đức Giê-hô-va mới có quyền ban điều này. Nếu ngài cho Ê-li-sê nhìn thấy cảnh Ê-li-gia được đưa đi thì nghĩa là lời ông xin đã được nhậm. Trong khi hai người bạn thân thiết “vừa đi vừa nói chuyện”, một điều kinh ngạc đã xảy ra!​—2 Các vua 2:10, 11.

Hẳn tình bạn giữa Ê-li-gia và Ê-li-sê đã giúp cả hai chịu đựng trong những lúc khó khăn

Trên trời xuất hiện một ánh sáng khác thường, càng lúc càng tiến gần. Bỗng nhiên có cơn bão nổi lên, rồi trong tiếng gió gào rít, một vật sáng rực phóng tới tách hai người ra, có thể vì họ hốt hoảng ngả ra phía sau. Vật đó là một cỗ xe sáng rực như lửa. Ê-li-gia biết đã đến lúc phải đi. Ông có lên xe không? Kinh Thánh không nói rõ. Nhưng dù thế nào, ông cảm thấy mình được nâng lên không trung, càng lúc càng cao, và được đưa đi trong cơn bão gió ấy!

Ê-li-sê sững sờ nhìn theo. Khi thấy cảnh tượng ấy, Ê-li-sê hiểu rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ông “hai phần” tinh thần can đảm của Ê-li-gia. Nhưng lúc này ông chưa nghĩ đến điều đó vì đang rất buồn. Ông không biết người bạn thân thiết của mình đi đâu và có ngày gặp lại không. Ông chỉ biết kêu lớn: “Cha ơi, cha ơi! Chiến xa và kỵ binh của Y-sơ-ra-ên!”. Ê-li-sê nhìn theo cho đến khi người thầy yêu dấu dần xa khuất cuối chân trời, rồi xé áo mình trong sự buồn bã.​—2 Các vua 2:12.

Về phần Ê-li-gia, ông có nghe thấy tiếng kêu não lòng của người bạn trẻ, và nghẹn ngào khi được đưa đi không? Chúng ta không rõ, nhưng hẳn ông trân trọng tình bạn ấy vì nhờ đó mà ông bền bỉ chịu đựng trong những lúc khó khăn. Hãy noi gương Ê-li-gia bằng cách xây dựng tình bạn với những người yêu mến Đức Chúa Trời và cố gắng làm theo ý muốn ngài!

Đức Giê-hô-va đưa Ê-li-gia đến nhiệm sở mới

Thi hành nhiệm vụ cuối

Ê-li-gia được đưa đi đâu? Một số tôn giáo dạy rằng ông lên trời để ở với Đức Chúa Trời. Nhưng điều đó là không thể, vì nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su cho biết chưa có người nào lên trời trước ngài (Giăng 3:13). Vậy, khi đọc “Ê-li-gia lên trời trong một cơn bão gió”, chúng ta cần đặt câu hỏi: Trời ở đây là gì? (2 Các vua 2:11). Từ “trời” trong Kinh Thánh không chỉ nói đến nơi Đức Giê-hô-va ngự mà cũng nói đến tầng khí quyển của trái đất, nơi mây trôi và chim bay (Thi thiên 147:8). Đây chính là “trời” mà Ê-li-gia được đem lên. Nhưng ông được đưa đi đâu?

Đức Giê-hô-va đưa nhà tiên tri yêu quý ấy đến nhiệm sở mới, là vương quốc Giu-đa kế cận. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta biết một thời gian sau, có lẽ hơn bảy năm sau, Ê-li-gia đang phụng sự ở đó. Người cai trị Giu-đa lúc bấy giờ là vua Giê-hô-ram độc ác. Ông lấy con gái của A-háp và Giê-xa-bên, vì thế ảnh hưởng tai hại của hai người ấy vẫn còn. Đức Giê-hô-va lệnh cho Ê-li-gia viết thư tuyên bố sự phán xét dành cho Giê-hô-ram. Đúng như được báo trước, Giê-hô-ram phải chịu cái chết khủng khiếp. Không những vậy, Kinh Thánh còn tường thuật: “Không ai thương tiếc khi ông chết”.​—2 Sử ký 21:12-20.

Ê-li-gia thì khác hẳn! Dù không rõ ông qua đời khi nào hoặc như thế nào, nhưng chúng ta biết ông không chết thảm như Giê-hô-ram, chết mà không ai thương tiếc. Hẳn Ê-li-sê đã thương nhớ thầy mình, và những nhà tiên tri trung thành khác cũng vậy. Đến khoảng 1.000 năm sau, Đức Giê-hô-va vẫn quý trọng Ê-li-gia vì ngài dùng hình ảnh của nhà tiên tri yêu quý này trong một khải tượng (Ma-thi-ơ 17:1-9). Hẳn bạn muốn noi gương Ê-li-gia và rèn luyện một đức tin có thể giúp mình bền bỉ chịu đựng thử thách. Vậy, hãy xây dựng tình bạn với những người yêu mến Đức Chúa Trời, có đời sống luôn xoay quanh việc phụng sự ngài và thường xuyên cầu nguyện từ đáy lòng. Làm thế, bạn cũng sẽ luôn được Đức Giê-hô-va yêu mến và nhớ đến!

^ đ. 6 Một số học giả cho rằng ngọn núi được đề cập ở đây là núi Cạt-mên, nơi mà vài năm trước đó Đức Chúa Trời giúp Ê-li-gia tiêu diệt những kẻ tiên tri của Ba-anh. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói rõ tên ngọn núi.