Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | GIÔ-SÉP

“Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy?”

“Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy?”

Giô-sép hít thở không khí ngột ngạt và oi bức, cảm nhận được hương thơm của những bông hoa sen và các cây khác sống trong nước. Chàng bị những nhà buôn dẫn đi, lúc này đang đi ngang qua vùng trũng thuộc sông Ni-lơ rộng lớn. Hãy hình dung một đoàn người đàn ông dắt lạc đà dọc theo dòng nước hướng về phía một thành khác ở Ai Cập, thỉnh thoảng khiến một con diệc hoặc con cò đang lội phải giật mình cất cánh bay. Giô-sép hồi tưởng về ngôi nhà của mình ở vùng cao nguyên lộng gió của Hếp-rôn, cách xa hàng trăm kilômét. Giờ đây chàng đang ở một thế giới khác hẳn.

Hãy hình dung những con khỉ kêu không ngớt và thét lên từ trên đỉnh của những cây vả và cây chà là. Với Giô-sép, dường như cách nói chuyện của những người qua đường cũng vậy, chẳng hiểu gì cả. Có lẽ chàng đã cố gắng hiểu một vài từ hoặc vài câu. Học cũng tốt vì theo chàng nghĩ hẳn mình sẽ không bao giờ trở về nhà được nữa.

Giô-sép chỉ vừa mới lớn, khoảng 17 hoặc 18 tuổi, nhưng phải đương đầu với những thử thách dễ khiến người đàn ông trưởng thành lo sợ. Chính các anh của chàng, vì đã cạn tình với lòng ganh ghét bởi Giô-sép được cha yêu quý nhất, suýt nữa thì giết chết chàng. Thay vì làm thế, họ đã bán chàng cho những nhà buôn (Sáng-thế Ký 37:2, 5, 18-28). Sau chuyến đi kéo dài hàng tuần, hẳn những nhà buôn dần thoải mái hơn vì sắp đến thủ phủ lớn, nơi họ mong mỏi kiếm được khoản lợi nhuận khi bán Giô-sép cũng như các món hàng giá trị khác. Làm thế nào Giô-sép không cho phép sự tuyệt vọng bám rễ trong lòng và tinh thần mình bị suy sụp? Ngày nay, làm sao chúng ta không để cho những thử thách và trở ngại trong cuộc sống hủy hoại đức tin của mình? Chúng ta học được nhiều điều từ gương của Giô-sép.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA “Ở VỚI GIÔ-SÉP”

“Giô-sép bị đem qua xứ Ê-díp-tô, thì Phô-ti-pha, người bổn-xứ, làm quan thị-vệ của Pha-ra-ôn, mua chàng nơi tay dân Ích-ma-ên đã dẫn đến” (Sáng-thế Ký 39:1). Chỉ bằng vài lời ấy, Kinh Thánh giúp chúng ta hình dung được sự tủi nhục của người thanh niên này khi bị bán làm nô lệ một lần nữa. Chẳng khác nào một thứ hàng hóa! Chúng ta có thể tưởng tượng Giô-sép đang theo người chủ mới, một quan thị vệ Ai Cập, đi xuyên qua những con đường tấp nập, đông đúc với nhiều cửa hàng, khi hướng về phía ngôi nhà mới của Giô-sép.

Nhà ư! Ngôi nhà khác xa so với những gì Giô-sép từng xem là nhà. Chàng lớn lên trong một gia đình du cư sống trong lều trại vì thường xuyên di chuyển và chăn những bầy chiên. Nơi đây, người Ai Cập giàu có như Phô-ti-pha sống trong ngôi nhà được phủ màu tươi sáng và tao nhã. Các nhà khảo cổ cho rằng những người Ai Cập cổ đại ưa chuộng các khu vườn sang trọng có tường bao quanh, trong đó gồm nhiều cây rợp bóng mát và hồ phẳng lặng với những cây cói, hoa sen và thực vật khác trồng được trong nước. Một số nhà nằm khuất trong các khu vườn, có cổng vòm để thưởng thức cơn gió nhẹ, những cửa sổ cao để thông gió và nhiều căn phòng, trong đó có phòng ăn lớn và khu vực dành cho người hầu.

Giô-sép có quá ấn tượng trước vẻ sang trọng đó không? Dường như là không. Nhưng hẳn là chàng cảm thấy đơn độc biết bao. Những người Ai Cập xa lạ với chàng về ngôn ngữ, trang phục, ngoại diện và trên hết là tôn giáo. Họ thờ các thần nhiều vô kể, thực hành ma thuật và điều huyền bí cũng như đam mê thái quá về cõi chết và thế giới bên kia. Dù vậy, có một điều giúp Giô-sép không bị hao mòn vì cô đơn. Kinh Thánh tường thuật Đức Giê-hô-va “ở với Giô-sép” (Sáng-thế Ký 39:2, Bản Dịch Mới). Chắc chắn Giô-sép dốc đổ lòng mình với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài” (Thi-thiên 145:18). Giô-sép đến gần Đức Chúa Trời qua cách nào khác?

Chàng trai trẻ không để mình bị rơi vào tuyệt vọng và ra sức làm việc hết khả năng. Thế nên, có nhiều lý do để chàng được Đức Giê-hô-va ban phước, và không lâu sau Giô-sép chiếm được cảm tình của chủ mới. Phô-ti-pha thấy người nô lệ trẻ tuổi ấy được Đức Giê-hô-va ban phước, Đức Chúa Trời của dân tộc Giô-sép, và những ân phước đó mang lại sự thịnh vượng cho nhà của người Ai Cập ấy. Giô-sép ngày càng được chủ quý trọng cho đến khi Phô-ti-pha giao hết của cải cho chàng trai trẻ tài năng này.—Sáng-thế Ký 39:3-6.

Giô-sép là gương mẫu nổi bật đối với người trẻ phụng sự Đức Chúa Trời ngày nay. Chẳng hạn, tại trường học, đôi khi người trẻ thấy mình trong một môi trường xa lạ, một thế giới đầy lôi cuốn với điều huyền bí và vùi đầu vào cái nhìn vô vọng, u ám về cuộc sống. Nếu đang trong hoàn cảnh đó, bạn hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không thay đổi (Gia-cơ 1:17). Đức Giê-hô-va vẫn cho thấy ngài ở với những người giữ trung thành và làm việc siêng năng để được ngài hài lòng. Đức Chúa Trời ban phước cho họ dồi dào, và cũng sẽ làm như thế với bạn.

Cùng thời gian đó, lời tường thuật cho biết Giô-sép đang trưởng thành. Người trẻ ấy trở nên một người đàn ông “đẹp và vạm vỡ”. Những lời này cho thấy mối nguy hiểm đang đến gần, vì món quà vẻ đẹp bề ngoài thường làm cho một người bị chú ý một cách không đúng đắn và ngoài ý muốn.

Vợ của Phô-ti-pha chú ý đến chàng Giô-sép trẻ tuổi có lòng trung thành

‘GIÔ-SÉP CHẲNG NGHE LỜI DỤ-DỖ’

Giô-sép quý trọng sự chung thủy, nhưng vợ của Phô-ti-pha thì không. Kinh Thánh cho biết: “Vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta” (Sáng-thế Ký 39:7). Giô-sép có bị sa ngã trước lời tán tỉnh táo bạo của người đàn bà ngoại giáo này không? Dù Kinh Thánh không nói nhưng cũng dễ đoán là Giô-sép có những đam mê, cảm xúc thông thường như các thanh niên khác. Hơn nữa, người đàn bà khó ưa này, vợ của vị quan giàu có đầy thế lực, chắc cũng xinh đẹp. Giô-sép có lý luận rằng chủ mình sẽ không bao giờ biết được không? Chàng có bị cám dỗ bởi nghĩ đến những lợi lộc về vật chất do quan hệ bất chính với bà không?

Thực tế, chúng ta không thể biết tất cả mọi điều diễn ra trong trí của Giô-sép. Nhưng chúng ta có thể biết rõ lòng chàng. Điều đó được phản ánh qua lời chàng đáp: “Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng-thế Ký 39:8, 9). Hãy hình dung chàng trai trẻ này nói những lời ấy với sự cương quyết mạnh mẽ. Chỉ nghĩ đến hành vi mà bà muốn chàng phạm tội cũng đủ làm Giô-sép đau lòng. Tại sao vậy?

Theo như Giô-sép nói, người chủ tín nhiệm chàng. Phô-ti-pha giao hết của cải trong nhà vào tay Giô-sép, ngoại trừ vợ của chủ. Làm sao Giô-sép có thể phản lại sự tín cẩn đó? Chàng ghét tư tưởng ấy. Nhưng có một điều chàng còn căm ghét hơn: tư tưởng phạm tội nghịch lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giô-sép đã học được nhiều điều từ cha mẹ mình về quan điểm của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân và sự chung thủy. Đức Giê-hô-va thiết lập hôn nhân đầu tiên và cho biết rõ quan điểm của ngài. Người nam và người nữ phải gắn bó với nhau, trở nên “một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24). Những người mưu tính để vi phạm giao ước hôn nhân có thể phải chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, những người có ý định xâm phạm đến vợ của Áp-ra-ham là bà cố nội của Giô-sép, và vợ của Y-sác là bà nội của Giô-sép, có nguy cơ gặp tai họa (Sáng-thế Ký 20:1-3; 26:7-11). Giô-sép đã học được bài học ấy và có ước muốn sống theo điều đó.

Vợ của Phô-ti-pha không thích những gì đã phải nghe. Hãy hình dung người nô lệ thấp hèn này từ chối bà, thực ra chàng cho rằng lời đề nghị của bà ta là điều “đại ác!”. Tuy nhiên, bà ta không bỏ cuộc. Có lẽ lòng kiêu hãnh lẫn cái tôi bị tổn hại khiến bà ta quyết tâm làm cho Giô-sép phải đổi ý. Bà ta lộ rõ tinh thần của Sa-tan, đối tượng từng cám dỗ Chúa Giê-su. Mưu đồ của Sa-tan cũng thất bại, và thay vì từ bỏ thì hắn chờ “dịp khác” (Lu-ca 4:13). Vì thế, những người trung thành cần kiên quyết và vững vàng. Đó là điều Giô-sép đã làm. Mặc dù tình huống này cứ diễn ra “hàng ngày”, nhưng chàng không lay chuyển. Kinh Thánh nói: ‘Giô-sép chẳng nghe lời dụ-dỗ’ (Sáng-thế Ký 39:10). Tuy nhiên, vợ của Phô-ti-pha là người đàn bà quyết dụ tình đến cùng.

Bà ta chọn lúc những người hầu ra ngoài hết. Bà ta biết rằng Giô-sép sẽ vào nhà trong để làm việc. Khi chàng vào, bà ta cố làm cho chàng sa bẫy. Chộp lấy áo khoác ngoài, bà nài nỉ lần cuối: “Hãy nằm cùng ta!”. Giô-sép phản ứng tức thì. Khi bị níu kéo, chàng thoát ra, nhưng bà ta nắm chặt áo chàng. Dù thoát được nhưng áo chàng nằm trong tay bà. Rồi chàng bỏ trốn!—Sáng-thế Ký 39:11, 12.

Chúng ta có thể nhớ lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hãy tránh khỏi sự gian dâm” (1 Cô-rinh-tô 6:18). Giô-sép quả là gương mẫu nổi bật cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô! Cuộc sống có thể khiến chúng ta tiếp xúc với những người không quan tâm đến tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải nhượng bộ trước ảnh hưởng sai trái. Bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải bỏ trốn.

Trong trường hợp của Giô-sép, ông phải trả giá đắt. Vợ của Phô-ti-pha muốn trả thù. Ngay lập tức, bà ta bắt đầu hét lên, triệu tập những người hầu trong nhà lại. Bà ta quả quyết Giô-sép đã cố gắng hãm hiếp bà và bỏ trốn khi bà hét lên. Bà ta giữ chiếc áo làm bằng chứng buộc tội và chờ chồng về. Khi Phô-ti-pha về, bà ta lặp lại lời dối trá ấy, hàm ý rằng lỗi là do chồng đã sai lầm mang một kẻ ngoại quốc về nhà. Phô-ti-pha phản ứng ra sao? Kinh Thánh nói ông ta “nổi giận phừng-phừng!”. Ông đã tống Giô-sép vào tù.—Sáng-thế Ký 39:13-20.

“NGƯỜI TA CỘT CHÂN NGƯỜI VÀO CÙM”

Thời nay, chúng ta biết chút ít về các nhà tù Ai Cập như thế nào. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của những nơi này, cấu trúc lớn có thành lũy với nhiều phòng nhỏ và địa lao cho tội nhân. Sau này, Giô-sép miêu tả nơi ấy với một từ theo nghĩa đen là “cái hố”, ám chỉ một nơi tối tăm và vô vọng (Sáng-thế Ký 40:15). Trong sách Thi-thiên, chúng ta biết là Giô-sép phải chịu thêm sự cực hình: “Chân người bị cùm đau đớn; cổ người phải đeo xiềng sắt” (Thi-thiên 105:17, 18, Bản Dịch Mới). Đôi khi người Ai Cập bắt tù nhân phải bị xích tay phía sau lưng từ khuỷu tay, những người khác thì đeo một vòng bằng sắt trên cổ. Giô-sép hẳn phải khổ sở biết bao trước sự ngược đãi như thế, trong khi chàng không làm gì đáng bị như vậy!

Hơn nữa, đây không phải là một thời gian ngắn. Lời tường thuật cho biết rằng Giô-sép “ở tù tại đó”. Chàng đã phải ở nơi khủng khiếp ấy trong nhiều năm *. Giô-sép không biết liệu mình có được thả tự do hay không. Khi những ngày đầu kinh hoàng ấy kéo dài hàng tuần, hàng tháng, làm thế nào Giô-sép giữ cho mình không bị rơi vào sự tuyệt vọng?

Lời tường thuật này cung cấp câu trả lời đầy an ủi: “CHÚA [Đức Giê-hô-va] ở với chàng, tỏ lòng nhân từ cùng chàng” (Sáng-thế Ký 39:21, BDM). Không có bức tường nhà tù, xiềng xích, bóng tối địa lao nào có thể ngăn cách tôi tớ của Đức Giê-hô-va khỏi tình yêu thương trung tín của ngài (Rô-ma 8:38, 39). Chúng ta có thể hình dung Giô-sép dốc đổ lòng đau đớn tột cùng với Cha yêu thương ở trên trời qua lời cầu nguyện, rồi sau đó nhận được sự thanh thản và bình an mà chỉ có “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” mới có thể mang lại (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4; Phi-líp 4:6, 7). Đức Giê-hô-va còn làm điều gì nữa cho Giô-sép? Kinh Thánh cho biết ngài tiếp tục ban cho Giô-sép “được ơn trước mặt chủ ngục”.

Những tù nhân hiển nhiên là được giao việc, và một lần nữa có nhiều lý do để Giô-sép được Đức Giê-hô-va ban phước. Chàng làm việc chăm chỉ, hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được phân công và trao hết những điều còn lại cho Đức Giê-hô-va. Nhờ Đức Giê-hô-va ban phước, Giô-sép chiếm được lòng tin và sự tôn trọng, như khi chàng làm việc cho nhà của Phô-ti-pha. Kinh Thánh nói: “Chủ ngục giao hết các kẻ tù trong tay Giô-sép, chẳng việc chi làm qua khỏi được chàng. Chủ ngục chẳng soát lại những việc đã ở nơi tay Giô-sép, vì có Đức Giê-hô-va phù-hộ chàng, xui cho việc chi chàng làm cũng được thạnh-vượng” (Sáng-thế Ký 39:22, 23). Thật an ủi biết bao khi Giô-sép biết rằng Đức Giê-hô-va đang chăm sóc mình!

Giô-sép làm việc siêng năng trong tù, và được Đức Giê-hô-va ban phước

Đôi khi chúng ta đối mặt với những khó khăn trong đời sống, thậm chí có lúc bất công, nhưng chúng ta có thể rút ra được bài học về đức tin của Giô-sép. Nếu tiếp tục đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, trung thành theo sự hướng dẫn của ngài, siêng năng làm điều ngài cho là đúng, sẽ có nhiều lý do để chúng ta được ngài ban phước. Trong trường hợp của Giô-sép, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chàng dồi dào hơn về sau, như chúng ta sẽ thấy trong các bài kế tiếp của loạt bài này.

^ đ. 23 Kinh Thánh cho biết Giô-sép chỉ khoảng 17 hoặc 18 tuổi khi mới vào nhà của Phô-ti-pha và ở đó cho đến khi trưởng thành, có lẽ là sau vài năm. Chàng được thả tự do khi 30 tuổi.—Sáng-thế Ký 37:2; 39:6; 41:46.