Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH NGHIỆM

Tìm được sức mạnh đằng sau sự yếu đuối

Tìm được sức mạnh đằng sau sự yếu đuối

Nhìn cơ thể yếu ớt 29 kg ngồi trên xe lăn, không ai nghĩ rằng tôi mạnh mẽ. Dù cơ thể dần dần suy yếu nhưng tôi tiếp tục “tiến bước” nhờ sức mạnh nội tâm. Hãy để tôi giải thích làm sao sức mạnh lẫn sự yếu ớt đã ảnh hưởng đến đời tôi.

Lúc bốn tuổi

Tôi nhớ về thời thơ ấu với những kỷ niệm êm đềm trong ngôi nhà tranh ở vùng quê miền nam nước Pháp, nơi cha mẹ tôi sinh sống. Cha làm cho tôi một cái xích đu, và tôi thích chạy quanh vườn. Vào năm 1966, Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà và trò chuyện rất lâu với cha tôi. Chỉ bảy tháng sau, cha quyết tâm trở thành Nhân Chứng. Không lâu sau, mẹ cũng làm thế, và họ nuôi dạy tôi trong bầu không khí gia đình ấm cúng.

Vấn đề của tôi nảy sinh không lâu sau khi chúng tôi trở về Tây Ban Nha, quê quán của cha mẹ. Tôi bắt đầu đau nhói ở hai bàn tay và mắt cá chân. Sau hai năm chạy chữa, chúng tôi tìm được một bác sĩ nổi tiếng chuyên về thấp khớp. Ông nghiêm nghị nói: “Quá trễ rồi!”. Mẹ tôi khóc. Những từ lạ như “bệnh mạn tính tự miễn” và “viêm khớp dạng thấp ở trẻ em” * vang lên trong căn phòng lạnh lẽo, ảm đạm. Dù là bé gái mười tuổi không hiểu biết nhiều, nhưng tôi biết đó là tin chẳng lành.

Bác sĩ đề nghị nên đưa tôi đi điều trị ở viện điều dưỡng dành cho trẻ em. Khi đến đó, vẻ u ám của tòa nhà làm tôi suy sụp tinh thần. Nội quy ở đấy nghiêm khắc: Các xơ cắt tóc tôi và cho tôi mặc một bộ đồng phục lỗi thời. Với đôi mắt đẫm lệ, tôi nhủ thầm: “Làm sao mình có thể chịu đựng cuộc sống ở đây chứ?”.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRỞ NÊN THẬT ĐỐI VỚI TÔI

Vì cha mẹ đã dạy tôi thờ phượng Đức Giê-hô-va nên tôi từ chối tham dự các nghi lễ Công giáo trong viện điều dưỡng. Các xơ thấy khó hiểu về sự từ chối của tôi. Tôi nài xin Đức Giê-hô-va đừng bỏ rơi tôi, và chẳng bao lâu sau tôi cảm nhận vòng tay che chở của ngài, như cái ôm ấm áp của người cha yêu thương.

Cha mẹ được phép thăm tôi vào mỗi thứ bảy, chỉ được ít thời gian. Họ mang cho tôi các ấn phẩm Kinh Thánh để tôi đọc hầu giữ đức tin mạnh mẽ. Trẻ em thường không được giữ sách riêng,  nhưng các xơ cho phép tôi cất giữ các ấn phẩm chung với Kinh Thánh mà tôi đọc mỗi ngày. Tôi cũng nói với các bạn gái về hy vọng của tôi là được sống vĩnh cửu trong địa đàng, ở đó không còn ai bị bệnh (Khải huyền 21:3, 4). Dù đôi lúc buồn, cô đơn, nhưng vui là đức tin và lòng tin cậy của tôi nơi Đức Giê-hô-va càng vững mạnh hơn.

Sáu tháng ròng rã trôi qua, bác sĩ cho tôi về nhà. Bệnh tình của tôi không thuyên giảm, nhưng tôi cảm thấy vui vì được về nhà với cha mẹ. Các khớp của tôi biến dạng nhiều hơn, đau nhức nhiều hơn. Tôi bước vào ngưỡng cửa niên thiếu với một thể chất yếu ớt. Nhưng tôi làm báp-têm vào năm 14 tuổi, quyết tâm phụng sự Cha trên trời trong khả năng của mình. Tuy nhiên, đôi khi tôi cảm thấy thất vọng về ngài. Tôi cầu nguyện: “Sao lại là con? Xin Cha chữa lành cho con. Cha không thấy con đau đớn đến mức nào sao?”.

Đối với tôi, thời thanh thiếu niên là giai đoạn cam go. Tôi phải chấp nhận là sức khỏe mình không tiến triển. Tôi không thể không so sánh mình với các bạn, họ khỏe mạnh và hưởng thụ đời sống. Tôi cảm thấy thua kém, và thu mình vào vỏ sò. Tuy vậy, gia đình và bạn bè đã hỗ trợ tôi. Tôi trìu mến nhớ đến người bạn chân thật tên Alicia, hơn tôi 20 tuổi. Chị ấy giúp tôi có cái nhìn xa hơn và quan tâm đến người khác, thay vì cứ chăm chăm nghĩ đến vấn đề của mình.

TÌM CÁCH LÀM CHO ĐỜI TÔI ĐẦY Ý NGHĨA

Khi 18 tuổi, căn bệnh của tôi tái phát nặng hơn, ngay cả việc tham dự nhóm họp của tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng làm tôi kiệt sức. Dù vậy, tôi tận dụng mọi “thời gian rãnh” ở nhà để học kỹ Kinh Thánh. Sách Gióp và Thi-thiên giúp tôi hiểu rằng hiện nay, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chăm sóc chúng ta chủ yếu về mặt tâm linh hơn là thể chất. Việc đều đặn cầu nguyện giúp tôi có “sức lực hơn mức bình thường” và “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu”.—2 Cô-rinh-tô 4:7; Phi-líp 4:6, 7.

Lúc 22 tuổi, tôi phải chấp nhận việc gắn bó đời mình với chiếc xe lăn. Tôi sợ người ta không còn chú ý đến con người tôi nữa mà chỉ thấy chiếc xe lăn với một phụ nữ bệnh tật. Tuy nhiên, chính chiếc xe ấy đã giúp tôi lấy lại phần nào sự tự do, và “tai họa” này trở thành một ân phước. Một người bạn tên Isabel khuyến khích tôi đặt mục tiêu dành 60 giờ truyền giáo trong một tháng, đi cùng chị ấy.

Lúc đầu, tôi nghĩ ý tưởng ấy thật buồn cười. Nhưng tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp, và với sự hỗ trợ của gia đình cũng như bạn bè, tôi đã làm được. Tháng bận rộn ấy trôi qua nhanh chóng, tôi cảm thấy mình đã vượt qua nỗi sợ hãi và ngại ngùng. Tôi thích thú đến nỗi vào năm 1996, tôi quyết định làm tiên phong đều đều—dành ra 90 giờ mỗi tháng cho công việc truyền giáo. Đó là một trong những quyết định khôn ngoan nhất, thu hút tôi đến gần Đức Chúa Trời hơn và thậm chí làm tôi khỏe hơn. Tham gia công việc truyền giáo giúp tôi chia sẻ niềm tin với nhiều người và giúp một số người trở thành bạn của Đức Chúa Trời.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NÂNG ĐỠ TÔI

Mùa hè năm 2001, tôi bị tai nạn xe hơi và gãy cả hai chân. Nằm trên giường bệnh, chống chọi với cơn đau đớn tột độ, tôi khẩn thiết cầu nguyện thầm: “Đức Giê-hô-va ơi, xin đừng bỏ con!”. Ngay lúc ấy, một phụ nữ nằm gần hỏi: “Con là Nhân Chứng Giê-hô-va phải không?”. Tôi không còn sức để trả lời nên chỉ gật đầu. Bà ấy nói: “Cô biết Nhân Chứng Giê-hô-va! Cô thường đọc tạp chí của đạo con”. Những lời này an ủi tôi rất nhiều. Dù trong tình cảnh ấy nhưng tôi có thể làm chứng cho Đức Giê-hô-va. Thật hãnh diện biết bao!

Khi đỡ hơn một chút, tôi quyết định làm chứng nhiều hơn. Mẹ đẩy tôi đi xung quanh khuôn viên bệnh viện, hai chân tôi vẫn còn bị băng bột. Mỗi ngày, chúng tôi đến thăm vài bệnh nhân, hỏi thăm sức khỏe, và tặng họ một số ấn phẩm. Những cuộc thăm viếng này làm tôi mệt nhoài nhưng Đức Giê-hô-va ban cho tôi sức mạnh cần thiết.

Với cha mẹ, năm 2003

Trong vài năm vừa qua, tôi càng đau nhức nhiều hơn và nỗi đau nhân lên khi cha tôi qua đời. Dù vậy, tôi cố gắng giữ quan điểm tích cực. Bằng cách nào? Mỗi khi có thể, tôi cố gắng kết hợp với bạn  bè và người thân, điều này giúp tôi không nghĩ đến tình cảnh của mình nữa. Và khi ở một mình, tôi đọc, học Kinh Thánh hoặc rao giảng qua điện thoại.

Tôi thường nhắm mắt lại, mở rộng cánh “cửa sổ” riêng để vào thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa

Tôi cũng tự thưởng cho mình bằng các niềm vui nho nhỏ: những làn gió nhẹ mơn man trên da mặt hoặc ngửi hương hoa thơm ngát. Điều này cho tôi lý do để biết ơn. Tính khôi hài cũng giúp ích. Một ngày nọ, khi đi truyền giáo, người bạn đang đẩy xe lăn cho tôi ngừng lại để ghi chú điều gì đó. Đột nhiên, xe lăn lao xuống dốc và đụng vào chiếc xe hơi đang đậu. Cả hai chúng tôi đều hoảng hồn, nhưng khi thấy không có gì nghiêm trọng, chúng tôi cười vang.

Có nhiều điều trong đời mà tôi không thể thực hiện. Tôi gọi chúng là “chấp cánh những ước mơ”. Tôi thường nhắm mắt lại, mở rộng cánh “cửa sổ” riêng để vào thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa (2 Phi-e-rơ 3:13). Tôi hình dung mình khỏe mạnh, đi đây đi đó và hưởng thụ đời sống cách trọn vẹn. Tôi ghi nhớ lời của vua Đa-vít: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí!” (Thi-thiên 27:14). Dù thể trạng tôi ngày càng yếu ớt, nhưng Đức Giê-hô-va làm cho tôi mạnh mẽ. Tôi tiếp tục tìm thấy sức mạnh đằng sau sự yếu đuối của mình.

^ đ. 6 Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một loại viêm khớp mạn tính ảnh hưởng đến trẻ em. Hệ miễn dịch tấn công và tiêu hủy các mô lành, khiến các khớp đau buốt và sưng lên.