Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Khi con nghi ngờ niềm tin của bạn

Khi con nghi ngờ niềm tin của bạn

Trong giai đoạn lớn khôn, nhiều người trẻ chọn theo đạo của cha mẹ (2 Ti-mô-thê 3:14). Tuy nhiên, một số em thì không như thế. Là bậc cha mẹ, bạn có thể làm gì nếu con bắt đầu nghi ngờ niềm tin của bạn? Bài này sẽ bàn về cách Nhân Chứng Giê-hô-va đối phó với vấn đề này.

“Em không muốn theo đạo của ba mẹ nữa. Em muốn bỏ đạo”.—Cora *, 18 tuổi.

Bạn tin rằng tôn giáo của bạn dạy sự thật về Đức Chúa Trời. Bạn cũng tin Kinh Thánh dạy bạn có lối sống tốt nhất. Vậy, việc bạn khắc ghi những điều đó vào lòng con là tự nhiên (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Nhưng nói sao khi con bạn đang ở tuổi vị thành niên không còn quan tâm đến những điều tâm linh? Nói sao nếu con bắt đầu nghi ngờ tôn giáo mà lúc nhỏ con thích thú tin theo?—Ga-la-ti 5:7.

Nếu điều đó xảy ra, đừng kết luận rằng bạn không làm tròn vai trò cha mẹ đạo Đấng Ki-tô. Như chúng ta sẽ xem xét, những yếu tố khác có thể liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: Cách bạn giải quyết nghi vấn của con có thể làm cho con chọn theo niềm tin của bạn hay lìa bỏ nó. Trong trường hợp này, nếu bạn tuyên chiến với con thì bạn đặt mình vào một cuộc chiến cam go, cuộc chiến mà gần như bạn sẽ thua.—Cô-lô-se 3:21.

Tốt hơn, bạn nên làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Tôi tớ của Chúa không cần phải cãi cọ, nhưng cần phải mềm mại với mọi người, có đủ tư cách để dạy dỗ, biết kiềm chế” (2 Ti-mô-thê 2:24). Vậy, nếu con nghi ngờ niềm tin của bạn, làm sao bạn có thể cho thấy mình “có đủ tư cách để dạy dỗ”?

Hãy suy xét

Trước tiên, hãy suy xét những yếu tố nào có thể góp phần khiến con bạn suy nghĩ như thế. Thí dụ:

  • Con có cảm thấy cô đơn và không có bạn trong hội thánh? “Vì em muốn có bạn nên kết thân với vài đứa trong trường. Điều này làm em không tiến bộ về tâm linh trong nhiều năm. Lý do chính khiến em không còn quan tâm đến những điều tâm linh là vì giao du với bạn bè xấu. Bây giờ em rất hối hận”.—Liên, 19 tuổi.

  • Con có thiếu tự tin, khó nói lên niềm tin của mình? “Lúc còn đi học, tôi ngại chia sẻ niềm tin với các bạn. Tôi sợ mấy đứa bạn xem tôi là kẻ lập dị hoặc ‘con chiên ngoan đạo’. Bất cứ đứa nào khác biệt đều bị tẩy chay, tôi không muốn bị như vậy”.—Huy, 23 tuổi.

  • Con có cảm thấy áp lực vì trách nhiệm phải sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh? “Em cảm thấy việc đạt được sự sống vĩnh cửu rất xa vời như thể ở trên bậc cao nhất của một cầu thang dài, mà em chưa bước lên được bậc thang nào. Em vẫn còn ở xa tít. Nỗi sợ bước lên các bậc thang đó lớn đến mức em nghĩ đến việc bỏ đạo”.—Renee, 16 tuổi.

Hãy trò chuyện

Nguyên nhân nằm sau vấn đề của con bạn là gì? Cách tốt nhất để biết là hãy hỏi con. Nhưng bạn nên cẩn thận, đừng để cuộc thảo luận biến thành cuộc tranh cãi. Thay vì vậy, hãy làm theo lời khuyên nơi Gia-cơ 1:19: “Phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận”. Vì thế, hãy kiên nhẫn với con. Hãy dùng “tất cả lòng kiên nhẫn và nghệ thuật giảng dạy”, giống như bạn đối xử với người ngoài.—2 Ti-mô-thê 4:2.

Chẳng hạn, nếu con bạn không chịu tham dự các buổi nhóm họp, hãy tìm ra có điều gì khác khiến con như thế. Hãy kiên nhẫn. Trường hợp sau đây cho thấy người cha không đạt được kết quả tốt.

Con: Con không thích đi nhóm họp nữa.

Cha: [lên giọng] Con nói không đi là sao?

Con: Con thấy đi nhóm chán phèo!

Cha: Con nghĩ vậy về Đức Chúa Trời sao? Con chán ngài luôn sao? Kệ con, khi còn sống trong ngôi nhà này, con phải đi nhóm họp, dù thích hay không!

Đức Chúa Trời đòi hỏi cha mẹ dạy dỗ con cái về ngài và con cái phải vâng lời cha mẹ (Ê-phê-sô 6:1). Tuy nhiên, bạn không muốn con đi nhóm họp vì bị ép buộc, nhưng muốn con làm thế vì yêu mến Đức Giê-hô-va và hiểu được tầm quan trọng của các buổi nhóm.

Bạn sẽ làm được như thế nếu nhận ra bất cứ nguyên nhân nào góp phần khiến con có thái độ đó. Hãy ghi nhớ điều này và xem cuộc đối thoại ở trên có thể được điều chỉnh tốt hơn như thế nào.

Con: Con không thích đi nhóm họp nữa.

Cha: [bình tĩnh] Sao con cảm thấy như thế?

Con: Con thấy đi nhóm chán phèo!

Cha: Ngồi một hoặc hai tiếng có thể rất chán. Con thấy điều gì khó nhất?

Con: Dạ con không biết nữa. Chắc là con thích ở nơi khác hơn.

Cha: Mấy bạn trong hội thánh cũng cảm thấy như thế chứ?

Con: Đây chính là vấn đề! Con không có bạn, thật ra là không còn bạn trong hội thánh nữa. Từ lúc bạn thân nhất của con chuyển đi nơi khác, con không có ai để nói chuyện! Ai cũng trò chuyện vui vẻ hết, còn con thì bị cho ra rìa!

Qua việc khuyến khích con nói ra vấn đề, người cha ở trường hợp trên không những hiểu được nguyên nhân của vấn đề (trong trường hợp này là cô độc) mà còn xây dựng được lòng tin nơi con. Nhờ thế, lần tới con sẽ thoải mái nói chuyện với cha về đề tài này.—Xem khung  “Hãy kiên nhẫn!”.

Với thời gian, nhiều người trẻ biết rằng nếu họ vượt qua được vấn đề khiến mình không tiến bộ về tâm linh thì họ thường có cái nhìn tốt hơn về bản thân về đạo của mình. Hãy trở lại trường hợp của anh Huy được đề cập ở trên, anh đã ngại cho bạn bè và thầy cô ở trường biết mình theo đạo Đấng Ki-tô. Nhưng rồi Huy nhận thấy việc nói lên niềm tin của mình không đáng sợ như anh tưởng, thậm chí khi bị chế giễu. Anh kể lại:

“Có lần một bạn nam ở trường đã chọc tôi vì đạo của tôi. Tôi rất căng thẳng và biết rằng cả lớp đều nghe hết. Rồi tôi chuyển hướng, hỏi lại bạn ấy về tôn giáo của bạn. Thật ngạc nhiên, bạn ấy còn căng thẳng hơn cả tôi! Lúc ấy, tôi mới biết là nhiều bạn trẻ có đạo, nhưng họ không hiểu gì về đạo của mình. Còn tôi thì ít ra có thể giải thích về niềm tin của mình. Thật ra, khi nói về đạo thì các bạn trong lớp mới là những người phải ngượng ngùng, chứ không phải tôi!”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hãy hỏi để con nói ra cảm nghĩ của mình về việc làm môn đồ Chúa Giê-su. Theo quan điểm của con bạn, có những lợi ích nào? Có những khó khăn nào? Lợi ích có nhiều hơn là khó khăn không? Nếu có thì như thế nào? (Mác 10:29, 30). Con bạn có thể viết ra suy nghĩ của mình vào một tờ giấy được chia thành hai cột. Cột bên trái là những khó khăn còn cột bên phải là những lợi ích. Việc thấy rõ suy nghĩ của bản thân sẽ giúp con bạn nhận ra vấn đề và tìm được giải pháp.

“Lý trí” của con

Cha mẹ và các chuyên gia nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa cách suy nghĩ của các em nhỏ và các em ở tuổi vị thành niên (1 Cô-rinh-tô 13:11). Các em nhỏ thường nghĩ cụ thể, rõ ràng còn các em ở tuổi vị thành niên có chiều hướng lý luận dựa vào những khái niệm trừu tượng hơn. Chẳng hạn, có thể dạy một em nhỏ rằng Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật (Sáng-thế Ký 1:1). Tuy nhiên, các em ở tuổi vị thành niên có lẽ băn khoăn với những câu hỏi như: “Làm sao mình biết có Đức Chúa Trời? Tại sao Đức Chúa Trời yêu thương lại cho phép có sự gian ác? Tại sao có thể nói Đức Chúa Trời luôn hiện hữu?”.—Thi-thiên 90:2.

Có thể bạn nghĩ rằng khi con đặt câu hỏi như thế thì đức tin của con đang suy yếu. Thật ra, điều đó cho thấy đức tin của con đang mạnh hơn. Trên thực tế, việc nêu lên câu hỏi có thể là bước quan trọng để một môn đồ Chúa Giê-su tiến bộ về tâm linh.—Công vụ 17:2, 3.

Hơn nữa, con bạn đang học cách vận dụng “lý trí” (Rô-ma 12:1, 2). Nhờ thế, con có thể hiểu được “chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu” của niềm tin đạo Đấng Ki-tô theo cách mà khi còn trẻ, con không hiểu được (Ê-phê-sô 3:18). Hơn bao giờ hết, đây là lúc giúp con lý luận về những gì con tin để con có đức tin vững chắc hơn.—Châm-ngôn 14:15; Công vụ 17:11.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Thảo luận lại những đề tài cơ bản mà có lẽ bạn và con xem là hiển nhiên. Chẳng hạn, hãy bảo con suy ngẫm những câu hỏi như: “Điều gì giúp mình tin rằng Đức Chúa Trời hiện hữu? Có bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến mình? Tại sao mình thấy vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời luôn là điều tốt nhất?”. Hãy cẩn thận để không ép con theo quan điểm của bạn. Thay vì thế, hãy giúp con củng cố niềm tin. Nhờ thế con sẽ tin chắc đạo của mình là tôn giáo thật.

“Giúp để tin”

Kinh Thánh cho biết chàng thanh niên Ti-mô-thê biết Kinh Thánh “từ thuở thơ ấu”. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê: “Hãy tiếp tục giữ những điều con đã học và được giúp để tin” (2 Ti-mô-thê 3:14, 15). Như Ti-mô-thê, con bạn chắc hẳn đã được dạy các tiêu chuẩn trong Kinh Thánh từ nhỏ. Tuy nhiên, giờ đây bạn cần giúp con để con tự củng cố niềm tin của mình.

Sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, tập 1, ấn bản 2011 (Anh ngữ) nói: “Chừng nào con ở tuổi vị thành niên còn sống chung nhà thì bạn còn có quyền đòi hỏi con phải vâng theo một nề nếp thờ phượng. Dù vậy, đến cuối cùng thì mục tiêu của bạn là khắc ghi vào lòng con tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời chứ không phải bắt con hành động một cách máy móc”. Khi giữ mục tiêu đó trong trí mình, bạn có thể giúp con “giữ vững đức tin” và rồi đó sẽ là lối sống của con, chứ không chỉ của bạn. *1 Phi-e-rơ 5:9.

^ đ. 4 Các tên trong bài đã được đổi.

^ đ. 40 Để biết thêm thông tin, xin xem Tháp Canh ngày 1 tháng 5 năm 2009, trang 10-12 và sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, tập 1, ấn bản 2011 (Anh ngữ), trang 315-318.

HÃY TỰ HỎI:

  • Tôi phản ứng ra sao khi con nghi ngờ niềm tin của tôi?

  • Tôi có thể dùng tài liệu trong bài này như thế nào để cải thiện cách cư xử với con?