Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Trò chuyện với con ở tuổi thanh thiếu niên

Trò chuyện với con ở tuổi thanh thiếu niên

“Trước đây vợ chồng tôi rất dễ nói chuyện với con, nhưng bây giờ cháu đã 16 tuổi, chúng tôi khó mà biết cháu đang nghĩ gì. Cháu thường tự cô lập mình trong phòng và ít khi nào nói chuyện với chúng tôi”.—CHỊ MIRIAM, Ở MEXICO.

“Các con của tôi đã từng rất thích thú nghe những gì tôi nói. Còn bây giờ, khi ở tuổi thanh thiếu niên, chúng lại nghĩ rằng tôi không hiểu được thế giới của chúng”.—ANH SCOTT, Ở ÚC.

Nếu đang có con ở tuổi thanh thiếu niên, bạn có thể đồng cảm với các bậc cha mẹ trên. Có lẽ trước đây, bạn có thể trò chuyện thông suốt với con giống như đang đi trên xa lộ hai chiều. Nhưng giờ đây, con đường ấy đã bị chặn lại. Một người mẹ ở Ý tên là Angela cho biết: “Khi còn nhỏ, con trai tôi thường đặt câu hỏi tới tấp. Nhưng bây giờ tôi mới là người phải bắt chuyện. Nếu tôi không làm thế, mỗi ngày sẽ trôi qua mà hai mẹ con không có cuộc trò chuyện ý nghĩa nào cả”.

Giống như chị Angela, có lẽ bạn nhận thấy rằng con mình một thời nói năng tíu tít giờ đây trở thành một thiếu niên khó chịu. Mọi nỗ lực để có một cuộc trò chuyện có thể chỉ được đáp lại bằng câu trả lời cụt ngủn. Bạn hỏi con trai: “Hôm nay con thế nào?”. “Bình thường”, con trả lời cộc lốc. Bạn hỏi con gái: “Đi học có gì vui không con?”. Con nhún vai: “Chẳng có gì”. Cố gắng khuyến khích con trò chuyện bằng cách hỏi “Sao con không nói gì nữa?” chỉ dẫn đến một sự im lặng đáng sợ.

Dĩ nhiên, một số thanh thiếu niên không thấy khó nói lên ý kiến của mình. Nhưng những gì các em nói không phải là điều cha mẹ muốn nghe. Một người mẹ ở Nigeria tên Edna nhớ lại: “Khi tôi nhờ con gái làm một điều gì đó, con tôi thường trả lời: “Mẹ để con yên đi” ”. Anh Ramón ở Mexico cũng gặp vấn đề tương tự với cậu con trai 16 tuổi. Anh kể: “Chúng tôi cãi nhau hầu như mỗi ngày. Mỗi khi nghe tôi nhờ làm một việc gì đó là con tôi viện cớ để từ chối”.

Cố gắng trò chuyện mà con không hưởng ứng là điều thử thách lòng kiên nhẫn của cha mẹ. Kinh Thánh cho biết: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế” (Châm-ngôn 15:22). Một người mẹ đơn chiếc ở Nga là chị Anna thừa nhận: “Khi không biết con đang nghĩ gì, tôi bực bội đến nỗi muốn hét lên”. Tại sao đúng vào lúc cần phải trò chuyện với nhau thì con cái và cha mẹ lại mất đi khả năng ấy?

Nhận ra các chướng ngại

Trò chuyện bao hàm nhiều hơn là chỉ nói. Chúa Giê-su cho biết “do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra” (Lu-ca 6:45). Vì thế, nhờ trò chuyện cởi mở, chúng ta có thể hiểu được người khác và bộc lộ chính mình. Đối với thanh thiếu niên, nói ra tâm tư tình cảm của mình là điều khó khăn, vì khi đến tuổi dậy thì, ngay cả đứa trẻ hoạt bát nhất cũng có thể đột nhiên trở nên rụt rè. Các chuyên gia cho biết phần lớn các thanh thiếu niên có cảm giác là mọi người đang soi mói chúng, như thể chúng đang đứng trước ánh đèn sân khấu. Thay vì đối mặt với ánh đèn ấy, có thể nói những em có tính nhút nhát đã hạ màn xuống, và lui vào một thế giới riêng mà cha mẹ khó có thể đến được.

Một chướng ngại khác của việc trò chuyện là các thanh thiếu niên muốn được độc lập. Đây là điều không thể tránh—con bạn đang trưởng thành, và một phần của tiến trình này liên quan đến việc rời khỏi gia đình. Nhưng điều này không có nghĩa là thanh thiếu niên đã sẵn sàng sống tự lập. Trong nhiều khía cạnh, các em vẫn cần cha mẹ hơn bao giờ hết. Dù vậy, tinh thần tự lập thường bắt đầu nhiều năm trước khi trưởng thành. Thí dụ, nhiều thanh thiếu niên thích tự suy nghĩ trước khi nói ra quan điểm của mình.

Phải thừa nhận là các thanh thiếu niên có thể không khép mình như thế với bạn bè. Đó là điều mà một người mẹ ở Mexico tên là Jessica nhận thấy. Chị nói: “Khi còn nhỏ, con gái tôi luôn luôn kể cho tôi nghe mọi vấn đề của cháu. Còn bây giờ thì cháu lại thích kể với bạn bè”. Nếu con bạn cũng thế, đừng kết luận rằng các em đã “sa thải” các ông bố bà mẹ. Trái lại, những cuộc thăm dò cho thấy rằng dù không thừa nhận nhưng các thanh thiếu niên xem trọng lời khuyên của cha mẹ hơn của bạn bè chúng. Tuy nhiên, làm thế nào bạn có thể bảo đảm rằng “con đường” của các cuộc trò chuyện giữa bạn với con luôn được thông suốt?

Bí quyết thành công: Phá vỡ các rào cản

Hãy hình dung bạn đang lái xe trên một xa lộ dài và thẳng tắp. Suốt nhiều cây số, bạn chỉ điều chỉnh tay lái một chút. Đột nhiên bạn gặp một khúc cua, và để xe có thể tiếp tục chạy trên đường, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc bẻ tay lái. Tình huống này tương tự như khi con bạn trở thành một thanh thiếu niên. Trong một vài năm, có lẽ phương pháp dạy dỗ của cha mẹ ít thay đổi. Nhưng giờ đây, cuộc đời của con bạn đang bước vào một giai đoạn mới, và bạn phải “bẻ tay lái” bằng cách điều chỉnh cách trò chuyện của mình. Bạn hãy tự hỏi những câu hỏi sau:

Khi con muốn tâm sự, tôi có sẵn sàng trò chuyện với con không?” Kinh Thánh nói: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời khác chi táo vàng trên đĩa bạc chạm trổ” (Châm-ngôn 25:11, Tòa Tổng Giám Mục). Như câu này cho thấy, thời điểm thường là bí quyết. Hãy xem minh họa này: Một người nông dân không thể vội vã hoặc trì hoãn thu hoạch mùa màng. Ông phải thu hoạch vào đúng thời điểm. Thanh thiếu niên cũng có lúc muốn được tâm sự. Đừng bỏ lỡ cơ hội đó. Một người mẹ đơn chiếc ở Úc là chị Frances cho biết: “Con gái tôi nhiều lần đến phòng tôi vào ban đêm, có khi ở đó cả tiếng đồng hồ. Tôi không phải là người thức khuya nên điều này không dễ cho tôi. Nhưng trong những đêm ấy, chúng tôi trò chuyện với nhau về mọi thứ”.

HÃY THỬ XEM: Nếu con bạn dường như không muốn nói chuyện, hãy cùng nhau làm một việc gì đó, chẳng hạn đi dạo, lái xe đi chơi, chơi trò chơi hoặc làm việc nhà. Những hoạt động như thế thường giúp các thanh thiếu niên cảm thấy dễ cởi mở hơn.

“Tôi có hiểu được cảm nghĩ nằm sau lời nói của con không?” Kinh Thánh nói nơi Gióp 12:11: “Tai ta chẳng nhận biết lời nói, như miệng nhận biết mùi vị thức ăn sao?” (Trịnh Văn Căn). Hơn bao giờ hết, bạn cần “nhận biết lời nói” của con. Thanh thiếu niên thường nói một cách khẳng định. Thí dụ, con bạn có thể nói: “Lúc nào ba mẹ cũng xem con là con nít!” hoặc “Ba mẹ chẳng bao giờ nghe con!”. Thay vì tranh cãi về cách dùng từ sai của con như “lúc nào” và “chẳng bao giờ”, hãy cố gắng hiểu con bạn không có ý nói như thế. Chẳng hạn, “Lúc nào ba mẹ cũng xem con là con nít” có thể có nghĩa là “Con thấy ba mẹ không tin con”, và “Ba mẹ chẳng bao giờ nghe con” có thể là “Con muốn nói cho ba mẹ biết con thật sự cảm thấy thế nào”. Hãy cố gắng nhận ra cảm nghĩ nằm sau lời nói của con bạn.

HÃY THỬ XEM: Khi con bạn nói những lời khẳng định như thế, hãy thử nói như sau: “Ba/mẹ có thể thấy con bực mình, và ba/mẹ muốn nghe con nói. Con cho ba/mẹ biết tại sao con cảm thấy ba/mẹ xem con là con nít”. Rồi hãy lắng nghe và đừng ngắt lời con.

“Tôi có vô tình cản trở việc trò chuyện bằng cách bắt buộc con cái phải nói không?” Kinh Thánh cho biết: “Bông-trái của điều công-bình thì gieo trong sự hòa-bình, cho những kẻ nào làm sự hòa-bình vậy” (Gia-cơ 3:18). Qua lời nói và thái độ, hãy “làm sự hòa-bình” để khiến con cái muốn nói chuyện với bạn. Hãy nhớ rằng bạn là người ủng hộ con. Thế nên, khi thảo luận về một vấn đề, đừng trở thành một ủy viên công tố tìm cách làm mất thể diện của nhân chứng trước tòa. Một người cha ở Hàn Quốc là anh Ahn cho biết: “Một bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ không nói: “Chừng nào con mới lớn được hả con?” hoặc “Ba mẹ đã bảo con bao nhiêu lần rồi?”. Sau nhiều lần phạm sai lầm trong khía cạnh này, tôi nhận thấy các con mình bắt đầu tỏ ra khó chịu không chỉ về cách tôi nói mà cả những điều tôi nói”.

HÃY THỬ XEM: Nếu con bạn không trả lời, hãy thử cách khác. Chẳng hạn, thay vì hỏi con về chuyện đã xảy ra trong ngày, hãy kể cho con nghe về chuyện của bạn và xem con phản ứng thế nào. Hoặc để biết quan điểm của con mình về một vấn đề, hãy hỏi những câu hỏi mà không nhắm vào con. Hãy hỏi xem một người bạn của con cảm thấy thế nào về vấn đề đó, rồi hỏi con sẽ khuyên bạn đó như thế nào.

Trò chuyện với con cái ở tuổi thanh thiếu niên không phải là điều không thể làm được. Bạn hãy thay đổi phương cách tùy theo nhu cầu của con. Hãy trò chuyện với các bậc cha mẹ khác đã thành công trong lĩnh vực này (Châm-ngôn 11:14). Khi nói chuyện với con, hãy “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Trên hết, đừng bao giờ từ bỏ nỗ lực nuôi dạy con cái bằng “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa”.—Ê-phê-sô 6:4.

HÃY TỰ HỎI:

  • Từ khi con bước vào tuổi thanh thiếu niên, tôi nhận thấy con mình có những thay đổi nào?

  • Tôi có thể cải thiện cách trò chuyện với con như thế nào?