Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÍ QUYẾT GIÚP GIA ÐÌNH HẠNH PHÚC

Hạnh phúc với cuộc sống tái hôn

Hạnh phúc với cuộc sống tái hôn

ANH HERMAN *: “Sau 34 năm chung sống hạnh phúc, vợ tôi qua đời vì bệnh ung thư. Khi tái hôn, vợ mới của tôi là Linda cảm thấy tôi luôn so sánh cô ấy với vợ trước. Tệ hơn nữa, bạn bè cũ thường nhắc đến những đức tính tốt của người vợ trước, và điều này làm Linda buồn”.

CHỊ LINDA: “Sau khi anh Herman và tôi kết hôn, tôi cảm thấy mình sống dưới cái bóng của người vợ trước. Chị ấy rất dễ thương, dịu dàng và tế nhị. Ðôi lúc tôi thắc mắc, không biết có bao giờ mình gắn bó với anh như chị ấy không”.

Anh Herman và chị Linda rất hạnh phúc khi được đến với nhau. Chị Linda, đã ly dị chồng trước, gọi anh Herman là hiệp sĩ của lòng mình. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng cuộc sống tái hôn có thể mang lại những thách đố mà cuộc hôn nhân đầu chưa bao giờ gặp *.

Nếu đã tái hôn, bạn cảm thấy thế nào về cuộc hôn nhân mới? Một người vợ tên Thanh, sau khi ly dị được ba năm đã tái hôn, cho biết: “Khi kết hôn lần đầu, bạn có cảm giác đặc biệt là hôn nhân của mình sẽ hạnh phúc mãi mãi. Nhưng khi kết hôn lần hai, có lẽ cảm giác ấy không còn vì bạn luôn ý thức cuộc hôn nhân đầu đã tan vỡ”.

Dù vậy, nhiều cặp vợ chồng đã tìm được hạnh phúc êm đềm sau khi tái hôn. Họ vun đắp cuộc  hôn nhân thành công, và bạn cũng có thể như thế! Bằng cách nào? Hãy xem ba vấn đề thông thường và các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp thế nào *.

VẤN ÐỀ 1: PHẤN ÐẤU ÐỂ CUỘC HÔN NHÂN TRƯỚC KHÔNG ẢNH HƯỞNG ÐẾN HÔN NHÂN HIỆN TẠI.

Chị Ellen, sống ở Nam Phi, nói: “Tôi không thể xóa đi những hồi ức của cuộc hôn nhân đầu, nhất là khi chúng tôi đi du lịch đến những nơi mà chồng trước và tôi đã đến. Ðôi lúc tôi so sánh chồng mới với chồng trước”. Mặt khác, nếu người hôn phối đã từng kết hôn, có lẽ bạn bực tức khi người ấy thường nhắc đến cuộc hôn nhân đó.

Tạo những kỷ niệm mới sẽ giúp vợ chồng gắn bó nhau

GỢI Ý: Hãy thừa nhận rằng việc kỳ vọng bạn hoặc người bạn đời sẽ quên đi cuộc hôn nhân đầu là điều không thực tế, nhất là khi cuộc hôn nhân ấy kéo dài nhiều năm. Thật ra, một số người cho biết đôi khi họ vô tình gọi tên bạn đời mới bằng tên người cũ! Làm thế nào bạn có thể đối phó với tình huống này hoặc tình huống tương tự? Kinh Thánh khuyên hãy “biểu lộ sự đồng cảm”.—1 Phi-e-rơ 3:8.

Ðừng ghen tuông mà cấm người hôn phối nhắc đến cuộc hôn nhân đầu. Nếu người ấy cảm thấy cần nói về đời sống với vợ hoặc chồng trước, hãy lắng nghe với lòng thông cảm và trắc ẩn. Cũng đừng vội kết luận rằng mình đang bị so sánh. Anh Hưng, tái hôn cách đây mười năm, cho biết: “Vợ tôi là Khánh chưa bao giờ xem việc nói về vợ trước là điều cấm kỵ. Thay vì thế, cô ấy nghĩ đây là cách để hiểu rõ tôi hơn”. Có lẽ bạn nhận thấy những cuộc trò chuyện như thế sẽ giúp vun đắp tình nghĩa vợ chồng với người hôn phối mới.

Hãy tập trung vào các đức tính tốt và đặc biệt của người hôn phối hiện tại. Thật thế, so với người cũ, bạn đời mới có lẽ thiếu những đức tính và khả năng nào đó. Tuy nhiên, người này có thể nổi trội trong những lĩnh vực khác. Thế nên, hãy củng cố cuộc hôn nhân hiện tại, “không so sánh với người khác” qua việc suy ngẫm và quý trọng những điều khiến mình yêu người ấy (Ga-la-ti 6:4). Anh Edmond, đã tái hôn, nói: “Không có hai tình bạn giống nhau, nên hai cuộc hôn nhân cũng thế”.

Làm thế nào bạn không để những kỷ niệm đáng nhớ về cuộc hôn nhân trước ảnh hưởng đến người hôn phối hiện tại? Anh Jared nói: “Có lần tôi giải thích với vợ rằng hôn nhân trước của tôi ví như một cuốn sách hay mà tôi cùng vợ trước đã viết. Ðôi khi tôi có thể mở sách ấy và đọc, nhớ lại những kỷ niệm đẹp. Nhưng tôi không sống trong sách đó, vợ chồng tôi đang viết cuốn sách riêng, đây là nơi tôi đang sống hạnh phúc”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hỏi bạn đời xem có bao giờ cảm thấy khó xử khi có người nhắc đến cuộc hôn nhân đầu. Nhận ra lúc nào không nên nhắc đến điều này.

VẤN ÐỀ 2: PHẤN ÐẤU TIẾP XÚC VỚI BẠN BÈ CŨ CHƯA BIẾT NHIỀU VỀ NGƯỜI HÔN PHỐI MỚI.

Sau khi ly dị được sáu năm, anh Javier tái hôn. Anh cho biết: “Khoảng thời gian sau khi kết hôn, vợ tôi cảm thấy một số bạn của tôi đang ‘điều tra’ cô ấy”. Người chồng tên Leo đối mặt với tình huống khác. Anh kể: “Một số người nói với vợ tôi rằng họ rất thương và nhớ chồng trước của cô ấy, ngay trước mặt tôi!”.

GỢI Ý: Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của bạn bè. Anh Hưng, được đề cập ở trên, cho biết: “Tôi nghĩ, đôi lúc bạn bè cũ cảm thấy rất buồn và khó xử nếu tiếp xúc với chỉ một người, trước đó là một cặp mà họ biết đến”. Thế nên, “hãy phải lẽ, hết sức mềm mại với mọi người” (Tít 3:2). Cho bạn bè và gia đình thời gian để thích nghi. Vì cuộc hôn nhân đã thay đổi, nên tình bạn cũng có thể thay đổi. Anh Javier, được nhắc đến ở trên, nói rằng với thời gian, vợ chồng anh liên lạc với các bạn cũ. Anh cho biết  thêm: “Chúng tôi cũng cố gắng tìm bạn mới và việc này đã giúp chúng tôi”.

Hãy để ý đến cảm xúc của người hôn phối khi bạn dành thời gian cho bạn bè cũ. Chẳng hạn, nếu bất ngờ nhắc đến cuộc hôn nhân đầu, hãy tế nhị và suy xét để người mới không cảm thấy bị lạc lõng. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh viết: “Lời nói thiếu suy nghĩ như lưỡi gươm đâm thủng, nhưng lưỡi người khôn ngoan chữa lành” (Châm-ngôn 12:18, Bản Dịch Mới). Thật vậy, người khôn ngoan suy xét lời mình.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Nghĩ đến các dịp có thể khiến bạn hoặc người hôn phối thấy khó xử. Bàn bạc trước cách tốt nhất để trả lời các khúc mắc và nhận xét của bạn bè về cuộc hôn nhân đầu.

VẤN ÐỀ 3: PHẤN ÐẤU ÐỂ TIN CẬY NGƯỜI MỚI VÌ NGƯỜI CŨ KHÔNG CHUNG THỦY.

Anh An, người bị vợ trước bỏ rồi tái hôn với chị Trang, cho biết: “Trước đây, tôi sợ bị phản bội lần nữa và thường thắc mắc, không biết mình có tốt như chồng trước của Trang không. Thậm chí tôi đã lo cô ấy sẽ không hài lòng về tôi, rồi bỏ tôi để theo người khác”.

GỢI Ý: Ðừng ngại cho người hôn phối biết nỗi lo lắng của mình. Kinh Thánh nói: “Thiếu bàn luận các chương trình thường bị hỏng” (Châm-ngôn 15:22, Ðặng Ngọc Báu). Việc bàn luận đã giúp anh An và chị Trang tin tưởng nhau. Anh An cho biết: “Tôi bảo với Trang rằng, tôi sẽ không bao giờ xem việc ly dị là cách để thoát khỏi vấn đề, và Trang cũng đảm bảo như thế. Dần dần, tôi hoàn toàn tin cậy vợ mình”.

Nếu bạn đời hiện tại từng bị phản bội trong cuộc hôn nhân trước, hãy nỗ lực tạo lại lòng tin của người ấy. Chẳng hạn, cuộc hôn nhân trước của anh Michel cũng như chị Sabine bị đổ vỡ. Giờ đây, họ tái hôn và thỏa thuận với nhau là nếu có liên lạc với người trước thì sẽ cho người bạn đời hiện tại biết. Chị Sabine nói: “Nhờ cam kết này chúng tôi cảm thấy an toàn và yên tâm”.—Ê-phê-sô 4:25.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hãy đặt giới hạn về việc trò chuyện riêng với người khác phái, dù trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua mạng.

Nhiều người tái hôn đã tìm được hạnh phúc, và bạn cũng có thể như thế. Suy cho cùng, so với cuộc hôn nhân đầu, rất có thể giờ đây bạn hiểu rõ bản thân hơn. Anh An, được đề cập ở trên, cho biết: “Khi sống với Trang, tôi cảm thấy vô cùng an tâm. Sau 13 năm chung sống bên nhau, chúng tôi rất gắn bó, điều không bao giờ muốn đánh mất”.

^ đ. 3 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 5 Dĩ nhiên, cái chết của người hôn phối và việc ly dị khiến cuộc hôn nhân kết thúc theo hai cách khác nhau. Mục tiêu của bài này là giúp người đang gặp một trong hai tình huống trên có thể thành công trong cuộc sống tái hôn.

^ đ. 7 Ðể biết thêm thông tin về những thử thách trong việc nuôi dưỡng con riêng, xem bài “Vấn đề của gia đình có con riêng” trong số Tháp Canh ngày 1-5-2013, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

HÃY TỰ HỎI:

  • Mình đặc biệt quý những đức tính nào của người hôn phối?

  • Nếu bất ngờ nhắc đến cuộc hôn nhân đầu, làm thế nào mình có thể giúp bạn đời hiện tại cảm thấy an tâm và được tôn trọng?