Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG

Ba câu hỏi đã thay đổi đời tôi

Ba câu hỏi đã thay đổi đời tôi
  • NĂM SINH: 1949

  • NƠI SINH: HOA KỲ

  • QUÁ KHỨ: TÌM Ý NGHĨA ĐỜI SỐNG

ĐỜI SỐNG TRƯỚC ĐÂY:

Tôi lớn lên ở Ancram, một thị trấn nhỏ thuộc miền bắc New York, Hoa Kỳ. Hầu như cả thị trấn toàn là trang trại nuôi bò sữa. Thật sự là trong thị trấn này, con bò còn nhiều hơn cả người.

Gia đình tôi đi nhà thờ duy nhất trong thị trấn. Vào sáng chủ nhật, ông nội thường đánh bóng giày cho tôi để tôi đến lớp giáo lý ngày chủ nhật, mang theo cuốn Kinh Thánh nhỏ màu trắng của bà nội. Chị em tôi được dạy là phải học hành siêng năng, giúp đỡ hàng xóm và biết ơn về những ân phước mình nhận được.

Đến khi trưởng thành, tôi ra ở riêng và làm giáo viên. Tôi có nhiều thắc mắc về Đức Chúa Trời và đời sống. Vài học trò của tôi rất thông minh. Những học sinh khác tuy không thông minh bằng các em kia nhưng lại siêng năng. Một số em bị tàn tật, còn những em khác thì rất khỏe mạnh. Tôi thấy thật bất công. Về những học sinh ít có khả năng như các học sinh khác, cha mẹ các em ấy thốt ra những câu đại khái như: “Chúa đã định cho con tôi như thế rồi”. Tôi băn khoăn tại sao Đức Chúa Trời lại để cho những trẻ sơ sinh bị tàn tật bẩm sinh. Suy cho cùng, chúng có làm gì nên tội đâu.

Tôi cũng thắc mắc: “Mình sẽ làm gì để đời sống có ý nghĩa?”. Tôi thấy đời mình trôi qua rất nhanh. Tôi lớn lên trong gia đình nề nếp, được học ở những trường tốt và làm công việc mình yêu thích. Nhưng quãng đời còn lại của tôi dường như trống rỗng. Điều tốt nhất mà tôi mong muốn là kết hôn, có nhà đẹp con xinh, tiếp tục làm việc cho đến khi về hưu, rồi cuối cùng vào viện dưỡng lão. Tôi băn khoăn phải chăng cuộc đời này chỉ có thế thôi sao.

CÁCH KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG:

Mùa hè nọ, tôi đi châu Âu cùng với một số đồng nghiệp. Chúng tôi đến tu viện Westminster ở Luân Đôn, nhà thờ Đức Bà Paris, thành Vatican ở Rome và nhiều nhà thờ khác. Đi đến đâu, tôi cũng hỏi về những thắc mắc của mình. Sau khi trở về nhà ở Sloatsburg, New York, tôi cũng đến nhiều nhà thờ nhưng không ai có thể trả lời cho tôi cách thỏa đáng.

Một ngày nọ, một học sinh 12 tuổi đến hỏi tôi ba câu hỏi. Thứ nhất, em hỏi tôi có biết em là Nhân Chứng Giê-hô-va không? Tôi nói “có”. Thứ hai, em hỏi tôi có muốn biết thêm về Nhân Chứng Giê-hô-va không? Tôi lại đáp “có”. Thứ ba, em hỏi tôi sống ở đâu? Khi cho em ấy địa chỉ, chúng tôi nhận ra là nhà tôi cũng gần nhà em. Tôi không ngờ rằng ba câu hỏi của em gái này đã thay đổi đời tôi mãi mãi.

Không lâu sau đó, em chạy xe đạp đến nhà tôi và bắt đầu học Kinh Thánh với tôi. Tôi hỏi em những câu mà tôi đã hỏi nhiều vị lãnh đạo tôn giáo. Khác với những người này, em đã dùng chính cuốn Kinh Thánh của tôi để cho thấy lời giải đáp rõ ràng và thỏa đáng, lời giải đáp trong Kinh Thánh mà tôi chưa bao giờ thấy!

Tôi vô cùng vui mừng và thỏa nguyện trước những gì mình học được từ Kinh Thánh. Tôi xúc động khi đọc câu Kinh Thánh nơi 1 Giăng 5:19: “Cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác”. Thật nhẹ nhõm khi biết rằng Sa-tan gây ra mọi đau khổ xung quanh chúng ta, chứ không phải Đức Chúa Trời, và ngài sẽ sửa chữa lại tình trạng này (Khải huyền 21:3, 4). Tôi khám phá ra là Kinh Thánh rất hợp lý khi được giải thích cách rõ ràng. Dù Nhân Chứng học Kinh Thánh với tôi chỉ mới 12 tuổi, nhưng tôi tin rằng sự thật vẫn là sự thật, dù người nói sự thật ấy là ai đi nữa.

Tuy nhiên, tôi muốn xem Nhân Chứng có giảng một đằng làm một nẻo hay không. Chẳng hạn, em gái ấy nhấn mạnh rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính thể hiện những đức tính như kiên nhẫn và tử tế (Ga-la-ti 5:22, 23). Tôi quyết định thử xem em ấy có thể hiện những đức tính này không. Một ngày nọ, tôi cố tình về nhà trễ để học Kinh Thánh. Tôi tự hỏi: “Em ấy có đợi mình không? Nếu có thì em có giận mình không?”. Khi quẹo vào lối để xe, tôi thấy em chờ tôi trước cửa nhà. Em chạy đến và nói: “Em định về báo cho mẹ biết để mẹ gọi đến bệnh viện và cảnh sát, xem cô có sao không vì cô chưa bao giờ học trễ như vậy. Em lo cho cô quá!”.

Vào dịp khác, tôi cố ý nêu lên một câu hỏi và nghĩ rằng một em gái 12 tuổi không thể nào trả lời được. Tôi muốn thử xem em có bịa ra câu trả lời không? Khi tôi nêu câu hỏi ấy, em nhìn tôi cách nghiêm nghị, rồi nói: “Câu này khó quá. Em sẽ ghi lại và hỏi cha mẹ em”. Đúng là lần học kế tiếp, em đã mang theo tạp chí Tháp Canh, trong đó có lời giải đáp cho câu hỏi của tôi. Chính điều này đã thu hút tôi đến với Nhân Chứng, ấn phẩm của họ giải đáp hết mọi thắc mắc của tôi và đều dựa trên Kinh Thánh. Tôi tiếp tục học Kinh Thánh với em gái ấy và một năm sau, tôi làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. *

LỢI ÍCH:

Cuối cùng tôi tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc của mình và muốn chia sẻ với mọi người (Ma-thi-ơ 12:35). Lúc đầu, gia đình tôi chống đối vì tôi theo niềm tin mới. Nhưng với thời gian, họ đã dịu lại. Vào cuối đời, mẹ tôi đã học Kinh Thánh. Dù mẹ chưa kịp làm báp-têm lúc còn sống nhưng tôi tin chắc rằng mẹ đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va.

Năm 1978, tôi kết hôn với anh Nhân Chứng tên Elias Kazan. Năm 1981, hai vợ chồng tôi được mời vào nhà Bê-tên Hoa Kỳ. * Buồn là anh Elias đã qua đời khi chúng tôi làm việc ở đó chỉ có bốn năm. Dù góa bụa nhưng tôi vẫn làm việc tại Bê-tên, nhờ vậy mà tôi có điều gì đó để tập trung và được an ủi phần nào.

Năm 2006, tôi tái hôn với anh Richard Eldred, một thành viên gia đình Bê-tên. Hai vợ chồng tôi tiếp tục vui mừng nhận đặc ân làm việc tại đây. Khi biết sự thật về Đức Chúa Trời, tôi thật sự cảm nghiệm rằng không những tôi tìm được lời giải đáp mình tìm kiếm bấy lâu nay, mà đời sống mình còn có mục đích thật sự—mọi thứ đều bắt đầu chỉ với ba câu hỏi của một em gái.

^ đ. 16 Tổng cộng, em gái này và các anh chị của em đã giúp năm giáo viên ở trường tìm hiểu Kinh Thánh và bắt đầu thờ phượng Đức Giê-hô-va.

^ đ. 18 “Bê-tên”, nghĩa là “nhà Đức Chúa Trời”, cụm từ mà Nhân Chứng Giê-hô-va dùng để mô tả các trụ sở chi nhánh trên khắp thế giới (Sáng-thế Ký 28:17, 19, cước chú). Thành viên gia đình Bê-tên đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhằm ủng hộ công việc giáo dục của Nhân Chứng Giê-hô-va.